Ai rồi cũng tìm ra cách riêng cho chính bản thân!
Ai rồi cũng tìm ra cách riêng cho chính bản thân!
Tôi tự tin rằng mình là một trong những người sống tích cực nhất trên thế giới. Sau mỗi lần xảy ra biến cố trong tâm trí, rồi xử lý chúng ổn thỏa, tôi đều nghĩ vậy. Đương nhiên, tôi tiếp tục tin tưởng bản thân, cho đến khi có cơ hội được gặp những “nhân duyên” khủng hoảng mới.
Dù là biến cố hay khủng hoảng, nó không chỉ xuất hiện duy chỉ một lần như tôi từng nghĩ. Có cậu thanh niên nào đó đang tuổi 18 đã ngỡ rằng vận mệnh cuộc đời phụ thuộc vào chính thời điểm ấy. Cậu phải đứng giữa những ngã năm ngã bảy để lựa chọn cho mình con đường đúng nhất cho tương lai. Nhưng không, càng trưởng thành hơn, cậu lại quen dần với những ngã chín ngã mười của một cuộc đời đầy vinh nhục. Nghe căng thẳng và nghiêm trọng thế nhỉ? Yên tâm đi, vinh hay nhục đều đủ cả, nhưng đừng lo, chúng ta luôn có sự lựa chọn!
Những ngày rảnh việc, hay nói một cách cụ thể và thằng thắn là những ngày thất nghiệp, ta nhớ ngay tới câu nói “Đi qua những ngày mưa, ta mới thấy yêu hơn những ngày nắng”. Khi mỏi mệt với những công việc chất đống, ta thèm được nghỉ ngơi để tận hưởng cái thứ gọi là cảm giác “được sống”. Ấy thế mà khi làm bạn với Covid thấm thoắt hai năm, ta mới hiểu hai chữ “được sống” ấy là như thế nào! Nếu có cơ hội mải miết, bận rộn với công việc, đam mê của bản thân, ta đã chẳng có đủ thời gian để nghĩ ngợi nhiều. Cho dù việc đó với một số người là đang rất tận hưởng hoặc với một số khác, họ gọi là “chạy theo cơm áo gạo tiền”.

Thước đo cuộc sống

Nghe khá trừu tượng, dạo gần đây tôi hay sử dụng cụm từ này để phân tích suy nghĩ của bản thân cũng như những câu chuyện của người khác. Cuộc sống có thước đo không? Ta đo bằng tay, bằng thước kẻ,… hay một dụng cụ nào, hoặc sử dụng một đơn vị đo lường nào đó? Câu trả lời là không! Chúng ta không thể đo lường cuộc sống của nhau bằng thước đo hay bất cứ thứ gì khác.
Có những thói quen mà ta đặt tên cho chúng là “sự áp đặt”. Cụ thể hơn, đó chính là việc ta đem thước đo của mình ra để phân tích chuyện của người khác. Rất nhiều những câu chuyện hiện hữu quanh ta. Giả sử nói về việc tiếp cận công nghệ, ta chẳng thể nào chê trách thế hệ trước là “kém văn minh” hay “chậm chạp”. Ta cũng chẳng thể trách một đứa nhóc học hành đạt kết quả không cao mặc dù “đầy đủ các phương tiện và điều kiện học hành, chứ không như ngày xưa”. Rồi những câu chuyện đáng học hỏi như “dậy sớm để thành công” hay “một ngày làm việc 16 – 18 tiếng”,… Nếu vác hai người trẻ ra so sánh: một người khỏe mạnh bình thường và một người đang phải chịu những vất vả, đớn đau về yếu tố thể chất. Thế có phải là quá lệch lạc và kỳ quặc hay không?
Tôi biết đến Spiderum qua câu chuyện “Xã hội hình Chóp trong Ảo Tưởng Bậc Thang” của tác giả Chibidien.dey. Ngẫm nghĩ về câu chuyện của thành công và nỗ lực, rất nhiều người đã thấy hình ảnh của bản thân trong bài viết ấy. Khi đó đương nhiên câu chuyện sẽ trở nên đúng hơn bao giờ hết, đó là nghệ thuật của tác giả, là mục tiêu những người đọc mà tác giả muốn hướng đến.
