Khoa học nói gì về Thực phẩm hỗ trợ giảm cân & Thuốc điều trị béo phì?
Đương đầu với sự tăng cân chóng mặt và "đẩy nhanh tiến độ" giảm béo.
Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa hoặc bất thường, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là một bệnh mãn tính cần được quản lý và điều trị lâu dài. Nó có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm tuổi thọ, chất lượng sống và là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh lý mãn tính khác như: đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, tăng lipid máu, ung thư, hội chứng ngưng thở lúc ngủ... [1] Mức độ thừa cân và béo phì được xác định thông qua chỉ số BMI (bảng 1) và có thể kết hợp với một số chỉ số khác như tỉ trọng mỡ cơ thể, đo lớp mỡ dưới da…
Hoặc sử dụng công cụ tính BMI theo link.
Hiện nay, tình trạng thừa cân béo phì ngày càng gia tăng và đặc biệt cao tại các nước phương Tây như tại Mỹ tỉ lệ người lớn thừa cân là 68% [2], tại châu Âu là 59%. Ở Việt Nam tỉ lệ này không cao (3,6% vào năm 2014), tuy nhiên lại có xu hướng tăng nhanh với tỉ lệ béo phì ở trẻ em năm 2020 là 19%, gấp 2,2 lần so với năm 2010 [3].
Trên hành trình đương đầu với sự tăng cân chóng mặt và bệnh béo phì, không phải ai cũng đủ kiên trì để thiết lập chế độ ăn uống, luyện tập và sinh hoạt khoa học. Một số không nhỏ tìm đến những lối thoát ngắn hơn, như sử dụng thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân hay thuốc điều trị béo phì, đặc biệt là ở các trường hợp cụ thể như sau. Trái với định kiến phổ biến, việc “đẩy nhanh tiến độ” này đôi khi lại là lựa chọn an toàn duy nhất của nhiều người; và nếu sử dụng một cách an toàn, cẩn thận thì cũng không hề nguy hiểm.
Vậy, thuốc điều trị béo phì và thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân giống và khác nhau ở đâu? Chúng nên được sử dụng như thế nào để đảm bảo sức khoẻ và đạt hiệu quả cao nhất?
1, Thuốc điều trị béo phì (thuốc giảm cân)
Đầu tiên là Thuốc điều trị béo phì, hay thuốc giảm cân.
Sử dụng thuốc giảm cân kết hợp với điều chỉnh lối sống có thể giúp tăng hiệu quả giảm cân. Trung bình, những người kết hợp sử dụng thuốc điều trị béo phì giảm từ 10% trọng lượng ban đầu trở lên, nhiều hơn từ 3% đến 9% so với người chỉ điều chỉnh lối sống [5]. Tuy nhiên, thuốc giảm cân cũng có thể đem lại các tác dụng phụ không mong muốn.. Nhiều thuốc đời đầu có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng và một số đã bị cấm lưu hành như [6]:
- Sibutramine
- Fen-Phen
- Lorcaserin
Hiện nay danh sách các thuốc được Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép lưu hành để điều trị béo phì cũng tương đối hạn chế, một số thường chỉ được dùng trong thời gian ngắn (dưới 12 tuần) do chưa có đầy đủ nghiên cứu về các nguy cơ khi dùng trong thời gian dài. Trong đó, các thuốc được chấp thuận có thể được sử dụng trong thời gian dài bao gồm [2]:
- Thuốc tác dụng lên hệ tiêu hóa: Ví dụ như Orlistat, có công dụng ức chế lipase làm giảm tiêu hóa và hấp thu chất béo tại ruột, tác dụng phụ có thể gặp bao gồm tiêu chảy, đau bụng, phân chứa mỡ, tổn thương gan…
- Thuốc tác dụng lên hệ thần kinh có :
Qsymia (kết hợp Phentermine và Topiramate), Contrave (kết hợp Naltrexone và Bupropion), Liraglutide: tất cả đều có thể làm giảm cảm giác thèm ăn, giảm cảm giác đói và nhanh cảm thấy no). Một số thuốc khác với tác dụng tương tự bao gồm: benzphetamine, diethylpropion, phendimetrazine… Với nhóm thuốc này, một số tác dụng phụ có thể gặp bao gồm đau đầu, chóng mặt, thay đổi tâm trạng, trầm cảm, biến chứng tim mạch…
Ngoài ra, chúng ta còn có Semaglutide: thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 có tác dụng trên vùng thần kinh điều chỉnh cảm giác thèm ăn, tác dụng phụ có thể gặp phải gồm buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, viêm tụy, mệt mỏi…
Một giải pháp khác được cho là dễ tiếp cận hơn với đa số người có nhu cầu giảm cân cũng như hạn chế các tác dụng phụ của việc dùng thuốc, đó là thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân. Khi được kết hợp với cường độ tập luyện thích hợp và chế độ dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm chức năng có thể giúp đẩy nhanh quá trình giảm cân.
2, Thực phẩm hỗ trợ giảm cân
Cùng với kỳ vọng giảm cân nhanh chóng và mức độ phổ biến dễ tiếp cận, thị trường thực phẩm hỗ trợ giảm cân ngày càng phát triển với giá trị toàn cầu ước tính 116 tỷ USD vào năm 2028 theo Grand View Research [7]. Các sản phẩm hỗ trợ giảm cân cũng rất đa dạng về dạng bào chế như viên nén, viên nang, thuốc uống… với một số cam kết về cơ chế giảm cân như giảm hấp thu chất dinh dưỡng đa lượng, giảm cảm giác thèm ăn, giảm mỡ trong cơ thể, tăng cường chuyển hóa chất béo và sinh nhiệt…
Vì không có dược tính mạnh như thuốc điều trị béo phì, nên hiệu quả của thực phẩm hỗ trợ giảm cân khó có thể đảm bảo tỷ lệ thành công cao như thuốc. Tuy nhiên, nhược điểm lại có thể được coi là ưu điểm, khi rủi ro của các tác dụng phụ được hạn chế hơn Ngoài ra, để tối đa hoá tác dụng, người dùng thực phẩm hỗ trợ giảm cân cần đồng thời áp dụng một chế độ ăn uống, sinh hoạt và luyện tập phù hợp, khoa học.
Thế nhưng, việc không phải là thuốc khiến thực phẩm hỗ trợ giảm cân không phải chịu sự quản lý gắt gao từ luật pháp, dẫn đến một số trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”, làm ảnh hưởng tới uy tín của các đơn vị sản xuất và cung ứng thực phẩm hỗ trợ giảm cân có đạo đức kinh doanh. Chúng ta chỉ nên tìm tới những sản phẩm hỗ trợ sản phẩm có đăng ký giấy phép rõ ràng, ví dụ ở Việt Nam thì các thực phẩm hỗ trợ giảm cân hợp pháp cần được kiểm tra, xác nhận và cấp phép bởi Cục An toàn thực phẩm, thuộc Bộ Y tế . Ngoài ra, bản thân người dùng cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin về từng thành phần của sản phẩm, đồng thời tham khảo ý kiến của các chuyên gia về dinh dưỡng để lựa chọn được sản phẩm hiệu quả và an toàn nhất [8].
Các thành phần phổ biến gồm chiết xuất thực vật, chất xơ, cafein, vitamin và khoáng chất. Một số hoạt chất có tác dụng giảm cân nhẹ đã được chứng minh qua nghiên cứu lâm sàng. Chẳng hạn như: Axit hydroxycitric (HCA), axit linoleic (CLA), chitosan, chiết xuất trà xanh, pyruvate… Cơ chế giảm cân được đề xuất của các hoạt chất này có thể kể đến như ức chế quá trình tạo mỡ, tăng phân giải chất béo, tạo cảm giác no, tăng sinh nhiệt và giảm tích trữ năng lượng…
Bên cạnh đó, một số hoạt chất hiện nay đã bị cấm sử dụng trong thực phẩm chức năng bởi các tác dụng phụ nghiêm trọng lên hệ thần kinh, tim mạch hay tiêu hóa như sibutramine, phenolphthalein, sildenafil… Bảng 2 này liệt kê chi tiết một số thành phần phổ biến trong các sản phẩm hỗ trợ giảm cân trên thị trường [8], cũng như các tác dụng phụ của nó nếu sử dụng sai liều lượng, sai cách. Ngoài ra, bằng chứng về hiệu quả và độ an toàn được xét dựa trên nghiên cứu lâm sàng trên người, áp dụng với hoạt chất đơn lẻ. Hiệu quả và mức độ an toàn có thể thay đổi khi kết hợp với các chất khác.
3, So sánh mức độ an toàn của thực phẩm hỗ trợ giảm cân so với thuốc trị béo phì
Đến đây, nếu chúng ta đặt thực phẩm hỗ trợ giảm cân và thuốc trị béo phì lên bàn cân, thì ai sẽ là người chiến thắng?
Câu trả lời là, nếu sử dụng đúng cách thì cả 2 đều thắng, và bạn cũng vậy.
Về khía cạnh liều lượng, thực phẩm hỗ trợ giảm cân có khoảng liều an toàn rộng hơn thuốc trị béo phì do hàm lượng hoạt chất có tác dụng dược lý mạnh nhỏ hơn. Đồng thời, các thuốc trị béo phì cũng liên quan đến nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng hơn so với thực phẩm hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng nếu như thuốc trị béo phì được quản lý chặt chẽ và yêu cầu cao hơn về bằng chứng khoa học kiểm định tính hiệu quả và an toàn, việc thanh tra kiểm soát thực phẩm chức năng sau khi phân phối trên thị trường lại mang tính ngẫu nhiên hơn (chất lượng thuốc được kiểm tra định kì và gửi báo cáo cho Cục quản lý Dược). Do vậy, cần phải nhắc lại thêm một lần nữa là trước khi sử dụng bất kì sản phẩm nào, người dùng cần kiểm tra kỹ thành phần, chỉ định, giấy tờ chứng nhận, các nghiên cứu chứng minh và rất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn. Khi sử dụng, cần tuân thủ theo thông tin bác sĩ cung cấp, đọc kĩ hướng dẫn sử dụng, không tự ý tăng liều, kéo dài thời gian sử dụng. Nếu có tác dụng phụ khó chịu, nên ngừng và tham khảo ý kiến bác sĩ. Hiện nay, thông tin về giấy chứng nhận an toàn thực phẩm có thể tra cứu trực tuyến trên website chính thức của bộ Y tế, Cục an toàn thực phẩm tại:
Kết luận
Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa hoặc bất thường, do sự các con đường cân bằng nội môi năng lượng bị rối loạn, từ đó dẫn đến sự phát triển hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh liên quan [10].
1. Béo phì là bệnh lý mãn tính cần quản lý lâu dài.
2. Giảm cân mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và giảm nhẹ các bệnh đi kèm.
3. Tối ưu hóa dinh dưỡng và hoạt động thể chất là biện pháp nền tảng, hiệu quả và quan trọng nhất để giảm cân thành công.
4. Thuốc điều trị béo phì, can thiệp phẫu thuật khi cần thiết dưới chỉ định của bác sĩ có thể giúp bệnh nhân giảm cân đáng kể khi kết hợp với điều chỉnh lối sống.
5. Thực phẩm chức năng có thể được sử dụng bổ sung với chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý nhưng cần tham khảo các nguồn thông tin chính thống và ý kiến bác sĩ/dược sĩ chuyên môn.
6. Các biện pháp quản lý cân nặng trước khi áp dụng cần được tìm hiểu một cách khoa học và tham khảo ý kiến của các chuyên gia để đạt được hiệu quả tối đa và tối thiểu các tác dụng phụ không mong muốn.
Tác giả
DS. Hoàng Thục Oanh
TS. Phạm Đức Hùng
References
[1] Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì, Bộ Y Tế, 2022
[2] Prescription Medications to Treat Overweight and Obesity, National Insittutes of Diabetes and Kidney diseases, NIH, June 13 2020
[4] Saxon et al., Anti-Obesity Medication Use in 2.2 Million Adults Across 8 Large Healthcare Organizations: 2009-2015, Obesity (Silver Spring), 2019
[5]Young Jin Tak et al., Long-Term Efficacy and Safety of Anti-Obesity Treatment: Where Do We Stand?, Current Obesity Report, 2021[6] Lisa Rapaport, Weight Loss Pills, Past and Present: How They Work, Safety, and More, Everyday Health, https://www.everydayhealth.com/weight/weight-loss-pills-past-and-present-how-they-work-safety-and-more/(update on November 16, 2022)
[8] Dietary Supplements for Weight Loss - Fact Sheet for Health Professionals, US National Institutes of Health, https://ods.od.nih.gov/factsheets/WeightLoss-HealthProfessional/#h6 (update on May 18 2022)
[9] https://vtv.vn/xa-hoi/loan-dao-phap-thi-truong-thuc-pham-giam-can-tien-mat-tat-mang-vi-100-thien-nhien-20220704123530869.htm (cập nhật ngày 27/03/2023)
[10] Beverly G. Tchang et al, Best Practices in the Management of Overweight and Obesity, Med Clin N Am, 2020
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất