Trong một podcast trên kênh Youtube của Lex Fridman, Demis Hassabis - nhà đồng sáng lập công ty trí tuệ nhân tạo nổi tiếng Deepmind và chủ nhân Giải Nobel Hóa học năm 2024 - từng nói rằng: "Một yếu tố quan trọng làm nên sự hấp dẫn của cờ vua nằm ở mâu thuẫn sâu sắc giữa quân Tượng và quân Mã. Chúng di chuyển rất khác nhau, chi phối cách triển khai thế trận của cả hai kỳ thủ theo những cách cũng rất khác nhau, nhưng không hiểu sao cờ vua vẫn có thể cân bằng sức mạnh hai quân về khoảng ba điểm trong đại đa số thế cờ"[1]. Quan điểm này mang lại trong tôi nhiều suy nghĩ, không phải là vì đây là cách Hassabis thuyết phục nhà đầu tư mạo hiểm Peter Thiel rót 2,25 triệu đô vào Deepmind, nguồn lực không nhỏ giúp công ty phát triển mạnh mẽ trước khi bị Google thâu tóm vào năm 2014 với cái giá hơn 500 triệu đô[2]. Là một người chơi cờ lâu năm, tôi buộc phải dừng lại và suy nghĩ về giá trị của những quân cờ quen thuộc đã chi phối cách nhìn nhận cuộc sống của mình bấy lâu nay.
Nguồn: Pinterest
Nguồn: Pinterest
Tuy nhiên, trước khi bước vào trả lời câu hỏi chính, tôi muốn nói qua về hành trình gắn bó với cờ vua của mình. Bố là người đầu tiên dạy cho tôi luật chơi cờ vua khi tôi lên lớp một, và ông cũng nghiễm nhiên trở thành đối thủ đầu tiên của tôi, một đối thủ đáng ghét khiến tôi hồi đấy bật khóc nức nở không biết bao nhiêu lần sau những thất bại bẽ bàng. Ông là một người có hiểu biết rộng, dù sự học bị bỏ ngỏ giữa chừng nhưng vẫn truyền nhiều cảm hứng cho tôi suy nghĩ và tìm hiểu về thế giới xung quanh, đặc biệt là về các môn trí tuệ như cờ vua. Nói vậy chứ, hồi ấy tôi cũng chỉ mới là một đứa con nít, khóc cho đã đời xong thì cũng quên hết mà tập trung vào những thú vui khác. Cả bố lẫn mẹ tôi đều tưởng cờ vua sẽ bị tôi gạt sang một bên và mau chóng quên lãng giống như những đứa trẻ đồng trang lứa khác... nhưng họ đã lầm. Có gì đó tồn tại ở bản chất cờ vua khiến tôi nán lại trong vô thức. Có gì đó dễ chịu trong cuộc vật lộn đau khổ nhích từng quân cờ một từ khai cuộc đến tàn cuộc cứ bám víu lấy tâm trí tôi không rời. Và có gì đó luôn chậm rãi lượn lờ trước mặt tôi sau mỗi trận khóc như mưa đã sớm đưa tôi ngộ ra rằng cờ vua không phải chỉ có kẻ thắng người thua. Cờ vua là một hiện thực trong chính cách nó miêu tả hiện thực, tất cả những khả năng mãi mãi chỉ ở trong đầu kỳ thủ cũng quan trọng không kém gì những nước đi mà khán giả được chiêm ngưỡng.
Đến năm lớp ba, tôi tham dự Hội khỏe Phù Đổng cấp trường ở bộ môn cờ vua. Các đối thủ ở vòng ngoài dễ hơn tưởng tượng, tôi tiến một mạch vào chung kết mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Nhưng đối thủ cuối cùng của tôi lại rất khó chịu, người nhỏ thó nhưng vẻ mặt lanh lợi, trên hết là đôi mắt sắc bén như có thể nhìn thấu tôi bất cứ lúc nào. Cộng với sự căng thẳng của việc bị mọi người vây quanh chúng tôi quan sát chỉ trỏ lầm bầm, tôi chứng kiến đối thủ lấy đi từng quân cờ của mình trong bất lực và cứ thế để thua một cách chóng vánh, hệt như cái cách bố thường hành hạ tôi. Nhưng tôi không khóc. Kể cả khi đối thủ là một thằng ngang tuổi và tôi chiến đấu vì danh dự lẫn tiền thưởng, tôi vẫn không khóc, thậm chí cất tiếng hỏi đối thủ xem tôi đã có thể làm tốt hơn ở nước đi nào. Chỉ khi thấy bóng dáng bố tôi đứng đợi ở cửa phòng thi, tôi mới không giấu nổi những giọt nước mắt. Lúc ấy trời đổ mưa tầm tã, bố lặng lẽ mặc áo mưa cánh dơi rồi choàng nửa vạt áo sau lên người tôi và chở tôi về nhà. Kể từ đó trở đi, cờ vua cùng lắm khiến tôi bực mình chứ không bao giờ làm tôi khóc được nữa. Những giọt nước mắt ngày ấy có cái mùi vị thật kỳ lạ, mùi vị của nỗi buồn man mác mà chúng ta hay gọi là "trưởng thành".
Viết đến đây, ắt hẳn có người sẽ liên tưởng đến câu chuyện của những vận động viên thể thao đứng dậy từ thất bại để vươn đến vinh quang... nhưng đừng kỳ vọng vào câu chuyện của tôi làm gì cho mệt. Về sau tôi vẫn tiếp tục chơi cờ và thi đấu, thậm chí còn đạt được huy chương vàng cấp tỉnh vào năm lớp mười hai (nếu không có Covid-19 thì rất có thể tôi đã được thi đấu quốc gia) hay chiến thắng cả bảy ván đấu để vô địch hội thao sinh viên cấp trường, nhưng nếu có một con đường lên chuyên nghiệp thì có lẽ nó đã khép lại với tôi cái ngày tôi thua ở trận chung kết năm lớp ba. Nếu bạn muốn thi đấu đỉnh cao thì bạn phải xuất phát từ rất sớm và chứng minh cho mọi người xung quanh thấy mình đáng để được đầu tư phát triển. Tôi không có cả hai thứ đó, chưa kể nhà tôi không phải là dạng khá giả và tôi không thể bắt bố mẹ mình tin vào một con đường thiếu ổn định như thế. Thế thì tại sao mãi về sau mà tôi vẫn có thể đạt được thành tích như kể trên? Tiếng Anh. Internet có thể chứa mênh mông tài nguyên, nhưng chỉ có tiếng Anh mới là công cụ mở khóa được những gì quan trọng nhất. Qua tìm hiểu bằng tiếng Anh, tôi nhận ra tầm quan trọng của việc nắm rõ một tập hợp những khai cuộc (người trong ngành hay gọi là repertoire), và những khai cuộc thích hợp nhất với lối chơi của tôi không phải là khai cuộc cổ điển như Ruy Lopez hay nặng về tính toán từng đường đi nước bước (tactical) như Fried Liver. Đại kiện tướng người Mỹ Sam Shankland, thần tượng của tôi, từng nói rằng nếu ta xếp khai cuộc trên một thang đo độ quyết liệt từ 1 đến 10, thì hãy chọn những khai cuộc khoảng 6 đến 7 điểm - dồn ép đối thủ ở mức vừa phải nhưng vẫn làm cho hắn nhận ra trận đấu đang nghiêng dần về phía của mình (strategic). Tôi ứng dụng triệt để triết lý ấy (đổi từ 1.e4 sang 1.d4 hay 1.c4) cũng như mối quan hệ sâu sắc giữa cái gọi là "tactical" và cái gọi là "strategic" để đạt được hiệu quả tối đa.
"Nếu cuộc đời này là một bàn cờ vua thì bạn sẽ là quân cờ nào?"
Trong chặng đường gắn bó với cờ vua đó giờ, nhiều lúc tôi không tránh khỏi những suy nghĩ bâng quơ xoay quanh câu hỏi trên. Tôi may mắn tìm được những khai cuộc có phong cách giống hệt tính cách của mình trong khi nhiều đối thủ của tôi ở các giải phong trào chắc còn chẳng biết đến cái tên của khai cuộc họ đang dùng lẫn khai cuộc mà tôi triển khai với họ, nhờ vậy mà tôi mới có được thắng lợi và trên hết là hiểu thêm về triết lý của mình, nhưng rốt cuộc tôi là quân cờ nào trên bàn cờ của chính mình? Với Hassabis, dường như quân Tượng và quân Mã là những quân quan trọng nhất, có khi những quy tắc khác của cờ vua được đặt ra là để bổ trợ cho mâu thuẫn cơ bản giữa hai quân cờ ấy. Thế còn tôi thì sao? Lạ lùng thay, tôi chưa bao giờ coi mình là một quân Vua, ngay cả trên bàn cờ của chính mình. Đúng là cái cách quân cờ này rất hay ngó trước nhìn sau và thường chỉ tham chiến vào giai đoạn tàn cuộc có nét gì đó hao hao với hình mẫu con người lý tưởng trong tôi, nhưng có phải nếu như không có sự hiện diện tôi thì bàn cờ cuộc đời này sẽ chấm dứt? Không hẳn. Cuộc đời của chúng ta giao thoa với cuộc đời của biết bao con người khác, kể cả khi nhân vật chính là bạn không còn tồn tại thì những gì bạn đã trải qua và để lại bằng cách này hay cách khác vẫn được nối dài trong tâm trí của những người quan tâm đến bạn. Có lẽ đó chính là cái thứ từng "chậm rãi lượn lờ trước mặt tôi" mà tôi đã nhắc tới ở phần đầu bài viết này... hoặc không. Duy chỉ có một điều chắc chắn là cờ vua đã dạy tôi rằng tôi không quan trọng đến vậy trong cuộc đời mình, và vẻ đẹp của hiện thực mà cờ vua vẽ ra trước mắt tôi chắc chắn không liên quan gì đến sự sống còn của quân Vua.
Nếu không phải là quân Vua, vậy thì Hậu, Tượng, Mã, Xe, tất cả những quân cờ có giá trị lớn hơn một cũng đều không phải quân cờ quyết định. Mỗi quân cờ này mang trong mình những sức mạnh đặc thù, hoặc là dịch chuyển xung quanh bàn cờ trong nháy mắt, hoặc là cùng anh em song sinh của mình chiến đấu quanh những khu vực nhất định. Thế nhưng, tôi thì không nghĩ rằng mình cũng có một "sức mạnh đặc thù", hay cái mà người ta thường gọi là "tài năng". Nó chỉ là một trong những cụm từ "bọc sau" mà chúng ta gán cho một người đã đạt được thành tích nào đó như một cách thuận tiện bao quát tất cả những nỗ lực mà họ đã phải bỏ ra, dù chúng ta thường chỉ là những kẻ đứng ở xa chứ không bao giờ tới gần để hiểu họ. Nếu tôi chiến thắng trong trận chung kết ngày ấy, liệu tôi có trở thành một "tài năng trẻ", một "thiên tài cờ vua", một "cao thủ nhí"? Không, cái đặc điểm chung của những cụm từ "bọc sau" kiểu này là luôn theo sau những tiêu chuẩn kệch cỡm, dễ dàng sụp đổ theo tình huống mà cái quá khứ vô danh của tôi sau thất bại là một ví dụ. Nhưng ngay cả khi "tài năng" của con người thật sự tồn tại, tôi vẫn không tin rằng nó quan trọng đến vậy trong cuộc đời mình. Cuộc đời tôi chứa đầy những mông lung, những mơ hồ, những nỗi buồn man mác như dư vị của buổi chiều mưa gió hôm ấy, đến mức tôi từng nghĩ rằng thuyết phục người nghèo nỗ lực để trở nên giàu hơn hay thuyết phục người giàu đóng góp cho xã hội có khi còn dễ hơn nhiều so với thuyết phục lượng lớn những con người bình bình như tôi đi theo bất kỳ một hướng nào. Thế mà những quân cờ cao lớn ấy di chuyển thật rõ ràng, dù không biết kết cục trận đấu ra sao nhưng vẫn duy trì cùng một cách sống từ đầu đến cuối. Tôi thấy chúng như dàn nhân vật chính của một câu chuyện xa xôi nào đó hơn là một con người có thật ngoài đời.
Thế cho nên, tôi không tin vào tài năng. Tôi tin vào tiềm năng, và nó nằm ở quân Tốt. Tuy vậy, tám quân Tốt trên bàn cờ, không phải quân Tốt nào cũng giống nhau. Có những quân Tốt cực kỳ quan trọng, điển hình như dàn Tốt đứng chắn trước mặt quân Vua đã được cho nhập thành với vai trò phòng thủ quan trọng đến nỗi bạn chỉ nên đẩy chúng lên trong những trường hợp thật sự cần thiết, hoặc như cặp tốt ở hai cột trung tâm định hình cách bạn triển khai ván đấu và thường được đẩy lên một ô hoặc thậm chí hai ô ngay từ những nước đầu tiên để mở đường cho tầm nhìn của Tượng và Hậu. Tuy nhiên, cũng có những quân Tốt không đóng vai trò quan trọng đến vậy, trái lại còn cản đường phát triển của các quân cờ khác như tốt chồng hai hay tốt chồng ba, hoặc trở thành điểm yếu cho đối thủ khai thác như tốt ngược (backward pawn) đứng dưới cùng trong mắt xích Tốt và đi lên thì bị quân Tốt đối phương ăn ngay lập tức. Tôi sẽ không đi sâu vào lý thuyết cấu trúc Tốt vì nó là một chủ đề dài cần đầu tư một bài viết khác, và cốt lõi ở đây vẫn là mỗi quân Tốt đóng một vai trò khác nhau trên bàn cờ. Không phải quân Tốt nào cũng có thể sống đến tàn cuộc để được phong cấp khi đặt chân đến hàng thứ tám. Nhưng nhiều khi quân Tốt cũng chẳng cần phải đến hàng thứ tám để chứng kiến thứ tiềm năng bên trong chúng được hiện thực hóa. Tốt nào đến hàng thứ sáu chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của toàn bàn cờ, và Tốt nào đến hàng thứ bảy chắc chắn sẽ trở thành nhân vật chính trong trận đấu đó. Tuy vậy, mọi đánh giá về mục đích của Tốt trước khi nó xuống hàng thứ tám chỉ là đánh giá một chiều, vì bản thân tiềm năng của nó cũng là một dấu hỏi lớn với chính nó và với những quân cờ khác. Đó cũng là cách tôi nghĩ về cuộc đời của mình. Tôi chẳng thể nào dự đoán được tương lai hay những khả năng bản thân có thể hóa thành, nhưng tôi vẫn tiến từng bước về phía trước một cách chắc chắn thay vì đổi làn liên tục và cứ thế lao đi trong mù quáng. Một quá trình trưởng thành từ tốn với những nước đi tưởng chừng như nhỏ bé lại trở nên quá đỗi cảm xúc trong mỗi lần hồi tưởng, chính đặc trưng ấy của quân Tốt đã khiến tôi tin vào vẻ đẹp của cờ vua, và của cuộc đời mình.
---//---
Nguồn tham khảo: