Nếu bạn mới bước vào thế giới người lớn và đã bị shock vì nó chứa những nỗi khổ đau không ai thấu. Nếu bạn đang tìm kiếm cho mình một giá trị gì đó về nỗi buồn (giọng văn và âm điệu trầm), mình sẽ đề nghị bạn chọn ngay cuốn "Người tị nạn" của tác giả người Mỹ gốc Việt: Viet Thanh Nguyen. 
Xoay quanh cuốn sách là những chuyện nhỏ nhặt (nghe tên sách có vẻ tưởng là chính trị hay phân biệt chủng tộc, nhưng thực sự không phải), những khía cạnh trong cuộc sống của những người tha hương. Nếu chưa thực sự trải qua được nỗi buồn của người lớn, có lẽ bạn sẽ không hiểu cái buồn trong văn chương của nó. Cảm giác của mình khi đọc nó giống như việc mình đứng dưới buổi chiều ngồi nhâm nhi ly trà và nghe những bản nhạc đã cũ và nhớ về những con người đã bước qua cuộc sống.
Hình ảnh cuốn sách, nguồn: Google.
Thực sự thì những câu chuyện ngắn được kể một cách rời rạc với cái kết rất mở mà khiến chúng ta ngẫm nhiều hơn là trông chờ một cái kết có hậu cho nhân vật. Có lẽ chúng ta sẽ thấy nỗi buồn đó quá đỗi bình thường với một người trưởng thành và đọc nhiều sách, có thể chúng ta sẽ bắt gặp kiểu thâm trầm đó trong những cuốn như: "Ông già và biển cả" hay "Rừng Na-uy". Nhưng khi đặt bối cảnh nhân vật sống tha hương nơi đất khách, trong những buổi chiều ảm đạm hay những buổi tối heo hút, thì lại khác thực sự. Mình chỉ nghĩ khi đứng trước sự tiện nghi, người ta vẫn có chút gì đó nhớ về nơi chốn cũ, những thói quen khó bỏ.  
Mình thích nhất câu chuyện của vị giáo sư Khanh. Người giáo sư sống ở quận Cam lúc về già, đã lẩm cẩm, nhưng luôn nhớ về Yến người mà ông yêu suốt cuộc đời. Có lẽ xung quanh, vẫn còn quá nhiều con người, nhiều màu sắc và những nỗi muộn phiền khác nhau. Cơ bản có lẽ bản chất của cuộc đời cũng chỉ có muộn phiền về những thứ đã qua. Có lẽ đó là bài học mà chúng ta phải học chăng?.
Tái bút: Đến cuối cùng trong lòng mình vẫn còn văng vẳng bài hát "Tâm sự gửi về đâu" của nhạc sỹ hải ngoại Phạm Duy, qua giọng ca ấm áp của chú Tuấn Ngọc. Mình nghĩ đây là bài hát hợp với cuốn sách cũng như nỗi buồn của nó. Sách và âm nhạc hòa quyện như vậy thì còn gì bằng!