Nói dối là...

Theo một nghiên cứu gần đây, trung bình một người nghe tới 200 lời nói dối trong một ngày và 92% chúng ta ít nhất một lần trong đời nói dối (bản thân tác giả nhận định 8% còn lại là... trẻ sơ sinh). Nói dối gần như trở thành một 'bản năng', bao gồm 'white lie' và 'black lie'. Chúng khiến người ta có xu hướng nghi ngờ trong giao tiếp, kể cả khi lời-nói-đó-được-người-nói-xác-nhận-là-sự -thật.
Nói dối gần như trở thành một bản năng.
Trong chương trình truyền hình thực tế The Number Game, nhà khoa học dữ liệu kiêm người dẫn chương tình - Jake Porway đã tham gia một thử thách đường phố. Anh ngồi trên một chiếc ghế sốc điện với một danh sách các câu hỏi yes/no về các hành vi dân sự của anh chàng trong các tình huống thông thường; ví dụ như: anh có bao giờ quan hệ với một người mà sau đó cắt đứt liên lạc với họ không? Anh có bao giờ quay cóp trong giờ kiểm tra không?... Người đi đường hỏi Porway ngẫu nhiên các câu hỏi trong danh sách đó; và anh cam kết sẽ nói thật. Nếu người hỏi nghi ngờ anh nói dối, họ có quyền bấm nút màu đỏ, sốc điện để trừng phạt anh chàng. Kết quả thật đáng ngạc nhiên: trung bình, sau 10 câu hỏi, anh bị sốc điện 6 lần. Con người ta thường không đặt niềm tin vào ngay vào những thông tin họ tiếp nhận, mà dựa vào kinh nghiệm bản thân để xác định lời nói đó có đáng tin hay không.
Nói dối khiến người ta mất niềm tin vào bản thân người nói. Nhưng nếu nó được lặp lại đủ lần thì sao?
"Một lời dối trá nếu được lặp đi lặp lại đủ mức thì nó sẽ trở thành sự thật" Joseph Goebbels - bộ trưởng tuyên truyền của Phát xít Đức.
Các nhà tâm lý học gọi đây là 'ảo tưởng về sự thật'.
Các nhà nghiên cứu thực hiện một thử nghiệm, trong đó những người tham gia được yêu cầu đánh giá điều họ nghe được thật đến đâu dựa theo thang điểm từ 1 đến 6. Họ thực hiện một thử nghiệm song song trong đó những người tham gia được yêu cầu chỉ đánh giá điều họ nghe là 'thật' hay 'giả'.
Kết quả cho thấy những lời nói dối sẽ được đánh giá có xu hướng tăng điểm trên thang điểm từ 1 tới 6 và nhiều khả năng được đánh giá là 'thật' nếu được lặp lại đủ lâu. Những điều dù là sự thật hay nguỵ tạo, là phổ biến hay ít phổ biến, cũng trở nên dễ tin hơn nếu chúng được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Các bạn có thể đọc bài viết ở đây: Hiệu ứng ảo tưởng sự thật

Vậy niềm tin con người đến từ đâu?

Con người là một sinh vật xã hội, sống bầy đàn, có sự phân thứ bậc nhất định xác định.
Người hiện đại được xác định là loài người homo sapiens, phân loài duy nhất còn tồn tại được gọi là người Homo sapiens sapiens. Tập tính của chúng là sinh sống theo bầy đàn. Theo quá trình tiến hóa, chúng ta trở thành những sinh vật xã hội có phân thứ bậc. Trong quá trình sinh tồn trong xã hội, con người đã định hình nên những cơ sở của sự tin tưởng trong mối quan hệ nội tại của bản thân, mối quan hệ giữa bản thân với thế giới tự nhiênmối quan hệ xã hội giữa bản thân với các cá thể hay cộng đồng khác. Theo thời gian, cùng với sự tiến hóa của mô hình xã hội, chúng hình thành nên những tiêu chuẩn chân lý phù hợp trong từng thời kỳ.
Thời nguyên thủy, con người 'ăn lông ở lỗ' (bao gồm các loài khác của chi homo sapiens sapiens). Chúng ta sinh hoạt không khác biệt với các loài khác thuộc Bộ Linh trưởng là bao. Chúng ta tin và hành động để đạt được những giá trị thuận theo bản năng, trực giác và cảm tính.
Cùng với sự tiến hóa và thích nghi với môi trường, con người tập trung sinh sống thành từng cộng đồng. Trong cộng đồng phân quyền (bình quyền), ý kiến của đa số được lựa chọn. Trong cộng đồng tập quyền (quân chủ), ý kiến của người đứng đầu được công nhận.
Khi đạt được đến một quy mô đủ lớn cùng với sự phân hóa quyền tư hữu của cải và quyền lợi, tại các cộng đồng, chúng ta thành lập ra các nhà nước. Chân lý thuộc về những người đứng đầu và các tôn giáo nhà nước đó bảo trợ. Trên cơ sở tập quán và truyền thống, hình thành những chuẩn mực đạo đức xã hội và các bộ luật có tính ràng buộc pháp lý.
Khi xã hội phát triển, con người xây dựng hệ thống tri thức và cơ sở lý luận. Chân lý được đặt trên những cơ sở đó. Dựa những tiên đề, những quan sát khách quan, vận dụng logic, chúng ta xây dựng thành những học thuyết. Những học thuyết khác nhau được xây dựng trên những quan điểm khác nhau. Trong thời kỳ này, trên diễn đàn khoa học chính thống, giá trị tuyệt đối của chân lý bắt đầu bị lung lay. Xuất hiện những quan điểm cho rằng chân lý mang tính tương đối. Chân lý có thể phù hợp với tư tưởng và quan điểm này, nhưng không phù hợp với tư tưởng và quan điểm khác.
Như vậy, theo dõi tiến trình hình thành và phát triển của loài người, tác giá cho rằng, nguồn gốc của niềm tin con người đến từ các yếu tố thuộc về bản chất con người. Con người là một thực thể tự nhiên sở hữu khả năng tư duy và đặc tính xã hội. Bản chất con người là tập hợp những thuộc tính nội tại, chi phối trực tiếp và gián tiếp hành vi con người. Tác giả xét trên 4 phương diện được xếp theo thứ bậc: (1) sinh học, (2) tâm linh, (3) xã hội, (4) tư duy. Bốn phương diện trên không phân biệt rõ ràng. Một số thuộc tính phù hợp để xếp vào hai phương diện khác nhau. Tác giả sắp xếp các thuộc tính dựa vào giai đoạn phát triển xã hội  mà các thuộc tính đó được xác định là chân lý Các thuộc tính thuộc phương diện bậc thấp hơn là điều kiện phát triển của các thuộc tính thuộc phương diện bậc cao hơn (tác giả tạm xếp phương diện sinh học là cơ sở để hình thành và phát triển phương diện tâm linh). Các thuộc tính xuất hiện khi con người 'bắt đầu hình thành ý thức'. Các thuộc tính ở các phương diện bậc cao phát triển và bộc lộ mạnh mẽ hơn ở các mô hình xã hội phát triển hơn.

Bốn phương diện chi phối niềm tin con người

Bản chất sinh học con người. Được định nghĩa là "tập hợp những thuộc tính được hình thành dựa trên nhu cầu sinh lý và cảm xúc". Nó bao gồm: (1) bản năng, (2) cảm tính, (3) linh cảm.
Bản chất 'tâm linh' con người. Được định nghĩa là "Được định nghĩa là 'tập hợp các thuộc tính phi logic, đến từ một trí tuệ chưa được khai phá". Nó bao gồm: (1) trực giác, (2) thiên khải.
Bản chất xã hội con người. Được định nghĩa là 'tập hợp các thuộc tính được hình thành trong đời sống cộng đồng của con người và được truyền lại cho các thế hệ sau. Bao gồm:  (1) tập quán - truyền thống, (2) luật đa số, (3) thẩm quyền.
Bản chất tư duy con người. Được định nghĩa là "tập hợp các thuộc tính thuộc về nhận thức bản chất. Con người phát hiện tính quy luật của sự vật, bằng những hình thức khác nhau như biểu tượng, khái niệm, phán đoán, lý luận,...". Bao gồm: (1) tri thức nhân loại, (2) tư duy logic, (3) quan điểm tư duy.
Suy cho cùng, niềm tin mang tính tương đối. Giá trị và tính đúng đắn của một sự việc, một ý tưởng hay nhận định, phụ thuộc vào hệ quy chiếu của người nhận định với các cá nhân khác và thế giới quan của bản thân người nhận định. Chỉ khi đặt chúng vào tiêu chuẩn - thước đo chân lý độc lập với ý chí của người nhận định, chúng ta có điều kiện để đánh giá khách quan.
Con người có xu hướng tin tưởng những ý tưởng và nhận định khách quan. Tuy nhiên, trong thực tế, đa số những quyết định trong cuộc sống của con người đến từ kinh nghiệm và cảm nhận. Trên cơ sở đó, con người hình thành nên các tiêu chuẩn xác định chân lý.
(Lưu ý: Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Tác giả hy vọng nhận được góp ý và phản biện)