Những "Người kia" không hề ngu đâu!
Phải chăng chúng ta không phải lúc nào cũng đúng? Photo: beastfromeast/Getty Images Có một trò chơi thú vị mà tôi cùng nhóm...
Phải chăng chúng ta không phải lúc nào cũng đúng?
Thông thường sẽ có một người phản ứng kiểu như, “Trời ơi! Tao không ngờ mày là một trong số những người đó!” Câu này có thể được hiểu như, “Tao cứ tưởng mày cùng phe với tao!”
Về mặt tâm lý học, việc suy nghĩ rằng mọi người đều giống như chúng ta được gọi là “thiên kiến đồng thuận giả” (false-consensus bias). Thiên kiến này thường được thể hiện khi chúng ta xem các xếp hạng trên truyền hình (“Đời này còn ai lại đi xem phim NCIS thế?”) hay trong chính trị (“Tất cả mọi người tôi biết đều muốn chính sách kiểm soát súng nghiêm ngặt hơn! Mấy đứa điên nào lại phản đối thế?!”), hoặc trong mùa bầu cử (“Ai mà đi bỏ phiếu cho Ben Carson vậy?”).
Khi sử dụng Internet, chúng ta càng dễ bị che mắt bởi những ý kiến của bạn bè, hoặc rộng hơn là nước Mỹ. Theo thời gian, những suy nghĩ này biến thành một niềm tin trong tiềm thức rằng chúng ta và bạn bè của chúng ta ở cùng một chiến tuyến và những “người kia” là những kẻ đáng phải cười nhạo, những kẻ chẳng “biết” gì, và rõ ràng là không thông minh như “chúng ta”. Nhưng chính hành vi nghĩ-mình-thượng-đẳng này lại phản tác dụng. Nó sẽ khiến chúng ta trông thật bịp bợm và tự mãn. Bạn cần phải biết cách hạn chế điều này để có thể tranh luận công bằng hơn.
Những gì đang nổi lên trên mạng là một ví dụ điển hình nhất cho thiên kiến này. Mạng xã hội tạo ra một nơi mà rất nhiều người tin rằng tất cả mọi người đều chia sẻ thế giới quan của họ, rằng địa vị của họ đang tăng lên trong khi điều đó chẳng đúng. Nó giống như một chu trình được cài đặt sẵn vậy: Một sự kiện xảy ra, mọi người xung quanh bạn nháo nhào lên khi xuất hiện một nhóm những người mang những ý kiến trái chiều. Họ trở thành những “người kia”, bảo thủ, lạc hậu và ngu ngốc.
Fredrik deBoer, một trong những nhà văn yêu thích của tôi, đã đề cập đến điều này trong bài tiểu luận “Getting Past the Coalition of the Cool”. Anh ấy đã viết:
Internet đã khuyến khích mọi người xóa nhòa mọi ranh giới giữa đời sống công việc, đời sống xã hội và đời sống chính trị. “Này, cái người đã tweet về các chương trình truyền hình mà tôi thích cũng lên án sự bất công đấy”, mà lâu dần trở thành “Tôi có thể xác định được một đồng minh bằng các chương trình TV mà họ thích.” Việc bạn có thể tìm thấy nhiều yếu tố chính trị trong MV của Rihanna, mà chả có chứng cứ gì sất, khiến bạn nhìn những người cho rằng đó là một MV hoàn toàn bình thường là không đứng về phía bạn.
Khi ai đó lên tiếng rằng họ không “đứng về phía bạn”, phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là bỏ đi hoặc cho rằng họ thật ngu ngốc. Để cho rõ ràng, tôi không nói đến những kẻ buông lời độc ác, phân biệt chủng tộc, những kẻ hoàn toàn chẳng đáng để bạn bận tâm. Thay vào đó, tôi đề cập đến những người thực sự có niềm tin và chính kiến trái ngược với bạn về một vấn đề phức tạp. Và họ hoàn toàn có những lý do hợp lý, đáng được xem xét.
Đây không phải là một vấn đề “xuôi dòng chính trị”. Nó chỉ đơn giản là những ý kiến bạn không đồng tình đôi khi lại đúng. Chúng ta thường hay đánh đồng “người kia” như những bản thể vô tri thay vì là những con người thật sự.
Việc mở rộng góc nhìn và trí tò mò của bản thân phải chăng khó khăn hơn việc chia sẻ những đường link báo mạng như Slate, Daily Kos, Fox News, hay Red State. Các trang báo tồn tại hầu như chỉ để tạo nội dung được chia sẻ trong các cộng đồng bó hẹp, để chúng ta có thể cùng nhau gật gù và chế giễu đám “người kia”. Nhìn vào bọn họ kìa! Một lũ ngu ngốc và chẳng bao giờ nhìn ra được vấn đề!
Chia sẻ những bài viết mang nội dung nhạo báng bọn “người kia” cũng chẳng thể hiện được rằng chúng ta hiểu rõ vấn đề hơn. Nó nói lên một điều rằng chúng ta cũng chỉ là những kẻ thiển cận, không biết nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều. Chúng ta muốn được mọi người công nhận hơn thay vì để hiểu thêm về một góc nhìn mới.
Việc này không thể khiến bạn trở thành một con người ham học hỏi và năng nổ trong các hoạt động xã hội được. Bạn không thể tự cho mình là một con người đồng cảm, khi bạn lại coi thường và bác bỏ những ý kiến trái chiều.
Trên Twitter và Facebook, chúng ta thường ưu tiên chia sẻ những nội dung thu hút sự đồng tình của mọi người xung quanh, thay vì những điều đúng đắn. Chúng ta hay chia sẻ những nội dung một chiều, chia sẻ thông tin có chọn lọc hoặc những điều hoàn toàn sai trái. Thông tin sai lệch đang tràn lan đến mức Washington Post đã ngừng xuất bản chuyên mục kiểm tra sự thật trên Internet vì mọi người dường như không còn quan tâm đến sự thật nữa.
Ngày trước, để kiểm chứng thông tin nào đúng sai trên Internet, chúng ta phải bỏ thời gian nghiên cứu. Ngày nay, chỉ cần vài cái click chuột là có thể biết ngay. Bạn nghĩ rằng chỉ những người thiếu hiểu biết mới đi tin mấy cái tin giả. Không đâu nhé. Những tiêu đề như “Casey Anthony được tìm thấy chết trong xe tải” được lan truyền với tốc độ cực nhanh bởi những kẻ lấy nỗi đau của người khác ra làm niềm vui.Lượng tin giả đang ngày một tăng khiến nhiều người ngờ vực trước tất cả mọi thứ. Nhưng đồng thời, thiên kiến nhận thức cũng mạnh mẽ đến mức khiến những người thường xuyên tin vào những tin tức lừa đảo sẽ chỉ tiêu thụ những thông tin phù hợp với quan điểm của họ, ngay cả khi nó là tin giả.
Giải pháp là, như deBoer nói, “Bạn phải sẵn sàng rời bỏ cái hộp chật hẹp nhưng dễ chịu của mình và kết nối với những người không giống bạn.” Nói cách khác, bạn phải nhận ra rằng “người kia” chính là những con người thật sự, có lối tư duy và quan điểm sống riêng.
Nhưng tôi muốn mở rộng ra thêm nữa. Đối với bất kỳ vấn đề nào, bạn cần phải luôn tự hỏi bản thân rằng phải chăng lúc này mình đã sai.
Phải chăng các bạn, những độc giả của Medium, hay những người dùng Twitter như tôi, đã luôn phải trải qua điều này? Phải chăng chúng ta không phải lúc nào cũng đúng? Rằng những người sống ở những nơi không giống chúng ta, xem những bộ phim ta không xem và đọc những quyển sách mà ta không đọc, có những quan điểm và niềm tin chẳng hề kém cạnh ta một chút nào? Rằng có lẽ chúng ta đã không nhìn ra được toàn bộ vấn đề?
Bạn nghĩ rằng “xuôi dòng chính trị” ngày càng bị lạm dụng một cách quá đà? Hãy theo dõi nhiều nhà hoạt động xã hội tuyệt vời trên Twitter. Bạn nghĩ rằng lập trường của Mỹ về sở hữu súng thật khó hiểu? Hãy đọc những câu chuyện của 31% người Mỹ sở hữu một khẩu súng. Điều này không có nghĩa là những “người kia” đúng, mà là họ có những lý do chính đáng để nghĩ như vậy. Và chỉ sau khi hiểu được những lý do đó, chúng ta mới có thể tranh luận một cách công bằng.
Bất kỳ cá nhân tranh luận kỳ cựu nào cũng đều biết rõ, nếu bạn không hiểu được ý chính của đối phương muốn nói gì, bạn chưa thực sự nắm bắt được vấn đề. Chúng ta có thể phê phán chính quyền hay hùa theo số đông chê bai tẩy chay gì tùy thích. Nhưng chính bản thân chúng ta sẽ chẳng thể phát triển nếu không thật sự nỗ lực để hiểu những người khác mình. Bạn sẽ chẳng bao giờ thuyết phục được bất cứ ai nếu bạn không tôn trọng vị trí và ý kiến của họ.
Lần sau, bạn hãy thử tranh luận với một người mang suy nghĩ trái với bản thân. Đừng cố giành “chiến thắng”. Đừng cố “thuyết phục” bất cứ ai theo quan điểm của bạn. Cũng đừng mang họ ra làm trò cười với bạn bè. Thay vào đó, hãy cố “thua”. Lắng nghe ý kiến của họ một cách chân thành. Yêu cầu họ thuyết phục mình. Chỉ đơn thuần tìm hiểu lý do tại sao một người ủng hộ phương pháp fracking gây ô nhiễm môi trường sẽ không biến bạn thành một người ủng hộ nó đâu.
Hoặc, lần tới khi bạn muốn chia sẻ một bài viết lên mạng xã hội về một sự kiện nào đó, hãy tự hỏi tại sao mình lại làm việc đó. Có phải vì bài viết đó đã mang đến nhiều góc nhìn mới bạn chưa nhìn thấy? Hay nó đã xác nhận quan điểm của bạn, khiến bạn cảm thấy thỏa mãn rằng mình không ngu ngốc như những “người kia”?
Tôi rất mong muốn bạn hãy tìm hiểu thêm nhiều khía cạnh trái chiều khác của vấn đề. Khi nghe ai đó nêu lên các “sự thật” trái ngược với quan điểm của bạn, đừng nghĩ rằng “Thật nhảm nhí!” Thay vào đó, hãy cân nhắc những ý kiến đó xem sao, “Hmm, có lẽ người đó đúng? Tôi nên xem xét điều này.”
Bởi vì việc từ chối tiếp thu những suy nghĩ hay góc nhìn hoàn toàn khác với bản thân chính là sự lười biếng trí tuệ. Điều này còn tồi tệ hơn những gì mà bạn nghĩ những “người kia” đang làm đấy.
Đây là một phần của chuỗi bài viết Internet Time Machine, một bộ sưu tập về cuộc sống trực tuyến những năm 2010s.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất