Trên cương vị là nền kinh tế phát triển đứng thứ 5 thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người trên 44.000 USD/năm và mức lương tối thiểu trên 8 bảng (230.000 đồng) mỗi giờ, vương quốc Anh được xem là "miền đất hứa" đối với nhiều người ở các nước đang phát triển. Họ tìm mọi cách tới Anh với hy vọng "đổi đời" bất chấp việc Chính phủ Anh đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp. Vụ thảm kịch 39 người tử vong trong xe container tại Essex, Anh đã và đang dấy lên những hồi chuông báo động về tình trạng lao động di cư bất hợp pháp, vốn đã không còn xa lạ, từ Việt Nam ra nước ngoài.
Ngày 23/10/2019, cả thế giới không khỏi bàng hoàng trước thông tin 39 thi thể được phát hiện trong thùng xe tải tại khu công nghiệp Waterglade thuộc hạt Essex, phía đông nam thủ đô London. Cảnh sát ban đầu cho biết chiếc xe đến từ Bulgaria, đi vào nước Anh qua cảng tại thành phố Holyhead, xứ Wales, vào ngày 19/10. Cả 39 nạn nhân được kết luận đã tử vong khi cảnh sát phát hiện. Các nạn nhân bao gồm 38 người lớn và một người vị thành niên, tất cả đã được xác minh danh tính là người Việt Nam. Ngay sau đó, cộng đồng người Việt trong và ngoài nước đều bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc trước những cái chết thảm thương của đồng bào ở nơi đất khách quê người. Bên cạnh đó, dư luận cũng bắt đầu đưa ra những quan điểm, tranh luận xoay quanh các chủ đề như động cơ của những người quyết định ra đi, người phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch này hay những vấn đề trong chính sách nhập cư của Anh.
Theo một bài viết trên báo Nhân dân, “một số tổ chức, cá nhân tìm cách lợi dụng sự hoang mang, lo lắng, thậm chí là nỗi đau để cố đẩy vấn đề theo hướng tiêu cực, coi đó như là cơ hội để vu cáo Nhà nước Việt Nam”. Báo Tuổi trẻ ngay sau đó cũng truy tìm người phải chịu "trách nhiệm tối thượng" trong tấn thảm kịch này. Bài viết nêu rõ: “…trách nhiệm đầu tiên của tấn thảm kịch có lẽ không phải là của (những) chính phủ mà từ đó công dân di cư lậu xuất phát, cũng không phải những nạn nhân đó và gia đình họ và thậm chí không phải của bọn buôn người. Vấn đề chính là một chính sách nhập cư đã trục trặc từ rất lâu ở các nước giàu”.
Ở bài viết viết này, tôi sẽ tập trung bàn về khía cạnh văn hóa – chính trị của những chính sách nhập cư có phần hà khắc, mang tính phân biệt chủng tộc của Anh, mà tôi xem đó là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến những sự cố thương tâm như vụ việc 39 người Việt tử vong vừa qua, vụ 58 người Trung Quốc từng gây trấn động tương tự vào năm 2000 hay biết bao nhiêu con người khác bỏ mạng không có con số công bố chính thức. Điều gì đã khiến họ tuyệt vọng đến mức dường như cần phải dựa vào những kẻ buôn người và thực hiện một hành trình gian nan và nguy hiểm như vậy?
Từ khi chính thức lên nắm quyền tại Anh vào năm 2010, đảng Bảo thủ đã đề ra chủ trương sẽ giảm khoảng hơn chục nghìn người nhập cư, nhằm giúp nước này kiểm soát chặt chẽ tình trạng di cư ồ ạt vào Anh. Chính sách này đã phát huy khá hiệu quả khi số người nhập cư ở Anh thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Chính sách hạn chế nhập cư được cho là do chính đương kim Thủ tướng Anh Theresa May khởi xướng, khi bà còn là Bộ trưởng Nội vụ giai đoạn 2010-2016. Thời điểm đó, bà May đã cho ngừng dạng thị thực Tier One – một dạng thị thực phổ biến dành cho những người nhập cư có thời gian cư trú lâu dài tại Anh, vì cho rằng có đến 30% số người hưởng thị thực này đều làm việc trong những ngành có kỹ năng thấp như lái taxi, nhân viên bảo vệ hoặc thậm chí là “vô công rỗi nghề”. Với quyết định này, rất nhiều người được cấp thị thực Tier One đã không thể gia hạn thị thực. Bà Theresa May đã từng tuyên bố với tờ báo Telegraph rằng “Mục tiêu là tạo ra ở nước Anh này một môi trường thực sự thù địch với nhập cư bất hợp pháp”.
Tiếp đến, một loạt những vụ việc người nhập cư bị trục xuất khỏi Anh do những sai sót nhỏ liên quan đến kê khai thuế, tài chính cá nhân… có thể coi như những điển hình mới nhất trong chuỗi bê bối về nhập cư của Chính phủ Anh. Vụ bê bối gần đây liên quan đến thế hệ di dân Windrush (lấy theo tên con tàu đầu tiên đưa họ đến Anh năm 1948) – thế hệ người nhập cư tới Anh theo chương trình dành cho người di cư từ vùng Caribe, nhằm bù đắp nhân công thiếu hụt ở nước này sau thế chiến thứ 2, đã khiến dư luận Anh phẫn nộ. Sau hàng chục năm nhập cư và đóng góp cho xã hội Anh, nhiều người trong thế hệ di dân Windrush cho đến nay vẫn không có đầy đủ giấy tờ chứng thực tình trạng lưu trú tại Anh. Thực tế này đã khiến thế hệ con cháu của họ bị ảnh hưởng, bị coi là cư trú bất hợp pháp tại Anh dù được sinh ra, lớn lên và đi làm đóng thuế tại đây, song lại không được hưởng quyền lợi về phúc lợi xã hội và y tế công như những đối tượng cư trú hợp pháp, thậm chí còn đối mặt với nguy cơ bị trục xuất.
Trong cuốn Giao tiếp liên văn hóa cho cuộc sống hằng ngày của nhóm tác giả John R. Baldwin, nhập cư được định nghĩa là việc công dân đến một quốc gia khác với mong muốn định cư trên quốc gia đó. Không đơn giản chỉ là phân định giữa nhập cư hợp pháp hay bất hợp pháp, bản sắc của những người nhập cư vẫn được gắn với những giá trị của một nền văn hóa và lịch sử của việc nhập cư. Khi người nhập cư mang những giá trị văn hóa khác biệt vào đất nước Anh, người dân bản địa theo một phản xạ tự nhiên sẽ có xu hướng “sợ” cộng đồng khác biệt và khao khát bảo vệ giá trị văn hóa của quốc gia. Ta có thể thấy rằng thông qua những chính sách của mình, chính phủ Anh đã thể hiện rõ chủ nghĩa vị chủng (ethnocentrism) cũng như tư tưởng bài ngoại (xenophobia) với bộ phận người dân nhập cư. Không thể phủ nhận rằng “con người của mọi nền văn hóa đều mang trong mình chủ nghĩa vị chủng”, đây cũng là một đặc điểm của văn hóa trong cuốn Giao tiếp liên văn hóa cho cuộc sống hằng ngày của nhóm tác giả John R. Baldwin. Một bộ phận người trong chính phủ Anh vẫn mang nặng tư tương xưa cũ, quá đề cao, tôn sùng dân tộc mình và có xu hướng không chấp nhận hay thậm trí hạ thấp cộng đồng dân tộc khác (hay còn được gọi là Intolerance theo như nhóm tác giả John R. Balwin trong cuốn Intercultural Communication for Everyday Life).
Mặc dù những thập kì gần đây, trong bối cảnh toàn cầu hóa, xã hội Anh nói chung đã có những bước chuyển mình trong tư tưởng và thái độ về dân nhập cư, tuy nhiên ta vẫn thấy đâu đó tiếng vọng của những chính sách nhập cư phân biệt chủng tộc từ những năm 60 của thế kỉ trước trong bộ máy cầm quyền Anh và những chính sách của họ. Những chính sách tưởng như có thể là rào cản ngăn chặn được làn sóng người nhập cư bất hợp pháp vào Anh, cuối cùng lại đẩy không biết bao người vào tay của những kẻ buôn người, đánh đổi cả mạng sống để đến được “miền đất hứa”, cái nơi mà chưa săn sàng để chấp nhận họ. Lẽ đương nhiên là một quốc gia cần có những chính sách để bảo vệ chủ quyền cũng như bản sắc văn hóa của mình, tuy nhiên Anh đang nhân danh điều đó để đối xử không công bằng một cách công khai với cộng đồng người nhập cư, hay đưa ra những chính sách nhập cư quá mức khắt khe ngăn cản dòng chảy tự nhiên của người lao động, khiến họ phải mạo hiểm luồn lách. Các di dân ngoài việc phải đối mặt với cơ chế kiểm soát biên giới phức tạp của cả Anh lẫn Liên minh Châu Âu (EU), còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác, thậm trí là cái chết. Cho tới nay, khoảng 1.080 người được cho là đã chết trong hành trình vượt Địa Trung Hải để đến được Châu Âu.
Vấn đề người nhập cư bất hợp pháp cùng với hoạt động trung gian buôn người là vấn nạn không chỉ tồn tại ở Anh mà nó mang tính toàn cầu và phức tạp. Ở thời điểm hiện tại, cũng chưa thể tìm ra được một giải pháp nào ngăn chặn vấn nạn này một cách hiệu quả. Mỗi khi các nhà chức trách cứng rắn hơn, càng siết chặt chính sách nhập cư, những kẻ buôn người lại tìm ra những cách thức luồn lách tinh vi, mạo hiểm hơn. Mấu chốt ở đây là sau những sự cố thương tâm đã qua, những nhà chức trách Anh cần có một cái nhìn bao dung hơn với những người nhập cư. Ngoài việc luật hóa những chính sách ngăn chặn nạn buôn người, đưa người nhập cư trái phép, chính phủ các nước, đặc biệt là Anh, cần cân nhắc tới hệ lụy không mong muốn từ chính những chính sách kiểm soát biên giới hà khắc và tạo môi trường sống quá khắc nghiệt với người nhập cư lậu. Để đảm bảo rằng những thảm kịch như cái chết kinh hoàng của 39 người ở Essex không tiếp tục xảy ra, đó rõ ràng là một thách thức lớn với những nhà cầm quyền không chỉ ở Anh mà còn ở nhiều quốc gia phát triển khác.

Tài liệu tham khảo
Đăng, N. (2019). 39 NGƯỜI CHẾT Anh tranh cãi về Brexit sau vụ 39 người chết: luật biên giới nên nới lỏng hay siết chặt?. Truy cập vào ngày 9/12/2019, từ https://tuoitre.vn/anh-tranh-cai-ve-brexit-sau-vu-39-nguoi-chet-noi-long-hay-siet-luat-bien-gioi-20191027111306313.htm
John R. Balwin et al. (2014). Intolerance – acceptance – appreciation: How can we make the world a more tolerant place. Intercultural communication for Everyday Life. Johnson Wiley & Sons Ltd, 114 - 131.
John R. Balwin et al. (2014). Origins: Where does “our culture” come from?. Intercultural communication for Everyday Life. Johnson Wiley & Sons Ltd, 60.
John R. Balwin et al. (2014). The political context: How can we use communication to shape politics and culture?. Intercultural communication for Everyday Life. Johnson Wiley & Sons Ltd, 291 - 298.
Nguyễn, T. (2019). VỤ 39 NGƯỜI CHẾT Ở ANH: Vì sao Anh là 'thỏi nam châm' của nhập cư bất hợp pháp?. Truy cập vào ngày 9/12/2019, từ https://tuoitre.vn/vi-sao-anh-la-thoi-nam-cham-cua-nhap-cu-bat-hop-phap-20191027221629817.htm
Shabi, R. (2019). How immigration became Britain’s most toxic political issue. Truy cập vào ngày 9/12/2019, từ https://www.theguardian.com/politics/2019/nov/15/how-immigration-became-britains-most-toxic-political-issue
Shand, K. (2019). Opinion: The UK’s immigration system is ideologically broken. Truy cập vào ngày 9/12/2019, từ https://www.independent.co.uk/voices/windrush-dexter-bristol-death-scandal-immigration-home-office-a9146221.html
The Observer view on the UK’s increasingly harsh immigration policy | Observer editorial. (2019). Truy cập vào ngày 9/12/2019, từ https://www.theguardian.com/commentisfree/2018/apr/15/observer-view-uk-immigration-policy
Văn, C. (2019). Nhìn vào một chính sách nhập cư đã trục trặc từ lâu - Tuổi Trẻ Online. Truy cập vào ngày 9/12/2019, từ https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/20191104/nhin-vao-mot-chinh-sach-nhap-cu-da-truc-trac-tu-lau/1546994.html