Dường như bất cứ một công dân nào của xã hội hiện đại cũng có thể dễ dàng nghĩ ra một lời than vãn về tốc độ vận hành khốc liệt của xã hội, về chủ nghĩa hàng tiêu dùng, những nhố nhăng của văn hóa đại chúng, hay thị phi của đám đông. Nhưng liệu có phải ai cũng đủ can đảm để lựa chọn cách sống như Christopher McCandless trong Into The Wild? Và nếu như vậy thì mọi thứ sẽ đi đến đâu?

Câu chuyện sau nói về Virgil Snyder, một ông lão sống cách biệt xã hội hơn 20 năm trời ở Arizona, Mỹ. Câu chuyện mở ra những suy ngẫm về lối sống cô lập, tách biệt khỏi xã hội loài người. Bài này, từng được đăng trên Vice.com, được viết bởi Paul Willis, một nhà báo tự do hiện sống và làm việc ở New York. Tôi có liên hệ để xin Paul được dịch và biên tập lại bài này cho dự án cá nhân của mình. 


Vài năm trước, tôi trọ ở New York cùng một số người bạn, những kẻ đến thành phố này với hầu như cùng một mục đích: để nằm bẹp dí trên giường vì mệt mỏi mỗi đêm. Họ tiêu hóa đủ loại thuốc mà họ với tới được, lướt qua đàn bà như trẻ em thay tã, và biến thành phố này trở nên chật chội hơn vào giờ cao điểm. Dù tôi cũng thích họ, nhưng sống ở một nơi như này quả là ác mộng, không phải chỉ vì cảm giác phải sống trong nó, mà vì cảm giác không thể thoát khỏi nó.
Kể từ đó, tôi bắt đầu học cách trân trọng trạng thái biệt lập. Tôi thậm chí còn viết một cuốn sách về nó, về việc tôi học để trở thành ẩn sĩ – những người trói buộc mình vào sự biệt lập toàn diện, cách li khỏi những người khác, để sống một cuộc sống trong thanh tịnh. Ở càng lâu trong thành phố chật chội này, mong muốn về nơi thôn dã lại thôi thúc tôi.
Và một mùa đông nọ, tôi đến sân bay JFK với vé một chiều đi Arizona và một viễn ảnh trong đầu về một ngọn đồi vắng vẻ, đối diện với một ẩn sĩ già nhăn nheo. Tôi đã chọn Arizona đặc biệt vì mùa đông ở đây tương đối ấm áp so với ở New York, và vì bang này có một bề dày lịch sử của các ẩn sĩ, những người đã sống ở các thị trấn hoang bị bỏ lại từ những cuộc chạy đua khai thác đồng trước đây.
Một sử gia ở Phoenix đã kể tôi nghe những câu chuyện về các ẩn sĩ, và đề nghị tôi tìm quanh các ngọn đồi và hẻm núi ở miền trung Arizona. Anh ta dẫn tôi tới một thị trấn có tên là Cleator, một khu hẻo lánh dăm ba mái nhà đơn sơ với mái che bằng thiếc cách quốc lộ I-17 một giờ xe về phía Tây. Khi tôi đến đó thì trời đã tối, và tôi có lẽ đã sượt qua chúng nếu không nhờ vào ánh sáng màn hình vô tuyến phát ra từ cửa chính đang mở của một quán bar đơn chiếc trong thị trấn.
Người chủ quán bar, một người đàn ông đậm người với gương mặt trắng nhợt, đang xem phim Lost. Ông ta đặt một chai bia trước mặt tôi và chỉ về vị trí trên nhãn nơi ghi là mọi nguyên liệu đều tự nhiên rồi nói “Đừng quên: chất asen là tự nhiên nhé!”.
Tôi uống hết chai bia của mình và gọi một chai khác. Lúc ấy, tôi đã thu hết can đảm để nói cho ông ta biết lí do tôi đến đây. Trên hành trình của mình, tôi đã hỏi nhiều người khác liệu họ biết có một ẩn sĩ nào sống ở quanh vùng đó và mỗi lần như vậy họ đều nhìn tôi như thể tôi là một thằng ngốc. Cậu tìm họ làm gì – hẳn là họ đã thắc mắc như vậy – chẳng phải họ trở thành ẩn sĩ là vì họ muốn ở một mình sao? Nhưng rồi sau một chốc, người chủ quán bar bắt đầu kể tôi nghe về một lão già sống một mình trong một túp lều hư nát cách thị trấn vài dặm. Túp lều nằm trên vùng đất của một mỏ bạc và người đàn ông này, tên Virgil Snyder, đã chăm nom cái mỏ bạc này hơn 20 năm rồi.
Chủ quán bar cho tôi xem ảnh của ông già ấy. Và nếu ai đó yêu cầu tôi vẽ ra bức tranh của một ẩn sĩ, tôi chắc chắn sẽ mường tượng ra với một hình ảnh gần như người đàn ông trong hình. Nhỏ thó, “chắc không hơn 45 cân”, chủ quán bảo, “với bộ râu trắng dài và luôn giữ một tấm da của một con rắn trong tay”
Virgil Snyder, bên ngoài cabin của mình. Ảnh tác giả chụp.
Mang bia cho ông ta nếu cậu tính đến đó”, chủ quán nói với tôi trên đường ra, “Và nếu ông ta không thích cậu, cậu sẽ biết ngay thôi.”
Nơi nào có nền văn minh, nơi đó có người muốn thoát khỏi nó. Truyền thống ẩn dật của Thiên Chúa giáo bắt đầu từ những cha sứ theo lối tu khổ hạnh, muốn đến những sa mạc ở Ai Cập để truyền giáo, như một phản ứng đáp trả sự hưng thịnh và thừa mứa quá mức của những nhà thờ trước đây.
Ý tưởng thoát ly khỏi một xã hội nhiễu nhương để có một cuộc sống đơn giản hơn, hòa hợp với tự nhiên cũng đã truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ và triết gia suốt nhiều giai đoạn. Năm 1845, Henry Thoreau đã sống một mình trong một túp lều ở Walden Pond ở Massachusetts, để “đảo ngược lại sự cấm đoán của kinh thánh và chỉ làm việc 1 ngày để 6 ngày còn lại là thời gian rảnh”. Trong thời gian này, sau khi Thoreau đã viết nên cuốn Walden bất tử, ông ấy bị bắt bỏ tù một đêm vì từ chối nộp thuế nhân khẩu. Vào lúc này, ông viết trong hồi ký “Tên cướp cạn duy nhất tôi từng gặp đó chính là thể chế chính trị. Tôi yêu nhân loại, nhưng căm ghét những thể chế mà ông cha dựng lên.”
Hình ảnh đầy tính phản kháng của ẩn sĩ – không phải chỉ về luật pháp, mà về nhiều điều lớn lao khác – trở nên có một sức hấp dẫn kì lạ, nhưng cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Năm 1990, Chrisopher McCandless, một chàng trai trẻ lý tưởng, rũ bỏ mọi ràng buộc với gia đình, quyên góp toàn bộ 25.000$ trong số tiền học Đại học của mình cho một tổ chức từ thiện rồi bắt đầu một cuộc hành trình tự khai phá bản thân xuyên suốt nước Mỹ. Là một người hâm mộ Thoreau, trên hành trình tìm kiếm sự cô độc cực đoan, McCandless cuối cùng đi đến một nơi hoang vu ở Alaska với chỉ hơn 4 cân gạo và một khẩu súng trường. Xác anh ta sau đó được tìm thấy trong một chiếc xe buýt bỏ hoang, được khám nghiệm tử thi cho biết là anh đã chết vì đói hoặc vô tình trúng độc do ăn uống không đúng cách.
Bên cạnh những mối hiểm nguy về thể chất, vẫn có một câu hỏi được đặt ra là liệu sự cô lập có tốt cho tâm lý con người. Nhiều nghiên cứu chỉ ra điều ngược lại. Giáo sư Craig Haney, một nhà tâm lý học ở Đại học California sau khi nghiên cứu trên hàng trăm tù nhân biệt giam ở một nhà tù ở Mỹ, đã từng cho rằng “rất nhiều người khi bị biệt giam có nguy cơ tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần”. Một nghiên cứu khác, cũng dựa trên những phạm nhân biệt giam (những nghiên cứu về sự cô lập ngoài nhà tù khá hiếm, chủ yếu vì lí do đạo đức nghiên cứu), cũng chỉ ra rằng sự cô độc cùng cực có thể gây ra chứng nói sảng, hoang tưởng, trầm cảm và thậm chí là ý định tự sát.
“Những triệu chứng được mô tả trong các nghiên cứu này phổ biến tới mức người ta không cho phép thực hiện một nghiên cứu thực nghiệm nào về sự cô lập”, Laura Rovner, một giáo sư luật học ở Đại học Denver đã nói khi trình bày về một số trường hợp biệt giam.
Những triệu chứng này bao gồm những hành vi lo âu, tự hủy hoại, rối loạn tâm thần, dễ xúc động, ảo giác, và ở một số trường hợp, còn dẫn đến việc vĩnh viễn không thể tái hòa nhập xã hội.
Tuy nhiên, trong khi toàn bộ những nghiên cứu trên có vẻ rất đúng, vẫn có trường hợp vài người không những kiện toàn bản thân trong cô lập, mà còn khám phá được ý nghĩa của nỗi cô đơn mà họ không thể tìm được trong đời sống thường nhật. Richard E. Byrd, một sĩ quan hải quân Anh đã lái một con tàu về vùng Nam Cực trong suốt mùa đông năm 1934, đã phát huy một cảm thức mãnh liệt về sự đơn độc của kiếp người trong vũ trụ. Trong hồi ký của mình, Alone, ông ta đã viết: “Đó là một cảm giác vượt lên trên cả lý tính; đi vào cõi tuyệt vọng cùng cực của một con người và thấy rằng nó rất mênh mông. Vũ trụ này là một chỉnh thể toàn diện, không phải một khối hỗn độn; con người là một phần trong nó cũng như ngày và đêm vậy.”
Vậy thì cái nào là đúng: sự cô lập hủy diệt tâm lý con người, hay nó cho phép chúng ta thấy thế giới rõ ràng hơn? Những quan điểm đối lập này có thể được mô tả rõ ràng nhất bởi câu chuyện của hai đối thủ năm 1968 trong cuộc đua thuyền để trở thành thủy thủ đầu tiên một mình vòng quanh thế giới. Người đầu tiên, một người Pháp tên Bernard Moitissier, đã đam mê sự cô lập tới mức ông ta bỏ mặc cuộc đua để giương buồm băng qua đại dương phía Nam để đến Tahiti. Với ông ta, ở một mình là một món quà. Người còn lại, Donald Crowhurst, có một phản ứng hoàn toàn khác biệt về việc ở một mình. Ông ta đối mặt với vấn đề về con thuyền của mình chỉ một lúc sau khi bắt đầu chuyến hành trình, và trôi dạt trên Đại Tây Dương hàng tháng trời. Sau khi biến mất khỏi các mối liên lạc qua vô tuyến, tàu của ông cuối cùng được tìm thấy ở biển Sargossa, mà không có dấu hiệu nào của Crowhurst. Tuy nhiên, thứ được tìm thấy là một cuốn nhật ký 25.000 từ ghi lại những bước đi đến sự khủng hoảng tinh thần của thủy thủ người Anh này. Sự cô lập rõ ràng đã làm ông ta phát điên.
Theo lời chỉ dẫn của chủ quán bar, tôi đi đến vùng mỏ để tìm Virgil. Nơi đó nằm khoảng hai dặm từ con dốc của đường lớn. Ở đó có một cabin trống không nằm trơ trọi phía trên một bờ đê đắp từ đá mỏ. Phía sau cabin, mặt trước của một chiếc xe tải gỉ sét nằm bất động trước cửa hầm mỏ, thân xe của nó chi chít những lỗ đạn.
Cabin nơi Virgil sống ở Arizona. Ảnh do tác giả chụp.
Từ cabin, tôi men theo con đường nhỏ ôm vòng hầm mỏ cho đến khi gặp một ngã ba. Gần đó, tôi thấy bóng của một cái gì đó cắt ngang một cây Bách Xù ven đường. Tôi bước đến gần hơn để nhìn, trên con đường phía bên tay phải của mình, tôi thấy một người đàn ông đang đẩy một chiếc xe kút kít. Đó là Virgil.
Bộ râu của ông ta ngắn hơn trong ảnh và ông ta mặc một cái áo chui đầu dài tay. Ông ta muốn biết rằng tôi có mang bia cho ông ta không, và khi tôi bảo rằng có, ông ta nói là ông ta có thiện cảm với tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tôi kể ông ta nghe về một người phụ nữ mà tôi gặp ở Cleator, người nói với tôi rằng cô nghĩ Virgil tự do hơn bất cứ ai mà cô ta biết. Ông ta nhún vai và bảo ông ta không quan tâm lắm những gì người khác nghĩ.
“Ta đến đây không phải để chứng minh một điều gì cả”, ông bảo. “Hầu hết những người dân ở đây chưa từng nghĩ ta tỉnh táo. Thật vậy. Với bọn họ, ta chỉ là một lão khùng.”
Ông mời tôi ở lại và trò chuyện, và suốt nhiều tuần tiếp theo, tôi chắp vá những mảnh của câu chuyện của ông ta. Ông ta lớn lên trong một vùng lao động nghèo ở Phoenix, là anh cả trong sáu anh em trai, và là con trai của một người lái xe tải gốc Đức và một phụ nữ Cherokee. Ông ta kết hôn sớm, có hai con, xe hơi và cả chó nữa – “những thứ vớ vẩn”, ông ta chêm vào. Sau đó, vào những năm cực thịnh dưới thời Reagan, cuộc sống xã hội của ông ta chấm dứt. Vợ ông ta đuổi ông ra khỏi nhà và con cái thì từ ông. Dù không muốn nói về nguyên do, ông phủ nhận lí do rượu chè. Tuy vậy ông ta vẫn say xỉn trên đường suốt hai năm liền sau đó.
Cha ông ta tìm thấy ông, nghèo túng và đói kém, nên mang ông ta về sống chung trong hầm mỏ, nơi ông làm các công việc nội trợ. Sau đó, Virgil thấy cha mình chết do uống quá say. Thế là ông ta ở một mình từ đó.
Chiếc xe tải gỉ sét ở trước cabin.
Đã 27 năm rồi kể từ lần cuối ông gặp con cái của mình. Chúng nó chắc đã 40 tuổi rồi. Tôi hỏi ông có bao giờ nghĩ đến việc tìm chúng không?
“Tôi nghĩ chỉ có cậu mới muốn làm việc đó, chứ không phải tôi!”
Tôi cảm thấy một cơn giận dữ sâu sắc ở ông. Thỉnh thoảng nó bùng lên, nhất là khi ông ta say. Trong suốt cuộc trò chuyện về chính trị chẳng hạn, ông ta thậm chí không kiểm soát được, đá những lon bia và dậm chân bành bạch.
Nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất mà ông để lại cho tôi đó là một người đàn ông mà đời sống tình cảm hầu như nổi lên trên bề mặt một cách đáng kinh ngạc. Có lần ông ta đột nhiên òa khóc mà không giải thích gì cả khi tôi hỏi ông ta một câu hỏi vô hại về những chiếc mũ rơm treo trên tường ca bin. Tôi tự hỏi liệu sự nhạy cảm thái quá này có phải là triệu chứng của việc cách li xã hội, như trong trường hợp của những bệnh nhân biệt giam, hay đơn thuần nó chỉ là tính cách của ông ta và có thể cũng chính nó đã khiến ông ta rời bỏ cộng đồng ngay từ đầu.
Có một câu thoại trong một bộ phim The adventures of Buckaroo Banzai Across the Eighth Dimension như sau “Dù anh có đi đâu thì cũng sẽ luôn thấy mình ở đó”. Nói cách khác, bạn có thể trốn tránh khỏi thế giới nhưng bạn không thể trốn tránh khỏi chính mình. Tương tự như vậy, Thomas Merton, một tu sĩ dòng Luyện tâm, sống nhiều năm cô độc và đã xuất bản nhiều cuốn sách về sự đơn độc của ông trong những năm tháng này. Ông từng viết: “Nếu bạn đi vào sa mạc chỉ để thoát li khỏi những người bạn không thích, bạn sẽ không thấy được bình yên lẫn sự thanh tịnh, mà bạn chỉ thấy những con quỷ của chính mình mà thôi”
Lần cuối cùng tôi thấy Virgil, khi ông ta uống bia và ngồi ở mỏm đá nhìn ra những vách núi. Đó là vào khoảng tháng ba. Chúng tôi đã cùng thấy một con chim gõ kiến đậu ở gần cái nồi thiếc nấu ăn. Virgil hỏi tôi liệu có muốn biết con chim đó tìm thức ăn như thế nào không.
“Tôi cũng từng hỏi mình câu đó”, ông ta bảo. “Một ngày nọ tôi thấy con chim ngu ngốc này ngó nghiêng xung quanh như thể đang tìm kiếm gì đó. Cuối cùng tôi mới phát hiện ra. Nó ngoái đầu để lắng nghe tiếng ngọ nguật của ấu trùng dưới lớp vỏ cây. Tôi đoán là có nhiều người thông minh cũng biết được điều đó nhờ vào đọc sách hoặc xem phim tài liệu, nhưng mấy ai thực sự khám phá ra được với giác quan của chính mình?”
Tôi gật gù. Trong cuộc chạy đua để lấp đầy ngày tháng cuộc đời với những giá trị mơ hồ, phần lớn chúng ta đều bỏ qua những sự thật giản đơn như vậy. Đâu đó trên ngọn đồi Arizona của mình, Virgil có thể bị dày vò bởi những con quỷ của riêng mình, nhưng ông ta cũng biết được nó cũng chẳng khác gì mấy so với những người ở xã hội ngoài kia.
“Cậu có thể phát điên khi cố gắng diễn giải mọi thứ.”, ông từng bảo tôi, “Tôi thích sống một cách rất thực dụng cho mỗi ngày của mình. Ý tôi là, làm gì có một con chó nào quan trọng hóa việc đi ị của nó lên đúng không? Nó chỉ đơn giản là ị khi buồn ị thôi! Việc sống cũng vậy.”
***
Tôi đã hỏi Paul một câu hỏi ngắn là cảm thấy gì sau chuyến đi đến Arizona để viết bài này. Paul trả lời "Tôi có một cảm giác rất kì lạ sau cuộc gặp gỡ với Virgil. Trước khi lên đường tôi đã vẽ ra một viễn cảnh lý tưởng về sự biệt lập. Nhưng sau khi tận mắt chứng kiến một trường hợp tách biệt xã hội như vậy, thì rõ ràng là sự cô lập có thể trở thành một địa ngục của tinh thần. Tôi nghĩ mình đã thay đổi nhiều trong cách nghĩ về việc sống tách biệt xã hội sau chuyến đi này.”