Bài review thứ 9 này, là về một cuốn truyện tranh, không phải sách.
Nhưng với trải nghiệm cá nhân của mình, nó xứng đáng có mặt trên kệ sách của mỗi người, những người đều đã từng trải qua thời học sinh ở Việt Nam, nghe rộng lớn quá, nhưng mình tin khi đã trải qua gia đoạn này, đều sẽ tìm thấy mình ở đâu đó khi đọc truyện.
Hôm rồi, trong cơn lũ tin tức về dịch bệnh, thì tình cờ mình đọc được 1 tin về một em gái thi chuyển cấp lớp 9 lên lớp 10 và trượt, không đủ điểm vào ngôi trường mẹ em mong muốn, và bà đã đánh em ngay trước cổng trường, sau khi xem kết quả trên bảng thông báo, bà vừa la hét vừa tát em, khi có người cản bà vẫn chưa thôi cơn thịnh nộ, sau đó, khi được phỏng vấn, em trả lời "mẹ bình thường vốn đã lớn tiếng, việc em trượt chắc là cú sốc với mẹ nên mẹ mới như vậy, giờ em lo cho mẹ quá, không biết mẹ có ổn không."
Câu chuyện đủ để khiến người đọc phải cảm thán, nhưng mình nghĩ, với nhiều người như mình, thẳm sâu trong lòng, sẽ thấy đây là chuyện "bình thường", vì trước đây, thời điểm đó, mình cũng từng trải qua chuyện tương tự, chỉ là, nhân vật khác, bối cảnh khác, cách phản ứng khác, cách xử lý khác, cảm xúc khác, nhưng nỗi nhục nhã ê chề, sự căm phẫn bùng nổ lại bị kìm chặt trong lòng như một quả bóng nén thì có lẽ giống nhau. Vì lúc đó, chúng ta chưa đủ trưởng thành để tự mình xì đi quả bóng đó, và chưa đủ trẻ con để ném nó đi như một món đồ chơi, và có lẽ lý do lớn nhất là, chúng ta luôn ở trong hoàn cảnh mà không biết phải làm gì, cũng không biết hỏi ai để tìm câu trả lời cho mớ boòng boong trong chính lòng mình, vậy là chúng ta cứ chông chênh đi tiếp, đi mãi, đến một ngày chợt nhận ra, thì ra, mình đã đi qua nó rồi, quá mừng rỡ, chúng ta chạy đi thật xa, thật xa, để không phải quay trở lại thời đó nữa...
Phương trong truyện là một người bạn của cô bé trong điểm tin ở trên, và cô bé cũng là bạn của một version 15 tuổi của chúng ta. 15 tuổi, học lớp 9, bạn có nhớ bạn lúc đó như thế nào không? Lúc đó, bạn là một học sinh chăm chỉ cần cù đang gò lưng cho kì thi tuyển "quan trọng không kèm kì thi đại học"? Hay bạn thường xuyên ngẩng mặt lên nhìn ra cửa sổ trong những tiết học nóng nổ đầu vì sức nóng của những ngày hè, trên tiết học "tăng cường" rồi tự hỏi "tại sao mình lại ở đây"? Hay bạn cúi mặt ngồi sau xe của người lớn và nghe họ huyên thuyên bất tận phân tích về những điểm trường trong quận, rồi im lặng như tờ khi họ hỏi đến việc học hành? Hay bạn vội chùi gương mặt lấm lem trước khi bước vào lớp vì cuộc cãi nhau trong bữa sáng chỉ vì điểm một môn nào đó đang ở mức nguy hiểm? Hay bạn đang cùng đám bạn thân của mình dồn một đứa học sinh khác vào góc tường và sắp sửa "trừng trị" nó chỉ vì nó được gắn mác "con người ta" và ba mẹ bạn còn nhắc tên nó nhiều nó hơn cả tên bạn?
Cô bé Phương có một cậu bạn thân cũng tên Phương. Cô và cậu như 2 chiếc vớ rách, khác màu, chiếc thì sờn gót, chiếc thì bạc thếch, nhưng một chiếc bên trái và một chiếc ben phải, đặt cạnh nhau, thành một đôi vừa vặn, khiếm khuyết một cách hoàn hảo cùng nhau. Cả 2 đều đang học lớp 9 ở một trường chuyên tỉnh, cả 2 đều đang bước vào mùa hè "chuyển tiếp" của đời học sinh. Dưới tán phượng vĩ rợp trời sắc đỏ, câu chuyện của 2 đứa được tác giả "vẽ" nên sống động như thể, lướt qua từng trang truyện, thực sự mình như được trở về với tuổi 15, 16 của chính mình.
Lớp 10 là khoảng thời gian mình cô đơn nhất trong lứa tuổi học sinh, mình chỉ có 1 người bạn thân, và nó cũng cô đơn y như mình, một lần mình đến lớp muộn, mình đi khập khễnh và khuôn mặt không giấu được một trận khóc tơi bời mới đó, mình vào lớp, ngồi cạnh nó như thường lệ, nhưng nó không tảng lờ mình như cách cả lớp và cô giáo lúc đó tảng lờ mình, nó gặng hỏi mình một hồi rồi vạch quần mình lên xem, rồi nó lặng nhìn vết roi chằng chịt trên đùi mình, và nó quay đi, mình thấy mắt nó đỏ. Rồi cũng có một lần, nó đến lớp muộn, mình đừng ở hành lang đợi mãi đợi mãi nó mới vào, 2 đứa đứng ở hành lang, im lặng, thật lâu nó mới lên tiếng, rằng em nó đã lấy hết tiền đóng học phí của nó để đi chơi game, và nó thì không thể nói với bố, vì nếu nói ra, người bị phạt không phải là em nó, mà là nó, và những trận phạt của bố nó đều là những cơn thịnh nộ trút xuống bằng vũ lực, rồi nó khóc.
Phương trong truyện là một cô gái nhỏ bé, có lẽ vì em còi, nhưng cũng có lẽ vì em mang trên mình kỳ vọng của mẹ em, sự kỳ vọng khốn nạn của một người phụ nữ trói cuộc đời mình vào đời của những đứa con mình, người phụ nữ hút lấy sự sống của con mình như chùm cây cộng sinh bám vào thân cây non vừa mới vươn lên đón ánh mặt trời, và khi cây non ấy muốn lớn lên theo cách của chính nó thì chùm cây cộng sinh đó ngay lập tức siết lấy em, bóp nghẹt những cành cây mọc ra ngoài khuông khổ, vặt trụi những chiếc lá ước mơ không nằm trong kế hoạch đúng đắn của nó. Mẹ Phương muốn Phương nằm trong top học chuyên, muốn em vượt trội, muốn em thành chiếc phao cứu sinh để đưa bà thoát khỏi vũng lầy bà tự tạo cho mình. Những phân cảnh trừng phạt của 2 mẹ con, tác gỉa không vẽ ra các từ tượng thanh như những truyện tranh khác để khiến bối cảnh sống động hơn với người đọc, giống như bạn đang xem một thước phim câm vậy, nhưng mỗi cái tát, mỗi cú giật vai, mỗi một đổ vỡ diễn ra trong ô vuông truyện, mình đều nghe rõ mồn một bên tai, nghe bằng chính kí ức âm thanh của mình, mình đã ở đó, đã từng ở đó, bạn mình cũng vậy, bạn của bạn mình cũng vậy, 100 đứa, 1000 đứa, hay 10000 đứa trẻ 15 tuổi lớn lên ở đất nước này, đều từng như vậy...
Câu chuyện trong mùa hè bất tận chỉ gói gọn trong 1 tập truyện, chắc cõ lẽ không dày hơn 1 cuốn Conan là bao nhiêu, nhưng đây có lẽ là quyển truyện tranh mình đọc lâu nhất, chậm nhất và in sâu trong lòng nhất từ trước đến nay vì tác giả không kể chuyện của mỗi Phương, hay chị Phương, hay mẹ, hay ba Phương, tác giả kể chuyện của mình, cho mình, và vì mình, vì mùa hè năm lớp 9 đỏ lửa ấy, vụt qua bằng những kì thi điểm số, nhưng kéo dài bất tận với những ngày thẫn thờ giữa sân trường đầy nắng và tự hỏi, giây phút này dường như đã thành mãi mãi.
Mình còn nhớ ngày thi môn cuối cùng của kì thi tốt nghiệp lớp 9, xung quanh mình toàn bóng dáng áo trắng đang túm tụm hoặc cúi mình trước một tập sách hay tài liệu nào đó, còn mình, mình cấm cuốn Conan mà không đọc, cứ ngồi ở góc cầu thang và ngước nhìn mãi lên trời, có thể vì mình ngu ngốc chủ quan vì hôm đó là thi môn mình giỏi nhất lúc ấy, nhưng nhiều hơn là vì lúc đó, mình thực sự không muốn bước vào phòng thi, mình không muốn kết thúc kì thi, mình không muốn gì cả, mình chỉ muốn ngồi đây và đóng băng vĩnh viễn mùa hè này, mùa hè mà mĩnh ngỡ kéo dài đến bất tận, trong sắc đỏ nhức mắt của cây phượng một ngôi trường xa lạ, ừ, lúc đó mình chỉ là một cô bé 15 tuổi, ngốc nghếch và dại khờ, chỉ có người lớn là khôn ngoan và từng trải, phải không?
