Nghiện Rượu Và Ảnh Hưởng Của Nó Tới Sức Khỏe Tâm Thần
Con người từ xa xưa đã sử dụng rượu vào trong đời sống hằng ngày, mỗi quốc gia hay dân tộc đều có những loại rượu khác nhau, song,...
Con người từ xa xưa đã sử dụng rượu vào trong đời sống hằng ngày, mỗi quốc gia hay dân tộc đều có những loại rượu khác nhau, song, bản chất của tất cả các loại rượu đều chứa một hàm lượng cồn (etanol) nhất định. Tuy với mục đích ban đầu là dùng để chung vui, chúc tụng nhau vào những dịp đặc biệt, lễ tết, nhưng ngày càng có nhiều người lạm dụng rượu dẫn tới nghiện rượu ảnh hưởng lớn tới kinh tế gia đình, trật tự xã hội và đặc biệt hơn cả là ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe thể chất và tâm thần.
Nghiện rượu có thể được coi là vấn đề của toàn cầu: được nghiên cứu từ thế kỷ XIX tới nay ở rất nhiều nước trên thế giới do số người nghiện rượu cũng không ngừng gia tăng: Ở Mỹ, 10% nữ, 20% nam đáp ứng đủ tiêu chuẩn chẩn đoán lạm dụng rượu; 3% - 5% nữ, 10% nam đáp ứng đủ tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện rượu trong cuộc đời. Khoảng 200.000 người tử vong/năm liên quan trực tiếp tới lạm dụng rượu (DSM III R). Tại Pháp, lứa tuổi từ 12 - 75 tuổi, có 41,8 triệu người đã sử dụng rượu trong năm 2003; 13,1 triệu người sử dụng thường xuyên; 7,8 triệu người sử dụng hàng ngày (Thu Hà).
Tại Việt Nam, không có quá nhiều nghiên cứu về vấn đề này, song, tỷ lệ sử dụng rượu bia hay tỷ lệ người nghiện rượu là không hề nhỏ. Trước đây chỉ chiếm 0,31% số bệnh nhân nằm viện 1990; thì 1994 các bệnh lý tâm thần do rượu đã lên tới 6,99%, tăng gấp hơn 22 lần (Trần Viết Nghị, 2000).
Sử dụng rượu và các rối loạn liên quan tới rượu liên quan tới 50% tổng số các vụ giết người, 25% tổng số các loại tự sát. Lạm dụng rượu làm giảm tuổi thọ khoảng 10 năm (National Institute on Drug Abuse - NIDA, 1991). Theo WHO, việc sử dụng rượu gây ra hơn 3,3 triệu người chết trong năm 2013, chiếm 5,9% tổng số tử vong trên thế giới, gây ra 25% số người tử vong trong độ tuổi 15- 29, đứng hàng thứ 3 về gánh nặng bệnh tật cho xã hội.
Từ những số liệu trên, ta có thể nhận thấy nghiện rượu đang trở thành vấn nạn lớn ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của con người và cần có một cái nhìn khách quan và sâu sắc hơn về nó. Chính vì vậy, bài luận này sẽ đề cập tới nghiện rượu cũng như những tác hại của nó tới sức khỏe tâm thần.
KHÁI NIỆM
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, nghiện rượu là nhu cầu thèm muốn, đòi hỏi thường xuyên đồ uống có cồn, hình thành thói quen, gây rối loạn nhân cách, giảm khả năng lao động và ảnh hưởng đến sức khỏe. Có 7 triệu chứng chính của hội chứng nghiện rượu, đó là:
- Cảm giác thôi thúc phải uống rượu: người nghiện rượu khi đã bắt đầu uống rượu thì không thể ngừng lại được. Nếu họ bỏ rượu, họ cảm thấy thèm mãnh liệt.
- Thói quen uống rượu hàng ngày: người uống rượu uống hết ngày này sang ngày khác. Họ uống rượu sau các khoảng thời gian nhất định để tránh hoặc làm nhẹ hội chứng cai rượu.
- Uống rượu được ưu tiên hơn các hành vi khác: với người nghiện rượu, uống rượu là ưu tiên hàng đầu, hơn cả sức khỏe, gia đình, xã hội, nghề nghiệp.
- Có hiện tượng dung nạp rượu: với một nồng độ rượu trong máu bình thường, người nghiện rượu không bị ảnh hưởng. Lượng rượu uống của bệnh nhân ngày càng tăng dần. Đến giai đoạn cuối của nghiện rượu, sự dung nạp rượu tụt xuống, bệnh nhân mất năng lực chỉ sau khi uống một lượng rượu nhỏ.
- Lặp di, lặp lại hội chứng cai rượu: các triệu chứng của hội chứng cai rượu xuất hiện khi nồng độ rượu trong máu tụt xuống. Vì vậy hội chứng cai rượu thường xuất hiện vào buổi sáng sớm, sau một đêm không uống rượu.
- Uống rượu vào buổi sáng: người nghiện rượu phải uống rượu vào buổi sáng sớm, ngay sau khi thức giấc để chặn hội chứng cai rượu. Ở hầu hết các nền văn hóa, uống rượu buổi sáng được coi là nghiện rượu.
- Tái nghiện rượu: sau một thời gian cai rượu, người nghiện rượu dễ dàng tái nghiện chỉ sau vài ngày uống rượu.
Ngày nay, hầu hết các tác giả đều sử dụng tiêu chuẩn sau để xác định nghiện rượu:
- Uống rượu hàng ngày trong thời gian từ 10 năm trở lên.
- Mỗi ngày uống tối thiểu 300ml rượu 40 độ cồn.
Nghiện rượu xảy ra khi dùng rượu dài ngày, dần dần thường xuyên phải tìm rượu, uống rượu. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp uống rượu thường xuyên đều có thể coi là nghiện rượu. Nghiện rượu là một bệnh lý nghiện chất độc, có các triệu chứng cơ bản đặc trưng cho nhóm bệnh này là:
- Hội chứng nghiện.
- Hội chứng cai rượu.
- Sự thay đổi khả năng dung nạp rượu.
- Rối loạn tâm thần.
- Biến đổi nhân cách.
Tóm lại, có thể coi nghiện rượu là một bệnh nghiện mãn tính. Bảng phân loại bệnh quốc tế ICD-10 liệt chứng nghiện rượu vào loại "rối loạn hành vi và tâm thần do sử dụng các chất tác động tâm thần". Chất gây ra là rượu, chính xác hơn là etanol hình thành khi lên men rượu.
TÁC ĐỘNG CỦA RƯỢU TỚI HỆ THẦN KINH
Rượu là chất ức chế, làm đình trệ và gây rối loạn hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Khi lạm dụng rượu bia, các chức năng của não như sự phán đoán, tính tự chủ, ý thức về đạo đức hoàn toàn bị ức chế. Khi đó người uống rượu sẽ trở nên bê tha, nói năng huênh hoang, nói nhiều, không thận trọng trong cử chỉ và lời nói, không biết đúng sai và xấu hổ. Họ sẽ hành động mà người bình thường có lòng tự trọng không cho phép mình làm. Rượu tác động lên hệ thần kinh trung ương khiến người ta không làm chủ được suy nghĩ và hành vi của mình. Từ đó dẫn đến những hậu quả khôn lường như bất cẩn trong giao thông, liều lĩnh không kiềm chế trước các tình huống nguy hiểm gây ra tai nạn giao thông đáng tiếc, đánh đập, chém giết...
Trong chức năng hoạt động của bộ não con người có rất nhiều chức năng khác nhau đó là: trí nhớ, tư duy, tri giác, cảm xúc, hành vi… Một người thường xuyên uống rượu, nghiện rượu, lạm dụng rượu sẽ dẫn tới bị suy giảm và rối loạn các chức năng hoạt động của não bộ, dẫn đến suy giảm trí nhớ, suy giảm trí tuệ, rối loạn tư duy, rối loạn cảm xúc và rối loạn hành vi tác phong… Bệnh nhân loạn thần do rượu bị rối loạn tư duy sinh ra các hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng bị hại… Rối loạn tri giác sinh ra có ảo thị, ảo xúc (rối loạn cảm giác trên da). Rối loạn cảm xúc như trầm cảm hoặc hưng cảm, hung giữ không thể kiềm chế, đánh vợ con. Người bệnh mất kiểm soát hành vi dễ gây gổ với mọi người xung quoanh, hành hung đánh đập vợ con thường xuyên, tạo ra những vấn nạn bạo hành trong gia đình.
Một điều rất rõ ràng là rượu đã tác động xấu đến hoạt động cảm xúc và hành vi của người uống rượu. Khi người uống rượu trong trạng thái say, ở giai đoạn đầu của say rượu là giai đoạn hưng phấn cảm xúc. Họ nói nhiều, nói luyên thuyên một chủ đề không thể ngăn cản. Nếu ai đó chọc tức hoặc ngăn cản họ dễ nổi khùng, sinh ra chửi nhau, đánh lộn và rất rễ gây ra án mạng vì hành vi thiếu kiểm soát. Đã có rất nhiều vụ việc gây ra trên bàn nhậu, chỉ cần một lời thách đố hay khích bác cũng dẫn đến ẩu đả gây thương tích hoặc án mạng nặng nề. Chúng ta đã chứng kiến bao cảnh bạo lực gia đình khi có ông chồng nghiện rượu, nát rượu mà vợ con liên tục phải chịu những trận đòn roi tàn bạo.
Giai đoạn tiếp theo của say rượu là giai đoạn hưng phấn, người uống tiếp tục uống tăng tửu lượng sẽ dẫn đến giai đoạn ức chế. Người uống say mềm, nằm một chỗ, không nói năng, thậm chí có người dẫn đến tình trạng sảng rượu (BS. Chu Văn Điểu, Báo Sức Khỏe và Đời Sống).
Cơ chế gây nghiện rượu
Nguyên nhân thể chất: Khi cơ thể đã quen với nồng độ rượu cao trong máu, hệ thần kinh duy trì với điều đó dẫn tới việc khi không được đáp ứng đủ độ rượu, các tế bào thần kinh khồng chịu hoạt động nữa dẫn tới hội chứng cai.
Nghiện rượu tâm lý: Một số người bắt đầu uống rượu như là cơ chế đối phó với những áp lực trong cuộc sống hoặc tạo ra niềm vui cho bản thân. Khi ấy, việc sử dụng rượu sẽ làm cho cơ thể cảm thấy phấn chấn và tiết ra một lượng nhỏ dopamine. Việc không được sự dụng rượu trong một thời gian dài khiến cho cơ thể không được đáp ứng nhu cầu về mặt cảm xúc dẫn tới việc bứt rứt, khó chịu.
ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ DIỄN BIẾN CỦA NGHIỆN RƯỢU
Bảng phân loại bệnh học ICD-10 có đề cập tới nghiện rượu như sau:
- F10.0: Nhiễm độc cấp
A. Phải có bằng chứng rõ ràng về việc mới sử dụng rượu ở liều cao để gây ngộ độc
B. Phải có triệu chứng hoặc dấu hiệu ngộ độc tương ứng với các tác động đã biết của rượu, và có mức độ trầm trọng đủ để gây rối loạn ý thức, nhận thức, giác quan, cảm xúc, hoặc hành vi, có tầm quan trọng trên lâm sàng.
C. Các triệu chứng và dấu hiệu này không thể được quy cho 1 bệnh nội khoa ko liên quan đến việc sử dụng rượu, và ko thể quy cho 1 rối loạn hành vi và rối loạn tâm thần khác.
D. Phải có ≥ 1 triệu chứng sau: mất ức chế; hay cãi lộn; xâm phạm; khí sắc không ổn định; rối loạn sự chú ý; rối loạn sự suy xét; hoặc ảnh hưởng hoạt động chức năng cá nhân;
E. ≥ 1 dấu hiệu sau: dáng đi không vững; khó đứng; nói lắp; rung giật nhãn cầu; giảm ý thức; đỏ mặt; hoặc nề mô liên kết;
*Chú ý: nhiễm độc rượu bệnh lý: F10.07
- F10.1: Sử dụng gây hại
A. Có bằng chứng rõ ràng về việc sử dụng rượu gây ra (hoặc đóng góp phần nào vào) các tổn hại về tâm thần và cơ thể, bao gồm: rối loạn sự xét đoán hoặc rối loạn hành vi chức năng, thể dẫn tới sự mất khả năng hoặc hậu quả có hại với mối quan hệ giữa các cá nhân
B. Bản chất của sự tổn hại cần được xác định rõ ràng;
C. Phương thức sử dụng kéo dài trong vòng ít nhất 1 tháng hoặc lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian 12 tháng
D. Rối loạn này không đáp ứng các tiêu chuẩn đối với bất kỳ rối loạn hành vi hoặc rối loạn tâm thần khác liên quan tới rượu trong cùng khoảng thời gian đó
(ngoại trừ nhiễm độc cấp rượu).
Lạm dụng rượu nhấn mạnh trên các hậu quả xã hội và giữa các cá nhân như thất bại trong các nhiệm vụ, vai trò bắt buộc. Lạm dụng rượu là việc sử dụng làm phá vỡ các chuẩn mực xã hội đang thịnh hành.
- F10.2: Hội chứng nghiện
- Thèm muốn mạnh mẽ hoặc cảm thấy buộc phải sử dụng rượu;
- Khó khăn trong việc kiểm tra tập tính sử dụng rượu về thời gian bắt đầu, kết thúc hoặc mức sử dụng;
- Một trạng thái cai sinh lý xuất hiện khi sử dụng rượu bị ngừng lại hoặc giảm bớt. Bằng chứng là hội chứng cai đặc trưng cho rượu hoặc phải dùng chất cùng loại với ý định làm giảm nhẹ hoặc tránh né các triệu chứng cai;
- Bằng chứng về hiện tượng dung nạp như tăng liều để chấm dứt hậu quả lúc đầu do liều thấp gây ra;
- Dần xao nhãng các thú vui hoặc những thích thú trước đây để tăng số thời gian tìm kiếm hay sử dụng rượu hoặc hồi phục khỏi tác động của rượu;
- Tiếp tục sử dụng rượu mặc dùng có bằng chứng rõ ràng về hậu quả có hại do sử dụng rượu như hậu quả với gan do nghiện rượu.
- F10.3: Trạng thái cai
- Phải có bằng chứng rõ ràng về việc mới ngừng hoặc giảm sử dụng rượu sau khi đã sử dụng rượu lặp đi lặp lại, thường với liều cao và thời gian kéo dài;
- Các triệu chứng và dấu hiệu không thể quy cho 1 bệnh nội khoa không liên quan đến việc sử dụng rượu, và không thể quy cho 1 rối loạn tâm thần hoặc 1 rối loạn hành vi khác.
- ≥ 3 dấu hiệu sau phải có mặt:
Run: lưỡi, mi mắt và khi duỗi tay | Đau đầu | Vã mồ hôi | Mất ngủ | Buồn nôn, hoặc nôn ọe |
Cảm giác khó ở hoặc mệt mỏi | Nhịp tim nhanh hoặc tụt huyết áp | Động kinh cơn lớn | Kích động tâm thần vận động | Các ảo tưởng ảo giác về thính giác, thị giác hoặc xúc giác nhất thời |
- F10.4: Trạng thái cai với mê sảng
- Các tiêu chuẩn chung đối với trạng thái cai rượu (F10.3) phải được đáp ứng;
- Các tiêu chuẩn đối với mê sảng phải được đáp ứng:
- Rối loạn ý thức: Giảm tính sáng sủa trong nhận biết về môi trường xung quanh cùng với giảm khả năng tập trung, sự chú ý luôn bị xê dịch;
- Rối loạn các chức năng nhận thức khác: Giảm trí nhớ, rối loạn ngôn ngữ hoặc rối loạn khả năng tri giác (những rối loạn này không do sa sút trí tuệ đã được xác định hoặc đang tiến triển);
- Các rối loạn này xuất hiện cấp diễn (trong vài giờ đến ngày) và tiến triển có khuynh hướng dao động trong ngày.
- Tam chứng kinh điển thường gặp: ý thức mê sảng hoặc lú lẫn, các hoang tưởng, ảo tưởng và ảo giác sinh động, triệu chứng run.
- F10.5: Rối loạn loạn thần
- Khởi phát của các triệu chứng loạn thần phải xảy ra trong khi hoặc trong vòng 2 tuần có sử dụng rượu;
- Các triệu chứng loạn thần phải tồn tại hơn 48 tiếng;
- Sự kéo dài của rối loạn này phải không vượt quá 6 tháng (nếu dài hơn thì cần cân nhắc chẩn đoán rối loạn loạn thần di chứng và khởi phát muộn liên quan sử dụng rượu, bia: F10.7)
- Đặc điểm loạn thần:
- Hoang tưởng suy đoán: hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng bị truy hại...
- Ảo thanh lời nói (tố cáo, đe dọa, quấy rối), thường kết hợp với ảo tưởng hoặc có khi với ảo thị.
- F10.6: Hội chứng quên
- Tổn thương trí nhớ được biểu hiện bằng cả hai:
- Thiếu sót trí nhớ gần đến mức đủ để gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày;
- Giảm khả năng nhớ lại các trải nghiệm trong quá khứ.
- Vắng mặt tất cả hoặc gần hết các triệu chứng sau:
- Thiếu sót trí nhớ tức thì (khi kiểm tra bằng dãy các con số);
- Ý thức u ám hoặc rối loạn sự chú ý;
- Suy giảm trí tuệ chung (mất trí);
- Không có bằng chứng khách quan qua thăm khám cơ thể và thần kinh, các xét nghiệm hoặc tiền sử về 1 rối loạn hoặc một bệnh não, ngoài những điều liên quan đến việc sử dụng rượu, bia.
- F10.7: Rối loạn loạn thần di chứng và khởi phát muộn
- F10.8: Các rối loạn tâm thần và hành vi khác
- F10.9: Rối loạn tâm thần và hành vi không biệt định
Các giai đoạn của nghiện rượu
- Giai đoạn 1
Giai đoạn này bệnh nhân chưa thực sự trở thành nghiện rượu do không có hội chứng cai khi ngừng uống rượu. Bệnh nhân thích uống rượu và uống ngày càng nhiều. Nếu không uống rượu, bệnh nhân thấy thèm và nhớ rượu. Khả năng dung nạp với rượu của bệnh nhân tăng lên nhanh chóng, họ có thể uống 500 ml rượu 40 độ cồn mỗi ngày.
Bệnh nhân mất phẩn xạ nôn khi uống rượu, thay đổi tính tình và dần trở thành độc ác, hay nổi cáu vô cớ, hay quấy nhiễu và đa nghi. Bệnh nhân hay quên, mất ngủ, chú ý và trí nhớ kém, hay mệt mỏi, khả năng lao động giảm sút. Giai đoạn này thường kéo dài 5-10 năm. Nếu bệnh nhân tiếp tục uống rượu thì sẽ chuyển sang giai đoạn 2 của nghiện rượu.
- Giai đoạn 2
Trong giai đoạn này, bệnh nhân đã thực sự trở thành nghiện rượu. Bệnh nhân luôn trong tình trạng thèm rượu bắt buộc và không thể kiềm chế. Họ có thể uống rượu bất kỳ lúc nào. Cứ sau một khoảng thời gian nhất định, bệnh nhân lại phải uống rượu để giảm cơn thèm rượu. Quãng thời gian này ngày càng ngắn lại.
Nếu không được uống rượu, bệnh nhân sẽ có hội chứng cai rượu. Hội chứng cai rượu xuất hiện khi nồng độ cồn trong máu giảm xuống. Vì thế hội chứng cai rượu hay xuất hiện vào buổi sáng, sau một đêm không được uống rượu. Để ngăn hội chứng cai rượu, bệnh nhân phải uống rượu buổi sáng, ngay sau khi ngủ dậy. Bệnh nhân thường có khí sắc giảm, buồn rầu, dễ bực tức, giận dữ, độc ác và đa nghi. Bệnh nhân cũng có triệu chứng sợ hãi vô cớ, tự buộc tội mình, có thể cáo ảo thính, ảo thị giác, giấc ngủ không sâu đầy mộng mị. Hội chứng cai rượu biểu hiên bởi các triệu chứng run tay, nôn, buồn nôn, mất ngủ, rối loạn thần kinh thực vật, kích động, lo lắng vô cớ, hoang tưởng và ảo giác, cơn co giật kiểu động kinh. Khả năng dung nạp rượu tăng cao đến cực điểm và duy trì hàng năm, bệnh nhân uống từ 1500 đến 2000ml rượu 40 độ cồn mỗi ngày và triền miên trong trạng thái say rượu. Giai đoạn này thường kéo dài 5-10 năm.
- Giai đoạn 3
Triệu chứng thèm rượu của bệnh nhân có khuynh hướng giảm đi, bớt lè nhè và bớt quấy rối hơn trước. Khả năng dung nạp rượu của bệnh nhân kém đi, họ chỉ uống được 150-200ml rượu mạnh đã say và say lâu hơn trước.
Hội chứng cai rượu ở giai đoạn này kéo dài hơn, các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như mạnh nhanh, huyết áp cao giao động, ra nhiều mồ hôi trầm trọng hơn giai đoạn trước. Giai đoạn này, bệnh nhân có các bệnh não thực tổn do nghiện rượu mạn tính gây ra, đó là bệnh Korsakov, bệnh viêm não Wernicke và mất trí do rượu. Bằng phương pháp chụp CT Scanner và MRI sọ não, người ta phát hiện hình ảnh teo não như giãn rộng não thất, tăng khoảng cách từ xương sọ đến bề mặt não, khe giữa các cuận não giãn rộng trên 2/3 số bệnh nhân. Hình ảnh này bền vững nửa năm sau khi cai rượu. Nếu bệnh nhân cai rượu lâu hơn thì hình ảnh giãn não thất mất dần. Nguyên nhân teo não còn được cho là rượu ảnh hưởng đến chức năng gan, gây giảm glucoza và các acid amin trong máu đến nuôi não. Như vậy, teo não do rượu vừa là hậu quả trực tiếp của rượu trên não và hậu quả gián tiếp rượu trên gan (Bài giảng rối loạn tâm thần do rượu và ma túy, Bệnh viện 103).
Biểu hiện cụ thể
1. Biểu hiện lâm sàng
1.1. Hội chứng nghiện
- Nét đặc trưng, trung tâm để mô tả hội chứng nghiện là sự thèm muốn thường mạnh mẽ, đôi khi rất mãnh liệt sử dụng rượu. Có bằng chứng là phải quay lại sử dụng rượu sau một thời gian bỏ rượu để làm mất các cảm giác khó chịu do nghiện.
- Các nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán: Chỉ đạo chẩn đoán xác định nghiện khi có từ 3 trở lên các đặc điểm sau đây:
- Thèm muốn mạnh mẽ hoặc cảm thấy buộc phải sử dụng rượu.
- Khó khăn trong việc kiểm tra tập tính sử dụng rượu về mặt thời gian bắt đầu, kết thúc hoặc mức sử dụng.
- Một trạng thái cai sinh lý.
- Có bằng chứng về hiện tượng dung nạp rượu, như cần phải tăng liều để chấm dứt hậu quả lúc đầu do liều thấp gây ra (Những người nghiện rượu có thể dùng hàng ngày những lượng rượu đủ để làm mất năng lực hoặc gây nguy hiểm
- cho những người không dung nạp được rượu).
- Dần dần sao nhãng các thú vui trước đây, bằng thay thế cho sự thích thú đi tìm và sử dụng rượu, tăng số thời gian cần thiết để tìm kiếm hay sử dụng rượu.
- Tiếp tục sử dụng rượu mặc dù có bằng chứng rõ ràng về hậu quả tác hại, như tác hại đối với gan và nhiều cơ quan khác do uống quá nhiều. Các trạng thái khí sắc trầm tiếp theo sau những thời kỳ sử dụng rượu nặng, hoặc thiếu sót về chức năng nhận thức tác hại của rượu.
- Khuynh hướng uống rượu một cách thường xuyên vào những ngày làm việc và những ngày nghỉ cuối tuần bất chấp những qui tắc xã hội ràng buộc.
- Nét đặc trưng chủ yếu của hội chứng nghiện là phải sử dụng rượu hoặc thèm muốn khó cưỡng lại dùng rượu trong thời gian cố gắng ngừng hoặc bị kiểm soát việc dùng rượu.
1.2. Hội chứng cai
- Hội chứng cai là biểu hiện chủ yếu của chứng nghiện rượu, hội chứng này xuất hiện khi bệnh nhân đột nhiên ngừng uống rượu (thiếu rượu).
- Người bệnh có khí sắc trầm, buồn chồn, bứt rứt khó chịu, đứng ngồi không yên.
- Lo âu, sợ hãi một cách mơ hồ, các ý tưởng liên hệ thô sơ.
- Rối loạn giấc ngủ, như giấc ngủ nông, dễ giật mình, dễ thức giấc, hoặc ác mộng hãi hùng, đôi khi mất ngủ hoàn toàn. - Run.
- Rối loạn thần kinh thực vật (vã mồ hôi, tim đập nhanh...).
- Trong hội chứng cai rượu nặng người bệnh có thể có cơn co giật động kinh
- cũng như các ảo giác về thị giác và thính giác, đặc biệt về chiều và đêm.
- Đặc trưng cho hội chứng cai rượu là những biểu hiện trên đều dịu đi hoặc biến mất khi uống lại rượu.
- Hội chứng cai biểu hiện ngày càng tăng dần, làm người nghiện cứ sau vài giờ lại phải uống một liều rượu nhỏ để làm dịu đi các triệu chứng trên.
- Hội chứng cai rượu kéo dài từ vài giờ đến 3 – 4 tuần tùy mức độ nghiện rượu nặng hay nhẹ.
- Thời gian xuất hiện hội chứng cai rượu khi ngưng uống rượu ở BN nghiện rượu chủ yếu từ 2- 5 ngày.
- Các triệu chứng lâm sàng thường gặp ở bệnh có hội chứng cai rượu là suy nhược cơ thể, suy kiệt, mệt mõi, mất ngủ (98,5%), run tay (97,1%), lo âu ( 94,1%), chán ăn, rối loạn nước điện giải. Triệu chứng rối loạn tri giác, ảo giác (81,6%). Chủ yếu là ảo giác phức tạp xuất hiện bên ngoài cơ thể. Có trường hợp xuất hiện cả 2 loại ảo thị và ảo thanh trên cùng một bệnh nhân (32,4%)
- Hoang tưởng (32,4%), thường gặp hoang tưởng bị hại (40,9%), hoang tưởng ghen tuông (27,3%), hoang tưởng theo dõi bị hại- ghen tuông (22,8%)…. Thường gặp là hoang tưởng bị hại, hoang tưởng ghen tuông (Thu Lan, 2014).
1.3. Khả năng dung nạp rượu
Đồng thời với sự phát triển của hội chứng cai rượu, ngưỡng dung nạp rượu của người bệnh cũng thay đổi. Nghiện rượu giai đoạn đầu phát triển, người bệnh uống lượng tăng dần nhưng càng về sau lượng rượu ngày một kém dần, có khi chỉ một liều lượng nhỏ rượu, người bệnh đã say.
1.4. Rối loạn tâm thần
- Thay đổi các phản ứng cảm xúc: Rối loạn khí sắc, khoái cảm chiếm ưu thế, khoan khoái dễ chịu, nói năng huyên thuyên, khoác lác, hay đùa cợt, xàm xỡ, cáu gắt, công kích dọa nạt, chửi bới tấn công người khác.
- Trạng thái khí sắc này trong một ngày có thể thay đổi từ vui nhộn, khoan khoái với những câu bông đùa vô duyên, quá xàm sỡ chuyển sang quấy rầy, nổi khùng, cau có, gây gỗ, độc ác hoặc có thể buồn rầu, đầy những sợ hãi, lo lắng, mơ hồ, về đêm thường thấy những mộng mị rời rạc, ngắn ngủi hoặc những cơn rối loạn ảo giác lẻ tẻ, thường là ảo thị (nhìn thấy rắn rết, sâu bọ, hổ báo... đang rượt đuổi theo bệnh nhân) khiến bệnh nhân có biểu hiện cảm xúc hốt hoảng sợ hãi, la hét.
- Trí tuệ, trí nhớ, khả năng sáng tạo, sáng kiến đều giảm, tư duy trở nên thủ cựu, người bệnh đi dần vào tình trạng sa sút tâm thần.
1.5. Biến đổi nhân cách
a) Với gia đình:
- Người bệnh ngày càng trở nên ích kỷ, mất đi những thích thú cũ, lãnh đạm hoàn toàn với người thân, đòi hỏi có tính chất vị kỷ thô bạo, đặc biệt trong quan hệ với người thân. Giảm sút tình cảm đạo đức, không quan tâm đến gia đình, tiêu xài tất cả tiền lương vào rượu suốt ngày chăm lo đến việc làm thế nào để có rượu uống.
- Người bệnh không cảm thấy xấu hổ vì đã phải ăn bám gia đình, vợ con, hơn nữa người bệnh cũng chẳng ân hận khi lấy cắp tiền của người thân để uống rượu, thậm chí còn bán cả những vật dùng cần thiết của mình cũng như của vợ con.
- Cuộc sống tạm bợ, bê tha, hoàn toàn không nghĩ gì đến ngày mai. Người bệnh hay nói dối, cuộc sống buông thả, dễ mắc nợ, cắm quán, hứa hão, bịa ra đủ mọi thứ để vòi tiền. Nợ nần thường không trả, để cho người thân phải trả. Những cá tính tinh tế bị mất đi, do giảm khả năng nắm bắt thực tại và ứng xử các tình huống xảy ra, thiếu lịch sự và hành động quá khích.
- Khả năng phê phán giảm rõ rệt đặc biệt đối với địa vị của mình và quan hệ của gia đình mình. Phủ nhận là mình đã dùng rượu quá mức. Đôi khi người bệnh hứa bỏ rượu một cách dễ dàng, cam đoan rằng điều đó đối với họ chẳng khó khăn gì, song thực tế không đủ ý chí để từ chối những lời hẹn hò của các bạn rượu, chiều đến người nghiện đứng ngồi không yên, bồn chồn đi tới, đi lui chờ mong tín hiệu của bạn rượu để được đến điểm hẹn uống rượu. Người bệnh chẳng những không từ chối mà còn vui sướng nhận những lời mời rượu của bạn rượu.
- Những biến đổi như trên ngày càng làm suy giảm các tập tính tốt.
- Trong nghiện rượu mạn tính, thời kỳ đầu người bệnh chỉ dùng rượu từng lúc, về sau thường cảm thấy cồn cào vào buổi sáng và cả buổi chiều. Lúc đầu chỉ uống vào những ngày nghỉ, ngày lễ khoảng 1 – 2 lần trong tuần hoặc gặp thì uống.
- Khi say người bệnh còn giữ được những nét khoan khoái, khoái cảm, vui vẻ, sau đó xuất hiện tình trạng say liên miên.
- Trong cơn say cảm xúc giận dữ, dễ bị kích thích, người bệnh khi uống rượu vào trở nên dễ bực dọc, hay gây sự, vin cớ cãi cọ, tục tằn, thường tấn công, đập phá đồ đạc, đánh đập người thân (có người trong tình trạng này đã cầm dao chém vợ, đánh con gây thương tích nặng nề). Đe dọa tính mạng của người thân khiến cho cả gia đình luôn trong tình trạng hoảng loạn.
- Giai đoạn muộn của nghiện rượu khả năng dung nạp rượu bắt đầu giảm xuống. Trong vài ngày liền đang uống hàng ly rượu lớn, người bệnh sau đó buộc phải giảm liều hoặc phải ngừng uống rượu hẳn vì các rối loạn toàn thân nặng (tức ngực, tim đập nhanh, khó chịu, nôn, ỉa chảy...). Cứ như vậy lúc tăng, lúc giảm, lúc buộc phải ngừng rồi lại uống lại... cuối cùng người bệnh ngày càng suy nhược phải nằm tại giường.
b) Với công việc:
- Người bệnh nghỉ việc thường xuyên, năng suất công tác giảm sút làm cho bệnh nhân sớm bị buộc thôi việc. Công việc thường bị gián đoạn, tiền lương kiếm được ngày càng giảm sút, mặc dù bệnh nhân rất muốn kiếm được nhiều tiền để uống rượu.
- Với xã hội: Địa vị xã hội của người bệnh dần dần bị hạ thấp, mối quan hệ xã hội bị thu hẹp dần, người bệnh mất dần những bạn bè thân thích, đặc biệt những người bạn tốt muốn gần gũi khuyên can bệnh nhân từ bỏ rượu, chỉ còn những bạn rượu chia xẻ thú uống rượu nhất thời. Phẩm chất xã hội thoái hóa dần, thường vi phạm pháp luật.
TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN
Nghiện rượu mãn tính dựa vào các biểu hiện sau:
- Thường xuyên thèm muốn uống rượu.
- Hội chứng cai rượu.
- Sự thay đổi về khả năng dung nạp rượu.
- Sự biến đổi nhân cách và sa sút tâm thần.
Tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng cai rượu theo DSM-5
- Ngừng hoặc giảm đáng kể lượng rượu uống khi đang sử dụng rượu liều cao và kéo dài.
- Có ít nhất 2 tiêu chuẩn dưới đây xảy ra sau tiêu chuẩn A vài giờ đến vài ngày.
- Tăng hoạt động tự động.
- Run tay.
- Mất ngủ.
- Nôn, buồn nôn.
- Lo âu quá mức.
- Kích động tâm thần vận động.
- Ảo thị giác, ảo thanh, hoặc hoang tưởng.
- Cơn co giật kiểu động kinh.
- Các triệu chứng ở tiêu chuẩn B gây suy giảm rõ rệt các chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
- Các triệu chứng này không do một bệnh thực tổn và một bệnh rối loạn tâm thần khác gây ra.
Khi nghiện rượu trong một thời gian dài, rượu sẽ tác động tới hệ thần kinh dẫn tới các bệnh tâm thần. Sau đây là những chẩn đoán các bệnh tâm thần liên quan đến nghiện rượu:
- Chẩn đoán xác định
- Các hoang tưởng, ảo giác chiếm vị trí hàng đầu.
- Không chẩn đoán khi có một sự ngộ độc hoặc cai rượu phối hợp, không tính đến những ảo giác do sử dụng chất gây ảo giác.
- Có bằng chứng hiển nhiên nghiện rượu là nguyên nhân liên quan đến bệnh.
- Những biểu hiện sau cho phép nghĩ đến một loạn thần không do rượu: hoang tưởng, ảo giác có trước khi dùng rượu, những giai đoạn tái diễn không liên quan đến rượu.
- Bệnh cảnh không diễn ra theo chiều hướng của một sảng tiến triển.
- Chẩn đoán phân biệt
- Với tâm thần phân liệt:
- Về khởi phát hoang tưởng, ảo giác do rượu thường cấp tính, nhanh đi đến toàn phát trong khoảng vài giờ đến vài ngày. Còn trong tâm thần phân liệt khởi phát từ từ hơn, thường có giai đoạn ủ bệnh trước khi hoang tưởng, ảo giác phát triển rầm rộ.
- Ảo giác do rượu thường là những ảo giác thật, ảo giác trong tâm thần phân liệt thường là những ảo giác giả có khi có ảo giác thật. Ảo thanh ra lệnh, bình phẩm đặc trưng trong tâm thần phân liệt ít thấy ở bệnh nhân loạn thần do rượu.
- Hiện tượng bị động, bị chi phối hay tâm thần tự động đặc trưng cho tâm thần phân liệt ít thấy ở bệnh nhân loạn thần do rượu.
- Phải xem xét tiền sử, bệnh sử, sự biến đổi nhân cách để có thể phân biệt tâm thần phân liệt và loạn thần do rượu.
- Với sảng rượu:
- Sảng rượu là một tình trạng cấp cứu, rối loạn toàn thân nặng nề hơn và có nhiều rối loạn chuyển hoá cơ thể, dễ dẫn đến tử vong.
- Sảng rượu thường kèm theo rối loạn ý thức đặc thù. Sảng rượu thường gặp hiện tượng run còn gọi là sảng run.
- Ảo giác trong sảng rượu thường gặp ảo thị, thấy những con vật kích thước thu nhỏ.
ĐIỀU TRỊ
Việc điều trị cho bệnh nhân nghiện rượu tập trung chủ yếu vào việc điều trị loạn thần và khiến bệnh nhân từ bỏ việc sử dụng rượu.
- Điều trị loạn thần:
- Trong giai đoạn mới nhập viện nhằm mục đích chữa các triệu chứng loạn thần.
- Haloperidol từ 3-12 mg trong trường hợp bệnh nhân có các hoang tưởng ảo giác.
- Diazepam 5-20 mg cho người bệnh khó ngủ, bồn chồn, lo lắng.
- Stablon 12,5-25 mg cho người bệnh buồn rầu, lo lắng, trống trải.
- Vitamin nhóm B (B1, B6, B12) liều cao, thí dụ:
+ Ancopir.
+ Nervamin.
+ B complex.
- Gây phản xạ ghét sợ rượu bằng:
- Sử dụng Apomorphine.
- Sử dụng Antabuse (Dissulfuram).
Hiện nay, việc điều trị cho người nghiện rượu chủ yếu thông qua việc sử dụng thuốc và ít khi sử dụng các liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên, một số liệu pháp tâm lý cũng có thể được áp dụng vào trọng điều trị nghiện rượu, cụ thể:
- Liệu pháp tâm lý (LFTL): Phải phối hợp liệu pháp tâm lý tập thể và cá nhân. Phải giải thích kiên trì làm cho người bệnh nhận thức được để từ bỏ thói quen uống rượu, làm cho họ có quan hệ đúng đắn với lao động, quan hệ tốt với gia đình, với môi trường xung quanh. Phối hợp các phương pháp nói trên, điều trị một cách bền bỉ, lâu dài có hệ thống.
- Liệu pháp nhận thức- hành vi: Tập trung thay đổi vào quan niệm sai lầm của việc lạm dụng rượu bia thông qua các buổi tham vấn trị liệu, từ đó giúp người bệnh cải thiện được vấn đề của mình.
KẾT LUẬN
- Nghiện rượu là chứng nghiện mãn tính có rối loạn tâm thần do sử dụng các chất tác động tới hệ thần kinh, mà ở đây là rượu.
- Bệnh nhân nghiện rượu một thời gian dài sau khi ngừng xuất hiện hội chứng cai, biến đổi khí sắc, nhân cách, có nhiều biểu hiện của loạn thần, hoang tưởng…
- Chẩn đoán thông qua các biểu hiện cụ thể của bệnh nhân
- Việc điều trị bệnh nhân nghiện rượu chủ yếu thông qua phương pháp sử dụng thuốc, song cũng có thể đi kèm các liệu pháp điều trị tâm lý cụ thể.
- Những tác hại của nghiện rượu là có thể thấy rõ khi nó lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng và lâu dài tới sức khỏe tâm thần của con người, vì vậy cần phải có chiến lược phòng chống tác hại của rượu và giáo dục người dân tránh lạm dụng chúng:
- Truyền thông rộng rãi trong nhân dân những tác hại của rượu đối với sức khỏe tâm thần, thể chất, đặc biệt rượu làm hủy hoại nhân cách người nghiện rượu, làm cho người nghiện rượu mạn tính tha hóa về nhân cách, sa sút về tâm thần, mất hết khả năng làm việc, trở thành người vô dụng, là gánh nặng cho gia đình, xã hội.
- Có qui chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ trong việc sản xuất, bán mua và tiêu thụ các loại rượu, nước giải khát có rượu, thuốc uống có rượu.
- Giáo dục thanh thiếu niên có lối sống lành mạnh tránh lạm dụng rượu.
Tài liệu tham khảo:
Trần Viết Nghị (2000), Loạn thần do rượu với hoang tưởng và ảo giác chiếm ưu thế. Rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất tác động tâm thần.
Nguyễn Thị Thu Lan, Đặc điểm lâm sàng và kết quả điều trị hội chứng cai rượu tại bệnh viện quân y 120.
ThS. BS. Lê Thi Thu Hà, Các rối loạn tâm thần do sử dụng rượu.
Bệnh viện Quân y 103, Bài giảng Rối loạn tâm thần do rượu và ma túy.
Website tham khảo:
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất