Tôi biết đến anh với những kí ức tuổi thơ, cái ngày cùng mẹ ngồi coi Rung chuông vàng, phát sóng vào lúc 9h đêm tối thứ hai hàng tuần, khi bài hát trùng tên với chương trình cất cao để vinh danh người chiến thắng. Giai điệu cùng ca từ khi đó đối với tôi sao đẹp đến thế. Chúng hòa quyện vào nhau khiến một cậu bé ngày đó hàng mong muốn khoác lên mình chiếc áo cử nhân, cầm trên tay chiếc bảng để rung lắc theo điệu nhạc hài hước mỗi lần trả lời câu hỏi. Và cứ thế âm nhạc của Bức Tường thổi vào tâm hồn tôi từng chút ít và ngấm sâu không thể nào phai nhạt.
Đối với tôi, bóng đá trong thể thao có một người anh em sinh đôi trong âm nhạc, đó là nhạc Rock. Và cuộc đời cùng những bài ca của Trần Lập trong khoảng thời gian 25 năm xuất hiện trong làng nhạc Việt cũng chẳng khác lắm với những gì mà chúng ta thường thấy và cảm nhận trong đời sống bóng đá.
Trần Lập lớn lên trong một gia đình đông anh chị em, gia đình anh nằm trong quân khu Nam Đồng “huyền thoại”, khu tập thể “bá đạo” được nhà văn Bình Ca miêu tả trong cuốn sách cùng tên. Từ ngày bé sống trong khoảng thời gian cơ hàn, niềm vui của anh là suốt ngày ca hát và cùng chúng bạn trong xóm chơi bóng đá gôn tôm, trò chơi phổ biến đối với tất cả tuổi thơ của không chỉ những cầu thủ nổi tiếng, mà của tất cả những bạn trẻ yêu bóng đá nói chung.
Chúng ta không lạ gì chuyện những danh thủ bóng đá đã làm rất nhiều nghề thuở cơ hàn để theo đuổi niềm đam mê bóng đá. Trần Lập cũng vậy, lớn lên anh đã phải làm đủ mọi nghề, từ tháo săm lốp xe cho đến hát thuê cho một số nhóm nhạc để có tiền mưu sinh và theo đuổi đam mê âm nhạc của mình. Thời kì đầu khốn khó đã được anh guitar Huy Hoàng gói gọn trong câu nói:
“Mọi người chơi nhạc để kiếm tiền, còn chúng tôi thì kiếm tiền để chơi nhạc”
Vậy đấy, đam mê có thể mang lại sức mạnh kì dị đến cho những con người kiên trì và không từ bỏ. Để từ đó Trần Lập cùng Bức Tường đã cho ta những bài ca bất hủ.
Chúng ta thường mê đắm với sức tấn công rực lửa của Dortmund, của Liverpool, một cảm xúc si mê không sợ sệt. Thì chúng ta cũng có thể mở max loa nghe để đắm chìm trong những làn điệu sôi động, ca từ phấn khích của những Tâm hồn của đá, Con số 0.
Chúng ta thán phục với những “điều đơn giản trở nên nghệ thuật” của những cầu thủ Barcelona, thì chúng ta cũng cảm thấy khâm phục cái cách các anh khi có thể chuyển tải từ một hạt bụi nhỏ nhoi thành “Niềm tin cho cát bụi” đầy nhân văn và ý nghĩa, hay “Cây bàng” với đoạn Riff Intro bất hủ và những câu hát mang nặng sự hoài niệm đầy nghệ thuật.
Athletic Bilbao đem tới cho ta cảm giác thán phục bởi sự tự tôn dân tộc, mang đậm bản sắc bản địa. Thì chúng ta cũng có Bức Tường với những bài ca mang nặng âm hưởng dân ca như “Ra khơi”, “Bài ca sông Hồng”, hay anh kể những câu chuyện đầy tính sử thi qua “Người đàn bà hóa đá”.
Và cái cách chúng ta yêu mến những Pirlo, Xavi, Riquelme trong môn thể thao đòi hỏi tốc độ và thể lực thì cũng là cách mà ta yêu mến những nốt trầm trong thể loại âm nhạc thô ráp, đầy bản năng. Đó là những bản Ballad “Mắt đen”, “Bông hồng thủy tinh” với ca từ và giai điệu tuyệt đẹp, chúng cho chúng ta hình dung ra một tình yêu đẹp như cái cách mà Totti yêu Roma hay Agger yêu Liverpool vậy.
Và ngày hôm nay, anh đã trở về với cát bụi. Cách anh ra đi có thể khá đột ngột với những người yêu mến anh, thế nhưng hy vọng rằng những gì anh để lại cho đời đã khiến anh được toại nguyện một phần. Cuộc đời cũng như một trận bóng, chúng ta xô đẩy nó theo nhiều kịch bản khác nhau không thể lường trước nhưng cũng sẽ đến hồi phải kết thúc. Và trận đấu của anh là trận đấu đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem, những cung bậc mà không chỉ thế hệ 8x, mà cả thế hệ 9x hay 7x, nhiều hơn và rộng hơn đều cảm thấy hoàn toàn nuối tiếc khi không thể theo dõi thêm nữa. Vĩnh biệt anh, người Rocker dẫn đường.