Những ngày này các trang báo và mạng xã hội bắt đầu đua nhau đưa tin về điểm của những thủ khoa, những đứa trẻ 18 tuổi nổi tiếng sớm trong showbiz, hình ảnh các em được lục tìm và đưa lên cùng chiếc tít bắt tai, em nào xinh xắn ưa nhìn thì thêm vào các tính từ thời thượng, em nào không đủ chuẩn xinh thì thêm vào những lời khen có cánh hoặc xuất thân của các em. Những bên thứ 3 "hồn nhiên" này, chắc họ đâu thèm bận tâm đến mấy ngàn đứa trẻ khác được lôi theo một số rất ít những trường hợp đặc biệt "được lên báo" này một cách bất đắc dĩ.
Và, quay lại câu chuyện trong đầu bài, bao nhiêu giọt nước mắt sẽ rơi? bao nhiêu vết thương lòng rướm máu mãi không bao giờ lành? bao nhiêu tâm hồn non nớt sẽ mãi không còn trở lại như xưa? bao nhiêu mối quan hệ tình thân vỡ tan chỉ vì một (hoặc rất nhiều) kì thi vo6 nghĩa và hàng triệu con số vô hồn?
Phương và những đứa trẻ trong truyện, đoạn cuối, đều dấn bước vào một con đường do các em chọn, may mắn? Happy ending? Không, mình không nghĩ vậy, nhưng mình hy vọng là vậy, mình hy vọng ending trong truyện là cái kết khép lại mùa hè bất tận của các em, để nó có thể mở ra một mùa xuân, mùa thu, mùa đông, mùa hè khác, nơi các em sẽ vấn vấp ngã, vẫn té đau, vấn thất bại ê chề trước cuộc đời rộng lớn, nhưng ít ra, những chiếc cây non ngày nao giờ đã rũ bỏ được chùm rễ cộng sinh vốn là nền đất an toàn để cái cây đâm chồi thì lại biến thành gánh nặng và nỗi đau không bao giờ hàn gắn.
Bạn có nên đọc truyện không? Nếu như nó nặng nề như cách mình tả đến vậy, có chứ, nếu bạn có một tuổi mới lớn bình yên và hồn nhiên như rất nhiều đứa trẻ cùng thời hoặc bây giờ, truyện vẫn rất đáng để thưởng thức về mặt thẩm mỹ, tác giả - một người hoạ sĩ trẻ rất nghiêm túc với nghề và có một định hướng rất riêng về phong cách, đã chăm chút tỉa từng chiếc lá, từng cánh hoa để khi bạn mở ra một trang truyện, bạn sẽ thực sự như chìm đắm vào 1 ngày mùa hè nơi ngôi trường tỉnh lẻ, với những hành lang, những tà áo trắng, những ghế đá mòn vẹt, những bồn cây nhuốm màu thời gian qua bao đời học sinh, truyện chỉ 2 màu đen trắng, nhưng thời học sinh của mỗi người ai mà không ngập tràn sắc màu tuổi thơ, phải không bạn? Đằng sau những giọt nước mắt, dường như luôn có một nụ cười, một ánh mắt chân thành của những đứa bạn khùng điên tếu táo luôn ở đó đợi mình, cho mình cái tuổi 15 16 một dấu son mà nhớ về, mình vẫn tự mỉm cười và thấy mình may mắn.
<br>

Một lý do nhẹ cuối cùng nữa, là truyện của hoạ sĩ trẻ Việt Nam, mình không phải dân chuyên về minh hoạ hay thiết kế, nhưng mình đánh giá chất lượng của Mùa hè bất tận không hề kém cạnh các truyện đến từ vương quốc Manga Nhật Bản hay Hàn Quốc, thậm chí (hơi cá nhân một chút) mình thấy nó còn hay hơn khối đầu truyện mà mình từng đọc. Hãy đặt truyện nếu có thể, hãy thử về lại thời "những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng" trong "lần đầu ta gặp nhỏ trong nắng chiều bay bay" để bắt gặp lại một mình thời trẻ dại, đáng yêu, đáng thương và đáng trân trọng biết nhường nào, bạn nhé!
Challenge review 11 cuốn sách mình từng đọc, cuốn thứ 9.