Lưu ý: đây là một bài viết để đưa ra góc nhìn của tác giả về bộ môn nhân tướng học để mong quý vị đọc giả có thể có một góc nhìn khác hơn về bộ môn này.
Nhân tướng học là một bộ môn khoa học nghiên cứu các đặc điểm, nhận dạng của con người và từ đó đưa ra những lý luận về tính cách, sở thích, thói quen, hoặc ở một số trường hợp là số mạng của người đó. Đây chắc hẳn không phải là một cái gì đó quá xa lạ với các dân tộc á đông nói chung và Việt Nam chúng ta nói riêng. Tôi tin chắc là ai cũng đã từng nhận được một lời nhận xét như: " Số con anh có cái tướng này cho nên,...". Bản thân tôi cũng là một người nghiên cứu khá sâu về bộ môn này, và cũng có thể đưa ra những nhận xét như vậy trong lần đầu gặp mặt một ai đó. Tuy nhiên, bởi vì bộ môn này quá đỗi phổ biến và được công chúng biết đến rộng rãi. Cho nên, rất nhiều người đang có cái nhìn sai lệch về bộ môn này, và từ đó đã xuất hiện những người lợi dụng nhân tướng học hòng chuộc lợi cá nhân. Nên bài viết này được viết để mong quý đọc giả có cái nhìn đúng đắn hơn về nhân tướng học.

Một người có đọc qua bộ môn nhân tướng học một cách hệ thống và bài bản sẽ thuộc lòng 2 nguyên lý sau về nhân tướng học:
Nguyên lý thứ nhất chính là sắc khí: theo quan niệm này thì con người được chia ra làm 2 phần: sắc và khí. Sắc là tất cả những gì mà có thể thấy hoặc nghe được từ bên ngoài của một người. Sắc sẽ bao gồm hình dáng, tướng đi, tướng ngồi, tướng ăn, ánh mắt, giọng nói,... của con người. Khí là dòng năng lượng chảy bên trong con người mà mắt thường không thể nào thấy được. Khí phản ánh tâm hồn, học vấn, tri thức, tính cách, tuệ giác của một con người. Nhân tướng học hiểu một cách đơn giản là nhìn vào "Sắc" để đoán "Khí" của một người.
Để dễ hình dung hơn, bạn hãy tưởng tượng như con người là một cái cây. Phần "Sắc" của một cái cây chính là hoa, lá, quả, cành, thân của một cái cây. Và phần "Khí" là bộ rễ của thân cây. Bộ môn nhân tướng học sẽ dạy chúng ta cách để nhìn vào phần hoa, lá, cành của thân cây để xem phần rễ cây khỏe mạnh hay ốm yếu. Tất nhiên, sai số có thể xảy ra, và việc chỉ nhìn vào phần thân cây để miêu tả rễ cây một cách chi tiết là điều gần như không thể. Tuy nhiên, sẽ có một số phương pháp để khi chúng ta nhìn vào phần "Sắc" để đoán được phần "Khí". Ví dụ một cái cây hoa trái xum xuê, quanh năm suốt tháng lúc nào cũng khỏe mạnh thì không thể có một bộ rễ còi cọc ốm yếu được. Và ngược lại, một cái cây quanh năm sống thoi thóp không ra được hoa quả gì thì khó có thể có một bộ rễ khỏe mạnh lắm. Nếu như áp dụng những điều này vào người, thì bạn cũng sẽ cho ra những điều tương tự. Nhưng tại sao có người có tướng rất xấu nhưng về sau vẫn có một cuộc đời viên mãn ư? Đó là nguyên lý thứ 2 và cũng là cốt lõi của bộ môn nhân tướng học.
Nguyên lý thứ 2:
Hữu tâm vô tướng, tướng tại tâm sinh
Hữu tướng vô tâm , tướng tùy tâm diệt
Đây là một quan niệm phức tạp hơn rất nhiều, cho nên rất nhiều người không hiểu hoặc hiểu sai về nguyên lý này. Hữu tâm vô tướng, tướng tại tâm sinh có nghĩa là nếu như chúng ta có một cái tâm nào đấy, nhưng tướng đó chưa được hình thành trên con người chúng ta thì vì cái tâm đấy mà tướng sẽ hiện ra. Hãy quay ngược lại với ví dụ của cái cây. Nếu như phần thân trên của cái cây đang rất khỏe mạnh và phần rễ cây cũng thế, nhưng bạn đào lên và cắt mất một phần rễ của cây bỏ đi. Thì sau một thời gian phần thân cây sẽ trở nên ốm yếu đi và không còn khỏe mạnh như trước nữa. Áp dụng nguyên lý này vào nhân tướng học, ta có một người với tâm và tướng thiện lành chẳng hạn, nhưng vì môi trường xung quanh và những suy nghĩ thay đổi làm cho người đó dần có những tâm thù hằn và ghét bỏ. Thì tướng của người đó sẽ dần dần hiện lên vẻ thù hằn và ghét bỏ đó. Ngược lại, nếu bạn có một cái tướng xấu nào đó nhưng do tu tâm dưỡng tính mà cái tâm của bạn dần thay đổi từ hận thù thành yêu thương thì tướng xấu xí đấy sẽ thay đổi. Đấy gọi là: "Hữu tâm vô tướng, tướng tùy tâm diệt".
Điều này có thể khá mông lung với những người chưa từng nghe qua về nhân tướng học, nhưng đây chính là phần cốt lõi của bộ môn này và theo tôi nghĩ bất kỳ ai khi nghiên cứu cũng phải thuộc lòng. Theo quan điểm trên thì những phần tướng của con người đúng là phản ánh lên tâm hồn và một phần vận mệnh của con người. Tuy nhiên, bởi vì nó chính là phản ánh của tâm, cho nên muốn thay đổi nó thì phải thay đổi từ phần gốc rễ tâm hồn của chúng ta. Nếu bạn là một người biết xem chỉ tay và rất hay xem thì bạn hãy để ý là chỉ tay của chúng ta luôn luôn thay đổi chứ không có một hình dạng nhất định cả cuộc đời. Mọi thứ xung quanh luôn luôn thay đổi theo từng giây, và không có gì là nhất định cả. Chỉ có duy nhất một thứ theo chúng ta mãi mãi đó là linh hồn của chúng ta. Ông cha ta cũng thấm nhuần được tư tưởng ấy nên mới truyền lại con cháu những câu nói như: đức năng thắng số, nhân định thắng thiên, mưu sự tại nhân thành bại tại thiên,... Tóm gọn lại, nhân tướng chỉ ra cho chúng ta rằng phần cơ thể bên ngoài chúng ta phản ánh nên rất nhiều thứ về phần con người bên trong của chúng ta, và chúng ta có thể thay đổi con người bên ngoài bằng cách thay đổi tâm hồn bên trong chứ không phải ngược lại.
Bất cứ một môn học nào mà không thể giúp người học phát triển bản thân thì không nên học. Những người tới với nhân tướng học mà tôi biết, đa số họ học để trả lời câu hỏi: "Tôi là ai?". Thông qua những triết lý sâu xa của nhân tướng học, tôi mong các bạn sẽ thấm nhuần được tư tưởng rằng: tâm chúng ta như thế nào thì cuộc đời chúng ta sẽ đi theo hướng đấy. Nếu một ngày nào đó bạn gặp một khó khăn thử thách trong cuộc sống, hoặc có một người nào đó phán tướng bạn là tham lam, ích kỉ chẳng hạn. Thì bạn nên cảm ơn nghịch cảnh và người đã phán câu nói đấy và hãy bắt tay vào công cuộc mở rộng tâm hồn chính mình. Bởi vì hình dáng và số mệnh của chúng ta sẽ luôn luôn thay đổi theo tâm thức của chúng ta.
Nhìn ta rồi mới nhìn người
Tâm ta chưa thấu, nhìn người làm chi?
Cho người tướng giàu lại sang
Làm nhiều điều ác, chẳng mang được gì
Chi bằng tướng khổ, bần cùng
Giúp người làm thiện, ung dung muôn phần
Khuyên ai bỏ dữ làm lành
Vàng tiền sẽ có, tình vàng đầy kho
Người khôn nhìn rõ tâm người
Trời cao thấu hiểu hơn mười người khôn.