NƠI TA "THUỘC VỀ"
Hôm nay đi cafe với nhỏ em, khơi chuyện quá khứ, nói chuyện tương lai. Nó tâm sự rằng suốt thời thơ ấu di chuyển nhiều địa điểm định...
Hôm nay đi cafe với nhỏ em, khơi chuyện quá khứ, nói chuyện tương lai. Nó tâm sự rằng suốt thời thơ ấu di chuyển nhiều địa điểm định cư, và tình cảm gia đình không có sự gắn kết, khiến nó cảm thấy nó không thuộc về một nơi nào. "Em có ước mơ đi ra Thế Giới và sẽ làm việc ở nước ngoài, nhưng thậm chí như vậy, chưa bao giờ em nghĩ em sẽ là công dân của Nhật Bản, hay Mỹ, hay Malay,... nhưng em cũng không cảm thấy mình hoàn toàn thuộc về Việt Nam. Em không thuộc về nơi nào cả".
Mình luôn nghĩ đó là cảm giác đáng sợ nhất, cảm giác "không - thuộc - về". Không chỉ là một nơi chốn, mà thậm chí là với một gia đình, một con người,... cái cảm giác không - thuộc - về ấy dễ làm cho người ta cảm thấy trống rỗng và mông lung.
Mình mỉm cười bảo nó: "Chị nghĩ phải đến khi em đi qua tất cả những nơi mà em không-thuộc-về, em mới có thể nhận ra được mình thuộc-về-đâu".
Nó suy tư một hồi rồi kể tiếp: "Em vẫn tin là trong tương lai em sẽ thay đổi suy nghĩ đó, em sẽ tìm được cảm giác 'thuộc về' ở Việt Nam. Lần đầu tiên em có cảm giác đó là khi ở Ninh Bình, cái cảm giác giống như mình gặp một cô hàng xóm cũ lâu ngày không gặp, ngay kế bên nhà mình. Cái cảm giác yêu thương và thân thuộc lắm khi thấy non nước mình hùng vĩ và dịu dàng như vậy. Em nghĩ dù sau này có đến bất cứ địa danh ở bất cứ Quốc gia nào, em cũng không bao giờ tìm lại được cảm giác ấy. Đó là lý do tại sao em tin sau này em sẽ cảm thấy 'thuộc về' Việt Nam".
Hôm trước mình hỏi anh Dũng Phan - tác giả sách "Sử Việt 12 khúc tráng ca", rằng anh nghĩ sao nếu tất cả người trẻ Việt Nam đều có chung trong mình một lòng tự hào dân tộc? Anh bảo: "Lúc đó đất nước sẽ hóa rồng, vì khi các bạn có được giá trị ấy, các bạn sẽ tìm mọi cách để không làm phụ lòng các bậc tiền nhân". Mình nghe câu nói ấy mà rưng rưng nước mắt, một viễn cảnh đẹp quá và vĩ đại quá, nhưng ai là người giúp cho mình, và cả những bạn trẻ khác hiểu rằng, thế hệ trước đây, bây giờ và sau này nữa, tất cả chúng ta đều "thuộc về" dân tộc này?
Mình nghĩ, Tự hào dân tộc không phải là một thứ cao siêu như trong sách vở các bác vẫn nói, nó có chăng chỉ là một cảm giác "thuộc về", thuộc về những trang sử rất đẹp, thuộc về một nền văn hóa rất đậm đà, nó đủ mạnh mẽ dể giúp chúng ta dám đứng lên thay đổi những điều chưa tốt, và đủ đau đáu để dù có đi xa, nó cũng khiến chúng ta muốn trở về. Có gì mơ hồ lắm đâu, khi chúng ta nói Tôi là người, Sài Gòn, Hà Nội,... hay Tôi là người Việt Nam, là những lúc ta khẳng định với cả Thế Giới nơi mà ta thuộc về.
Mình tin rằng em mình, sau một khoảng thời gian đi đến rất nhiều nơi trên thế giới, rồi một ngày đang nhấp môi ly cappuchino nhìn ra tháp Eiffel chẳng hạn, nó sẽ chợt chú ý đến một chiếc lá rơi ngoài quảng trường Trocadéro, và nhận ra nơi nó thuộc về là ruộng đồng mênh mông ở rìa bên kia châu lục, nơi mảnh đất hình chữ S vẫn đang ngóng trông nó trở về.
Có lẽ giá trị lớn nhất mà chuyến đi xuyên Việt năm ngoái mang lại cho mình cũng là cảm giác "thuộc về", khi hiểu về Việt Nam hơn, tự nhiên mình thấy mình "Việt Nam" hơn. Mình tin rồi các bạn, và cả bản thân mình nữa, tất cả chúng ta rồi đều sẽ đi, nhưng mình tin chính những chuyến đi xa Tổ Quốc mới là cơ hội để các bạn tìm lại được cảm giác "thuộc về", bởi bác Cao Huy Thuần đã từng nói : "Có khi người ở xa cảm thấy mình là Việt Nam hơn lúc ở gần. Ở gần thì ai cũng giống ai. Ở xa thì thường xuyên thấy mình khác với xung quanh. Chính cái khác đó tạo ra cái mà ta gọi là bản sắc, bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc".
Mình luôn tin Tự hào dân tộc là một giá trị cần được ươm mầm và khơi dậy, chứ không phải một chính sách cần phải tuyên truyền. Bạn hãy tìm về trong trái tim mình nhé, mình luôn biết rằng tận nơi sâu thẳm nhất, trái tim hiểu bạn đang "thuộc về" nơi nào...
về dân tộc nào...
và về ai.
về dân tộc nào...
và về ai.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất