"Hard skills are SOFT. Soft skills are HARD" - Josh Bersin
Kỹ năng cứng thì rất dễ học/đào tạo, còn kỹ năng mềm lại rất khó, vì để trui rèn được kỹ năng mềm thì đó là cả quá trình làm việc và trải nghiệm.
Gần đây mình lại được nghe chia sẻ từ một anh có vị trí cao trong ngành rằng:
Kỹ năng mềm giúp tụi mình thăng tiến. Nhưng nếu chỉ có kĩ năng mềm mà không có kiến thức chuyên môn thì người ta vẫn xem là mình “không được việc”.
Theo mình, kỹ năng cứng, kiến thức chuyên môn chắc chắn là thứ chúng ta cần ưu tiên học khi làm 1 công việc. Nhưng để “sống sót” được ở môi trường làm việc, thì chẳng ai dạy chúng mình cần học kỹ năng gì để làm “được việc”. 
Như tựa đề bài blog, bài này mình viết về tư duy.
Và vì tư duy là cái cốt lõi để định hướng hành động của mình, nên cách tiếp cận của bài viết là mình sẽ đưa ra các tư duy kèm theo một số biểu hiện của tư duy đó. Còn tất cả “bí quyết” thì nhiều vô kể.
"Ngoan" ở đây là Sếp nói gì cũng "dạ"...
"Ngoan" ở đây là Sếp nói gì cũng "dạ"...

Độ “được khen” của sếp = Độ “xịn” của mình

Qua trải nghiệm thời sinh viên và cả lúc đi làm sau tốt nghiệp, mình nhận ra khi team làm tốt, người ta chẳng bao giờ biết mình là ai, họ khen sẽ khen sếp mình, chê cũng chê sếp trước. Vì vậy, mình luôn muốn làm sao để sếp của mình được khen nhiều nhất có thể, vì khi đó, mình biết mình đang “xịn”.

Khi “hết việc”, đừng chờ việc. Xin/Tìm thêm việc để làm đi

Ra ngoài làm thì phải biết chủ động.
Chủ động trong việc tự học và phát triển bản thân. Sếp là người có kinh nghiệm và chuyên môn hơn mình sẽ có thể hỗ trợ mình, nhưng là hỗ trợ thôi, chứ không phải sẽ làm mọi thứ để phát triển mình. Với mình, Sếp mà chịu cho mình biết những thứ mình cần học để trau dồi thêm đã đủ tốt rồi. Phần còn lại là do mình tự ý thức và chủ động trau dồi cho bản thân mình.
Thời còn là sinh viên, mình cứ nghĩ việc cố gắng hết mình và luôn đặt câu hỏi cho Leader, teammate đã là một biểu hiện của chủ động rồi. Sau này đi làm mới biết mỗi người đều có "việc bận" riêng của họ. Trước khi hỏi ai về bất kì thứ gì, thì bản thân mình hãy tự tìm câu trả lời trước. Khi nào làm đủ mọi cách rồi mà vẫn chưa được hoặc chỉ có người đó mới có thể trả lời được cho mình, thì hãy hỏi cho đúng người, đúng việc. 
Ngoài ra, khi đi làm ở môi trường doanh nghiệp, mình còn thấy sự chủ động có thể thể hiện ở việc:
➤ Chủ động xin thêm việc để làm (khi đã xong việc hoặc không thấy mình được giao việc gì để làm)
➤ Chủ động tìm và đưa ra đề xuất cách làm mới cho team khi thấy vấn đề
➤ Chủ động nhắc việc cần làm cho Sếp
➤ Muốn Sếp hay người khác quyết định nhanh thì chủ động thu thập đủ thông tin vào 1 nơi rồi hỏi ý kiến luôn 1 lượt
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet
Khi làm được những việc này, chắc chắn giá trị mà bạn tạo ra cho team sẽ nhiều hơn.
Chính nhờ sự chủ động này mà bản thân mình không phải bị động hay phụ thuộc vào Sếp, đồng đội hay những người khác, vì chủ động trong mọi việc là cách mình có thể quản lý công việc và người khác.
(Bạn có thể tìm hiểu thêm tại bài viết "Managing up" của cô Nguyễn Phi Vân nhé).
Đây là tư duy mình đã làm khi còn là một Intern. Muốn trở thành một nhân viên chính thức thì hãy cư xử như một nhân viên chính thức.

Sếp cũng chỉ là con người thôi

Thời còn làm ở các tổ chức dành cho sinh viên, mình thường mong đợi rất nhiều từ Sếp. Cũng như nhiều người, mình từng nghĩ Sếp sẽ là người “bít tất”, luôn rõ định hướng và truyền cảm hứng cho mọi người. Có thể nói, Sếp là một hình mẫu (role model) để mọi người noi theo.
Tuy nhiên, chẳng có ai có thể luôn luôn ở trạng thái làm việc tốt nhất, dù là mình hay Sếp đều cũng sẽ có lúc cảm thấy yếu đuối, mông lung với những gì mình làm (chỉ là Sếp không thể hiện ra). Khi là 1 Team Leader, mình nhận ra Sếp cũng phải tự tìm hiểu, tự học để làm giống như mình khi làm 1 member. 
Vậy nên sau này khi đi làm, mình cũng không kỳ vọng ở một người Sếp hoàn hảo hay họ phải "take care" cho mình. Thay vào đó, thái độ của mình là luôn support họ, tự học để có đủ "đồ chơi" cho công việc mình cần.
Mình chỉ cần Sếp có growth mindset vì mình chắc chắn rằng khi đó họ không xem mình "biết tuốt", mà luôn muốn học hỏi ở người khác (kể cả member).

Động viên Sếp

Trước giờ tụi mình sẽ luôn nghĩ người Sếp hay lãnh đạo là người sẽ truyền cảm hứng, động viên người khác đúng không? Động viên Sếp không khó, nhưng ít ai nghĩ tới và làm được.

Tại sao chỉ có member mới học đc từ leader mà không phải ngược lại?

Mình tin là một team làm tốt không bởi vì tất cả mọi người trong team đều giỏi. Một team làm tốt là nơi điểm mạnh của tất cả mọi người được phát huy và điểm mạnh của người này có thể bù đắp cho điểm yếu của người khác. 
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet
Là một team member, mình không cho rằng mình biết hết, nhưng không vì điều đó mà mình ngại chia sẻ cách làm mới/hiệu quả với mọi người, kể cả Sếp. Lúc đó không chỉ chính bản thân mình được “brainstorm”, suy nghĩ về cách làm ấy nhiều hơn và có nhiều ý tưởng mới hay hơn, mà công việc của Sếp cũng nhẹ đi.
Theo mình thì đây chưa phải là tất cả tư duy, kĩ năng mà những người đi làm cần có, mình vẫn đang học và thực hành mỗi ngày. Cách của mình để có thể hiểu nguyện vọng của các "Sếp" và môi trường làm việc là kết nối với những "người làm Sếp" trên LinkedIn, tham gia event của các "Sếp" để hiểu góc nhìn và mong đợi của họ về nhân viên.
Ngoài ra, trong mùa dịch mình còn đọc các bài viết, khóa học của cô Nguyễn Phi Vân về các kỹ năng cho người mới đi làm. Bạn có thể tham khảo thêm nhé.

Kết

Để kết thúc bài viết này mình xin viết lại một điều mình học được gần đây khá hay từ một anh cũng là 1 “cây đa cây đề” trong ngành của mình (ban đầu nghe hơi “thao túng tâm lý, nhưng nghĩ lại thấy cũng hợp lý), đó là: 
Khi mình đang nhận được lương 10 triệu ở công ty, thì hãy cống hiến như một người nhận được 15 triệu. Vì nếu sau này công ty có những cơ hội lớn hơn và công ty biết được năng lực của em, thì em có thể là người được chọn vào vị trí đó.
Ở đây mình không muốn đề cập về tỉ lệ giữ 10 triệu và 15 triệu. Mình thấy so với “60 năm cuộc đời” thì 24 tuổi (hay tụi mình) vẫn còn trẻ chán, nên là chỉ hi vọng cả mình và bạn dù làm công việc gì, cũng sẽ tìm được công việc mình thật sự thích để tụi mình sẽ không thấy mình đang “bán mình cho tư bản”, mà làm công việc đó như thể làm vì chính mình. Khi mình luôn muốn tìm cách giải quyết vấn đề và hết mình trong công việc, thì không cần đến các "tips sinh tồn" và bằng một cách tự nhiên nào đó, chúng ta sẽ luôn thể hiện được thái độ tích cực trong công việc.
Trích sách "Nhà giả kim"
Trích sách "Nhà giả kim"