Chiều hôm trước phóng xe "lên bà", đương nhiên là để gặp ông.
Lên ông vào buổi chiều, nó khác hoàn toàn mọi khung giờ khác trong ngày. Nói sao nhỉ? Có mùi vị đi vào tác phẩm văn học.
Ông thấy Hạnh thì mở quạt, bắt ngồi ngay vào đây cho mát, dù trời thì đương mát lạnh ra. Nói chuyện một hồi, ông bảo "Con ngồi đây, ông sang nhà ông Nguyên xem như thế nào nha".
Ông Nguyên đang xây nhà mới. Vậy là căn nhà cuối cùng của tuổi thơ Hạnh chính thức biến mất. Mới tháng trước thôi đó vẫn là một căn nhà nhỏ cũ nguyên vẹn của năm Hạnh 6 tuổi. Mà ông sang bển để làm gì không biết. Không phải thợ xây và đảm bảo không có chút kinh nghiệm gì liên quan. Ông sang thăm nom với tư cách một người hàng xóm nhiệt tình. Người hàng xóm này chỉ có duy nhất lòng nhiệt tình thôi, biểu hiện của lòng nhiệt tình là "lăng xăng, hay chạy", như lời bà hồi còn sống hay trách.
Mà kể như vậy cũng hay. Ông cứ lăng xăng hay chạy như vậy lại đỡ buồn. Một ông già sống một mình thì có năng lực gì quý hơn sự "lăng xăng hay chạy” đó. Ngồi trước bậc thềm, ngồi bó gối, nhìn ra phía vườn, Hạnh nghĩ vậy.
Cứ "lên bà" là Hạnh ngồi chỗ này, với kiểu ngồi đó, mà cứ chỉ là buổi chiều cơ. Ngày xưa Hạnh với bà ngồi song song vậy nhìn ra ngoài, thi thoảng Hạnh nói chuyện. Bà bị lãng tai nên sẽ nghe sang chuyện khác. Hạnh sẽ chiều lòng mà nói sang chuyện khác. Nhưng có nói đến chuyện khác thì vẫn chạy vào tai của con người lãng tai, thế là bà nghe sang chuyện khác nữa. Ông, Hạnh với bà cứ nói chuyện lòng vòng như vậy chẳng đâu đâu vào đâu. Thế mà chỉ thấy buồn cười, lòng vẫn êm lặng như màu hoàng hôn mà chẳng có chút khó chịu gì. Khi chấp nhận sự thiếu sót ở một người, hoàn toàn bỏ đi hi vọng họ thay đổi, ta lại dễ thở hơn chẳng mấy phản ứng với điều đó nữa. Tương tự như cách Hạnh và ông chấp nhận bà bị lãng tai, Hạnh cũng sẽ học tập quy luật đó vào nhiều thứ khác trên đời.
Một hồi, Ông từ bên nhà ông Nguyên về, đến ngồi ở ghế, hướng nhìn ra vườn. Hạnh vẫn ngồi im. Hai ông cháu chẳng nói gì cả. Một hồi, vô bếp thấy ông đã cắm cơm rồi. Trên bếp ga là nồi cá kho, hình ảnh một tháng Hạnh thấy 20 lần. Ông bảo ông quen ăn vậy. Nhanh gọn khỏe. Thi thoảng mẹ đem lên món khác khác thì thôi, chứ không là quanh năm ông ăn vầy. Vẫn ngon mà. Chắc ông thấy ổn thật, Hạnh thì không vui tí nào.
Tính là ở lại ăn cơm với ông. Mà thôi không thể làm buồn buổi chiều của con người Hạnh này thêm được nữa.
Ngồi phắt dậy.
"Con về đây ông. Mai con đi chợ rồi trưa con qua nấu ông cháu mình ăn cơm nha"
Trên đây là mở bài của chuyện Hạnh đi chợ.