Bài viết dựa theo cuốn “50 vũ khí làm thay đổi cục diện chiến tranh” của tác giả William Weir.


Phần 1


7. BÀN ĐẠP NGỰA – Kỵ binh bắt đầu phổ biến.

Kỵ binh với bàn đạp ngựa


Bắt đầu với trận Adrianople, khi quân La Mã đối đầu với người Goth và người Alan. Hai dân tộc này vốn là người tị nạn trên dất Đế Chế nhưng bây giờ lại nổi loạn. Người Goth đã thúc đội kỵ binh đánh giáo của mình xông vào đoàn quân Legion của La Mã. Cho đến lúc đó, người La Mã vẫn rất xem nhẹ kỵ binh, vì người lính ngồi trên mình ngựa không tạo được 1 khối vững chắc với con ngựa của anh ta. Từ đó, anh ta phải dùng nhiều sức để thăng bằng và ngọn giáo của anh ta khó mà có thể chiến thắng 1 người lính Legion đứng vững chãi trên mặt đất. Thậm chí còn có thể khiến anh ta ngã khỏi lưng ngựa.

Nhưng lần này đã hoàn toàn khác so với những gì mà người La Mã tưởng. Đôi chân của những kỵ binh người Goth đặt chắc chắn trên những vòng kim loại treo từ yên ngựa xuống. Bây giờ người và ngựa đã là 1 khối liên kết vững chắc, sức mạnh và đà lao tới của con ngựa nặng 453kg đều được tập trung vào đầu ngọn giáo.

Và kết quả là quân La Mã đã bị thảm bại do những cú đâm giáo chết chóc, vốn làm vỡ cả khiên gỗ và xuyên cả giáp đồng của họ. Đây là thất bại thảm hại nhất của La Mã kể từ khi Hannibal tiêu diệt 2 đạo quân của họ vào năm 216 trước CN.

Thất bại đó của người La Mã dẫn đến việc sử dụng bàn đạp ngựa lan rộng khắp Trung và Tây Âu. Bàn đạp ngựa đã làm cho việc xây dựng đơn vị trọng kỵ binh đánh giáo với giáp dày trở thành điều khả thi. Một đạo quân vô cùng hiệu quả suốt cả 1000 năm sau.

Trong tác phẩm “Khảo cổ học về vũ khí” của R. Edwart Oakeshott có những bằng chứng chứng minh bàn đạp ngựa đã được sử dụng ở phương Đông tận thế kỷ 4 trước CN. Các bình lọ của người Scythe cũng mô tả việc dùng bàn đạp ngựa nhưng phần lớn người Scythe vẫn không quen dùng thứ này. Các điêu khắc trong đền chùa Ấn Độ có niên đại thế kỷ thứ 2 TCN cũng thể hiện các kỵ mã sử dụng yên ngựa có bàn đạp. Người Sarmatia ở châu Âu mặc áo giáp dày, sử dụng giáo lẫn cung tên, và tất cả họ đều dùng bàn đạp yên ngựa. Người Goth đã học cách dùng bàn đạp ngựa từ họ. Người Vandal, Gepid, Herul và các bộ tộc “Đông Đức” khác, cũng như những bộ tộc Scandinavia tràn xuống Đông Âu đều vậy. Dĩ nhiên, người Huns, dân tộc đã đẩy các dân tộc khác chạy loạn vào La Mã, cũng sử dụng bàn đạp yên ngựa. Người Huns vẫn tiếp tục ở lại Hungaria sau ngày tàn của đế chế Attila. Sau này họ trở thành những kỵ binh thiện chiến nhất của đế chế Byzantine.


8. LỬA HY LẠP – vũ khí bí ẩn huyền thoại.

Quân Đông La Mã phun lửa Hy Lạp vào quân Ả Rập tại trận Constantinople

Thế kỷ thứ 7 SCN, người Ả Rập dưới sự thống lĩnh của đấng tiên tri Medina đã thống nhất các bộ tộc Saracen lại. Để rồi bừng lên mạnh mẽ, tràn ngập khắp Palestine và Syria. Năm 636, đánh bại 1 đạo quân La Mã tại hẻm núi Yarmuk. Năm 640, tiêu diệt hoàn toàn đế chế Ba Tư.

Trong khi 1 đạo quân Ả Rập đánh chiếm Ba Tư, những đạo quân khác đã chinh phục Babylon, Ai Cập, càn quét khắp Bắc Phi đến tận Carthage. Quân Ả Rập đã chiếm được các thành phố của Syria nơi có cư dân rất giỏi đi biển. Qua đó, người Ả Rập đã xây dựng được 1 hạm đội thủy quân hùng mạnh. Năm 653, họ chiếm đảo Cyprus. Năm 655, đánh bại 1 hạm đội Đông La Mã do đích thân hoàng đế Constans chỉ huy.

Năm 672, người Ả Rập phái 1 hạm đội hùng hậu tiến vào Marmara, cửa ngõ của Constantinople. Trong khi đó, đế chế Đông La Mã vẫn chưa hồi phục sau cuộc chiến kéo dài hao người tốn của với Ba Tư, tuy rằng đã kết thúc được 44 năm. Đó là lý do vì sao người Ả Rập dễ dàng chinh phục Ba Tư.

Các chiến binh Ả Rập tay lăm lăm cung đã lắp tên, cũng như hạm đội thuyền chiến của họ sẵn sàng quét sạch những thuyền chiến của La Mã muốn tiến ra khỏi cảng. Phía bên kia, các thuyền của quân Đông La Mã trông hết sức màu mè. Ở mũi của mỗi chiến thuyền đều có bức tượng của 1 loài mãnh thú mạ vàng.

Quân Ả Rập đang dương cung thì những con mãnh thú đó liền há miệng phun hàng loạt dòng chất lỏng sang thuyền của họ. Thứ chất lỏng đó gần như phát cháy ngay, quân Ả Rập vội dùng nước dập lửa nhưng không được. Lửa mỗi lúc mỗi lớn khiến hạm đội xâm lăng phải bỏ chạy.

Những đứa con của Nhà Tiên Tri không chịu từ bỏ dễ dàng. Hết lần này đến lần khác họ kéo các hạm đội đến tấn công. Và hết lần này đến lần khác họ đều bị đốt cháy vì loại vũ khí mà giờ đây người ta gọi là Lửa Hy Lạp.

Người Đông La Mã xem đây là thứ vũ khí Thượng đế ban tặng đế chống lại người Hồi Giáo nên công thức của nó được giữ kín hàng mấy thế kỷ. Nhưng đến khi thuốc nổ ra đời thì loại vũ khí này cũng dần bị lãng quên.

Đã có rất nhiều sự mô tả khác nhau về lửa Hy Lạp trong các văn thư cổ, dẫn đến nhiều suy đoán khác nhau. Cho nên không phải mọi thứ được gọi là lửa Hy Lạp chính là chất liệu đã phá tan hạm đội Ả Rập. Trong văn thư cổ còn viết ngọn lửa Hy Lạp có thể cháy trong nước.

Trong 1 văn thư có niên đại khoảng 4 thế kỷ sau đó có viết rằng các chiến thuyền của quân Đông La Mã được gắn những đầu mãnh thú trước mũi thuyền. Tất cả đều làm bằng đồng và dát vàng sao cho ngoại hình đủ để làm kẻ thù hoảng sợ. Rồi ngọn lửa được thiết kế để phun ra khỏi miệng những đầu mãnh thú đó như thể chính con vật đang phun lửa vậy.

Ở 1 chỗ khác, người ta có mô tả về 1 loại ống xì đồng gây cháy. Loại nhựa colophan rất dễ cháy được trích lấy từ cây thông, trộn với lưu huỳnh. Rồi được cho vào các ống sậy và được thổi 1 hơi dài thật mạnh, đầu kia ống là mồi lửa, và nó bùng cháy thành 1 ngọn lửa rơi xuống như 1 vệt sáng lên mặt mũi quân địch.

Sau này, các binh sĩ Thập Tự Chinh có nói rằng người Hồi Giáo đã tấn công họ bằng “ngọn lửa Hy Lạp”, bắn bằng những cỗ máy ném đá công thành. Đó là 1 thùng như thùng rượu đựng chất lỏng dễ cháy có gắn 1 mồi lửa bên ngoài. Khi nó rơi xuống sẽ nổ tung tạo nên 1 quả cầu lửa trùm lấy mọi vật xung quanh. Đó rõ ràng chẳng phải là vũ khí đã dùng để bảo vệ Constantinople.

Hầu hết các nhà nghiên cứu ngày nay đều tin rằng súng phun lửa tại trận Constantinople đã phóng ra 1 hỗn hợp gồm vôi, dầu mỏ hoặc nhựa thông. Vôi sẽ trở nên rất nóng nếu gặp nước. Chất lỏng có lẽ được phun ra khỏi miệng thú nhờ 1 loại bơm. Và ngay khi vừa thoát ra khỏi đầu thú, nó đã bùng cháy ngay lập tức.  Bởi vì chất lỏng trộn dầu hỏa nên nhẹ hơn nước, nên việc tưới nước không có tác dụng gì, chỉ khiến nó phát tán rộng hơn mà thôi. Điều đó dẫn đến 1 tâm lý cho kẻ địch rằng 1 khi đã bén lửa Hy Lạp thì không thể dập tắt được. Do đó, thứ vũ khí này trở thành vũ khí tâm lý lẫn vật lý.

Lửa Hy Lạp đã làm thay đổi chiến tranh tại đông Địa Trung Hải trong hàng thế kỷ. Nếu trận Constantinople, quân Đông La Mã không có lửa Hy Lạp thì Hồi Giáo có thể đã tràn ngập khắp châu Âu.


9. PHÁO CƠ KHÍ – những đại bác yên lặng.

Trebuchet - 1 loại pháo cơ khí thời Trung Cổ


Một viên tướng người Syracuse từ Sicily đã dâng lên vua Archidamus của Sparta một phát minh mà người Syracuse đã dùng để chống lại quân Carthage rất thành công. Đó là 1 cỗ máy với cánh cung khổng lồ gắn ngang trên 1 khối gỗ. Dây cung được cài vào 1 con trượt, thế rồi con trượt và dây cung được kéo về sau bằng một cái tời (tay quay). Cái cung quá cứng nên nếu không có hệ thống này thì sức người không thể dương nổi. Con trượt được kéo ra xa hết mức rồi được giữ lại bởi 1 cái then. Một binh sĩ Syracuse liền kéo 1 sợi dây làm bật tung then giữ khiến cánh cung đẩy mũi tên dài và nặng đó bay xa hơn bất kỳ cung thủ vào có thể làm được. Rồi họ nạp tên trở lại, cho vũ khí của mình bắn thêm 1 phát nữa vào khiên hay áo giáp. Mũi tên đó xuyên thủng tất cả.

Viên tướng mỉm cười hãnh diện và đang chờ để được ban thưởng. Thế nhưng, nhà vua lại hoảng hốt:

- Nhân danh Heracles – ông nói – Thế này thì chấm dứt lòng dũng cảm của con người mất rồi!

Đối với hầu hết người Hy Lạp thời đó (370 TCN), chiến tranh diễn ra chậm chạp giữa các khối binh lính mặc giáp dày khiên lớn. Sự dũng cảm là đức hạnh đáng quý nhất của binh sĩ, nhất là đối với người Sparta. Các chiến binh của họ luôn luôn phấn đấu để trở thành chiến binh dũng cảm nhất, tài ba nhất. Giờ đây, sử dụng 1 cỗ máy để triệt hạ các chiến binh của kẻ địch thì thật hèn nhát đáng thương.

Phần lớn người Hy Lạp đều giống như Sparta. Trừ người Syracuse. Syracuse là một quốc gia thành thị non trẻ. Họ không tổ chức quân đội gồm các đoàn bộ binh mặc giáp dày khiên nặng như những quốc gia nội địa Hy Lạp khác. Vua Dionysius là người có tham vọng lãnh đạo tất cả các thành thị Hy Lạp trên đảo Sicily chống lại đế chế Carthage. Ông đã ra sức chiêu mộ các nhà khoa học, kỹ sư, thợ thủ công về với Syracuse để chế tạo ra những vũ khí mới. Và đối đãi với họ rất trọng hậu.  Những kỹ sư hàng đầu lũ lượt kéo về Syracuse rất đông.

Các khẩu catapult đầu tiên bắn tên, những mũi tên dài và nặng như 1 ngọn giáo, nhưng những khẩu khác lại được chế tạo để bắn đá. Những loại này thường có dây bật đôi cộng với 1 cái túi da gắn giữa hai sợi dây bật làm chỗ đặt đạn là những viên đá.

Phải mất 1 thời gian dài, các quốc gia thành thị Hy Lạp cổ đại mới thật sự đón nhận loại pháo cơ khí này. Nhưng các cỗ máy đó đã được vua Philip II xứ Macedon đưa vào sử dụng đại quy mô rồi. Philip II cũng giống như vua Dionysius vậy. Các khẩu catapult vào thời cổ chủ yếu là những cỗ máy công thành, nhưng Philip II và con trai ông là Alexander đại đế lại dùng như pháo dã chiến.

Trong một lần, quân của Alexander muốn vượt sông Jaxartes. Nhưng bên kia sông là đạo quân người Scythe rất giỏi cưỡi ngựa bắn cung chặn lại. Alexander liền cho sắp hàng ngang các khẩu catapult bắn tên của mình bên này bờ sông rồi đồng loạt phóng tiễn. Tuy chỉ tiêu diệt được tầm chục kẻ địch nhưng mỗi mũi tên đều xuyên thủng qua khiên lẫn giáp che ngực. Thậm chí có mũi tên kết liễu cả 1 kỵ binh lẫn con ngựa của anh ta. Kinh hãi trước tầm bắn và uy lực của các khẩu catapult, quân Scythe đành phải rút ra xa khỏi bờ sông. Và quân Alexander đã có thể vượt qua sông.

Loại đại bác dã chiến thời cổ này rõ ràng có tác dụng tâm lý hơn là tác dụng tiêu diệt sinh lực địch. Lịch sử chiến tranh chứa đầy những vũ khí như vậy.

Những khẩu đại bác cơ khí này luôn rất hữu dụng trong việc vây thành. Những máy bắn tên thì dễ dàng hạ gục quân bảo vệ trên tường thành ở một tầm xa ngoài tầm cung bắn. Những máy ném đá lại có thể phá sập tường thành hoặc các công trình bên trong.

Các kỹ sư tiếp tục cải thiện độ chính xác và độ bền của những cỗ máy này. Người La Mã sử dụng các catapult loại nhỏ, được gọi là carroballistae, đặt trên các bánh xe. Họ cũng phát minh ra 1 loại máy ném đá mới gọi là onager, vốn chỉ có 1 tay đòn. Đầu tay đòn có 1 cái gàu để chứa đá bắn đi. Cũng giống như quân Macedon, pháo của người La Mã cũng dùng để vây thành hay hỗ trợ trên chiến trường. Đơn vị quân nào cũng đều có 1 khẩu.

Vào thời Trung Cổ tại Tây Âu, xuất hiện 1 loại máy công thành mới, được gọi là trebuchet. Đó là 1 cây xà rầm có trục xoay, đặt toàn bộ lực ở phần đầu ngắn. Phần đầu dài được buộc 1 dây quàng để đặt đạn vào. Đầu dài được kéo xuống thật thấp và nạp đạn. Khi thả chốt chặn, đầu ngắn đối trọng bị trọng lực kéo mạnh xuống, đầu dài bật nhanh lên trời và bắn đạn vào thành lũy quân địch. Vào thời Trung Cổ, người ta còn ném cả xác chết vào thành để gây dịch bệnh. Các khẩu trebuchet có hạn chế là kích thước quá lớn.

Các nhà thí nghiệm hiện đại đã chế tạo được những khẩu trebuchet có khả năng ném 1 chiếc xe hơi đi xa vài trăm mét. Trong các thí nghiệm khác, 1 khẩu onager có thể ném 1 khối đá nặng 3.6 kg đi xa 457m, 1 khẩu catapult bắn đi 1 mũi tên nặng 2.7 kg đi xa 450m, cũng khẩu catapult bắn đi 1 viên đá nặng 0.45kg đi xa gần 320m.

Hoàng đế Napoleon III của Pháp có 1 khẩu trebuchet “trang trí” với xà rầm dài 10m và lực đối trọng là 45.4kg. Khẩu trebuchet đó bắn đi 1 khối đá nặng 22.7kg đi xa 182.8m. 

Ở Hy Lạp cổ đại, vào thời hoàng kim của các cỗ pháo cơ khí, sự có mặt khiêm tốn của các cỗ máy này chính là yếu tố quan trọng trong quan hệ quốc tế. Bạn không chỉ phải có những khẩu catapult để sử dụng. Bạn còn cần phải làm cho kẻ thù tiềm tàng biết rằng bạn đang có chúng, để họ không tấn công vào bạn trước tiên.

===

Phần tiếp theo: thuốc nổ, mìn, súng công thành.