Tâm trí lang thang là điều hoàn toàn bình thường



Thử tí: 

Trong 1 phút tới, hãy làm cho tâm trí mình trở nên trống rỗng. Không nghĩ tới một cái gì cả.

Bọn này sẽ đợi. Một phút bắt đầu.
...
...
Xong chưa?
Tốt. Trong một phút đó, có gì chui vào đầu bạn? Nếu như đấy là những suy nghĩ kiểu như: “Vì sao cái bài này lại bắt mình phải làm trò này? À nhớ tí nữa phải đi siêu thị. Tự dưng đói nhỉ. Một người có thể biến thành cả ma và zombie được không nhỉ?” thì xin chúc mừng: Bạn hoàn toàn bình thường. Tâm trí lang thang là trạng thái mặc định của não chúng ta. Điều này không có nghĩa là bạn đành phải chịu thôi, vì học được cách tập trung tâm trí có rất nhiều lợi ích.

Tâm trí tép nhảy

Khi ta nói rằng tâm trí lang thang là trạng thái mặc định của não, đấy không phải là nói ẩn dụ. Có một phần của não bộ bắt đầu kích hoạt khi bạn ngừng suy nghĩ, gọi là “mạng lưới trạng thái mặc định,” hay ngắn hơn tí thì là “mạng lưới mặc định.” Mạng lưới này được phát hiện rất tình cờ. Các nhà khoa học thần kinh vào khoảng giữa thế kỷ 20 phát hiện ra có những phần của não bộ bỗng kích hoạt khi họ bảo đối tượng nghiên cứu hãy nghỉ đi. Giai đoạn nghỉ này vốn là để làm phép thử nền để quan sát các vùng não khác. Lẽ ra não phải rất tĩnh mịch trong lúc đó, nhưng vì lý do nào đó, nó lại nhảy loạn cào cào.
Mãi đến tận những năm 1970 mới có người nghiên cứu những kích hoạt não bộ kỳ quặc này. Nhà sinh lý học thần kinh người Thụy Điển David Ingvar đã chụp quét tuần hoàn máu não trong giai đoạn nghỉ và phát hiện ra kích thích não chỉ nằm trong một số vùng cụ thể, như vùng thùy trán, là trung tâm xử lý trí nhớ, học hỏi và nhận thức. Đầu những năm 2000, một nhóm các nhà nghiên cứu đã dùng phương pháp xử lý ảnh tiên tiến hơn để xác định chính xác các vùng não được kích hoạt trong lúc nghỉ này, và họ gọi mạng lưới những vùng não này là “mạng lưới trạng thái mặc định.”
Về cơ bản, mạng lưới trạng thái mặc định bao gồm những vùng não yên tĩnh khi chúng ta tập trung chú ý, nhưng lại nhảy loạn khi chúng ta không chú tâm vào đâu cả. Đây là thứ khiến bạn mơ mộng về tương lai, bị ám ảnh bởi những nỗi sợ của mình, hay ôm ấp mãi chuyện quá khứ. Đấy là những tín hiệu tự dưng nhảy vào đầu bạn và những thông tin bạn chợt nhớ đến. Trí nhớ góp một phần lớn ở đây: một nghiên cứu năm 2012 chỉ ra rằng tâm trí lang thang có liên hệ với tăng khả năng ghi nhớ ngắn hạn.

Tâm trí lang thang là một điều rất, rất bình thường. Nhưng thế không có nghĩa là điều này vô hại.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những tâm trí lang thang thì thường không tích cực bằng những tâm trí tập trung, nhưng cái gì gây ra cái gì thì vẫn còn là câu hỏi. Một nghiên cứu năm 2010 đăng trên tập chí Science chỉ ra rằng tâm trí lang thang dẫn đến tâm trạng tiêu cực, mà không phải là chiều ngược lại. Một nghiên cứu khác năm 2017 cũng tìm ra rằng mơ mộng về tương lai dần dần có thể dẫn tới những dấu hiệu trầm cảm. Tuy nhiên, có những nghiên cứu khác lại tìm ra điều ngược lại: tâm trạng xấu dẫn đến tâm trí lang thang. Đến nay vẫn chưa rõ là tâm trí lang thang khiến cho bạn buồn khổ, hay chỉ đơn giản là một cách phản ứng khi bạn cảm thấy u ám.
Tất nhiên là có những hậu quả khác rõ ràng và tiêu cực hơn khi tâm trí lang thang. Khi bạn không chú tâm, khả năng suy nghĩ của bạn bị ảnh hưởng  nhất: khả năng đọc hiểu, ghi nhớ, và điều khiển nhận thức nói chung đều suy giảm. Khi bạn muốn sáng tạo, mơ mộng có thể là một công cụ mạnh, nhưng khi bạn cần làm việc cho ra việc, thì tập trung là tốt nhất.

Vậy làm thế nào để mài giũa khả năng tập trung của mình? 

Hãy tập thiền. Trong một nghiên cứu năm 2012, nhóm nghiên cứu thần kinh học của Wendy Hasenkamp đã cho một số người ngồi vào máy chụp cộng hưởng từ (MRI) và tập “thiền chú tâm” — kiểu thiền tập trung chú ý vào một thứ gì đó, như cảm giác khi thở chẳng hạn — rồi bấm nút mỗi khi họ phát hiện ra tâm trí của mình đi lang thang mất. Hình ảnh chụp não cho thấy, đúng là thế, mạng lưới trạng thái mặc định trong não được kích hoạt trong khi tâm trí đi lang thang. Nhưng nếu người tập thiền phát hiện ra tâm trí của mình đi lang thang mất, họ chỉ mất 12 giây để hướng sự chú tâm của mình trở lại, và khiến cho mạng lưới thần kinh biết tập trung lại chiếm thế chủ động. Những người có kinh nghiệm thiền còn có thể tập trung trở lại nhanh chóng hơn.
“Điều này giải thích tại sao khi bạn có kinh nghiệm thiền thì việc ‘buông bỏ’ suy nghĩ lại trở nên dễ dàng hơn — và bạn có thể tập trung tốt hơn.” Hasenkamp viết trong tạp chí Greater Good. “Bạn ít bị dính vào suy nghĩ lan man hơn, vì não của bạn đã được chăng lại, thành ra bạn giỏi phát hiện và ngưng việc để tâm trí mình đi lang thang.”
Điều này cũng dễ hiểu thôi, thiền là luyện tập chú tâm, và cái gì cũng thế, càng tập thì càng giỏi. Lần sau khi tâm trí bạn đi lang thang, hãy biết rằng đó là trạng thái mặc định của não mình, và hướng nó trở lại với hiện tại.

Bài dịch từ Your Mind Wanders Half the Time You're Awake | Ashley Hamer | Curiosity