Nếu ai giỏi lịch sử thì cũng phải nghe một lần nói đến về chính sách ngu dân của thực dân Pháp thời Pháp thuộc: kìm hãm dân trí, tuyên truyền sai lệch, làm cho dân dốt nát, ngu muội để dễ bề cai trị.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông đặc biệt là các trang mạng xã hội, thông tin được phát tán nhanh một cách khủng khiếp. Nó càng lan nhanh hơn nữa khi những thông tin đó được đề cập bởi những người nổi tiếng trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy một nghịch lý rõ ràng rằng: khi công nghệ càng phát triển thì lại có một lượng càng cao người lại mù quáng tin vào những điều sai sự thật mà không có bất kì sự kiểm chứng nào. Vì sao lại như vậy? Lẽ nên khi công nghệ thông tin phát triển, việc tiếp cận các thông tin đã hết sức dễ dàng rồi thì chúng ta càng phải biết để tránh xa chứ?
Nhưng không, thậm chí nó còn tệ hại hơn. Hầu hết các thông tin đều không được kiểm duyệt một cách rõ ràng, vì vậy cũng rất dễ hiểu khi những thông tin không chính xác, sai lệch cũng được phát tán một cách nhanh chóng. Vì đa số người xem đều phục vụ mục đích giải trí, nên họ đơn giản thấy thông tin nào lạ hoặc “giật gân”, họ đều chia sẻ mà không quan tâm mấy đến độ chính xác của nó. Và một khi chúng được phát tán, đặc biệt là giới trẻ khi xem vào sẽ bị tiêm nhiễm theo những thông tin này, dẫn đến những tư tưởng sai lệch, thậm chí tiêu cực.
Một bộ phận giới trẻ ngày nay, do bị ảnh hưởng bởi các video mang nội dung sai lệch và hiệu ứng đám đông cực mạnh (thấy người khác chia sẻ, hưởng ứng theo, người nổi tiếng phát biểu, ...) thì lại tiếp tục chia sẻ, không cần biết nó đúng hay sai, chỉ cần biết là người khác cũng chia sẻ, cũng hưởng ứng thôi, “đám đông hay người nổi tiếng thì luôn đúng”.
Điển hình là rất nhiều sự việc: một cá nhân hay tổ chức bị đám đông “khủng bố tinh thần” một cách mù quáng do nghe vào những điều mà họ còn chưa kiểm chứng hay tìm hiểu, họ chỉ đơn giản thấy “người khác cũng làm vậy” thì “mình cũng hùa theo” thực hiện mà không qua bất cứ một sự tìm hiểu nào về đối tượng mà mình công kích, dẫn đến những hậu quả hết sức nặng nề cho cá nhân hay tập thể bị công kích, thậm chí nhiều cá nhân, tổ chức khác không liên quan khác còn bị “lãnh đạn oan”.
Một thứ rất nguy hiểm khác khi bị hiểu sai đó chính là LỊCH SỬ.
Không cần đề cập quá nhiều thì chúng ta cũng hiểu được khi không biết được lịch sử của dân tộc mình thì sẽ tai hại đến mức nào. Với một quốc gia có lịch sử “nhạy cảm” như chúng ta thì việc hiểu sử là một điều cực kỳ quan trọng nếu không muốn nói là “bắt buộc”. Tuy nhiên, có một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng sự lan truyền cực nhanh của mạng xã hội để tiến hành tuyên truyền các thông tin sai lệch về lịch sử để người xem thấy “lạ” và từ đó, cũng theo cách thức lan truyền trên, ai ai cũng thấy và chia sẻ rầm rộ. Và tất nhiên đối tượng chúng ưu tiên nhắm đến không ai khác đó chính là giới trẻ, đối tượng hiện đang sử dụng mạng xã hội để tiếp thu thông tin.
Thế mới thấy, chúng ta cần phải thật tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là về một cá nhân, tổ chức hay một sự kiện lịch sử nào đó, để tránh là nạn nhân của chính sách “ngu dân công nghệ cao” do các thế lực thù địch trong và ngoài nước cũng như những thành phần thiếu hiểu biết phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội.