1.

Ai đó, nghĩa là Liên. Hoặc Hải. Hoặc cả hai. Liên có thể thức dậy mơ màng trong tiếng ríu rít của chim chóc buổi sớm, và Hải có thể tập một vài cái đu xà. Liên và Hải cũng có thể hút thuốc, trong một căn phòng mà quay về hai hướng. Có lẽ họ là hai kẻ cô đơn. Nhưng chỉ sớm thôi, Liên sẽ lại đi về phía Hải, và nhún nhảy trong tiếng nhạc cũ mèm của The Married Monk và Velvet Underground. Rồi khi trời đổ mưa, họ sẽ đóng vai cô gái và người tình trong một cuộc chia tay tưởng tượng. Hoặc là trốn tìm ở nơi ranh giới giữa ngõ hẻm và đường cái, một bên là bóng Liên lả lướt, và bên còn lại là Hải, đứng rũ, bất động. Hai cơ thể lướt đi như hai chú chim sổ lồng giả vờ yêu đương giữa những góc máy xoay chuyển không dứt: khung hình lồng trong khung hình, và tràn ra khỏi khung hình.
Có cái gì đó lơ lửng khiến tôi liên tưởng đến The Dreamers. Cũng là một căn hộ nhỏ nép mình trong lòng thành phố, nơi Matthew và Théo và Isabelle chơi trò cút bắt trong nhục dục và lãng mạn, đến chết (gần như thế). Dĩ nhiên Trần Anh Hùng không táo bạo đến vậy. Ông giống Haruki Murakami ở không khí: đó là một sự treo. Cuộc sống bị treo. Tâm tình bị treo. Lý trí bị treo. Và cả một sự nổi loạn ngầm rất nên thơ.
Rõ ràng tâm điểm của Mùa hè chiều thẳng đứng không phải tiến trình câu chuyện mà là chuyển động phi ngôn từ. Sự treo và sự nổi loạn ngầm cũng được giao tiếp với người xem ở đấy. Các nhân vật lúc thì uể oải rũ rượi, lúc thì nằm ườn ra trên sàn, trên ghế, và lúc thì đi xuyên qua những ô cửa rèm lất phất bay. Nói đúng ra thì cả cuộn phim là một vũ khúc của những dáng hình. Chuyển động, ngưng đọng, rồi tiếp tục chuyển động, ngưng đọng. Ai cũng muốn nương mình trong điệu valse tưởng tượng. Ai cũng muốn níu lấy hiện thực êm dịu tự dựng nên, vừa để thoát khỏi sự sắp xếp của chuẩn mực, vừa để sống mà không bị đè bẹp bởi sự sống. Cứ để ý mà xem: Liên hay Hải hay Sương hay Quốc hay Khanh hay Kiên thích nhất là ngủ. Giấc ngủ trưa là khoảnh khắc mềm nhẹ hiếm hoi trong ngày hè, khi mặt trời chiếu xuống thẳng đứng và không khí nhơm nhớp. Họ xoay tròn ngân nga trong vũ điệu của riêng mình, dù tỉnh hay mơ, chớp đọng, mãi mãi.

2.
Trần Anh Hùng đã nói gì nhỉ? Các cảnh phim của ông “hầu như không có thoại, nhưng nhất thiết phải đầy ắp không khí. Không khí của những người biết thở và không quên mình đang thở."
Đúng thật là như thế. Hầu hết thời gian, ông không để cho các nhân vật nói chuyện. Hoặc nếu có thì cũng là những đoạn vụn vặt và không đầu không cuối. Có lẽ đó là cách để người xem tự tưởng tượng, tự móc nối mọi chỉ dấu vào với nhau và dệt nên một diễn giải của riêng mình. Còn Hùng chỉ gợi ra những chỉ dấu ấy bằng ngôn ngữ của hình ảnh và âm thanh. Một buổi nấu cỗ. Phối cảnh thân thuộc của nhà cửa. Vợ dựa vào chồng, cười giòn tan trong bóng đêm Hà Nội. Những người đàn bà bận bịu trong gian bếp. Những người đàn ông ngồi yên một chỗ. Tiếng dế và ve. Những màu xanh, màu trắng, màu vàng. Xe đạp và quán cà phê.

Vậy nên những hình ảnh và âm thanh trong phim đặc biệt rõ ràng. Có lục tìm khắp chốn tôi cũng chỉ tìm ra Vương Gia Vệ là người dựng được những thước phim rung động đến thế. Thứ phim của sự rón rén hững hờ, đến cả nỗi buồn cũng rón rén. Trong đó, thời gian không đo bằng phút và giờ mà chảy theo độ dài của bản nhạc. Và những màu sắc quá đẹp, rực rỡ rồi nhạt dần trong gang tấc, đi theo từng cái gảy khẽ trong tâm trạng nhân vật. Tôi tự hỏi có phải Trần Anh Hùng đã lấy cảm hứng từ Chungking Express hay một phim gì đó khác của vị đạo diễn người Hong Kong không. Chẳng biết nữa. Những thước phim của ông vẫn quá đỗi rung động.
Nghĩ đi nghĩ lại, tôi cũng nên nhắc lại bản thân một lần nữa. Mùa hè chiều thẳng đứng vốn dĩ chẳng nặng nề về cốt truyện. Thậm chí tôi còn chẳng gọi tên được chính xác bộ phim này nói về cái gì, nếu không muốn điểm qua tất cả chi tiết: tiếng chuông ngân, Liên thức dậy nũng nịu như mèo, bóng người cầm ô lướt qua phố, khuôn mặt Kiên khuất nửa trong bóng đêm, sự khám phá tính dục của Sương, vải lụa và người đàn ông, bó hoa khô treo ngược, đĩa bánh cuốn, điệu cười khúc khích, nhạc Trịnh, Khanh độn gối vào bụng và ngắm nghía trước gương, Hải thèm ăn khoai lang luộc, tiếng châu chấu kêu, ông lão ngồi trôi nổi giữa không trung, cám dỗ, lừa dối, sự tha thứ, những đoạn hội thoại hơi ngượng nghịu, mùi nắng xốn xang.
Ừ, là vậy đấy. 110 phút mà đến cuối cùng chỉ là những con người đang thở. Being instead of doing.