Ban đầu tôi cũng như số nhiều những người thấy đúng kia, xong đọc đi đọc lại, tôi bỗng thấy mình trở nên “ba phải” hơn. Tôi thấy những câu chuyện trong đó vừa đúng, lại vừa sai. Làm thế nào để giải thích được nhỉ? Tức là: Trong suy nghĩ của tôi, thành công không có định nghĩa, hạnh phúc cũng chẳng có thước đo chung. Giống ý tác giả chưa nhỉ? Còn nữa là: Cái gì gọi là may mắn, hay những điều như khó khăn, thiệt thòi,… và nỗ lực vượt lên tất cả cũng chẳng cân đo đong đếm được.
Chúng ta chẳng biết có nên sốt ruột vì những người thành công ngoài kia hay không? Cũng chẳng biết là chuyện mình đang tâm sự để phản biện về việc chưa thành công có được người đời phong danh hiệu “phản biện” hay không? Hóa ra, xung quanh tất cả những tiêu chuẩn về cuộc sống của mỗi chúng ta, tổng hợp vào lại chẳng có tiêu chuẩn nào cả!
“Mọi sự vật, sự việc đều có tính chất tương đối” – Một câu chuyện có thể đúng với ta ở thời điểm này, nhưng lại sai ở thời điểm khác. Khi nó đang sai với ta, nó lại trở nên đúng hơn bao giờ hết với một ai đó bên ngoài xã hội kia. Triết lý này đã gõ thẳng vào đầu tôi trong năm thứ hai đại học, và đi xuyên suốt trong tất cả những vấn đề tôi gặp phải suốt 5 năm qua. Và tôi biết ơn giảng viên dạy môn Triết học của mình rất nhiều. Tôi đã tự biết cách tìm cho mình một cái nhìn sâu rộng hơn nhờ đức tin đó.
Nhà vật lý nổi tiếng Albert Einstein đã nói:
Mỗi người là một thiên tài. Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời (con cá đó) sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc.
Rõ ràng sứ mệnh của mỗi cá nhân là riêng biệt.
Vì vậy, nếu có ai đó gặp gỡ bạn trong trạng thái tràn ngập nỗi u sầu, nhưng lại chẳng biết tâm sự thế nào thay vì câu nói “bạn làm sao hiểu được chuyện của tôi”? Bạn cũng nên cân nhắc về chuyện có nên tin tưởng câu nói đó hay không. Cái thước của mỗi cá nhân sử dụng mỗi đơn vị đo khác nhau, đều không thể dùng chung được. Chỉ có bạn là người duy nhất có khả năng đo lường được cuộc đời của chính mình mà thôi.

“Khủng hoảng” là trải nghiệm tuyệt vời

Đây đây, nói về câu chuyện khủng hoảng thì… vô vàn. Trên các trang mạng xã hội, rất nhiều “tay viết” chia sẻ về “Tuổi 20 là giai đoạn khủng hoảng nhất của cuộc đời”, “Tuổi 23 đầy chênh vênh”,… rồi vô số những biến cố khác nữa ở đầy đủ các giai đoạn tuổi tác. Họ cũng chia sẻ về giới tính với những câu chuyện “Áp lực của đàn ông ở tuổi…” rồi “Sự khó khăn của những người phụ nữ...”.
Tôi không bài trừ bất kỳ một nội dung nào vì đó là những câu chuyện của họ. Tôi cũng có áp lực cá nhân rất lớn, cũng rất rất trân trọng khó khăn của những người phụ nữ gắn bó với cuộc đời của riêng tôi. Tất cả những câu chuyện đó là trải nghiệm vất vả nhưng rất đáng, rất giá trị và ý nghĩa trong cuộc đời mỗi người.
Những đứa trẻ có khủng hoảng không? Có chứ, lớn có khủng hoảng lớn, nhỏ có khủng hoảng nhỏ. Trẻ em cũng phải lo lắng chuyện ăn uống, học hành. Cả chuyện người lớn dạy dỗ, chỉ bảo và đưa vào khuôn khổ. Áp lực vô hình của mấy đứa trẻ xuất hiện khi bị ép những việc mà mình không thích. Phận nhỏ con nên đành chấp nhận, vì không mấy khi có sự lựa chọn. Hồi mẫu giáo, tôi sợ chuyện cuối tuần không có phiếu bé ngoan. Lớn thêm chút nữa, sợ chuyện học hành không tốt, cuối năm không đạt được danh hiệu học sinh giỏi, đấy là những biến cố lớn. Hết cấp 2, trong đầu đã phải tự tính xem nếu trượt kỳ thi sắp tới thì về đi bốc gạch hay phụ hồ.
Nghe thì có vẻ thú vị, nhưng chính những áp lực như vậy đã tạo động lực cho cá nhân chúng ta cố gắng. Để khi vượt qua hết những khủng hoảng nhỏ, ta có nền tảng để bước tới những ngưỡng cửa lớn hơn. Vượt qua kỳ thi đại học, trong suốt 4 năm cũng chẳng tránh được phát khủng hoảng nào. Càng trưởng thành chúng ta càng phải đối mặt với nhiều lo lắng to lớn hơn. Ở mỗi gian đoạn như thế, suy nghĩ trong đầu bỗng dưng bùng nổ và chạy quanh cho tới khi mỗi chúng ta tự giải thoát.
Không muốn tạo nên cảm xúc tích cực giả tạo, tôi học cách nhìn thẳng vào vấn đề. Tôi từng có những người anh chị đi trước, những người bạn,… rất tích cực và hạnh phúc. Thậm chí mỗi khi có vấn đề gì, tôi đều có thể tìm họ để kể. Sau đó lắng nghe lời khuyên và tự tư duy để áp dụng vào chính cuộc đời mình. Ngỡ không gì có thể làm những người đó “khủng hoảng”. Nhưng không, đối mặt với tác động của khó khăn dài hạn, khi tôi gặp lại, tôi còn chẳng tin nổi vào những gì xảy ra trước mắt. Thậm chí không nhận ra người ngồi trước mặt mình là ai, tôi đã trở thành người vào vai động viên, tư vấn và chia sẻ tích cực tới họ.
Tôi có tài năng thiên bẩm là siêu nghĩ ngợi, nghĩ một cách rất cầu toàn. Tôi cá là những mớ bòng bong trong đầu mình là rắc rối hơn của những người khác. Thực là chẳng so sánh được, nhưng tôi đã nhìn vào những khủng hoảng và đâm xuyên chúng để lớn lên một cách thực tế nhất. Điều đó giúp tôi bài trừ đi những suy nghĩ không cần thiết, tập trung tư duy tốt hơn. Và tôi đã chẳng phải gặp gỡ ai để ước với người ta rằng: Giá như tôi không nghĩ ngợi nhiều, giá như tôi có thể hồn nhiên, vô tư như bạn! Một phần động lực cho chuyện này cũng xuất phát từ nỗi lo cá nhân. Nỗi lo của tôi là nếu mình vô tư quá có khi lại trở thành người vô tâm, vô ý.

Ta có tin vào bản thân mình?

Để giải quyết được mọi biến cố hay khủng hoảng nào đó, cốt lõi nhất nằm ở giá trị của bản thân. Nếu không tin tưởng bản thân mình thì chính chúng ta đã điểm chỉ vào việc ôm lấy sự bất lực.
Chắc chắn trong cuộc sống, ta không tránh được việc đặt nghi vấn về bản thân. Có rất nhiều người đặt câu hỏi về việc họ đang nhìn nhận sự việc đúng hay sai. Mỗi khi họ kể chuyện, cái nhìn của họ về bản thân là thực tế hay ảo mộng. Vài người khác lại đang tâm sự về ranh giới quá đỗi mỏng manh giữa việc sống cho bản thân và sống ích kỷ.
Cá nhân tôi mỗi lần đặt quan điểm và viết bài cũng vậy. Một mớ những suy nghĩ về chuyện có người đọc hay không. Rồi tại sao người khác viết lách vài dòng cũng thu hút thật nhiều tương tác, còn bản thân mình dù đã gán vô số tâm huyết cũng chẳng mấy ai quan tâm. Thế ta nên là chính mình, hay thay đổi tư duy, học tập người khác để trở nên thu hút, nổi bật như họ.
Chuyện công việc cũng gặp những tình huống trớ trêu. Có ai từng thấy bản thân thay đổi liên tục, nay thích mai đã có thể chán, lúc đầu thì hừng hực, lúc sau thì hùi hụi, chẳng lý giải nổi. Đã từng thấy đó là cả một bầu trời, sau khi thưởng thức lại thành thường thôi, không như ta tưởng.
Tháng trước còn ở nhà, bao nhiêu người khuyên bảo chuyện lên Hà Nội. Vốn dĩ bướng bỉnh, tôi chẳng nghe ai, cứ việc mình mình làm. Tôi chạy theo một chân trời mới, nó đẹp rực rỡ cho tới khi tôi chạm vào. Rồi tác động khách quan từ dịch bệnh, tất cả lại tiếp tục dồn nén vào tâm trí về cái việc rời nhà đi để rồi “thất nghiệp”. Mẹ cũng gọi điện lên suốt vì lo lắng, rồi tự tôi lại nghĩ ngợi bởi có quá nhiều khoảng trống thời gian. Tôi đã biết việc mình cần làm sau khi hết giãn cách, đó là trở về nhà.
Thông qua những trải nghiệm như thế, ta có thể tự tin đoán biết bản thân có kiên định hay không. Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn chung, tất cả có thể thay đổi chóng vánh, ta phải tập làm quen với việc xoay theo cuộc sống. Để trả lời cho tất cả những vấn đề trên, điều duy nhất và quan trọng nhất đó là bản thân mình mong muốn điều gì, mình muốn trở thành người như thế nào? Dù có thay đổi suy nghĩ liên tục do chưa phù hợp về nhiều yếu tố nhưng ta có thể lựa chọn màu sắc phù hợp nhất với bản thân. Thậm chí đôi lúc những điều đó chẳng đúng, về cả người và thời điểm. Quan trọng là sau cùng, nó có thể mang lại cho ta những kinh nghiệm quý báu nhất.
Hoài nghi người khác là không cần thiết, nỗi đau lớn nhất là sự hoài nghi chính bản thân mình. Đôi khi ta đặt dấu hỏi rất lớn về sự thực hư của những điều tích cực, bản thân có đang tích cực hay không. Ta chênh vênh giữa những biến cố trong cuộc sống. Quan điểm cá nhân sao cứ đi ngược với số đông?... Khi đã giải quyết xong xuôi hết, liệu có phải ta đã quen với những khó khăn và những nỗi đau hay không?
Nếu không tin tưởng vào bản thân, suốt cuộc đời ta sẽ bị động bởi triết lý của người khác. Mà đã là sản phẩm của người khác, tỉ lệ phù hợp là rất thấp. Tôi đã từng rất tin tưởng vào những gì mình đọc được ở “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie, cho đến khi tôi biết về thuật quản trị của Steve Jobs. Hay như những triết lý khuyên nhủ của những người thành đạt về câu chuyện giữa “bắt đầu làm” và “thất bại”. Nếu bạn quan tâm đến Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ, một chương trình truyền hình dành cho các dự án khởi nghiệp, chắc hẳn hai câu nói sau đây chẳng còn xa lạ.
Shark Hưng:
“Đã bắt đầu làm thì đừng nghĩ đến thất bại”.
Shark Việt:
Đã bắt đầu làm thì phải nghĩ đến thất bại”.
Bàn luận về vấn đề này, người ta ghép ảnh với sự can thiệp của quan điểm thứ ba. Đó là một câu của bác Phạm Nhật Vượng:
“Đã bắt đầu làm thì đừng nghe ai nói”.

Vào đây tôi “cân” hết!

Thẳng thắn mà nói, mặc dù nãy giờ vẫn nói thẳng: Cân bằng không bao giờ đơn giản. Tuy nhiên, hỡi những biến cố & khủng hoảng kia ơi, đến đây, riêng mình tôi cân hết! Tự mỗi chúng ta sẽ nhận định được những điều xung quanh của chính bản thân. Mọi thước đo của cuộc sống đều là không ăn khớp, coi những khủng hoảng thường xuyên kia chỉ là trải nghiệm tuyệt vời để làm bàn đạp cho ta trưởng thành và cuối cùng là cốt lõi của việc tin vào bản thân. Hãy nhìn những điều đó theo cách riêng, công thức riêng của chính mình.
Để làm được như vậy, tôi vẫn duy trì đức tin đã nhắc đến ở trên: “Mọi sự vật, sự việc đều có tính chất tương đối”. Để tôi được là chính mình, đón nhận tất cả những gì tốt, xấu trong cuộc sống. Cái gì không ổn tôi tìm cách giải quyết. Đặt ra câu hỏi về khủng hoảng: Tại sao nó xuất hiện? Giải quyết nó như thế nào? Nếu ta làm điều này thì sao, điều kia thì sao? Nếu không làm gì, thì sao? Dù cho mọi chuyện có bất thường như thế nào đi chăng nữa, khi ta quen với nó, tự nó sẽ trở nên bình thường.
Đừng bao giờ quên rằng, “cân” ở đây hoạt động khi và chỉ khi bạn tin tưởng vào bản thân, và sẵn sàng chịu trách nhiệm với tất cả những kết quả xảy ra sau đó.
Nếu bạn cho rằng mình thiếu kinh nghiệm sống, hãy tìm đến những người tích cực, những người gần gũi mà bạn rất tin tưởng để hỏi và đón nhận những lời khuyên từ họ. Hãy cân nhắc về những lời khuyên có tính độc đoán, tính một mặt, vì mình không nhận biết được điều đó có thực sự phù hợp hay không. Nên mở rộng vấn đề và tư duy theo nhiều hướng, rồi tự trả lời bản thân bằng cách lựa chọn đáp án phù hợp nhất. Ta không thể để người khác khép mình vào suy nghĩ của họ, cũng chẳng thể bắt ép bất cứ ai phải suy nghĩ theo điều ta mong. Không một ai có quyền hạn đó!
Khi gặp phải những vấn đề thuộc ngoài tầm kiểm soát, những chuyện bản thân chúng ta không cách nào giải quyết được, cá nhân tôi học cách từ chối vấn đề. Ta cần phân biệt rõ ràng những gì thật sự liên quan, liên đới đến cuộc sống của chúng ta. Những gì ta không thể thay đổi được, thì không nên phí phạm thời gian vào nó một cách vô ích.
Sức khỏe, tinh thần và thể chất của mỗi người là không giống nhau, hãy biết cách quan tâm bản thân mình thật tốt. Ta gặp quá nhiều lần xảy ra câu chuyện sau những trận ốm ta mới biết chăm sóc sức khỏe của bản thân hơn. Mặc dù sau những cơn đau, ta thích nghi tốt hơn để quen dần với nó. Nhưng nếu loại bỏ được nguy cơ tiềm tàng của những cơn đau đó, chẳng phải ta sẽ nhẹ lòng hơn sao? Như lời văn của một người chị đã dạy tôi rằng: Tránh những thương tổn không đáng có, ta đừng làm tổn thương ai, càng không để ai làm tổn thương mình. Nhưng chúng ta phải biết chắc chắn một điều: người khác chỉ có thể làm tổn thương ta khi ta cho phép mà thôi.
Ai cũng phải đối diện với đầy đủ những loại cảm xúc của cuộc sống dù tích cực hay tiêu cực. Thông qua bài viết này, tôi hy vọng bạn có thể giải quyết hết những vấn đề của cuộc sống. Hãy luôn là chính mình. Xin cảm ơn!
Tác giả: Chu Đức Dũng