Vào năm 3 đại học, môn Chính sách đối ngoại Hoa Kỳ và Translation được dạy bởi một người thầy mới toanh của khoa – một dịch giả mà sau này tôi vô cùng yêu quý. Yêu mến thầy từ kiến thức uyên bác đến tính cách con người, thế là tôi sốt sắng tìm cho bằng được tất cả những quyển sách được thầy dịch. Sau khi mua quyển "Xa cội" trên bookbuy.vn, tôi nhận thấy quyển "Nếu có bạc triệu" vẫn còn bán. Thế là mua ngay không do dự, đơn giản đó là quyển sách được dịch bởi thầy Hoàng Thạch Quân.

"Nếu có bạc triệu" (Tiếng Anh: Millions – Tác giả Frank Cottrell Boyce) kể về 2 anh em Anthony và Damian Cunningham, mà người em Damian là nhân vật chính. Một ngày nọ, một giỏ xách toàn tiền là tiền (đúng nghĩa) "từ trên trời rơi xuống". Một số tiền quá lớn, là cả gia tài đối với hai đứa trẻ học sinh tiểu học khi ấy. Điều mấu chốt ở đây, một là số tiền này do bọn cướp ngân hàng đánh rơi, và hai là cả 2 cậu bé chỉ còn đúng 17 ngày để tiêu hết số tiền đó. Trong khi bọn cướp đang lùng sục khắp nơi để kiếm lại túi tiền ấy, hai anh em không hay biết họ đang bước chân vào một hành trình thú vị mà không kém phần nguy hiểm, đắng cay.
Tại sao lại là đắng cay? "Đắng cay" là cụm từ tôi hay nghĩ đến mỗi khi ai đó nhắc đến tiền. "Đúng là tiền không thể mua được tình yêu hay hạnh phúc, nhưng thật thú vị khi biết nó có thể mua cho bạn những gì", như là suy nghĩ của anh em nhà Cunningham trong truyện. Chúng ta đổ mồ hôi sôi nước mắt để có tiền, từ đó chúng ta có thể mua những thứ mà chúng ta muốn. Nhưng đúng là có những điều tiền không thể mua được. Nhớ lại những năm cấp 2 bắt đầu làm văn nghị luận xã hội, một hôm tôi luyện đề thi chủ đề về tiền. Vẫn nhớ như in những câu văn ngày đó tôi viết, thực ra những câu văn ấy tôi chỉ đọc ở đâu đó rồi diễn giải lại trong bài văn, vì một đứa trẻ lớp 8 như tôi khi đó vẫn chưa hiểu tiền có ý nghĩa gì: "Tiền là phương tiện đi đến hạnh phúc"; "Tiền rất quan trọng nhưng không phải là mục tiêu của cuộc đời". Trong tất cả đề văn tôi từng làm, đến bây giờ tôi vẫn thấy đề văn về tiền là khó nhất, bởi vì tôi chẳng có chút xíu kiến thức, cảm xúc lẫn kinh nghiệm về tiền. Cuộc đời tôi sống rất đầy đủ và chưa bao giờ phải bận tâm đến việc thiếu tiền kể cả khi tôi chạm ngưỡng 23. Những năm cấp 1 không biết đến tiền vì bố mẹ chưa cho xài tiền, mãi khi lên cấp 2 năm ấy mẹ tôi bệnh nặng nên tôi cần tự lập sớm, thế là bắt đầu biết đến tiền. Cộng thêm với việc lần đầu tiên được thưởng 500.000 đồng cho việc giải nhất văn hay chữ tốt năm lớp 7, tôi bắt đầu hoang phí: tự dưng khi không phải "khao", tự dưng phải mua quà cho một vài người bạn chỉ vì mình được giải (?!). Tôi không khác gì hai anh em Cunningham trong truyện, tự dưng có một số tiền rớt xuống thì lại chẳng biết làm gì, nhất là khi trước giờ chưa bao giờ được đụng vào tiền.
Trẻ con mà, một khi có tiền thì chúng thỏa thích làm những gì chúng muốn. Đúng là trẻ con, người anh Anthony dùng tiền để mua những món đồ chơi đắt tiền, những đôi giày, chiếc xe đạp thể thao hàng hiệu và "sai khiến" bạn bè. Thế mà tiêu mãi tiền vẫn không hết. Đừng lầm tưởng truyện chỉ có "tiền", chỉ có những lời dạy sáo rỗng. Trái lại, mặc dù chủ đề chính là "tiền", nhưng mạch truyện gay cấn, hồi hộp, đề cao sự chia sẻ và lòng nhân hậu. Tôi cảm ơn…chính tôi vì đã chọn mua quyển sách này.
Truyện có nhiều chi tiết đắt giá, nhất là những câu nói ám ảnh những ai đang bị tiền ám ảnh:
– Có bao giờ anh cảm thấy tiền rỗng tuếch và vô nghĩa không?
– Làm sao có thể vô nghĩa được? Nó có nghĩa là mình giàu có
– Nó có mang lại cho mình ý nghĩa thực sự gì đâu, ngoài một đống đồ tiêu dùng
Mỗi người sẽ có cách hiểu về tiền khác nhau, không có đúng – sai, trắng – đen rạch ròi, vì cuộc đời này vốn dĩ phức tạp và con người lại càng phức tạp hơn. Tôi đã từng nhìn thấy những người vì tiền mà thay đổi. Tôi đã từng nhìn thấy con người ta trở mặt với nhau, hoặc trở nên ngọt ngào, đay nghiến nhau, cũng chỉ vì tờ giấy này. Nhưng tôi vẫn tin điều này: Có nhiều thứ tiền không thể mua được. "Tài sản quý giá duy nhất chính là cuộc sống của bạn". Đừng để tiền làm chủ cuộc đời mình.
Cảm ơn thầy Hoàng Thạch Quân đã viết bản dịch tiếng Việt cho quyển sách này. Truyện sẽ không truyền tải đầy đủ những thông điệp nhân văn và ý nghĩa nếu như thiếu đi người dịch tài giỏi. Lời văn trong truyện mạch lạc, tự nhiên như ngôn ngữ tiếng Việt thuần túy được sử dụng hàng ngày. Không có một lỗi ngữ pháp nào. Đương nhiên rồi, với một nhà giáo tâm huyết và phiên dịch viên giàu kinh nghiệm, một người nặng lòng với sách và chất chứa nhiều tâm sự, mà mỗi tâm sự ấy đều có thể diễn đạt trôi chảy bằng lời và bằng chữ viết, thì làm sao có thể viết nên một bản dịch cẩu thả. Ngoài ra, tôi vẫn nhớ buổi học Translation năm nào, khi có 2 bạn thuyết trình về chủ đề "Tiền bạc có mang lại hạnh phúc không?". Mục đích của bài thuyết trình chỉ là kiểm tra khả năng dịch thuật của sinh viên, vì vậy thầy không nêu lên quan điểm về bất cứ chủ đề nào ngoài khả năng trình bày tiếng Anh. Cuối buổi, thầy chỉ nhận xét một điều: "À,..ừm,… ừ thì cái chủ đề tiền bạc hay hạnh phúc này cũng chỉ mới xuất hiện thời gian gần đây thôi, khi chúng ta bắt đầu quan tâm đến vật chất hơn". Nghe đến đây bỗng dưng tôi thấy thoải mái hẳn. Tôi bật cười và ngả lưng ra sau ghế. Thầy đã giải đáp tất cả những hoài nghi bấy lâu nay trong tôi. Thì ra chúng ta đang đặt nặng vấn đề tiền bạc quá rồi. Hình như tiền bạc không nên là điều để ta dành trọn sự quan tâm đến thế. Sao cứ thắc mắc tiền có thể mang lại hạnh phúc được hay không nhỉ? Vì sao lại cần chọn lựa giữa tiền bạc và hạnh phúc?
Trân trọng giới thiệu quyển sách thiếu nhi đầy giá trị nhân văn nhưng không kém phần hài hước và hấp dẫn cho bạn đọc. Truyện phù hợp cho các em học sinh cuối cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Và cả những người lớn chúng ta đang loay hoay trong những ngày cơm áo gạo tiền đè nén.