Nguyễn Bảo Trung - Hoặc là nói thật, hoặc là không nói gì cả
Nhắc đến Nguyễn Bảo Trung, có lẽ phần đông bạn đọc sẽ nhớ đến anh với một hình ảnh “gay gắt”, phải - trái, đúng - sai rõ ràng, một...
Nhắc đến Nguyễn Bảo Trung, có lẽ phần đông bạn đọc sẽ nhớ đến anh với một hình ảnh “gay gắt”, phải - trái, đúng - sai rõ ràng, một con người mong muốn đi sâu đến tận cùng để tìm ra câu trả lời. Có lẽ bạn sẽ nhớ đến một Nguyễn Bảo Trung trải lòng chân thật về những câu chuyện mà anh và người thân gặp phải. Hoặc cũng có lẽ, bạn sẽ không đồng tình với thái độ quá đỗi kiên quyết của anh. Nhưng đó là điều mà Nguyễn Bảo Trung hướng đến, anh hy vọng có thể mở rộng góc nhìn của người đọc, để mọi người suy tư về những vấn đề xung quanh mình, hay như anh chia sẻ “Không chỉ là biết A rồi nhảy thẳng đến Z mà là hiểu vì sao từ A ta lại có thể làm được Z.”
Dễ nhận thấy trong tất cả những bài viết của Nguyễn Bảo Trung, giáo dục luôn là chủ đề được anh ưu tiên và bàn luận nhiều nhất. Bởi câu hỏi: “Học để làm gì?” luôn khiến anh băn khoăn. Và trên hành trình tìm kiếm câu trả lời, anh đã trở thành Nguyễn Bảo Trung như ngày hôm nay.
Anh chia sẻ mình từng nằm trong danh sách học sinh cá biệt trong suốt những năm tháng cắp sách đến trường với nhiều lần gây gổ, đánh nhau, quậy phá. Nhưng Nguyễn Bảo Trung những năm ấy không quậy phá vì muốn thể hiện bản thân, mà chính câu hỏi: “Học để làm gì?” khiến anh có tâm lý chống đối những người xung quanh. Câu hỏi này càng trở nên rõ ràng vào giai đoạn anh chuẩn bị cho kỳ thi đại học, khi người bạn cùng lớp nói: “Mày chỉ cần ráp công thức vào thôi, đừng hỏi gì cả, cứ thế mà làm.” Nếu học chỉ để ráp công thức, Nguyễn Bảo Trung thầm nghĩ, vậy mục đích của việc học là để hiểu hay chỉ để đậu đại học?
Khoảng thời gian đó, cách giải quyết của anh là chống đối, tìm một con đường khác cho mình. Nếu như khi còn học cấp 2, Nguyễn Bảo Trung chống đối bằng cách quậy phá, gây gổ; thì lên cấp 3 lúc mọi người trong lớp (chuyên Anh) đang ráo riết ôn thi khối D thì anh ngồi tập vẽ khối tượng thạch cao vào giờ Văn, làm Toán trong giờ Anh, và giải đề Vật Lý trong giờ Toán khối cơ bản. Khi lên đại học, anh chỉ đến lớp để qua môn và lựa chọn theo đuổi nhạc Rock - thể loại nhạc mà bản thân đã nghe từ năm 6 tuổi. Khi đó, dù có mong muốn theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng anh cho rằng: "Nếu không làm được tới nơi tới chốn thì thà đừng làm, vì không gì chán bằng những thứ nửa vời mông lung cả.”
Anh miêu tả lối sống khi ấy rất cảm tính, thích gì làm nấy. Chính điều này tạo ra những vấn đề về tình cảm, tài chính,.. và khiến Nguyễn Bảo Trung đánh mất đi những điều quan trọng trong cuộc đời. Như việc anh không thể giúp đỡ những người mình yêu quý hay việc suy nghĩ cảm tính khiến anh ngập trong sự tiêu cực và thất vọng. “Đến một cái tuổi thì sợ mất đi những thứ quan trọng quá, nên từ lúc đó mình suy nghĩ logic, nhiều lúc cực đoan luôn.”
Như từng đề cập trong bài viết "Con đi đi, ở bên đó tốt thì đừng về" - khi những người con yêu nước không thể trở về, một xã hội Việt Nam hiện tại với nhiều vấn đề khiến Nguyễn Bảo Trung nhận ra nếu không thay đổi góc nhìn, mọi thứ sẽ mãi như vậy. Trước đây, khi suy nghĩ cảm tính, cảm xúc duy nhất anh cảm nhận được là sự tiêu cực và thất vọng; bây giờ, nhờ chuyển hướng sang suy nghĩ logic, anh dần hiểu được vấn đề đó bắt nguồn từ đâu, quá trình diễn ra như thế nào và giải pháp gì sẽ phù hợp. Điều này thể hiện rõ trong nhiều bài viết của anh như Đám cưới hay là trò lố?, Body-shaming: cần câu cơm của ngành công nghiệp thẩm mỹ.
Dễ nhận thấy trong những bài viết này, Nguyễn Bảo Trung áp dụng cách tư duy logic khi anh đi từ những khái niệm đầu tiên như body-shaming là gì, phẫu thuật thẩm mỹ là gì, như thế nào gọi là đẹp? Cuối cùng, đặt câu hỏi về cách các ngành công nghiệp thẩm mỹ sử dụng body-shaming để tăng lợi nhuận.
Chia sẻ về điều này, Nguyễn Bảo Trung cho biết bản thân anh khi viết về những vấn đề xã hội sẽ không lựa chọn lối viết trung lập. Đối với anh, lối viết trung lập không trúng cũng chẳng trật, không giúp ích cho người đọc, đó là cách viết chỉ có thể đi từ A đến một bước rất nhỏ là A’. Như trong khoa học, nghiên cứu có thành quả là nghiên cứu phải có kết quả rõ ràng, và bạn phải dùng các luận cứ và luận chứng từ quá trình nghiên cứu để chứng minh điều đó.
Nguyễn Bảo Trung cũng chia sẻ động lực khiến bản thân tiếp cận, suy ngẫm và viết về những vấn đề xung quanh mình như vậy là bởi anh tin kiến thức là lời nguyền, bạn càng biết nhiều, bạn càng phải suy nghĩ nhiều, càng muốn tìm ra câu trả lời cho vấn đề đó, bởi lẽ “Biết nửa vời là lời nguyền kinh khủng nhất.”Điều này cũng đồng nghĩa kể cả khi anh nhìn vào mặt tiêu cực đến mức cực đoan, cũng là để đến gần hơn với sự thật. Nguyễn Bảo Trung tin để thay đổi diễn ra, phải nhìn vào mặt tiêu cực của vấn đề, phải dám nói thẳng và nói thật về những trải nghiệm của bản thân. Cũng như câu nói của Edmund Burke mà anh trích dẫn trong bài viết Người duy nhất nói thật chính là kẻ nói dối!?: “Điều kiện cần duy nhất để những thứ ma quỷ chiến thắng chính là việc những con người tốt đẹp ngồi im chẳng làm gì cả.”
Mong muốn được hiểu và thật sự áp dụng những kiến thức mình học được cũng là lý do khiến Nguyễn Bảo Trung lựa chọn ngành học Mechanical Engineering - một trong những ngành khó nhằn nhất tại quốc gia sử dụng tiếng Đức và nổi tiếng về mặt kỹ thuật - Cộng Hòa Áo. Anh muốn được tiếp cận với một nền giáo dục mà ở đó, không phải chỉ là biết A rồi ráp luôn vào Z, mà hiểu được từ A đến Z phải trải qua những A’ hay B’ nào.
Ở Áo chia làm hai hệ Đại học, một là Fachhochschule - trường đại học chuyên về thực hành và Universität - trường đại học chuyên về nghiên cứu - cũng là trường mà anh đang theo học - Technische Universität Wien (trường đại học kỹ thuật Vienna). Giáo trình học ở đây chú trọng vào lý thuyết rồi mới đến phần thực hành và cho sinh viên khoảng không để tự áp dụng những lý thuyết mình học được.
Nói về trải nghiệm đại học ở Áo, Nguyễn Bảo Trung cho biết anh đã được học những điều vượt quá kỳ vọng của bản thân. Cách học ở trường không phải học vẹt, mà sau khi biết rất rõ về nguyên lý và công thức, sinh viên có thể tự áp dụng vào tất cả các vấn đề mở để kiểm chứng công thức đấy. Tức là tự ra đề, tự đặt điều kiện và tự giải từ đầu đến cuối. Giống như người bạn là nghiên cứu sinh Vật Lý của anh đã tự chứng minh lại định lý, thậm chí cố gắng chứng minh phản biện để tìm xem có kẽ hở nào không, chỉ vì cậu muốn hiểu được từ tư duy nào, vấn đề nào đã dẫn đến định lý ấy. Đối với Nguyễn Bảo Trung, đó mới thật sự là học để hiểu, để thực hành.
Đây cũng là lý do tại sao khi đã sang nước ngoài, dù không còn tiếp xúc trực tiếp với những vấn đề tiêu cực ở Việt Nam, anh vẫn tiếp tục viết bài trên Spiderum để khơi gợi mọi người suy nghĩ. Khi có được cơ hội đi ra thế giới, được tiếp cận với góc nhìn mở, Nguyễn Bảo Trung mong muốn có thể đem góc nhìn đó vào những bài viết của mình để mọi người không còn “bình thường hóa” những vấn đề xung quanh nữa.
Như chủ đề giáo dục, ngoài đối tượng là người trẻ, Nguyễn Bảo Trung cũng hướng bài viết đến người lớn, phụ huynh và giáo viên. Nếu như với người trẻ, anh dẫn ra những ví dụ tương đồng, như việc so sánh học đường trong bài viết “Tôi tài giỏi - Ừ kệ bạn” với câu chuyện về áp lực điểm số và thi cử đã khiến các bạn phải chịu đựng những tổn thương về tâm lý như thế nào; thì trong bài viết "Các trò giỏi đừng tưởng là do năng lực của mấy trò. Đó là năng lực của bố mẹ các trò….", anh dẫn dắt từ câu chuyện của chính giáo viên và người cháu của mình để người lớn hiểu cách làm của họ đang độc hại ra sao.
Khi nhiều người nói anh chính là "sản phẩm lỗi" của Giáo dục Việt Nam nên chỉ biết buông những lời tiêu cực miệt thị, Nguyễn Bảo Trung đặt ngược lại câu hỏi: “Song song về việc liệu tác giả có phải kẻ phiến diện hay không, xin các độc giả hãy đặt cả câu hỏi: Giáo dục ở nhiều nơi, đã trở nên đen tối đến mức nào khi tạo ra cả một thế hệ bao gồm tôi, những phụ huynh và học sinh nhờ tôi chắp bút, và cả những bạn upvote cho bài viết này??”
Dù vậy, Nguyễn Bảo Trung cũng cho rằng nếu bài viết gặp phải những lập luận hoàn toàn xác đáng khiến những luận điểm, dẫn chứng của mình bị lung lay, anh sẵn sàng chấp nhận quan điểm của mình có thể sai. Nhưng kể cả sai, anh vẫn để bài viết trên trang cá nhân vì đó là một trong những dấu mốc trong sự thay đổi tư duy của anh từ A qua những con đường B, C, D để đến được Z.
Đó cũng là một trong những lý do Nguyễn Bảo Trung lựa chọn Spiderum là diễn đàn duy nhất viết bài tại thời điểm hiện tại. Bởi lẽ, ở Spiderum, có những người cùng tranh luận, cùng đưa ra vấn đề và giúp anh mài sắc tư duy của mình. Nếu có chủ đề nào cảm giác chưa thể ra được lời giải, anh chọn cách đăng tải lên Spiderum để biết được đâu là lỗ hổng và đâu là điểm cần cải thiện.
Dẫu vậy, bên cạnh những bài viết logic xoáy sâu vào các vấn đề xã hội, vẫn có những khoảnh khắc mà ở đó Nguyễn Bảo Trung bộc lộ tâm sự và nỗi lòng của mình. Như việc anh nhắn tin hỏi thăm từng người mình quen biết để chắc chắn họ vẫn ổn, như khi anh lên án số đông định kiến đã đẩy nhiều người vào bước đường cùng, như lúc anh viết về vẻ đẹp của nỗi buồn và cách để đối mặt, không lảng tránh những khoảnh khắc tiêu cực của bản thân. Dường như bên cạnh một Nguyễn Bảo Trung gay gắt, phải - trái, đúng - sai rõ ràng, vẫn còn một Nguyễn Bảo Trung đầy tình cảm và quan tâm.
Có lẽ giống như câu nói anh từng viết trong bài Mẹ ơi, con không bỏ sót một ai cả: “Hoặc là nói thật hoặc là không nói gì”. Nguyễn Bảo Trung đã sống và viết theo đúng nguyên tắc ấy. Anh viết vì anh biết đấy là những điều mình phải viết, phải chia sẻ. Anh viết vì muốn hiểu tường tận mọi việc. Quan trọng nhất, anh viết vì mong muốn thay đổi, vì biết rằng có thể có những người đang gặp phải những vấn đề mà anh trải qua; và viết là cách anh giúp mọi người tìm ra giải pháp cho những vấn đề đấy, hoặc ít nhất là có thêm hướng để tư duy và cân nhắc; như những lời cuối anh nhắn gửi:
“Đừng chịu ảnh hưởng từ những định kiến, áp đặt từ xã hội, bạn có thể lựa chọn cách nhìn khác để tìm ra con đường thật sự phù hợp cho mình.”
Thực hiện: Hoàng Phương
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất