Sơ lược về Thiên Văn Học

Có thể nói thiên văn là ngành khoa học tự nhiên đầu tiên của nhân loại, khi con người đã qua thời kỳ đồ đá và tự biết trồng trọt, chăn nuôi để phục vụ đời sống thì khát khao tìm hiểu và bản tính tò mò đã thúc đẩy nhân loại ngắm nhìn bầu trời và cố gắng tìm ra những điều hay ho ẩn chứa nơi tận cùng của nó.
Khi hiểu biết của nhân loại về thế giới tự nhiên còn hạn chế thì các thượng đế luôn được cho là nguyên nhân của tất tần tật mọi thứ trên đời, bao gồm cả những gì con người quan sát được trên bầu trời huyền bí kia. Lập luận về thượng đế chi phối bầu trời càng được củng cố khi chúng ta không thế với tới được khoảng không bao la phía trên mình mà chỉ có thể cảm nhận bằng thị giác. Thế nên mục đích ban đầu của việc quan sát bầu trời là giao tiếp với thần linh và đưa ra những lời dự đoán mang tầm vĩ mô cho tương lai gần.
Chiêm tinh là sản phẩm của việc quan sát thiên văn để cố gắng kết nối với thần linh, một thời chiêm tinh được xem là một bộ môn khoa học cho đến khi thống kê được áp dụng để xử lý những dữ liệu quan sát được từ bầu trời thì người ra nhận ra chiêm tinh không còn phù hợp với sự phát triển nhân loại nữa. Nguồn ảnh: Vox
Khi các nhà quan sát cảm thấy lý thuyết về thần linh không còn phù hợp nữa và khoa học thống kê được áp dụng vào việc quan sát thì ngành Thiên Văn Học mới bắt đầu được khai sinh. Những thành tựu ban đầu của Thiên Văn Học là việc tính toán được quỹ đạo của các thiên thể và dự đoán được thời gian, địa điểm xảy ra các hiện tượng thiên văn.
Khi trí tuệ của nhân loại được nâng cao và trình độ kỹ thuật nhảy vọt thì Thiên Văn Học cũng bắt đầu trở mình với các ý tưởng và thành tựu đột phá. Và giờ đây ta gọi nó là “Thiên Văn Học hiện đại”.

Thành tựu hữu hình của Thiên Văn Học

Những thành tựu đầu tiên của Thiên Văn Học là sự hiểu biết của nhân loại về quỹ đạo các thiên thể, chu kỳ của các hiện tượng thiên văn hay là vị trí tương đối của các ngôi sao trên bầu trời (về sau phát triển thành bản đồ sao – đây là một di sản vô giá của Thiên Văn Học cổ điển).
Đối với Thiên Văn Học hiện đại, các quan sát thiên văn đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các thế giới chúng ta chưa từng được đặt chân tới. Cũng chính Thiên Văn Học đã mở đường cho con người chinh phục những chân trời mới, đưa con người đi đến những nơi không tưởng. Nói đến những thứ này nghe có vẻ khá xa vời và sẽ có một số người cho rằng việc đó không thực sự cần thiết vì nó không giúp chúng ta cải thiện được những vấn đề tồn đọng trên hành tinh chúng ta đang sống. Nhưng có bấy nhiêu người biết rằng chính nhờ những thành tựu của Thiên Văn Học làm nền tảng mà chúng ta có thể có thể xây dựng được một thế giới phẳng như ngày nay. Mấu chốt ở đây chính là hệ thống vệ tinh giúp chúng ta có thể định vị và kết nối thông tin xuyên lục địa trong chưa đầy một giây.
Hệ thống vệ tinh giúp con người kết nối chính là thành tựu rõ nhất của Thiên Văn Học nhưng không được nhiều người để ý đến. Nguồn ảnh: NASA

Nhưng...

Các thành tựu vô hình của Thiên Văn Học mới là thứ định vị Thiên Văn trong nền tri thức nhân loại. Thuở sơ khai nhân loại nghĩ rằng nơi mình sống là cái rốn của vũ trụ và Trái Đất có được nền văn minh là do sự ưu cái của các thượng đế. Nhưng chính nhờ những thành tựu trong Thiên Văn Học đã giúp chúng ta xác định lại vị trí của mình trong vũ trụ này. Đơn giản, chúng ta chỉ là một hành tinh nhỏ bé trong một Hệ Mặt Trời vĩ đại.
Và cũng đến khi sự quan sát vũ trụ được trợ sức bởi công nghệ thì chúng ta mới biết được Vũ Trụ này vô tận như thế nào và Hệ Mặt Trời được xem là vĩ đại trong vài thế kỷ trước cũng chỉ là một hạt cát của một sa mạc rộng lớn mang tên Ngân Hà và cái sa mạc rộng lớn ấy cũng chỉ như một phân tử nước trong đại dương Vũ Trụ. Điều này đã cho chúng ta biết nhân loại nhỏ bé đến chừng nào và sự tồn tại của nền văn minh trên Trái Đất cũng không phụ thuộc vào sự ưu ái của thế lực siêu nhiên nào cả.
Tuy vũ trụ là bao la thế đấy, nhưng chúng ta vẫn chưa tìm thấy được bất kỳ nền văn minh nào mà chúng ta có thể liên lạc. Và Trái Đất chính là nơi duy nhất đến lúc này chúng ta biết rằng có thể tồn tại một nền văn minh. Bức ảnh dưới đây là chân dung của Trái Đất ở khoảng cách 6,4 tỷ km vào năm 1990 bởi tàu Voyager 1 là minh họa chân thực nhất về sự ưu ái mà tạo hóa (chứ không phải thượng đế) đã dành cho Trái Đất. Thiên Văn Học đã giúp chúng ta nhận ra sự ưu ái này và nhiệm vụ của chúng ta giờ đây là bảo vệ nó, hãy dành những thời gian ngắn ngủi của một đời người cũng như thời gian tồn tại của nhân loại để mang lại những điều tốt đẹp nhất dành cho nhau, để xứng đáng với những gì chúng ta đã nhận được từ tạo hóa thay vì tranh giành từng tất đất, phá hủy sự sống thiên liêng và mỏng manh đang tồn tại trên Trái Đất.
Năm 1990 Carl Sagan đã đề nghị NASA xoay tàu Voyager 1 để chụp lại hình ảnh Trái Đất, hình ảnh này được đặt tên là "Pale Blue Dot" - tức đốm xanh mờ. Đốm xanh ở gần trung tâm bức ảnh chính là Trái Đất của chúng ta. Nguồn ảnh: NASA
Tôi xin mượn lại câu nói huyền thoại của Carl Sagan về bức ảnh Pale Blue Dot để diễn tả một phần nào những giá trị vô hình mà Thiên Văn Học đã mang lại cho chúng ta.
Từ điểm xa xôi này, Trái Đất dường như chẳng có gì đặc biệt để phải quan tâm. Nhưng với chúng ta, nó thực sự khác biệt. Tại đó có tất cả những người bạn yêu thương, tất cả những người bạn biết, tất cả những người bạn từng nghe qua, tất cả những người đã từng tồn tại và đã sống hết mình cho cuộc đời của họ.
Trái Đất chỉ là một võ đài nhỏ trong một đấu trường vũ trụ khổng lồ.
Hãy nghĩ về những dòng máu đã đổ xuống do những đại tướng và những hoàng đế trong sự vinh quang và chiến thắng để họ có thể trở thành một người chủ nhất thời của một phần nhỏ trong đốm nhỏ đó.
Với tôi, đó là lời nhắc cho nhiệm vụ của chúng ta rằng phải sống tử tế hơn với mọi người và bảo tồn, trân trọng Đốm xanh mờ này, ngôi nhà duy nhất của chúng ta!