Bài viết này không chỉ dành cho những ai muốn thi Olympia, mà còn cả những người muốn nâng cấp phương pháp học của mình.
Dạo gần đây mình nhận được kha khá tin nhắn hỏi về cách để bắt đầu ôn luyện cho cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Post này sẽ là câu trả lời của mình.
Đôi chút về bản thân: Mình là cựu “quán quân” trận tuần 3 tháng 3 quý 4 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21, và cũng là người sáng lập một câu lạc bộ Olympia của trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp. Dù không phải quá xuất chúng nhưng mình cũng khá tự tin là mình có một chút thẩm quyền để viết về chủ đề học tập.
Bài viết này sẽ không nói về cách mình đã ôn luyện Olympia trong quá khứ, vì mình nhận thấy các phương pháp lúc đó của mình khá lỗi thời và có phần kém hiệu quả. Thay vào đó, mình sẽ dựa vào trải nghiệm cá nhân của mình, cũng như những gì mình đã tìm hiểu được về “Learning how to learn” (học cách để học), để viết ra các phương pháp mình tin là hiệu quả hơn.
Bài viết sẽ dựa theo các giai đoạn (giản lược) của trí nhớ đó là: Encoding (Thu nạp), Storage (Lưu trữ), và Retrieval (xuất thông tin). Về căn bản, nếu tối ưu được cả 3 giai đoạn này, bạn sẽ có khả năng lưu trữ kiến thức lâu và sâu hơn. Ngoài ra, ở cuối bài viết mình sẽ bật mí một số “bí kíp” dành cho những ai quan tâm đến chương trình Đường lên đỉnh Olympia.

1. Encoding

1.1 Deep and Shallow Processing (Xử lý thông tin sâu và xử lý thông tin nông)
Đây là hai khái niệm dựa trên Levels of Processing theory được nghiên cứu bởi Craik & Lockhart năm 1972.
Về cơ bản, Deep Processing là khi chúng ta hiểu được ý nghĩa của thông tin mà mình tiếp thu, biết được bối cảnh mà nó có thể áp dụng; khác với Shallow Processing - chỉ học thông qua mặt chữ hay âm thanh mà không hiểu ý nghĩa đằng sau, hay nói cách khác là học vẹt.
Chắc các bạn cũng hiểu dạng xử lý thông tin nào sẽ giúp ta học hiệu quả hơn rồi.
Vậy, làm sao để áp dụng Deep processing trong học tập? Câu trả lời là áp dụng học tập cấp cao (higher-order learning) Mình đã có một bài viết về nó. Khái niệm này khá phức tạp, nhưng để bắt đầu áp dụng bạn có thể hỏi ba câu hỏi này trước khi học bất kỳ kiến thức nào:
- Vì sao thông tin này lại quan trọng với tôi?: Hỏi câu hỏi này vừa giúp các bạn lọc những điều vô bổ, vừa khiến não bộ của bạn tìm ra lý do để lưu trữ thông tin này.
- Thông tin này liên quan gì với thông tin tôi đã từng biết?: Việc tạo kết nối giữa kiến thức bạn đang học và kiến thức bạn đã biết sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn đơn vị kiến thức này. Ví dụ, khi bắt đầu học về học tập cấp cao, mình ngay lập tức liên kết nó với cấu trúc đề thi của bộ giáo dục (cũng áp dụng Bloom Taxonomy) gồm 4 phần: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.
Ta có thể hiểu rằng học tập cấp thấp (lower-order learning) thường chỉ có tác dụng với 2 hoặc cùng lắm 3 mức đầu, còn để giải quyết những bài vận dụng cao thì đòi hỏi ta có tư duy bậc cao. Cách liên tưởng này giúp mình hiểu hơn về khái niệm Higher-order learning.
