Em đến nhà anh, căn nhà xinh xinh trên đồi vắng, đằng sau mấy hàng hồ tiêu xanh bát ngát. Hàng xóm và họ hàng đến ríu rít khen cháu dâu tương lai xinh gái, trắng trẻo quá, “đúng là gái Ban Mê có khác”. Bố anh lẳng lặng đan rổ ở hiên nhà, bé Út đon đả chạy ra đón anh cả và chị dâu tương lai, còn mẹ anh thì đi chợ chưa về.
Căn nhà trên đồi vắng.
Phía dưới mái ngói rêu phủ là ba gian nhà Bắc, nhỏ xíu nhưng cực kỳ sạch sẽ. Anh chỉ vào căn bếp củi còn vấn vương khói: “Căn bếp ấy này là nơi mà mẹ anh nấu xôi cúc nuôi hai đứa anh ăn học.” Bố anh đứng dậy, nói nhỏ nhẹ: “Cháu đấy à, rửa mặt rồi vào nhà nghỉ ngơi đi cháu, chắc đi đường xa mệt lắm rồi.” Ông đứng dậy, lê chân trái đi trước, rồi “phạt cỏ” chân phải theo sau. Anh từng kể rằng bố anh bị hỏng một bên chân từ thời chiến tranh Biên giới phía Bắc.
Ngồi trong căn nhà mát mẻ, anh kể về gia đình anh. Anh kể như kiểu anh là nhân vật vô hình nào đó đã xem thấy cuộc đời bố mẹ anh từ khi anh còn chưa sinh ra.
Anh luôn tự hào cuộc đời bố anh gắn liền với những biến cố lớn của dân tộc. Ông sinh vào đúng năm giải phóng thành phố Nam Định – quê anh, từng là sinh viên khoa Triết – Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 75. Năm 79, giặc Bành trướng kéo sang, bố anh lên đường đi Tây Bắc rồi trở về với một mảnh đạn còn nằm trong chân phải. Trở về quê nhà, ông trở thành ông giáo dạy Nga văn trong trường làng. Năm 91, đất nước mở cửa, Nga văn hết thời để nhường chỗ cho Anh văn, bố anh ngậm ngùi về hưu sớm để rồi từ một ông giáo trở thành một bác bảo vệ. Những năm tháng ngẫm nghĩ sự đời ở cổng trường nơi mình từng là ông giáo, bố anh mới nhận ra rằng, hình như cuộc đời ông còn thiếu một cái gì đó, một người đàn bà.
Mẹ anh từng là một trong số những cô gái đẹp nhất làng. Bà cao ráo, đảm đang và đẹp gái nhưng chỉ được ông ngoại cho học hết lớp 4 để nhường cho các em đi học. Lắm mối đến rào ngõ, hỏi han nhưng mẹ anh chẳng chọn ai cả. “Tôi lấy chồng rồi thì ai bán xôi cúc cho các em tôi đi học?” Thời xuân sắc vùn vụt trôi qua, khi những đứa em trai lần lượt đi xa trở thành những kỹ sư xây hồ Thác Bà, thành thầy đốc-tờ ở trên tỉnh thì mẹ anh nhận ra rằng mình đã “quá lứa nhỡ thì rồi”. Lúc đó mẹ anh nhận ra rằng, cuộc đời bà thiếu một cái gì đó, một người đàn ông.
Dân làng vừa thương cảm vừa bông đùa gán ghép ông giáo què về hưu non với bà bán xôi cúc, thế rồi bố anh lấy mẹ anh thật. Năm đó, quê Nam Định bị bão to lắm, làng quê nghèo khó lại càng xơ xác hơn. Đám cưới của bố mẹ anh chẳng có gì nhiều. Họ hàng xúm lại, người thì cho ấm nước, người thì cho chiếc thau nhôm, người nào có của thì cho chiếc bàn là Liên Xô. Trong đám cưới, bà ngoại anh khóc thương con gái lấy chồng nghèo, ông ngoại anh sung sướng chúc rượu vì con gái lấy được người chồng có học, một ông giáo hết thời.
Ga Nam Định ngày ấy nhiều trộm cắp lắm, đôi vợ chồng trung niên bế đứa con đầu lòng mới sinh lên tàu vào Nam mà lo nơm nớp, lo lắng số tiền giành dụm nhiều năm ở quê nhà sẽ tiêu tan mất. Bố anh chỉ cho ông ngoại anh một chấm nhỏ trên tấm bản đồ cũ: “Sau này, khi đường 14 thông suốt  Tây Nguyên, đường 28 chạy thẳng tới Phan Thiết thì đây sẽ là trung tâm của cả vùng, phen này con sẽ đưa vợ con vào đây lập nghiệp, mong cho con cháu sau này sẽ sáng sủa hơn chứ ở lì ngoài này nghèo mãi chịu sao nổi.” Ông bộ đội giải phóng miền Nam nghe ông bộ đội Tây Bắc nói mà chỉ gật gù, 6 năm vào sinh ra tử ở mảnh đất Tây Nguyên này cùng những cơn sốt rét rừng gần chết khiến ông đủ hiểu nơi đây “rừng thiêng nước độc” thế nào. Ông lẳng lặng khóc một mình, thương cho số phận người con gái đầu lòng của mình.
Anh cứ luyên thuyên kể chuyện gia đình mà quên mất rằng hôm nay là ngày anh dẫn em về ra mắt bố mẹ anh. Em cứ ngồi như thế mà ngắm anh, hình như anh chỉ giống bố anh ở đôi mắt sáng và dọng nói, còn dáng người và khuôn mặt hoàn toàn khác bố anh. Em sẽ chờ mẹ anh về xem anh có giống mẹ anh không.
Mẹ anh đạp xe về đến nhà, chưa thấy người đã nghe thấy tiếng phanh xe kêu ken két. Công nhận là anh giống mẹ thật, giống từ dáng người dong dỏng cao cho đến chiếc mũi cao cùng quai hàm vuông vắn. Người này sẽ là mẹ chồng của mình sao? Nghe nói bà là một trong những người đàn bà ghê gớm nhất làng. Cả khu chợ ai cũng phải sợ bà bán xôi cúc. Eo ôi! Em sợ quá! Nhưng, trong đôi mắt của mẹ anh có một sự đau khổ sâu sắc, phải chăng đó là nỗi đau của một người đàn bà từng đẹp nhất làng phải lấy một ông giáo về hưu non chẳng hề yêu thương mình.  
Đến bữa trưa, bố mẹ anh chẳng ai nói chuyện với ai. Cả nhà cứ im lặng như căn nhà giữa quả đồi lộng gió này.