Với mình, những môn học này tuy vẫn có đôi lúc hơi nhàm chán nhưng nhìn chung mình đều rất thích. Mình cũng học được một vài điều rất thú vị về ngôn ngữ từ những môn này vì vậy mình muốn chia sẻ với mọi người. Nào cùng bắt đầu nhé!

I. Ngôn ngữ gắn liền với tư duy trừu tượng


1. Chúng ta tư duy nhờ ngôn ngữ

Ngôn ngữ không chỉ là hệ thống dùng để liên lạc hay giao tiếp của con người với nhau, mà còn là nhân tố giúp hình thành suy nghĩ của con người, là công cụ để chúng ta tri nhận thế giới. Ngay trước cả khi nói ra một từ, trong đầu chúng ta cũng đã nghĩ đến điều mà từ đó biểu thị. Nhờ ngôn ngữ, chúng ta có thể phân biệt, gọi tên các sự vật ở xung quanh như “nhà” , “Mặt Trời”, “nước”,.. hay ngay cả những khái niệm trừu tượng như “cảm xúc”, “lý trí”, “suy nghĩ”. Chúng ta có thể tượng tưởng ra những điều không được chứng kiến, những điều còn chưa xảy ra, thậm chí không thể xảy ra như việc một chú chim cánh cụt nằm thư thái đọc sách trên một tảng băng. Dù điều đó thật ngớ ngẩn nhưng mình chắc hình ảnh chú chim cánh cụt đó vừa tự động hiện ra trong đầu bạn.

Và cũng nhờ ngôn ngữ, mình phần nào hiểu mình muốn gì, cần gì qua lời nói, suy nghĩ, chữ viết. Với riêng mình, mỗi khi phải đi ra quyết định gì khó khăn, mình thường sẽ viết ra hết cảm xúc, suy nghĩ của mình, vì qua những dòng chữ ấy mình hiểu chính bản thân mình hơn. Viết ra giúp mình suy nghĩ mạch lạc hơn và cũng là có thể đưa ra lựa chọn quyết đoán hơn. Thế nhưng mình chưa từng nghĩ tới tác dụng của ngôn ngữ lại lớn lao đến vậy, có lẽ ngày ngày sử dụng đã khiến mình coi nó như một lẽ đương nhiên và có phần xem nhẹ vai trò của nó.

2. Ngôn ngữ định hình cách chúng ta tư duy

Nếu như tiếng Anh và tiếng Trung chỉ có hai đại từ chung không phân biệt tuổi tác, giới tính khi giao tiếp như "I" và "you", “wǒ” và “nǐ” thì tiếng Việt lại có hệ thống đại từ nhân xưng rất phong phú như tớ, cậu, tôi, tao, hắn ta, chúng nó, bọn họ,… Mỗi đại từ mang một sắc thái và thể hiện mối quan hệ khác nhau giữa người giao tiếp.
Khi mình còn học cấp 3, mới bắt đầu vào học và làm quen những người bạn mới thì mình chọn đại từ xưng hô là “cậu – tớ”, khi đã quen nhau rồi thì sẽ là “mày – tao”. Sau này không ít đứa bạn từng bảo mình là không tin được trước tao với mày lại xưng là cậu-tớ, nghe giả tạo chết đi được, cũng như không ít người bảo “Eo bọn này vẫn xưng cậu- tớ cơ á”. Trong trường hợp này đại từ nhân xưng thể hiện mối quan hệ.
Một ví dụ về ý nghĩa sắc thái của đại từ nhân xưng trong tiếng Việt là ở trong các tác phẩm dịch, chỉ riêng từ “hắn” thay vì “he” trong nguyên tác đã khiến người đọc có cảm nhận tiêu cực về nhân vật này khi so với tính chất trung tính của nguyên tác. Việc này khiến dịch giả Việt rất đâu đầu khi phải lựa chọn đại từ nhân xưng sao cho truyền tải đúng nội dung tác phẩm. [1]
Đã có nhiều bài viết đặt vấn đề rằng đại từ nhân xưng của tiếng Việt là nguyên nhân tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội cũng như trong cách tư duy bởi vì mối quan hệ của người Việt được đặt trong hệ quy chiếu của quan hệ xã hội. Ví dụ chúng ta gọi một người là “bác” vì người đó hơn tuổi bố mẹ chúng ta chứ không đặt trong mối quan hệ giữa người được gọi và chính chúng ta. [2] Hay chúng ta phải gọi một người nhỏ tuổi hơn là “anh/chị” bởi vì mối quan hệ họ hàng.
Mình thì không đủ kiến thức để bàn luận về chủ đề này, bạn có thể tìm đọc một vài bài mình thấy rất đáng đọc ở link cuối bài nhé!!
Crain's illustration
Đặt trong mối quan hệ giữa các ngôn ngữ, Lera Boroditsky – nữ giáo sư nghiên cứu về mối liên hệ giữa ngôn ngữ và nhận thức của con người – có một bài diễn thuyết Ted Talks rất hay với tựa đề “How language shapes the way we think". Trong bài diễn thuyết, cô đã đưa ra một ví dụ về giống danh từ trong ngữ pháp của tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha. Trong tiếng Đức, từ “cầu” mang giống cái vì vậy thường được người Đức kết hợp cùng các tính từ miêu tả giống cái như “đẹp đẽ”, “trang nhã”. Trong khi trong tiếng Tây Ban Nha, từ “cầu” lại mang giống đực và thường được miêu tả kèm các từ “chắc chắn”, “dài”, là những từ nam tính. Mọi người xem video mình đã đính link ở trên để tìm hiểu rõ hơn về tác động của ngôn ngữ lên chúng ta nhé!
Illustrator: Sam Peet

“THE LIMITS OF MY LANGUAGE ARE THE LIMITS OF MY WORLD”
– Ludwig Wittgenstein.


Tóm lại, ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng có khả năng ảnh hưởng và tạo ra thiên kiến trong cách chúng ta tư duy. Thế nhưng, ngôn ngữ không phải nhà tù giam cầm và ràng buộc chúng ta phải suy nghĩ theo một hướng duy nhất về thế giới. Bởi vì chúng ta vẫn có thể hiểu những từ vựng thuộc ngôn ngữ khác mà ngôn ngữ chúng ta không có nhờ vào ngữ cảnh hoặc dựa vào miêu tả định nghĩa của chúng. Chúng ta luôn có cách nhìn nhận về mọi sự việc, chỉ là đôi lúc có sự khác biệt trong cách tư duy bởi ngôn ngữ chúng ta sử dụng mà thôi. [4]

II. Tính võ đoán của ngôn ngữ


Hồi còn bé, mình vẫn luôn tự hỏi tại sao cái nhà lại được gọi là cái nhà, lá cây tại sao lại được gọi là lá cây,.. rất nhiều những câu hỏi như vậy mà mình không thể giải thích nổi. Những câu hỏi này đến lúc lớn hơn thì mình không còn thắc mắc nhiều nữa nhưng vẫn có nhiều lúc lại nhớ về.
Thực ra đến bây giờ mình vẫn không giải đáp nổi, mà có lẽ cũng khó ai có thể giải thích trọn vẹn nổi. Chỉ là lúc đầu người ta quy ước và gọi nó là “ngôi nhà” thì về sau nó là ngôi nhà thôi.
Let's restitute indexicality! A manifesto – SemiotiX

Khi được học Dẫn luận ngôn ngữ mình mới biết đây được gọi là tính võ đoán của ngôn ngữ (linguistic arbitrariness), nghĩa là giữa hình thức ngữ âm và khái niệm mà nó biểu thị không có mối quan hệ bên trong.
Tính võ đoán là tính chất cơ bản và đặc trưng của mọi ngôn ngữ trên thế giới. Khi số lượng từ vựng tăng lên thì tính võ đoán là cần thiết để sáng tạo ra các từ mới [5]. Mỗi tộc người thời xưa có cách gọi các sự vật khác nhau, có quy ước khác nhau nên có hệ thống từ vựng khác nhau. Vậy nên từ để chỉ ” ngôi nhà” trong tiếng Việt không giống từ được dùng để chỉ cùng sự vật trong tiếng Anh là “house”.
Giáo sư ngôn ngữ học người Mỹ, Robert Lawrence Trask, đã chỉ ra rằng:

“sự hiện diện rộng khắp của tính võ đoán trong ngôn ngữ là lý do chính khiến chúng ta mất rất nhiều thời gian để học từ vựng của một ngôn ngữ nước ngoài.” [6]

Tính võ đoán là lí do mà chúng ta không thể đoán được nghĩa của từ chỉ dựa vào phiên âm của từ đó, và chúng ta phải học lại hệ thống từ vựng từ đầu.

III. Phân loại các ngôn ngữ


À thì hồi xưa mình cũng hay thắc mắc tại sao tiếng Việt và tiếng Trung có cấu trúc câu tương đối giống nhau, còn tiếng Anh thì lại khác hoàn toàn. Và kết quả hóa ra là tiếng Việt và tiếng Hán thuộc cùng một loại hình ngôn ngữ, còn tiếng Anh thì thuộc loại hình khác.
Morphological Types of Languages

Các ngôn ngữ trên thế giới được chia thành 2 loại hình chính, đơn lập và không đơn lập, dựa trên so sánh đối chiếu theo hình thái học, cú pháp học và ngữ âm học.
(Phần này mình tham khảo nội dung trên wiki và sửa lại cho gọn một vài phần vì trang này tổng hợp rất chi tiết và giống như mình học nên mình không gõ lại nữa, với cả mình cũng không mang vở ghi về :(( )

1. Ngôn ngữ đơn lập (Isolating language)

Tiếng Hán, tiếng Thái và các tiếng trong nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer (tiếng Việt cũng thuộc nhóm tiếng này) là những ví dụ tiêu biểu cho loại hình ngôn ngữ đơn lập. Các đặc điểm chính của loại hình này là:
  • Từ không biến đổi hình thái. Hình thái của từ không chỉ ra quan hệ giữa các từ trong câu.
  • Hư từ và vị trí, trật tự từ đóng vai trò làm rõ quan hệ ngữ pháp cũng như ý nghĩa ngữ pháp của từ và của câu.
    VD: Thêm hư từ “sẽ” hay “đang” trước từ “ăn” sẽ làm thay đổi ý nghĩa thời gian của hành động (đang ăn/sẽ ăn). Hoặc đảo vị trí các từ cũng làm thay đổi ý nghĩa ngữ pháp (ví dụ: “chân bàn” và “bàn chân”).
  • Tính hình tiết; hạt nhân cơ bản của từ vựng là các từ đơn tiết. Vì thế mà ranh giới giữa âm tiết, hình vị và từ không rõ ràng (ví dụ: trong tiếng Việt, “nhà” vừa là một hình vị, mà cũng vừa là một từ). Cũng vì vậy mà từ ghép và cụm từ cũng khó phân biệt.
  • Khái niệm “các từ loại” là rất mơ hồ. VD như “cưa” vừa là dụng cụ để xẻ gỗ, vừa chỉ hành động cắt xẻ gỗ. Nguyên nhân do cấu trúc của những từ có ý nghĩa đối tượng, tính chất, hành động,…không tách biệt nhau.

2. Ngôn ngữ không đơn lập (synthetic language)

Được chia thành 3 loại hình nhỏ: Ngôn ngữ hòa kết (Fusional Language), ngôn ngữ chắp dính (Agguluntinative Language) và ngôn ngữ hỗn nhập (đa tổng hợp – Polysynthetic Language)

a. Ngôn ngữ hòa kết (chuyển dạng): Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp…

  • Từ biến đổi hình thái để diễn tả quan hệ ngữ pháp (eat – ate, cook – cooked). Đặc biệt có sự biến đổi nguyên âm và phụ âm trong hình vị, vì vậy sự biến đổi này được gọi là “biến tố bên trong”. Ví dụ trong tiếng Anh,  từ “foot” nghĩa là “bàn chân” còn “feet” là “những bàn chân”.
  • Các hình vị trong từ ở ngôn ngữ hoà kết liên kết với nhau rất chặt chẽ. Chính tố không thể đứng một mình. Ví dụ trong tiếng Anh, chính tố (biểu hiện ý nghĩa từ vựng) “work” không thể đứng một mình mà phải đi kèm phụ tố (biểu hiện ý nghĩa ngữ pháp) “-еr'” trong từ “worker”.
  • Mỗi phụ tố có thể đồng thời mang nhiều ý nghĩa, và ngược lại, một ý nghĩa có thể được biểu thị bằng nhiều phụ tố. Ví dụ để diễn tả ý nghĩa, tính chất đối lập, trong tiếng Anh có các phụ tố như “dis-“, “un-” hay “im-” (“unhappy” và happy, “nonfiction”, “disagree”, “impossible”,… )
  • Một điểm đặc biệt của ngôn ngữ hoà kết là: ý nghĩa từ vựng và ý nghĩa ngữ pháp được dung hợp trong từ nhưng không thể tách bạch được. Có thể thấy như trong tiếng Anh, rất khó để phân biệt ý nghĩa từ vựng và ý nghĩa ngữ pháp trong từ “feet” (số nhiều của “foot” = bàn chân). Chính bởi đặc điểm này mà người ta gọi là “ngôn ngữ hoà kết”.
Morphological Typology (illustrations from SpecGram) Descriptions adapted from The Lingua File: “ Analytic languages: also known as isolating languages because they’re composed of isolated, or free, morphemes. Free morphemes can be words on their...
illustrations from SpecGram

b. Ngôn ngữ chắp dính: Tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ…

  • Đặc điểm của ngôn ngữ chắp dính là từ gốc không biến đổi tuy nhiên từ phái sinh của nó được cấu thành bằng cách gắn thêm phụ tố.
    – Ví dụ trong tiếng Hàn “사람” nghĩa là người, thêm phụ tố “-들” chỉ số nhiều thành “사람들” là nhiều người.

    – Ví dụ với tiếng Thổ Nhĩ Kỳ:
    adam (người đàn ông)- adamlar (những người đàn ông)
    kadin (người phụ nữ)- kadinlar (những người phụ nữ)
  • Các phụ tố được sử dụng rộng rãi để cấu tạo từ và biểu thị những mối quan hệ khác nhau. Thế nhưng mỗi phụ tố lại chỉ biểu thị một ý nghĩa ngữ pháp, và ngược lại cũng vậy (điểm khác biệt chính với ngôn ngữ hòa kết). Do vậy từ có độ dài rất lớn.

c. Ngôn ngữ hỗn nhập (đa tổng hợp): ngôn ngữ của một số thổ dân châu Mỹ

  • Đặc điểm chính là từ không tách riêng với câu hay có hiện tượng 1 từ mà mang nghĩa của cả 1 câu.
    – Ví dụ với tiếng tiếng Chinuk:
    “i-n-i-a-l-u-d-am” có nghĩa “tôi đã đến mang cho cô ấy cái này”
    Tuy nhiên, ngôn ngữ này vẫn có những từ tách rời, từ đơn. Ngôn ngữ hỗn nhập mang đặc điểm của cả hai loại hình hòa kết và chắp dính.
_____________
Thực ra mình không biết mấy kiến thức này bạn có thấy thú vị hay có ích gì không nhưng mình thấy rất hay vì mình hiểu hơn về các ngôn ngữ mình đang dùng và đang học. Mong rằng các bạn sẽ tìm thấy điều gì hữu ích trong bài viết này và chúng mình tiếp tục cố gắng trên hành trình chinh phục ngôn ngữ :D
_____________
[1] Mấy vấn đề về văn hóa trong cách xưng hô của người Việt – Cao Xuân Hạo (trích Tiếng Việt Văn Việt Người Việt – Cao Xuân Hạo 2001)