- Làm sao để tôi áp dụng kiến thức này vào cuộc sống của mình? Câu hỏi này cũng sẽ cho não bộ lý do để nhớ thông tin bạn học, vì não bộ rất hiệu quả trong việc lọc ra những thông tin vô bổ. Khi học, hãy tưởng tượng tình huống cụ thể mà bạn sẽ áp dụng kiến thức này, và lý tưởng nhất thì hãy tham gia hoặc tạo một dự án nhỏ để luyện tập lúc nó còn nóng hổi. Như vậy thì kiến thức này sẽ mãi là của bạn.
<i>Nguồn: Tales from Academia</i>
Nguồn: Tales from Academia
1.2 Các thuật ghi nhớ (Mnemonics)
Thực ra mình không ủng hộ sử dụng mẹo để ghi nhớ thông tin, mà thường thì mình sẽ cố gắng hiểu được bối cảnh, cách một đơn vị kiến thức kết nối với tổng thể, thay vì học thuộc lòng một công thức hay là sự kiện.
Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng với giáo dục Việt Nam hiện tại, và với chương trình Đường lên đỉnh Olympia thì việc ghi nhớ nhanh một thông tin sẽ là lợi thế lớn. Sau đây mình sẽ chỉ cho các bạn một số mẹo mà mình có tìm hiểu và áp dụng:
- Acronyms: Ghép các chữ cái đầu của cụm kiến thức cần nhớ thành một từ dễ nhớ.
VD: trong tập podcast của Giáo sư Andrew Huberman và Wendy Suzuki về trí nhớ, có 4 yếu tố khiến chúng ta khắc sâu một thông tin: Novelty (Sự mới lạ), Emotional Resonance (chạm cảm xúc), Repetition (sự lặp lại), và Association (sự liên kết). Để ghi nhớ 4 yếu tố này, mình ghép 4 chữ cái đầu thành từ NERA (đọc giống né ra trong tiếng Việt). Nhờ vậy đến bây giờ mình vẫn nhớ 4 yếu tố này dù mình xem tập podcast lần cuối cách đây 6 tháng)
- Tạo câu: Câu nói trứ danh trong hóa học: “Khi nào ba cần may áo giáp sắt…” là một ví dụ điển hình.
- Âm nhạc: Bài hát ABC trong tiếng anh là một ví dụ cho phương pháp này.
- Liên kết: Kết nối một thông tin bạn đang học với thông tin bạn đã biết. Ví dụ, để ghi nhớ sinh nhật của bạn mình vào 21/10, mình đã liên kết sinh nhật nó với ngày 20/10. Sau này đến ngày 20/10 là mình ngay lập tức nhớ ra rằng hôm sau sinh nhật bạn.
Cá nhân mình chỉ áp dụng các Mnemonics khi mình chưa thể hiểu cách thông tin này liên kết với các thông tin khác, hoặc trong các môn bắt buộc phải học thuộc như lịch sử. Bởi trong thực tế, đa số các trường hợp chúng ta chẳng cần phải nhớ một dữ kiện riêng lẻ làm gì, chỉ cần google là có. Cái ta cần là hiểu làm sao áp dụng được một đơn vị kiến thức để giải quyết vấn đề, và điều này cần nhiều “kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm” hơn là học thuộc.

2. Lưu trữ thông tin (Storage)

2.1 Trí nhớ ngắn hạn (STM) và trí nhớ dài hạn (LTM)
Khoa học về trí nhớ phức tạp hơn nhiều nhưng hiện tại các bạn chỉ cần hiểu rằng khi não bộ tiếp thu thông tin thì chúng ta sẽ chưa thể khắc sâu nó vào trí nhớ dài hạn, mà trước hết nó sẽ đi vào trí nhớ ngắn hạn; và nếu ta không làm gì để não bộ biết rằng “à thông tin này cần được ghi nhớ lâu” thì nó sẽ biến mất khỏi ký ức của ta.
Cụ thể, trí nhớ ngắn hạn có hai đặc điểm chính sau:
- Thời gian lưu trữ ngắn: Nếu không được thu nạp và lặp lại một cách hợp lý, những thông tin trong trí nhớ ngắn hạn có thể biến mất sau vài giây (Cowan, 2008).
- Khả năng lưu trữ giới hạn: Trí nhớ ngắn hạn chỉ có thể nhớ khoảng 7 thông tin cùng lúc, với biến số là +/- 2 (5 và 9 đơn vị thông tin) (Miller, 1956). Tuy nhiên con số này chưa tính đến việc ta có thể gộp các đơn vị thông tin để ghi nhớ (chunking).
Về căn bản, lỗi học tập của rất nhiều học sinh là các bạn ôn nhồi lượng lớn thông tin cùng một lúc (hậu quả của những đêm dài ăn chơi, mình hiểu mà), mà không hề có bất kỳ hành động nào để khiến thông tin đó trở nên đáng nhớ hơn, thành thử ra ôn rất nhiều nhưng chỉ có một số ít được đưa vào trí nhớ dài hạn, còn lại thì bị loại ngay từ vòng gửi xe.
Một số kỹ thuật các bạn có thể áp dụng để đưa thông tin từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn là:
- Chia để trị (chunking): Như đã viết ở trên, khả năng lưu trữ của STM là có giới hạn. Nhưng vẫn có một cách để ta “ăn gian”, đó là chia nhiều mảng kiến thức thành một cụm kiến thức để dễ nhớ hơn. Ví dụ, khi học 100 từ tiếng Anh, thay vì nhớ 100 từ riêng lẻ, bạn có thể nhóm chúng thành các chủ đề lớn như là thức ăn, nước uống, quốc gia,… Như vậy sẽ dễ gợi nhớ hơn.
- Đi xa hơn lặp lại thông thường: Với những vùng kiến thức nào bạn muốn ghi nhớ, thay vì chỉ đọc vẹt y xì những gì mình đã học, bạn có thể áp dụng những phương pháp liên quan đến Higher-order learning mà mình đã nhắc ở trên để khiến thông tin khắc sâu vào não bộ.
Ví dụ bạn có thể viết một đoạn phản biện những ý kiến mà mình đã được học, tạo các mối liên hệ giữa những kiến thức mình học và kiến thức mình đã biết, hay tạo một giả thuyết từ những gì mình được học và google để kiểm chứng nó. Dù làm những điều này tưởng mất thời gian hơn so với chỉ đọc lại kiến thức, nhưng trên thực tế nó tiết kiệm cho chúng ta thời gian phải ôn tập về sau.
Về trí nhớ ngắn hạn
Về trí nhớ ngắn hạn
2.2 Trí nhớ làm việc (Working Memory)
Để phân biệt cụ thể giữa trí nhớ làm việc (WM) và trí nhớ ngắn hạn thì khá là nhập nhằng, và hiện tại các nhà nghiên cứu có vẻ chưa thống nhất được với nhau. Để phục vụ cho mục đích bài viết này mình sẽ sử dụng định nghĩa từ một bài báo của Nelson Cowan vào năm 2009.
Trí nhớ làm việc bao gồm trí nhớ ngắn hạn và một số cơ chế tư duy khác được sử dụng cho một tác vụ cụ thể. Ví dụ, khi các bạn đang đọc bài viết này, các bạn cần phải nhớ câu trước mình đã viết gì, để từ đó giải nghĩa được câu sau.
Trong bối cảnh học tập, trí nhớ làm việc liên quan trực tiếp đến khả năng tiếp thu thông tin của bạn. Nếu bạn cảm thấy mình lúc học không thể nhớ nổi thông tin mình vừa học, khả năng chú ý thấp, và đôi khi cảm thấy đầu óc muốn nổ tung vì không thể hiểu được thầy cô đang nói gì, khả năng cao thủ phạm đến từ trí nhớ làm việc chưa được rèn luyện của bạn.
Vậy, làm thế nào để tối ưu trí nhớ làm việc?
- Tăng lượng Dopamine được tổng hợp trong não: Một nghiên cứu của Cools et al. (2008) đã chỉ ra rằng những người có khả năng tổng hợp dopamine trong vùng vân của não (striatum) tốt thường sẽ là những người có trí nhớ làm viêc tốt hơn (có khả năng nhớ một số lượng câu từ lớn trong thời gian ngắn).
Trong tập podcast về trí nhớ làm việc của mình, tiến sĩ Andrew Huberman có đế xuất một số phương pháp để tăng Dopamine, từ đó tăng cường khả năng của trí nhớ làm việc như sau:
+ Yoga Nidra, Non-sleep Deep Rest (các bạn có thể search google với hai từ khóa này, hoặc tốt nhất là vào xem tập podcast của tiến sĩ Huberman).
+ Tắm nước lạnh (các bạn nên tìm hiểu kĩ trước khi bắt đầu, nhưng về cơ bản thì hãy ngâm người từ 30s -3p, trong một nhiệt độ không quá lạnh, nhưng đủ lạnh để khiến các bạn cảm thấy khó chịu và phải sử dụng ý chí để duy trì).
+ Nghe nhịp song âm (binaural beat)
- Hạn chế làm việc đa nhiệm: Trí nhớ làm việc của chúng ta chỉ có khả năng xử lý 3-4 tác vụ cùng một lúc (Cowan, 2014). Bất kỳ việc gì yêu cầu não bộ chúng ta phải lưu tâm (nghe nhạc, nhắn tin, vừa học vừa tán nhảm,…) đều sẽ khiến trí nhớ làm việc của ta yếu đi và mất tập trung vào việc mình đang làm.

3. Retrieval

Retrieval là quá trình chúng ta truy cập những thông tin đã có sẵn trong trí nhớ dài hạn (Cherry, 2019). Nếu chúng ta quên đi một kiến thức nào đó, chỉ đơn giản là quá trình “retrieval” đã thất bại.
Ta có thể sử dụng cách mà kiến thức được “xuất ra” để phân biệt xem nó nằm trong trí nhớ ngắn hạn hay trí nhớ dài hạn (McLeod, 2023):
- Nếu nó nằm trong trí nhớ ngắn hạn thì thông tin sẽ được xuất ra một cách cô lập và phải theo trình tự cố định. Ví dụ, nếu bạn nghe một dãy số và sau đó được hỏi số thứ tư của dãy đó là gì, bạn cần phải nhớ lại số thứ nhất, thứ hai và thứ ba trước khi ra được số thứ tư.
- Nếu trong trí nhớ dài hạn thì thông tin sẽ được xuất ra dựa trên các liên kết, cụ thể là một hoặc nhiều manh mối (cue) liên quan đến điều ta cần nhớ. Ví dụ, bạn có thể nhớ ra Xuân Diệu nếu được nhắc đến những từ khóa như ông hoàng thơ tình, thơ mới,…
Cách chúng ta xuất thông tin ra cũng có tầm quan trọng với quá trình học không kém gì lúc chúng ta thu nạp thông tin vào. Một thí nghiệm của Roediger and Karpicke năm 2006 đã cho thấy rằng tự kiểm tra bản thân (xuất thông tin ra) ngay sau khi học một đoạn văn sẽ hiệu quả hơn là đọc đi đọc lại đoạn văn đó.
Bởi thế nên chiến lược ôn tập bằng cách đọc đi đọc lại sách giáo khoa của nhiều học sinh là cực kỳ sai lầm. Cách này vừa không tốt cho quá trình encoding lẫn retrieval.
Ngoài ra có hai yếu tố ta cần chú ý để “xuất thông tin” hiệu quả:
- Thời điểm: Theo đồ thị đường cong lãng quên (Forgetting curve) được nghiên cứu bởi nhà tâm lý học Hermann Ebbinghaus, thông thường chúng ta sẽ quên 50% thông tin chúng ta được học chỉ trong khoảng 1 giờ đầu tiên (tất nhiên con số thực còn tùy thuộc vào khả năng học tập của bạn và cách bạn thu nạp thông tin), và chỉ sau một ngày thì ta sẽ quên khoảng 75% những gì mình đã học (Wittman, 2018). Dựa theo đồ thị này thì những thời điểm lý tưởng nhất để ôn tập là ngay sau khi học xong, một ngày sau, một tuần sau, và một tháng sau; 3 lần sẽ là khởi đầu tốt để bạn chống lại đường cong lãng quên.
Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi người sẽ có thời điểm vàng khác nhau để ôn tập và ta cần phải thử nghiệm để tìm ra đâu mới phù hợp với mình. Một mẹo các bạn có thể áp dụng là hãy ôn tập lại kiến thức vào thời điểm mình sắp quên, tức là chưa quên hẳn nhưng chỉ nhớ mù mờ về nó.
Cách thức ôn tập: Trong một video của mình, tiến sĩ Benjamin Keep (tốt nghiệp đại học Stanford) có nói rằng phương pháp ôn tập hiệu quả yêu cầu chúng ta làm ít nhất một trong những hành động sau: tổng hợp, tái sắp xếp thông tin, so sánh thông tin, và ứng dụng thông tin trong các bối cảnh khác nhau. Ví dụ : Thay vì ôn tiếng Anh chỉ bằng cách học các từ mới qua Flash Card hay các ứng dụng như Anki, Memrise; bạn có thể áp dụng các từ mình đã được học bằng cách viết một đoạn văn hoặc nói chuyện trực tiếp với người nước ngoài. Như vậy bạn sẽ được áp dụng những gì bạn học trong một bối cảnh thực tế, ở cấp độ cao hơn, từ đó sẽ nhớ sâu hơn là chỉ học vẹt.

4. Các mẹo cụ thể về Olympia

Hẳn tiêu đề bài viết cũng cho các bạn kỳ vọng rằng mình sẽ đọc một số mẹo liên quan trực tiếp đến Đường lên đỉnh Olympia. Không để các bạn thất vọng, dưới đây là một số mẹo mà mình sẽ rất vui nếu có ai chỉ mình lúc mới bắt đầu ôn.
- Tạo một file tài liệu lưu trữ tất cả các câu hỏi để ôn tập: Sau khoảng 2 tháng ôn Olympia, mình được một người thầy gửi cho một file câu hỏi mà thầy đã thu thập từ trước. File này có tổng cộng 13 sheet liên quan đến 13 lĩnh vực thường được hỏi tại chương trình. Từ file của thầy mình mới tự tìm tòi và đắp thêm các câu hỏi, từ các tập Olympia cũ hãy các chương trình kiến thức liên quan như Âm vang xứ thanh, và cả những câu do mình tự nghĩ ra. Dần dần, trong file đã có xấp xỉ 8000 câu hỏi cùng đáp án. Đây là một quá trình tích lũy vừa vui vừa giúp bạn có thêm tư liệu để ôn tập và chia sẻ với người khác. File này mình cũng đã chia sẻ trên trang cá nhân, bạn có thể truy cập tại đây.
- Tham gia các cộng đồng về Olympia: Bao giờ ôn với bạn cũng vui hơn một mình mà. Thường thì mỗi năm Olympia sẽ có một nhóm cộng đồng dành cho những người mong muốn đi thi O, hay là Pre-Olympian của năm đó. Như năm của mình thì có The Nations Of O21, hay năm sau đó thì có The Plants Of O22. Ngoài ra thì tham gia các clb Olympia cũng là một cách để bạn có cơ hội ôn luyện cùng những người đồng chí hướng.
- Tham gia các giải đấu Olympia Online: Bạn cũng có thể tham gia các giải đấu hay nền tảng có cung cấp đề thi sát với đề Olympia để ôn luyện. Mình nhớ thời của mình nổi nhất là nền tảng Imin Olympia Training, ngoài ra còn có các giải đấu mà nếu các bạn chịu khó search với từ khóa “Olympia online” là sẽ ra.
Flex lần hai
Flex lần hai
Môt điều cuối cùng mình muốn nhắn nhủ là hãy trân trọng các mối quan hệ bạn kiếm được khi ôn tập Olympia, bởi nó sẽ giúp ích cho bạn không chỉ là trong cuộc thi mà cả cuộc sống sau này. Những người bạn mình quen được từ Olympia đều là những người rất giỏi mà mình khó có thể kết nối với họ nếu không có chương trình này.

Kết

Phương pháp học dù có hay, có khoa học đến mấy cũng sẽ trở nên vô dụng nếu không được thực hành. Vì vậy, bạn không cần phải áp dụng hết tất cả phương pháp trong bài viết này cùng một lúc; thay vào đó hãy dành ra khoảng 1 tháng cho bất kỳ phương pháp nào mà bạn cảm thấy hợp với mình. Có thể lúc đầu bạn sẽ cảm thấy vô nghĩa vì kết quả học tập vẫn chưa được cải thiện, nhưng tin mình đi, chỉ cần bạn kiên trì tầm 2 tuần là bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt.
Mình không hứa nó sẽ giúp bạn thay đổi cuộc sống, nhưng đáng để thử mà đúng không?
Nếu bài viết này có ích với bạn, những bạn trẻ khao khát chinh phục đỉnh Olympia, hoặc đỉnh tri thức nói chung, thì hãy lưu lại để đọc và theo dõi mình cho những bài viết tương tự nhé!
Nguồn tham khảo:
Cherry, K. (2019). How Information Retrieval From Memory Works. [online] Verywell Mind. Available at: https://www.verywellmind.com/memory-retrieval-2795007.
Cools, R., Gibbs, S.E., Miyakawa, A., Jagust, W. and D’Esposito, M. (2008). Working Memory Capacity Predicts Dopamine Synthesis Capacity in the Human Striatum. Journal of Neuroscience, 28(5), pp.1208–1212. doi:https://doi.org/10.1523/jneurosci.4475-07.2008.
Cowan, N. (2008). What Are the Differences between long-term, short-term, and Working memory? Progress in Brain Research, [online] 169(1), pp.323–338. doi:https://doi.org/10.1016/s0079-6123(07)00020-9.
Cowan, N. (2014). Working memory underpins cognitive development, learning, and education. Educational Psychology Review, 26(2), pp.197–223. doi:https://doi.org/10.1007/s10648-013-9246-y.
Craik, F.I.M. and Lockhart, R.S. (1972). Levels of processing: A framework for memory research. Journal of Verbal Learning and Verbal Behavior, 11(6), pp.671–684. doi:https://doi.org/10.1016/s0022-5371(72)80001-x.
Huberman, A. (2022). Dr. Wendy Suzuki: Boost Attention & Memory with Science-Based Tools | Huberman Lab Podcast #73. [online] www.youtube.com. Available at: https://www.youtube.com/watch?v=099hgtRoUZw.
Huberman, A. (2024). Tools to Enhance Working Memory & Attention. [online] www.youtube.com. Available at: https://www.youtube.com/watch?v=CQlTmOFM4Qs [Accessed 18 Feb. 2024].
Keep, B. (2022). What Study Gurus Get Wrong About Learning. [online] www.youtube.com. Available at: https://www.youtube.com/watch?v=iW7Fp9Mtq1Y&t=1s [Accessed 18 Feb. 2024].
McLeod, S. (2023). Memory, encoding storage and retrieval | simply psychology. [online] Simply Psychology. Available at: https://www.simplypsychology.org/memory.html.
Miller, G.A. (1956). The magical number seven plus or minus two: some limits on our capacity for processing information. Psychological Review, [online] 63(2), pp.81–97. Available at: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/13310704/.
Roediger, H.L. and Karpicke, J.D. (2006). Test-Enhanced Learning: Taking Memory Tests Improves Long-Term Retention. Psychological Science, [online] 17(3), pp.249–255. doi:https://doi.org/10.1111/j.1467-9280.2006.01693.x.
Wittman, J. (2018). The Forgetting Curve. [online] California State University Stanislaus. Available at: https://www.csustan.edu/sites/default/files/groups/Writing Program/forgetting_curve.pdf.