Tôi được sinh ra trong một gia đình nghèo. Lớn lên trong cái nghèo không chỉ đơn thuần là sự thiếu thốn về vật chất mà còn là những tổn thương về tinh thần và trí tuệ. Tôi vẫn còn nhớ những cuộc cãi vã của ba mẹ, những lần mẹ tôi khóc và những tiếng thở dài của bà sau một ngày may giày 10 tiếng,... cũng chỉ vì một chữ tiền. Tuổi thơ của những đứa trẻ nghèo như tôi là thế, đều bị nhuốm một mảng xám ở đâu đó về sự bất hạnh. 
Nghèo thì không được giáo dục tốt. Ai cũng bảo nghèo thì phải học tốt để mà vượt khó, nhưng làm sao để học tốt thì chẳng có ai nhắc tới. Muốn học tốt thì phải ở trong một môi trường giáo dục chất lượng, nhưng chất lượng đi đôi với TIỀN. Ở ngôi trường làng nơi tôi học tiểu học thì học sinh giỏi đơn giản là đứa nhớ được nhiều nhất. Những học sinh nghèo ở đó hơn nhau không phải ở khả năng tư duy mà ở việc đứa nào có thể nhồi nhét nhiều hơn. Những đứa trẻ nghèo phải chịu đựng những rác rưởi của giáo dục chỉ vì không có điều kiện tốt hơn. 
Nghèo thì luôn tự ti. Lên cấp 3, tôi không hòa nhập được với tập thể lớp cũng chỉ vì tụi nó đều xuất thân từ gia đình khá giả nên được giáo dục tốt, thời thượng hơn và hiểu biết nhiều hơn. Còn tôi, do không hiểu ngôn ngữ của tụi nó nên sự tự ti cũng lớn dần và ngày càng thu mình xa cách. Những buổi đi chơi và những buổi tiệc của lớp ít khi có mặt tôi. Tôi không có được cái xa xỉ của sự hòa nhập chỉ vì bản thân không có điều kiện.
Những năm tháng đó đã dạy cho tôi một điều là đừng bao giờ đem một sinh mạng khác đến thế giới này nếu bạn không thể lo được cho nó một cuộc sống đầy đủ về mọi mặt. Nhiều lúc tôi chỉ ước mình không phải là một sản phẩm của cái nghèo để phải mang những vết sẹo không đáng có. Giống như tôi, nhiều đứa trẻ nghèo khi bắt đầu ý thức được cái bất công và tàn nhẫn của hoàn cảnh có lẽ cũng sẽ ước mình chưa bao giờ được sinh ra. Tôi không thể thông cảm được cho những người quyết định lập gia đình và sinh con khi cuộc sống của họ còn không lo đủ cho bản thân mình, để rồi tạo ra thêm những thế hệ "khuyết tật" như tôi.