"Nhật ký" và những bài học từ cô bé Anne Frank
Anne Frank Mỗi lần muốn viết gì đó về những cuốn sách vừa đọc mình đều dừng lại đôi chút vì không biết nên nói gì đầu...
Mỗi lần muốn viết gì đó về những cuốn sách vừa đọc mình đều dừng lại đôi chút vì không biết nên nói gì đầu tiên, có nhiều cảm xúc lẫn lộn vào nhau. Mình đã đọc xong “Nhật Ký” vào lúc tối trước hôm mình viết những dòng này, nên bây giờ mọi cảm đã dịu xuống đôi chút, đỡ đau lòng và đỡ hoang mang hơn.
Đầu tiên là một chút về cốt truyện, đây là cuốn nhật ký của Anne Frank. Anne và bảy người nữa bao gồm gia đình cô và gia đình Van Daan, ông Duseel ẩn náu ở nhà phụ bí mật trong bối cảnh thế chiến thứ 2 và người Do Thái là họ bị lùng bắt và đưa đi lưu đày ở nhiều nơi khác nhau với kết cục cuối cùng thường là cái chết. Để tránh khỏi kết cục đó những con người khốn khổ đó đã phải ẩn náu trong một văn phòng bí mật mà họ gọi là nhà phụ, họ phải sống trong bối cảnh khó khăn về vật chất và tinh thần nhưng cuối cùng thì cũng không thoát khỏi kết cục cái chết, bố của Anne- ông Frank là người cuối cùng sống sót và cũng là người giành suốt phần đời còn lại để mang “Nhật ký” đến với thế giới.
Và giờ là những phần để lại nhiều cảm xúc nhất đối với mình, đó là những điều ngổn ngang mà cuốn sách để lại cho mình sau khi gấp lại trang cuối cùng. Cuốn sách không chỉ là một cuốn nhật ký hằng ngày của Anne mà thực sự nó là một tác phẩm nghệ thuật, lịch sử, văn học đáng đọc. Anne lúc bắt đầu viết nhật ký mới là một cô bé 13 tuổi. Đâu đó mình bắt gặp những quan điểm của Anne giống với mình và cũng có cái không giống, nhưng mình yêu quý Anne như một người bạn thông minh và cá tính trong suốt quá trình đọc cuốn sách, một người dạy cho mình nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống mà chính bản thân mình cũng đang hoang mang, chưa hiểu rõ. Điểm đắt giá nhất trong cuốn sách đối với mình chính là tâm lý, tình cảm, sự thay đổi của Anne qua từng ngày, chỉ hai năm thôi một cô bé 13 tuổi đã thay đổi thành một con người hoàn toàn khác. Người lớn luôn nghĩ rằng họ hiểu những đứa trẻ nghĩ gì nhưng tâm lý của một con người làm sao mà dễ hiểu cho được, huống hồ Anne lại đang bước vào tuổi dậy thì, một giai đoạn đầy biến động trong cuộc đời mỗi cô gái. Muốn chia sẻ nhưng lại chẳng thể nói với ai vì họ luôn không lắng nghe Anne, mình còn nhớ Anne từng nói rằng mẹ cô bé khuyên con mình đừng đau khổ vì hoàn cảnh khó khăn hiện tại bởi có những người còn sống khó khăn hơn trên hành tinh này, nhưng Anne nghĩ rằng nói như vậy thì những người khó khăn tột cùng kia nên đau khổ và không được hạnh phúc vì chẳng còn ai khổ hơn họ hay sao, một cô bé không những không chấp nhận điều người khác nói mà luôn suy nghĩ, luôn có cách nhìn nhận của riêng mình về mọi thứ , mình ngưỡng mộ Anne đầy cá tính và khác biệt. Mình cũng từng nghĩ rằng mình hạnh phúc vì mình không khổ sở bằng người khác và thật sự là đến bây giờ mình vẫn còn suy nghĩ đó nhưng mình nhận ra là để thật sự hạnh phúc trong cuộc sống của mình thì chúng ta nên thật sự cảm nhận điều đó từ tâm hồn chứ không phải vì hoàn cảnh bên ngoài. Nhưng đối với những con người khốn khổ còn không có quyền được sống thì làm sao để giúp họ cảm nhận được cái cảm xúc xa xỉ đó đây. Mình suy nghĩ nhiều về việc tại sao lại có chiến tranh cơ chứ, một thứ cảm xúc thu nhỏ của việc thiên chiến chẳng phải là mong muốn sở hữu và ganh đua hay sao? Tại sao con người ta không bao giờ hài lòng với những gì mình có, mọi người nói rằng nếu không phấn đấu để tốt hơn thì không thể đưa nhân loại phát triển được, nhưng như thế nào mới là phát triển, trước khi khoa học kỹ thuật ra đời chẳng phải nhân loại vẫn đang hạnh phúc và đủ đầy đó hay sao? Mình thật sự mong ước mọi người sẽ nghĩ về hạnh phúc giống như mình, bởi nếu vậy chất không còn là chìa khóa mà chỉ là một món đồ trong căn phòng của con người thì có lẽ Anne và hàng triệu người trên thế giới đã không bị chết vì chiến tranh, làm gì còn ai muốn tranh đoạt khi mà nó chẳng mang lại gì cơ chứ. Điều đáng buồn mà thực tế đã chứng minh là chỉ khi con người ta đạt được quá nhiều thứ vật chất họ mới nhận ra giá trị của những hạnh phúc tinh thần đích thực, lúc đó thì còn gì là cuộc đời, có lẽ mình đã hơi lan man về quan điểm cá nhân của mình. Trở lại với “Nhật ký”, khía cạnh chiến tranh không được lột tả nhiều mà chủ yếu là cuộc sống khốn khó ở nhà phụ, thực lòng mà nói thì với một công dân của một đất nước nghèo đói như Việt Nam, một đất nước cũng trải qua chiến tranh và khốn khổ thì mình thấy cuộc sống vật chất ở nhà phụ vẫn còn khá ổn ở giai đoạn khoảng 1,5 năm đầu nhưng vật chất chỉ là một món đồ trong căn phòng cuộc sống mà thôi, và nếu sống trong căn phòng chỉ với một món đồ thì dù nó có hữu ích đến đâu cũng sẽ khiến chúng ta sớm phát điên mà thôi. Tám con người trong ngôi nhà phụ đã sống trong sự khủng hoảng về tinh thần, cuốn sách là nhật ky của Anne nên tâm lý của cô bé được lột tả rõ ràng, người đọc cảm thông và đau lòng cho cô bé nhưng mình tin chắc rằng không ai trong nhà phụ là không bị khủng hoảng, ai cũng đáng thương và cần chia sẻ. Ai cũng có một giới hạn chịu đựng riêng và nếu chạm đến giới hạn đó thì ai cũng đau khổ như nhau và khó khăn như nhau mà thôi. Mình đau lòng và cảm thông cho những cư xử không được đúng đắn của họ. Ở vào hoàn cảnh khó khăn thì mấy ai còn đủ tỉnh táo để làm người tử tế. Mình ngưỡng mộ những con người đó, dù là đang ẩn náu khỏi chiến tranh và luôn canh cánh nỗi lo về cái chết thường trực nhưng họ vẫn không ngừng học tập, học ngoại ngữ, văn học, lịch sử, nghề mộc,… Cuộc đời họ như được gắn liền với những cuốn sách. Mình đang sống trong một thời đại, đất nước mà nhưng người ngồi cùng bàn ăn với nhau chọn dùng điện thoại, mạng xã hội thay vì cảm nhận sự ấm áp và trò chuyện. Mình muốn đọc nhiều cuốn sách hơn về người Do Thái bởi sự ngưỡng mộ giành cho tri thức và cách sống của họ.
Đọng lại sau cuốn sách nữa chính là cảm xúc đau lòng và tiếc nuối. Chỉ cần một chút nữa thôi là chiến tranh sẽ qua đi, nhưng họ vẫn bị phát hiện và bị lưu đày rồi chết đi trong sự đau đớn, bệnh tật, khổ sở. Và tưởng tượng mà xem, ông Frank-bố của Anne đã phải đau lòng đến chết đi như thế nào khi ông đọc từng trang nhật ký của cô con gái, người mà ông đã giành nhiều yêu thương và càng ngày càng xa lánh ông bởi sự không thấu hiểu nhau của hai người. Mối quan hệ mà mình ấn tượng nhất không phải là tình yêu ngây thơ, khao khát mãnh liệt của Anne và Peter (con trai nhà Vaan Daan) mà chính là khoảng cách ngày càng lớn của hai bố con Anne, giữa Anne và mẹ, ước gì cô bé nói những cảm xúc ngổn ngang trong lòng mình cho bố mẹ và ước gì họ biết lắng nghe thật sự con gái mình đang trải qua nhưng cơn sóng dữ dội như thế nào trong tâm hồn.
Bài học lớn nhất mà cuốn sách giành cho mình chính là tầm quan trọng của sự sẻ chia, hãy nói lên lòng mình với nhưng người thân thiết với mình, nếu họ không hiểu thì hãy tìm người khác để nói ra, hãy chia sẻ và lắng nghe và cảm thông cho những người mình thân yêu. Họ cũng đang đau khổ như chúng ta vậy, hãy lắng nghe nỗi đau và cảm thông cho họ. Chỉ có như vậy thì gánh nặng cảm xúc trên đôi vai mỗi người mới cùng bớt trĩu nặng
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất