Mình lấy ảnh từ Comrade Commissar Ban đầu nhìn những phát ngôn này, mình thấy phẫn nộ, rồi thấy nó buồn cười. Giờ nhìn lại mình chỉ thấy buồn. Trong những cuộc tranh luận trên mạng, đặc biệt những bài bõ phốt, người ta thường thích mạt sát nhau để phân bại thắng thua. Đây là bài tâm sựu của mình, nên thay vì bảo những người có chung tư tưởng với cmt này là thành phần gì đấy, mình xin được nhìn họ với một sự dịu dàng hơn. Mình cho rằng những bạn này còn trẻ và chưa hiểu chuyện. Tại sao lại có thể gọi họ như vậy, mình xin được kể lại một câu chuyện cũ, cách đây khoảng chục năm khi mình còn học cấp 2. Khi ấy, Kpop bắt đầu bùng nổ với gen 2 và văn hóa thần tượng ra đời. Có một năm đề thi văn đại học yêu cầu thí sinh bàn luận về văn hóa thần tượng và gây nên một làn sóng phẫn nộ với cộng đồng fan Kpop lúc bấy giờ. Và mình cũng từng là một trong số những người cảm thấy phẫn nộ. Giờ nhìn lại, mình đã có một quan điểm khác về sự việc này, nhưng mình sẽ nói trong một bài viết khác. Với tâm lý nổi loạn tuổi dậy thì, quan điểm riêng chưa vững, chưa có nhiều (hoặc gần như là không có) kiến thức và trải nghiệm xã hội, thêm các tác nhân bên ngoài như tâm lý đám đông, sự dẫn dắt, chiêu trò truyền thông, mình thấy có cảm tình với một, hai anh ca sĩ hơn mảnh đất sinh ra và nuôi dưỡng mình lớn lên cũng là điều dễ hiểu. Áp lực học hành, cuộc sống bế tắc, gặp thần tượng và được họ giải trí, giải tỏa, mình có cảm tình với họ một cách dễ dàng. Tình cảm với quê hương đất nước thì tốn thời gian hơn và cần nhiều sâu sắc để hiểu hơn, nên nhiều khi chúng ta tưởng là mình không có, vì nó bình thường quá. Thần tượng thì mình có nhiều, còn quê hương thì chỉ có một. Sau đề thi năm đó gần chục năm, sự việc các sao Hoa Ngữ đồng loạt share lưỡi đường bò chơi chiêu truyền thông bẩn để tuyên truyền sai về chủ quyền quốc gia như một cái tát cho những công dân VN có văn hóa thần tượng. Văn háo thần tượng có một bước chuyển mới. Và từ sau chiến tranh, đến tận đầu năm 2020, đại dịch Covid bùng phát, thay đổi thế giới quan của rất nhiều người và trong đó có người VN và quan điểm về đất nước của họ: À, thì ra đất nước mình tuyệt với đến thế.
Lướt một số bài về lòng yêu nước, chủ quyền, lịch sử, mình lại nhớ đến ông ngoại. Ông từng là một người làm Cách Mạng. Ông mất từ khi mình còn khá nhỏ. Trong ký ức của mình, ông là người hiền hậu, râu tóc bạc phơ, thích làm vườn, hay mua kem khi đón mình đi học về. Có vài lần mình được đi cùng ông đến cuộc gặp mặt của hội cựu chiến binh. Lúc đó, ông mặc bộ quân phục và đeo huân chương thật bảnh và trang nghiêm. Hồi đó mình trẻ con, mình chỉ hiểu thế thôi. Chiến tranh trong cách hiểu của mình hồi đó là một chuyện gì đó kinh khủng, sự hiện hữu của nó mà mình có thể thấy là những chiếc huân chương và bằng khen mà ông ngoại có. Mình cũng có bằng khen (hsg) nên ông có huân chương là ông ngầu hơn mình rồi. Mỗi chiếc huân chương được đặt ngay ngắn trong một cái hộp vuông, nắp trong, đáy đỏ, lót một lớp nhung đỏ. Những cái hộp huân chương này lại được đặt ngay ngắn trong cái bàn kính tiếp khách của gia đình. Cái bàn kính lại được đặt ngay ngắn ở phòng khách trong nhà mình. rồi đến một ngày gia đình mình mua bộ bàn ghế khác, bàn kính được chuyển vào phòng ông mình. Khi ông đổ bệnh, chiếc bàn kính hỏng bị dỡ bỏ, những hộp huân chương được chuyển vào cất cẩn thận trong tủ quần áo của ông, cũng với những tờ báo văn nghệ, tập thơ hay kỷ vật kháng chiến khác. Suốt hồi đó mình đã nghĩ rằng, những cái huân chương này, cũng không khác gì món trang sức, thậm chí kém hơn: nhìn thì thấy hay ho, nhưng thực ra lại chả có ý nghĩa gì nhiều. Và hóa ra không phải mình mình nghĩ như thế. Một thời gian sau khi ông mất, gia đình mình dọn dẹp và chuyển nhà vài lần, những hộp huân chương cứ thế mất dần. Ban đầu chúng còn được giữ lại với tư cách là món kỷ vật để gia đình nhớ tới ông. Nôi đau dần nguôi ngoai, chúng bị rơi vào trong quên lãng. Gia đình mình vẫn nhắc về ông, về cuộc đời, sự nghiệp, về công việc ông làm, những thành tựu và phúc lợi sau này. Không ai nói về những tấm huân chương cả. Sau này mình gặp lại những chiếc huân chương tương tự ở đâu đó đã được cho đi, hoặc mua bán lại và trở thành vật trang trí cho concept kháng chiến xưa cũ.
Chúng ta cứ thốt ra dễ dàng những cụm từ như "xương máu ông cha", "những trang sử vàng", "quá khứ thương đau của dân tộc",... mà thực ra không hẳn cảm thấy gì khi nói vậy. Đảng đã lãnh đạo toàn dân đồng lòng đánh giặc/chiến thắng cuộc chiến là những ý nghĩa rập khuôn và có phần buồn cười khi đọc và học các bài in trong sgk. "Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước", nói vậy thôi, chứ thực sự thấy vậy, công nhân nó là như vậy thì không chắc. Khi còn đi học, đây là những cụm từ đao to búa lớn mình ghi vào trong bài văn viết để bôi ra cho nó dài và thêm vẻ sâu sắc, to tát cho bài viết. Nghĩ lại thấy khá là giả tạo, rập khuôn và ngớ ngẩn. Một lòng yêu nước nửa mùa.
"Ui làm giúp chị cái này, dễ ý mà" , "làm free cho anh cái kia, nhanh ý mà". Hiện tại, công sức và tâm huyết (dù là nho nhỏ) không được công nhận đã khiến chúng ta tức giận. Còn với những người từ bỏ mạng sống, lợi ích cá nhân, chịu dư chấn, tổn thương, mất mát quá lớn nhưng đã ở trong quá khứ thì "À, cũng đâu có gì đâu". Có thể do chiến tranh bi thương quá. Não bộ con người thường hay "xóa bỏ" những sự tổn thương để chúng ta sống tiếp. Đó là lý do mà lịch sử và chiến tranh tạm thời được xã hội cho vào quên lãng (?)
Thật là buồn khi những hào hùng một thời bị lãng quên như một lẽ tất yếu. Cuộc sống mong manh, một mai tất cả lại hóa thành cát bụi.
Những trang sử vàng nên được gấp lại, nhưng không phải để cất đi rồi lãng quên. Tạm gấp lại để chúng ta có động lực viết tiếp. Trang sử hiện tại sẽ chồng lên, đùm bọc lấy nỗi đau của trang sử quá khứ. Và những trang sử đã viết sẽ tiếp tục nâng đỡ và dệt nên câu chuyện của những trang viết tương lai.