Hãy bắt tay và tìm hiểu anh bạn nhỏ là chính bản thân mình
Mình mới đọc một bài viết nói về thói đố kị của người Việt trên Spiderum. Đó là một bài viết hay, đã chỉ ra được nhiều khía cạnh của thói đố kị cũng như những yếu tố nào gây ra sự đố kị. Nhưng sau khi đọc xong thì mình thấy có một yếu tố cốt lõi mà bài viết chưa đề cập đến.
Đầu tiên, mình sẽ đưa ra một vài câu chuyện mà chúng ta thể hiện sự đố kị với người khác:
_  Hồi còn bé, chắc là hồi tiểu học, lớp của mình có một bạn mới chuyển vào. Đó là Tùng - một cậu bé có gương mặt sáng sủa, lại còn có cái cặp sách hình siêu nhân là niềm mơ ước của bao đứa trẻ nữa chứ. Tùng đã ngay lập tức lấy được sự chú ý của các bạn trong lớp. Nhìn lại bản thân mình, một thằng nhóc da đen nhẻm và còn mập ú, thế là mình đã không ưa Tùng tí nào.
_  Hồi cấp 3, khi mình tham gia vào đội bóng đá của lớp. Vì là một đứa không có kĩ thuật đá bóng giỏi nên mình đã bị xếp vào vị trí đá hậu vệ. Đứng ở dưới nhìn những đứa bạn tung hoành trên hàng tiền đạo, ghi bàn và dành được nhiều sự chú ý của mọi người, mình đã rất ghen tị.
_  Khi lớn lên, ra trường và đi làm. Mình làm ở một vị trí trợ lí nhỏ bé, nhìn sang những đứa bạn làm bác sĩ, kĩ sư hay có những đứa đang làm chủ một startup với mức lương gấp đôi, gấp 3 lần mình, mình lại cảm thấy đố kị.

Đọc thêm:

Trong 3 câu chuyện trên hay những câu chuyện khác xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, điều gì đang xảy ra trong đầu của nhân vật chính?
Sâu thẳm bên trong chúng ta, bộ não đang so sánh bản thân mình với người khác và nhìn vào những thứ mà họ có còn mình thì không, những điều mà họ làm giỏi hơn mình và từ đó sinh ra sự khó chịu khi cảm thấy mình thật thấp kém.
Nhưng vì sao chúng ta lại có những dòng suy nghĩ đó?



Đó là vì chúng ta đang không hiểu chính bản thân mình. Và yếu tố cốt lõi gây ra sự đố kị là do khả năng tự đánh giá bản thân (self awareness) của chúng ta còn kém.
Hãy nhìn vào những ví dụ trên và phân tích một xíu nhé:
_  Hồi đó mình là một đứa khá thông minh, điểm của mình luôn nằm trong top của lớp. Nếu mình nhận ra được điều này và không so sánh bản thân mình với Tùng qua vẻ bề ngoài hay vì cái cặp sách siêu nhân mà thay vào đó tập trung phát triển và nổi bật ở điểm mạnh là thành tích học tập thì mình đã không cảm thấy bị kém cỏi đến thế.
_  Nếu mình nhận ra được rằng mình là một đứa khá cao to, mặc dù không có kĩ thuật giỏi nhưng hoàn toàn có đủ yếu tố để trở thành một hậu vệ hàng đầu, thì mình đã không cảm thấy vị trí của mình thật thấp bé và không có ảnh hưởng gì đến thành công của đội như vậy.
_  Nếu hồi đó mình nhìn ra là điểm mạnh của mình không phải là ở phần kĩ thuật để có thể làm kĩ sư, bác sĩ mà là khả năng nói chuyện, thuyết phục và kết nối mọi người thì mình đã có thể phát triển xa hơn. Vì giao tiếp là một kĩ năng rất quan trọng và có thể áp dụng trong siêu nhiều trường hợp và cơ hội. 

Đọc thêm:

Do vậy, với một người có khả năng tự đánh giá tốt, họ sẽ biết được:
+  Giá trị cuộc sống của họ là gì
+  Điểm mạnh, yếu của bản thân
+  Những thứ gì là thực sự quan trọng với họ trong cuộc sống
+  Những điều gì sẽ làm họ cảm thấy hạnh phúc 
+  Mình phải làm gì để đạt được những điều đã nêu ra ở trên
Một khi đã biết được những điều trên, chúng ta sẽ vô cùng bận rộn để đạt được những mục tiêu mà chúng ta đã đề ra đó và sẽ không có thời gian để nhìn vào để rồi lại so sánh mình với người khác. Hoặc nếu sự so sánh đó có xảy ra, nó sẽ rơi vào 1 trong 2 tình huống sau: 
_  Cái mà bạn đang so sánh không hợp với giá trị sống của bạn. Lúc này thì chúng ta chẳng phải quan tâm đến nó nữa, gạt nó qua một bên thôi vì nó có giúp gì cho cuộc sống của mình đâu.
_  Cái mà bạn đang so sánh chính là một trong những mục tiêu của bạn. Lúc này thì nó cũng là một trong những điều mà bạn đang trên đường hướng tới rồi. Nó sẽ một phần là cái đích để bạn đi tiếp và đạt được hơn là một cái chướng mắt để bạn đố kị.

Vậy đó, khi đã hiểu được bản thân mình, chúng ta sẽ làm chủ được suy nghĩ, cảm xúc, hành động và cuối cùng là cuộc sống của chính mình. Chúng ta sẽ học đươc cách chấp nhận bản thân của mình, từ đó sẽ bỏ đi được tính đố kị và còn giúp rất nhiều trong quá trình thành công trong cuộc sống nữa (vì chủ đề bài viết này gói gọn trong sự đố kị nên mình không bàn đến chuyện thành công trong cuộc sống nhiều ở đây).
Trên kia là một vài suy nghĩ sau khi mình đọc xong bài "Bàn về tính đố kỵ của người Việt". Mong là sẽ giúp mọi người một phần nào đó trong cuộc sống.