Những câu hỏi mang đậm tính triết học mà con người dù ở đâu, thuộc dân tộc hay thời đại đại nào đều đặt ra cho mình đó là: chúng ta là ai? vũ trụ này thực sự là gì? Cuộc sống của con người có ý nghĩa gì? Những băn khoăn đó làm nên những dòng tư tưởng nhất định và đặc trưng cho từng nền văn hóa. Tư tưởng triết học không chỉ là kết quả từ những suy tưởng của lý trí cá nhân nhưng đó còn là hệ quả của một nền văn hóa được bồi đắp, xây dựng và tinh chế qua dòng lịch sử. Tư tưởng triết học hay tư duy, nhận thức của người Việt cũng được hình thành và chịu nhiều ảnh hưởng qua hơn 4000 năm văn hiến. Có thể, người Việt không có một nền triết học, một hệ thống tư tưởng rành mạch, hệ thống và khoa bảng nhưng chắc chắn một điều rằng, dân tộc Việt có một hệ tư tưởng mang đặc nét và thể hiện bản sắc riêng của mình.
Khi bàn về tư tưởng và cụ thể là tư tưởng triết học Việt Nam, có hai luồng ý kiến đối lập nhau. Một cho rằng dân tộc Việt Nam có tính thực dụng cao, chỉ biết tiếp thu, chế biến các hệ thống tư tưởng, tôn giáo cho phù hợp với mình chứ “không sáng tạo, chỉ có vay mượn, chỉ có áp dụng, chỉ có thích nghi. Đó là lịch sử tư tưởng chính thống của Đại Việt”. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, dân tộc Việt Nam có một hệ thống tư tưởng của riêng mình, tuy không mang những nét khoa bảng, không có những gương mặt triết gia tiêu biểu, những tác phẩm triết học cụ thể, chuyên biệt, nhưng mang đậm tính cách Việt. Về vấn đề này, người viết đồng ý với quan điểm thứ hai. Mỗi dân tộc đều có một nền minh triết riêng. Không thể nói một dân tộc với hơn 4000 năm văn hiến lại không có tư tưởng triết học được! Một trong những bước khởi đầu cho việc nghiên cứu và hệ thống nền tư tưởng Việt Nam đến từ Linh mục Lương Kim Định khi ông cho xuất bản bộ Triết lý An Vi vào thập niên 1960. Những cố gắng của ông đã góp phần thúc đẩy những thế hệ đi sau tìm về và làm sáng tỏ bức tranh về nền Triết học của nước nhà. Những nghiên cứu sau này tập trung vào các vấn đề chính như vấn đề triết học tự nhiên và nhận thức luận, vấn đề phương pháp tư duy, triết học chính trị và vấn đề triết học nhân sinh.
           Nền tư tưởng của người Việt được xây dựng trên hai nền móng đó là nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc xã hội. Về nguồn gốc nhận thức, ngay từ thời Tiền Đông Sơn, qua các hoạt động xã hội, sản xuất người Việt đã hình thành lối tư duy trừu tượng. Hơn nữa, đất nước Việt Nam nằm ở vị trí đặc biệt khi là cầu nối giữa hai nền văn hóa và tư tưởng lớn là Ấn Độ và Trung Hoa. Chính vì thế, tư tưởng người Việt chịu nhiều ảnh hưởng của hai nền văn minh lớn này. Cụ thể, chúng ta tiếp kiến tư tưởng Nho giáo và Lão giáo từ phương Bắc và tư tưởng Phật giáo từ Ấn Độ. Đồng thời, sau này, Việt Nam tiếp tục tiếp kiến với văn hóa Tây phương thông qua đạo Công giáo. Tuy nhiên, trên nền tảng tư duy bản địa mạnh, người Việt đã không bị hòa tan hay đồng hóa vào các nền tư tưởng lớn nhưng thay vào đó là một quá trình hội nhập, chọn lọc và bản địa hóa. Như vậy, có thể thấy, lịch sử tư tưởng của Việt Nam là một sự hòa trộn giữa nền nhận thức và văn minh bản địa với ba nền văn hóa lớn của nhân loại là Ấn Độ, Trung Hoa và Tây phương. Về nguồn gốc xã hội, lịch sử Việt Nam gắn liền với công cuộc gìn giữ đất nước trước nhiều cuộc xâm lăng và thôn tính cả về lãnh thổ và văn hóa của ngoại bang. Chính vì thế, tư tưởng của người Việt cũng mang đậm tính dân tộc, nhận thức vững chắc về tự nhiên và xã hội, tinh thần yêu nước và tinh thần quật cường.
Tư tưởng triết học của dân tộc Việt Nam có nhiều nét đặc trưng và riêng biệt. Khác với triết học Tây phương, triết học Việt Nam đi từ nhân sinh quan tới thế giới quan. Chính vì vậy, những vấn đề của tư tưởng người Việt thường có xu hướng phát triển từ những ý niệm thô sơ, gần gũi với cuộc sống, coi trọng vấn đề xã hội và nhân sinh nhiều hơn những bận tâm mang tính vũ trụ. Cũng vì thế, tư tưởng Việt Nam mang hơi hướng của sự thực dụng, dường như xa lạ với các ý niệm mang tính siêu hình. Tuy vậy, cũng không thể nói rằng, người Việt không có những bận tâm siêu hình. Văn hóa Việt Nam mang đặc nét của văn hóa phương Đông, vì vậy tư duy của người Việt mang tính tổng hợp và biện chứng, suy tư về vũ trụ gắn liền với tư tưởng Âm dương, Ngũ hành, Bát quái. Thuyết Âm dương giải thích bản chất của vũ trụ và vạn vật; còn Ngũ hành, Bát quái giải thích cấu trúc của vũ trụ và vạn vật.[1]
           Tư tưởng triết học Việt Nam không có một hệ thống hoàn chỉnh và nổi danh như của Plato hay Aristotle, thế nhưng tư tưởng ấy rải rác và bàng bạc trong kho tàng văn hóa, văn học và tín ngưỡng của dân tộc. Quả thực, chúng ta có một văn hóa truyền thống đa dạng và đặc sắc. Lịch sử của dân tộc cũng không thiếu những nhà tư tưởng lỗi lạc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du,... Trong những nỗ lực nghiên cứu và tổng hợp gần đây, các học giả đã đưa ra các phạm trù trong triết học Việt Nam. Cụ thể, các phạm trù được người Việt dùng để nhận thức thực tại bao gồm vũ trụ, đạo, mâu thuẫn, vận động, không gian, thời gian, con người, trí tuệ, yêu thương và hạnh phúc. Có nhiều phạm trù đến từ sự vay mượn và kế thừa từ những nền tư tưởng lớn như Ấn Độ, Trung Hoa hay Tây phương. Tuy nhiên những phạm trù ấy đã được cải biến, chọn lọc và được định nghĩa theo nhãn quan của người Việt. Điều đó làm nên một hệ tư tưởng Việt Nam mang màu sắc của sự vận động, giao thoa, bao dung và cởi mở trong hành trình tri thức của con người.
           Như vậy, trên một góc nhìn khách quan, lịch sử hơn 4000 văn hiến đã chứng minh sự tồn tại và đặc trưng của một nền tư tưởng triết học Việt Nam. Tư tưởng ấy không mang hơi hướng cổ điển và khoa học như hệ thống triết học Tây phương nhưng được đặt nền tảng trên văn hóa bản địa vững chắc, thể hiện đặc nét văn hóa Á Đông, chịu tác động và chi phối bởi các nền tư tưởng lớn của nhân loại. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về tư tưởng Việt Nam, người viết cũng nhận thấy việc nghiên cứu và tìm hiểu về triết học của dân tộc đang rất hạn chế và giới hạn. Để có một kết luận đa chiều và sâu sắc về tư tưởng của đất nước là một công việc đòi hỏi nhiều công sức, sự đam mê và lòng yêu mến. Hy vọng rằng, trong tương lai, Việt Nam sẽ có thêm nhiều nghiên cứu, nhiều người, đặc biệt là người trẻ dấn thân cho công việc khám phá, xây dựng và đóng góp cho nền tư tưởng triết học của quê hương.
[1] X. TRẦN NGỌC THÊM, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Tp Hồ Chí Minh, 1996, tr.110