Chúng ta thực sự phơi bày điều gì đằng sau chiếc mác “bóc phốt”?
Khi chúng ta chọn kể câu chuyện bí mật của người khác một cách công khai, chúng ta cũng chọn phơi bày một phần con người chính mình.
Nguồn:
Báo Pháp luật và bạn đọcTôi ấn tượng với câu mở đầu bài viết của một bạn trẻ thể hiện sự bức xúc với scandal “bóc phốt” Huỳnh Lập và người yêu - với câu quote từ một bộ phim nổi tiếng:
“Mỗi con người có 3 cuộc đời. Cuộc đời công khai. Cuộc đời cá nhân. Cuộc đời bí mật”.
Ba cuộc đời ấy, nếu có tồn tại, cũng phản ánh ba phần nhân cách con người: id (bản năng), ego (bản ngã) và superego (siêu ngã). Siêu ngã phù hợp với những chuẩn mực của xã hội - chúng ta công khai cuộc đời theo cách mà xã hội kỳ vọng. Bản ngã phù hợp với cuộc đời cá nhân - mỗi người lựa chọn một cuộc sống lý trí, phù hợp với suy nghĩ và nhận thức cá nhân về đúng sai. Và bản năng đôi khi phù hợp với một cuộc đời bí mật - những ham muốn trong mỗi người không thể công khai trước xã hội.
Nhiều điều nằm dưới “cuộc đời bí mật” thường không phải vấn đề vi phạm luật pháp mà đôi khi là các hành vi được xem như đi ngược chuẩn mực của đa số trong cộng đồng. Dù không có đánh giá đúng - sai cho những hành vi như vậy nhưng nó dễ tạo ra một cuộc “lên đồng” của dư luận, một phần vì người ta coi đó là những thứ lệch chuẩn, một phần người ta muốn lấp liếm những bản năng trong mình bằng cách đổ dồn sự chú ý lên bản năng của một người khác.
Dễ thấy, chúng ta phải để băng vệ sinh vào túi nilon đen cách đây chục năm khi đi mua hàng tạp hóa, phụ nữ không nói về thủ dâm vì nhiều người cho rằng đó là một điều sai trái và cũng không khó khi bắt gặp một phụ nữ mua bao cao su gặp phải ánh nhìn từ người xung quanh. Tình dục không bao giờ là điều dễ dàng để đưa lên cuộc đời công khai và sextext cũng không phải ngoại lệ.
Việc hai người trong một mối quan hệ mở có sự đồng thuận. Việc tình dục là vấn đề nên nằm trong “cuộc đời bí mật” có sự đồng thuận ngầm của xã hội. Nhưng việc tung những tin nhắn để “bóc phốt” một người hoàn toàn không có sự đồng thuận. Đó là một dạng revenge porn, là mở toang cửa cuộc đời cá nhân của người khác để cộng đồng bước vào khi chưa có sự cho phép và vô tình tạo ra những tổn thương kinh khủng trong cuộc đời họ.
Nhiệm vụ của người làm trong ngành nghệ thuật là tạo ra các sản phẩm nghệ thuật; họ không có trách nhiệm phải công khai hay kể cho bạn nghe về đời sống tình dục, những điều thuộc về cuộc đời bí mật. Đạo đức nằm ở trong đầu mỗi người chứ không phải dưới đũng quần một người đàn ông hay váy của một người phụ nữ.
Liệu mọi người có bao giờ tự hỏi, khi “bóc phốt” một ai đó và phanh phui cuộc đời bí mật của họ trên mạng xã hội, bạn đang thực sự phơi bày điều gì không?
Chúng ta đang phơi bày sự thật rằng bảng xếp hạng các quốc gia sử dụng mạng xã hội văn minh trên thế giới và Việt Nam chễm chệ trong top 5 là hoàn toàn không ngoa. Những bài đăng “bóc phốt” có tốc độ like, share chóng mặt, đi kèm bên dưới là rất nhiều bình luận thóa mạ, làm nhục công khai nạn nhân. Họ mong chờ điều gì từ những người nổi tiếng? Lên tiếng công khai xin lỗi vì sextext hay ở trong một mối quan hệ mở có sự đồng thuận? Thế kỷ 21 không giống như Salem ở thế kỷ 17, nơi người ta hỏa thiêu phù thủy. Đám đông giận dữ không vì công lý, vì đạo đức, họ chỉ cần một điều để tiêu khiển và chờ đến một đợt “bóc phốt” tiếp theo để thỏa sự chán chường của bản thân.
Một vụ “bóc phốt” phơi bày cả thói xấu của nhiều người, lấy nỗi đau của người khác niềm vui, làm trò tiêu khiển cho bản thân. Thế giới này đã phẳng hơn rất nhiều so với khi Thomas Friedman cho ra đời cuốn sách “Thế giới phẳng” cách đây hàng chục năm và bạn không thể biết những “bản năng” của mình có bị quay lại, chụp lại, lưu trữ ở một nơi nào để chờ ngày bị tung lên mạng xã hội. Nếu hôm nay nạn nhân không phải hai người nổi tiếng mà là bạn, câu chuyện sẽ ra sao?
Chúng ta có phơi bày được điều gì xấu xa, vô đạo đức của hai nạn nhân không? Có thể, nếu bạn coi đó là những điều xấu xa, trái với đạo đức. Nhưng nếu điều đó còn là một cuộc tranh luận, thứ rõ ràng hơn bạn có thể thấy là những bằng chứng của một cuộc tấn công mạng tập thể, vi phạm về quyền riêng tư, định kiến với cộng đồng LGBT. Nhìn xa hơn, bạn hiểu được người trẻ đang quan tâm tới vấn đề gì, để tâm đến việc nghệ sĩ nào bị bóc phốt, diễn viên nào trở thành vật tế thần tiếp theo và mạng xã hội đang nuôi dưỡng nhiều điều độc hại như thế nào.
Và tôi còn thấy tình dục sẽ vẫn là một đề tài nhạy cảm, đóng khép, nên nằm trong cuộc đời bí mật của mỗi người trong một xã hội vẫn tôn vinh, đề cao các giá trị tình dục truyền thống và mạt sát những hoạt động tình dục “lệch chuẩn”. Tình dục là câu chuyện cá nhân nhưng được phán xét bởi tập thể mà ở đó, sự đồng thuận không quan trọng bằng chuẩn mực trong tình dục.
Một vụ “bóc phốt” cũng cho người ta thấy tiêu chuẩn kép vẫn đang lập lờ trên mạng xã hội nhiều như thế nào. Phán xét hành vi của một người là vô đạo đức nhưng lại tiếp tay cho các hành vi xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, thóa mạ công khai, làm nhục tập thể, phản đối revenge porn nhưng lại hả hê khi một người bị lộ sextext.
Ai là nạn nhân, ai là hung thủ, và liệu chỉ có một hung thủ trong vụ việc không?
Tôi nghĩ rằng không.
Chúng ta biết chắc chắn rằng vụ việc này rồi sẽ qua, có thể chỉ sau 2 - 3 hôm khi khán giả lại quay cuồng với một vụ “bóc phốt” mới nhưng tất cả những hành vi, suy nghĩ đó vẫn sẽ tiếp diễn, từ một nạn nhân này qua nạn nhân khác. Đằng sau những chiếc mác “bóc phốt”, chúng ta phơi bày nhân cách chính mình nhiều hơn là những nạn nhân của mạng xã hội.
*Sextext: thuật ngữ dùng để chỉ việc nhận và gửi nội dung liên quan đến tình dục thường là tin nhắn hoặc hình ảnh khỏa thân hay liên quan đến tình dục.
*Revenge porn: thuật ngữ để chỉ việc trả thù (thường với người yêu cũ, người có quan hệ tình dục) bằng cách tung những hình ảnh, video, tin nhắn… với nội dung tình dục lên Internet và không có sự đồng thuận với mục đích tiêu cực như thóa mạ, làm nhục, bạo hành tinh thần nạn nhân.
Minh Nguyễn / Design: Mai Linh
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất