Sáng 1/4 hôm nay, mình ăn ngay cú lừa (vì quên mất hôm nay là Cá Tháng Tư). Tuy bị ăn cá, nhưng sau cùng, mình lại nhận ra một cú trick của bộ não, của "trò chơi". Và mình thấy là ăn Cá tháng Tư cũng chả khác gì ngày thường cho lắm - hay nói cách khác - ngày nào cũng là Cá tháng Tư. 
Mới sáng dậy đã ăn nhầm con Cá. Source: Unsplash
Để giải thích tại sao mình nói vậy, thì mình sẽ kể qua chút về câu chuyện của mình sáng nay. Đơn giản là mình bị ăn cú lừa, nhưng trong lúc đó, phần "ego" (bạn có thể hiểu ego là "cái tôi do suy nghĩ tự tạo ra") của mình lại tự sáng tạo ra vô vàn câu chuyện khác nhau trong đầu mình, đến nỗi mình suýt tưởng những "giả tưởng" trong đầu mình là thật, và mình bị cuốn theo những nỗi lo từ "ego" tạo ra. Tất nhiên, sau cùng, đấy chỉ là một trò đùa "có vẻ rất thật", nhưng điều đấy lại làm mình nhận ra một điều: Tất cả những nỗi khổ, nỗi lo lắng trong cuộc đời của chúng ta đều sinh ra từ suy nghĩ - bởi chúng ta nhìn nhận vấn đề nghiêm trọng hơn bản chất của nó, và dấn quá sâu vào vai diễn của mình, thay vì nhìn nhận rằng, đây chỉ là một vở kịch. 
Cuộc đời là một trò chơi; và mỗi drama, mỗi câu chuyện xảy ra trong cuộc sống là một phần của kịch bản trò chơi. Trong mỗi một phần của kịch bản, chúng ta đóng một vai trò khác nhau - lúc là người bạn, người anh/chị, lúc là cha/mẹ, lúc là sếp, lúc là nhân viên, v.v. - vô vàn mặt nạ được tạo ra, phù hợp cho yêu cầu "diễn xuất" của mỗi hoàn cảnh. Nhưng đôi lúc, ta "diễn" quá sâu, quá xuất sắc, mà quên mất rằng, đây chỉ là một vở diễn trong một trò chơi lớn. Một diễn viên xuất sắc khi nhập vai - họ sẽ quên mất chính bản thân họ để nhập tâm vào nhân vật họ đang diễn - nhưng khi vở diễn kết thúc, họ sẽ quay lại là chính họ. Nhưng trong trò chơi cuộc đời, nhiều lúc ta không nhận ra bức tranh toàn cảnh - rằng tất cả là một vở diễn lớn, một trò chơi - vô hình chung, ta tự cuốn mình vào quá sâu trong trò chơi, mà quên mất rằng, vở kịch và trò chơi là để tận hưởng, để quan sát. Khi ta bị cuốn quá sâu vào vai diễn, quá chìm sâu vào mớ "suy nghĩ" do vai diễn tạo ra - ta lại mất kết nối với bản thân thực sự - the higher self (cái tôi cao hơn) đang quan sát trò chơi.  Và đấy là lúc ta hành động "vô thức" - bị điều khiển bởi ego ("cái tôi xã hội", do suy nghĩ tạo ra), và chìm trong những lo lắng, những suy nghĩ xáo trộn. 
STOP! Chỉ là trò đùa Cá tháng Tư thôi :D 
Cũng như trò đùa Cá Tháng Tư, khi bị lừa, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ tự cười vào mặt mình, cùng cười với mọi người về vở diễn Cá tháng Tư xuất sắc, hay bạn sẽ giận dữ vì bị "lừa"? Sự giận dữ, cảm giác "không tin được ai" cũng là một trò chơi của "ego" bạn, luôn muốn bảo vệ cái tôi to đùng, nhưng thực chất chỉ lấp liếm sự thiếu tự tin bên trong bạn mà thôi.
Sau cùng, khi trò đùa Cá Tháng Tư kết thúc, mình có một số bài học nho nhỏ:
  1. Cuộc đời là một trò chơi, một vở diễn lớn. Sau cùng, dù diễn vai nào - thì hãy diễn thật xuất sắc, thấu hiểu nội tâm nhân vật - là bản thân chính bạn. Nhưng cùng với đó, hãy tập quan sát chính bản thân và suy nghĩ của bạn - đặc biệt những suy nghĩ nảy sinh khi xảy ra drama - bạn sẽ thấy tất cả chỉ là vở kịch mà bạn đang hợp tác cùng mọi người, cùng vũ trụ tạo ra, tận hưởng vở kịch, nhưng đừng coi nó nghiêm túc quá - vì điều này sẽ tạo ra những đau khổ không cần thiết.
  2. Ngày nào cũng là Cá Tháng Tư - đeo mặt nạ thì đừng quên mất đây chỉ là vai diễn, bị đùa thì nhớ rằng đấy chỉ là trò đùa, và học cách tự cười vào mặt mình, vào cái "tôi" tự tạo của bản thân mình thường xuyên, nhé :> 
“Man suffers only because he takes seriously what the gods made for fun.” - Alan Watts
"Con người chỉ đau khổ vì anh ta coi trọng những gì các vị thần tạo ra cho vui." - Alan Watts
Một góc nhìn nhân ngày đầu tháng Tư được ăn Cá :D Ừ đấy, nghiêm túc nhưng đừng nghiêm túc quá, để còn chỗ mà tận hưởng trò chơi, tận hưởng từng khoảnh khắc trong vở diễn lớn của Vũ trụ. Thế thôi! 
Chúc bạn bình yên trong giây phút này!
---
Ghé thăm Blog nhỏ của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: https://mysticcatlady.wordpress.com