Nhà tôi 24 Cột Cờ
Ai yêu thì đến hững hờ thì qua.
    Tôi chưa bao giờ đến Hà Nội để có dịp thấy ngôi nhà 24, Cột Cờ  một thời của Huy Cận, của Xuân Diệu, và nhất là của làng thơ Việt, hồn thơ Việt những năm Thơ Mới, tôi cũng chưa bao giờ biết quá rõ Thơ Mới để có thể hiểu được nhịp sống của con người sẽ như thế nào khi có những vần thơ nâng đỡ bước chân. Tôi chỉ thông qua vài quyển sách, vài bài báo, vài mẩu chuyện để hiểu được một phần quá nhỏ rằng: Xuân Diệu, ông sống ở thời của ông với tư cách là một người đáng kính trọng. Có một lần ông đi mua rau, một bà nội trợ nhường ông mua trước: "Chào ông Ngói Mới, xin nhường ông mua trước", được một ông hàng phở, một bà nước mía không lấy tiền vì đã nghe thơ Xuân Diệu, và mỗi lần như thế, ông thầm vui vì mình còn có giá trị với cuộc đời.
    Ông đã chết đi, nhưng "Thời gian không biến thành cỏ xanh làm khuất lấp vóc dáng của nhà thơ. Như một phép lạ, thời gian tái tạo, hoàn thiện bức chân dung của nhà thơ, nhà thơ bỗng 'sống lại' với tầm vóc lớn lao hơn, với sức vóc mãnh liệt hơn, như cõi vĩnh hằng là có thật..." [1]. Và tất nhiên, ta biết rằng thơ Xuân Diệu sẽ sống mãi trong lòng những người yêu thơ, quý thơ và hiểu rằng thơ cũng như cuộc sống, là những hạt cát luồn qua khẽ tay rơi xuống nền đất, ta không thể giữ chúng, ta chỉ cảm nhận chúng trôi đi. Nhưng Xuân Diệu, kì lạ thay, ông là người có thể đếm được chính xác bao nhiêu hạt cát, hạt thơ đã rơi xuống, có lẽ vì thế mà ông thành bất tử.
    Nhưng những thứ Xuân Diệu để lại không hẳn chỉ là thơ, mà còn là một lời bỏ ngỏ: "Nhà tôi 24 Cột Cờ/ Ai yêu thì đếnhững hờ thì qua." như mời gọi tất cả những người yêu thơ đến với ông. Khi còn sống, chưa có ai hỏi về thơ mà ông không tiếp đón ân cần, có lẽ ông cũng muốn khi mình chết đi, người ta vẫn đến thăm ông, nói chuyện thơ với ông, mà thật tình ai lại từ chối lời mời gọi như thế chứ!
    Nhưng trong khi 24 Cột Cờ  có khi chúng ta không ghé qua được vì những lùm xùm rắc rối kéo dài bao nhiêu năm thì ở một nơi khác, quê mẹ của Xuân Diệu cũng có một ngôi nhà mang tên ông, mà ngôi nhà này luôn sẵn sàng mở cửa (Ai yêu thì đến ai lờ thì đi).
    Cạnh bờ sông, ngay sát chợ Gò Bồi là nhà ngoại của Xuân Diệu, ngày nay người ta đã đặt tên cho nó "Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu". 

    Tôi nghĩ ngày xưa tại mảnh đất này mà ông đã viết nên bài Đêm ngủ ở Tuy Phước:
Đêm ngủ ở Tuy Phước để mà không ngủ
Thức với quê hương như vậy đã vừa đâu
Xin thơ ta được thức mãi về sau.
    Tôi cũng có một chút tự hào khi là một người Bình Định, mà lại là Tuy Phước, mỗi lần muốn đi "thăm" ông Xuân Diệu chỉ mất 30 phút đi xe. Tôi nghĩ cả đời tôi có khi lại không bao giờ được nghía qua cái 24 Cột Cờ một lần, nhưng sống gần cái Vạn Gò Bồi nơi ông Xuân Diệu sinh ra ư, cũng hiếm ai có được!
Đây là bác bảo vệ, bác làm vườn, người chăm sóc cho nhà tưởng niệm bé bé xinh xinh này. 
    Lần đầu tiên kể từ khi tôi biết tới Xuân Diệu (tôi biết Xuân Diệu từ bé, cô tôi có một quyển tựa "Nhớ Xuân Diệu" để lại cho tôi) tôi được thấy chữ viết tay của ông.


    Thế đấy, tôi đã đi gặp Xuân Diệu trong một buổi chiều, mà buổi chiều ấy phải miêu tả như thế này: "nắng nhàn nhạt hắt xuống lòng sông Gò Bồi, mặt sông phản chiếu ánh sáng lên mặt người, long lanh, lao xao như những chiếc lá mùa thu rụng, như mời gọi người lữ khách đến và như muốn níu chân người muốn trở về, và một chút buồn man mác khi người đã đi xa...", hay mượn chữ của Xuân Diệu thì ta lại ngẩn ngơ buồn mà ngân "Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì.".
    Theo tôi: "Nhà tôi 24 Cột Cờ" chỉ là một cách nói, nhà Xuân Diệu có thể ở bất cứ đâu, Hà Nội hay ở cái làng nho nhỏ ven sông này, và ở chính trong tâm thức của chúng ta, ông mời gọi ta đến với thơ của ông, và ta đến với nó, nhẹ nhàng, tự nguyện.