22 tuổi, bạn nhận định như thế nào là 1 sự thất bại? Cố gắng mãi mà không thể tốt nghiệp đại học? Nhìn bạn bè kinh doanh riêng, kiếm được việc, kiếm được tiền, còn mình thì vẫn chật vật để cố gắng có được tấm bằng? Vậy thì tóm gọn  lại, cảm giác thất bại là khi bạn thấy bạn đã không đạt được điều mà bạn đã mong muốn, đã kỳ vọng vào bản thân. 
Mình không có quá nhiều kỹ năng chuyên môn trong tâm lý học, cách tư duy của mình thì cũng tương đối lộn xộn và nhiều khi cũng rất thiếu logic, nhưng hôm nay mình viết chỉ đơn giản là muốn đánh giá lại bản thân, đồng thời viết cho một ai đó cho rằng họ đã thất bại, với hy vọng sau khi đọc, bạn sẽ có một cách nhìn khác cho vấn đề đó. 
  1. Nỗi sợ thất bại
Mình đã đi gặp bác sĩ tâm lý 1 vài lần trong thời gian đi du học, chủ yếu là do mình đã quá căng thẳng với không chỉ việc học mà cả cuộc sống riêng tư. Bác sĩ có nói là mình đang trải qua một thứ gọi là ‘fear of failure’, dịch nôm na ra thì nó là sợ thất bại. Lúc đó mình đã nghĩ: “ồ, nghe cũng hợp lý đấy chứ”. Nhưng ngay sau đó mình lại nghĩ: “chứ không phải là ai cũng sợ thất bại sao?”. Khi bạn đã bỏ công sức và thời gian vào một điều gì đó mà nó lại không mang lại kết quả mà bạn cho rằng tương xứng với kỳ vọng của bạn thì đúng là đáng sợ thật!
Mình đã rơi vào trạng thái sợ quá, sợ đến mức giơ tay nhấc chân mình cũng phải cân nhắc “ôi, nhỡ nó thế này” hay “nhỡ nó ảnh hưởng tới cái kia”, “chắc không thành công đâu, cỡ nào cũng hỏng”,... trong một khoảng thời gian dài. Như bạn thấy, mình để cho nỗi sợ chiếm lấy mình đến mức mình liên tục nghĩ về nó, mình không ăn không ngủ vì nó, mình lo lắng mọi nơi mọi lúc, cái mặt mình riết rồi nó cũng nặng trĩu và xám xịt, nhìn giống như người ta vẽ chướng khí trong truyện tranh ấy. Sau khi đã dành toàn bộ thời gian lo lắng và hoảng sợ, cuối cùng thì mình quyết định là…. chẳng làm gì cả. Cứ như vậy trong một thời gian dài, mình lãng phí toàn bộ quỹ thời gian của mình cho việc sợ hãi một thứ còn không có cơ hội để xảy ra.
Bạn thất bại vì bạn đã quyết định hành động. Đó mới là điểm quan trọng ở đây. Đương nhiên, để tránh sự thất bại, bạn có thể không làm gì cả, nhưng như vậy thì bạn cũng sẽ không bao giờ đạt được điều gì hết. Sự thất bại không nói lên năng lực, trí tuệ, hay giá trị con người ban. Điều duy nhất mà nó nói lên là bạn đã dùng chính sức lực của mình để cố gắng đạt được điều bạn muốn. 
  1. Hệ quy chiếu 
Đợt vừa rồi mình thấy mấy bạn trên mạng có share một câu nói của tiến sĩ Lê Thẩm Dương, đại loại là “đừng lấy hệ quy chiếu của mình để áp đặt lên người khác.” Mình thấy các bạn share nhiều lắm, mà vì nó đúng quá đi còn gì. Nhưng có bao giờ các bạn nghĩ đến điều ngược lại không?
Các bạn đang tự tạo áp lực cho bản thân dựa vào cái gì? Những thứ bạn dùng để đo lường giá trị con người bạn là do chính bạn đặt ra, hay do bố mẹ, anh chị em, bạn cùng lớp, con bác X. và xã hội đặt ra? Và khi bạn không đạt được những tiêu chuẩn đó, đột nhiên bạn là đứa thất bại sao? 
Có người sẽ đánh giá bạn qua tấm bằng đại học của bạn, lại có người sẽ nhìn bạn qua căn nhà bạn ở, chiếc xe bạn đi, hay chức vụ trong công việc của bạn, người khác sẽ dè bỉu bạn khi cuộc hôn nhân của bạn đổ vỡ,... Họ dùng những ống kính đó để soi bạn vì đó là điều duy nhất họ biết đến trong thế giới của họ, đấy là tất cả những gì họ có thể nhìn thấy. Giữa việc không thể trở thành con người mà bạn mong muốn và không thể trở thành con người mà bà hàng xóm mong muốn, đâu mới thật sự là một sự thất bại? 
Có lẽ chính bạn cũng đã dùng quy chuẩn của của người khác để phản ánh lên bản thân và đánh giá bản thân. Vậy nên một lần nữa, hãy tiếp tục đặt những câu hỏi cho chính mình: bạn muốn nhìn thấy điều gì ở chính mình? Bạn muốn con người bạn mang những giá trị gì về tính cách, phẩm chất, cách tư duy và lối sống? Việc khám phá chính con người mình và tự đặt cho mình những giá trị và chuẩn mực, theo mình, thật sự rất xứng đáng. 
  1. Sự vị tha 
Khi mình nói đến sự vị tha ở đây, nó không phải là một cái gì qua trừu tượng liên quan đến lòng thương của con người hay gì cả, cái mình nói chính là sự vị tha của bạn dành cho chính mình. 
Sẽ còn rất nhiều điều tồi tệ xảy ra trong cuộc sống, và chắc cả bạn cả mình đều biết có lẽ đây sẽ không phải là điều kinh khủng nhất mà bạn phải trải qua. Khi một điều không hay xảy đến với mình, thật buồn cười là ai trong mỗi chúng ta đều nghĩ là phải có lý do gì thì chuyện đó mới xảy ra. Chúng ta đi tìm kiếm một ai đó chịu trách nhiệm cho chuyện xấu đó, và nếu như không tìm được ai, chúng ta sẽ đổ lỗi cho bản thân. 
Sự thật là có những chuyện xảy ra không phải là do lỗi của ai cả. Nó xảy ra đơn giản vì nó là cuộc sống thôi. Chỉ vì có một chuyện không may hay bất công xảy ra không có nghĩa là bạn xứng đáng phải nhận điều đó. Nó chỉ là một bước đi lệch nhịp mà thôi. Hãy cho bản thân cơ hội được nhìn nhận vấn đề theo một cách công bằng nhất, kể cả với chính bạn. Như mình đã nói ở trên, một khi bạn đã cố gắng hết sức của mình thì không có gì là sai cả. 
Kết 
Viết đến đây thì mình nhận ra là mình đúng là cũng chỉ nói cho hay thôi, vì bản thân mình cũng chưa làm được trọn vẹn những điều trên. Tuy nhiên, mình khá hài lòng với bản thân mình sau lần thất bại này vì mình có thể nhìn lại để thấy sự thay đổi trong lối suy nghĩ của mình. Mình đã cố hết sức, nên mình không có gì để tiếc hay hối hận cả. Bây giờ thì bước tiếp về phía trước thôi.