Đây là bài tập trong lớp viết truyện ngắn của mình, cũng là truyện đầu tiên được đăng trên Hoa học trò 1409, lâu lâu đọc lại tự nhiên muốn share trên Spiderum. Hì, mong các bạn sẽ đọc (và comment cho mình biết). Mình đang bắt đầu từ bước bé xíu đầu tiên - đó là truyện ngắn.
An bước xuống phòng khách, nắng đổ trên sàn nhà gỗ giống như có đứa trẻ nghịch ngợm nào đó lỡ làm rơi một hũ mật ong. Đà Lạt mùa này hanh hao, những quả hồng đỏ mọng trên cây không mấy người buồn hái. Mùa đông là khi chứng trầm cảm theo mùa (SAD) của An quay lại. 
An chưa kể với ai về tình trạng này, sẽ chẳng ra làm sao nếu người ta cố lấy bệnh tình để khiến bản thân trở nên đặc biệt. Ba mẹ An đặc biệt vì họ là cặp đôi nghệ sĩ ăn ý nhất trong nhà hát. Anh trai An đặc biệt vì được chẩn đoán thuộc phổ tự kỷ thiên tài, năm 4 tuổi đã tự chơi dương cầm mà không cần hướng dẫn. Chị gái An đặc biệt vì thành thạo 3 ngoại ngữ và nhận học bổng toàn phần. Từ nhỏ, sống giữa một gia đình ai cũng rực rỡ, An đã thấy bản thân chỉ là tia sáng ảm đạm. Sâu thẳm, cô muốn trốn đi đâu đó để giấu đi sự bình thường tới lạc loài của mình.
Nhưng gia đình chưa từng bỏ rơi An. Họ yêu cô vô điều kiện và sẵn sàng đáp ứng những thứ cô thích. Càng như vậy, An lại càng cảm thấy mình nên thích ít đi một chút, bớt đòi hỏi một chút, hoặc chí ít ra, khiến người khác bớt phải lo lắng đi một chút. Cô thấy mình không xứng đáng được yêu thương.
Mùa đông năm nay bỗng trở nên rất dài. An ghét cái nóng bí bách của mùa hạ nhưng lại bất lực trước sự ảm đạm của mùa đông - thứ khiến hormone serotonin giảm dần và nỗi buồn lớn hơn. Cô quyết định sẽ tới Đà Lạt ít ngày - nơi dù mùa đông vẫn có nắng vàng cùng hoàng hôn rực rỡ.
Nỗi buồn giống như cơn viêm họng khiến An không muốn nói chuyện với ai. Tới ngày thứ 4 ở Ánh Sáng, chúng tan dần và trở nên dễ dịu hơn. Ánh Sáng là tên homestay An đang ở. Có rất nhiều lý do để cô chọn căn nhà nhỏ xíu này. Thứ nhất, cái tên giống với phương pháp trị liệu dành cho người mắc trầm cảm theo mùa, chưa kể tới chủ nhà cũng tên Huy (nghĩa là ánh hào quang rực rỡ). Thứ hai, quy định không đón tiếp nhóm khách từ 3 người trở lên và tuân thủ giữ im lặng sau 10 giờ tối. Thứ ba, quản gia là bà ngoại Huy, chẳng còn người làm nào khác nên hạn chế tối đa việc An cần giao tiếp với người lạ. Cuối cùng, An thích tranh Huy vẽ. Nghề chính của anh là hoạ sĩ, trong các ảnh để lại trên Fanpage, rất nhiều góc treo tranh hoạ người. Bức nào cũng bất đối xứng và do cách tô màu nên An luôn cảm thấy giống như có một lỗ hổng trên ngực trái của họ. 
***
Mỗi sáng, vào khung giờ An ngồi phơi nắng ngoài sân, anh sẽ tiến tới và tưới nước cho cây hồng. Mỗi chiều trước khi hoàng hôn xuống, An lại ra sân hoàn thiện nốt liệu trình 45 phút phơi nắng lần thứ hai trong ngày, cô thường bắt gặp Huy đứng trước cửa sổ, ăn một quả hồng trong lúc nhìn xa xăm. Chắc anh phải thích hồng trứng lắm. 
Huy nói chuyện vừa đủ, không hỏi An những điều ngoài chủ đề giữa một vị khách và chủ nhà. Nếu chẳng phải “liên quan tới cây hồng" hay tại các bữa ăn, An gần như chỉ thấy anh trong phòng bếp mỗi khi anh phụ ngoại dọn dẹp.
Hoàng hôn chiều nay giống màu của những quả hồng, mặt trời dần vỡ ra, loang lổ vào từng rặng mây. An quan sát mỗi giây đang lướt qua chóp mũi mình. Cô tưởng tượng thấy những tia sáng đi vào trong cơ thế, tới “lỗ hổng" trong trái tim, khâu vá từng xíu một. Ánh sáng yếu ớt dần rồi tắt hẳn, những vết khâu dở dang đợi ngày mai lại tiếp tục. 
- Ngày mai, em có muốn đi chợ sớm Đà Lạt không?
An giật mình, cô dừng lại nhìn Huy thật lâu rồi đáp:
- Sớm là mấy giờ?
- Là kịp cho giờ phơi nắng buổi sáng của em. Em sẽ ngồi ngoài sân vào lúc nắng lên khi 7 rưỡi đúng không?
An ngạc nhiên, sau đó gật đầu:
- Được. 
- Thế nhé. Mau chuẩn bị vào ăn cơm thôi. Bà nấu xong rồi đó.
An đứng dậy lên phòng tắm rửa. Trong lúc bước tới cầu thang, An vẫn nghe thấy tiếng bà và Huy trò chuyện:
- Hôm nay ngoại không bỏ hành vô thịt đó nha!
- Dạ, con thấy rồi. Mấy bữa con thấy cô ấy thường bỏ lại hành. 
***
Buổi sớm lạnh nhưng trong lành, cô ngồi sau xe Huy xuống chợ Đà Lạt. Làn khói từ những ấm nước đun sôi cùng cà phê mới pha tan vào sương. Họ ghé một quán bên hông chợ với những chiếc ghế thấp và bàn gỗ lụp xụp. 
- Anh có thường ghé đây không?
- Thỉnh thoảng. Anh không thích những chỗ quá đông… người du lịch - Huy mỉm cười.
An chột dạ, cười nhẹ:
- Thế tại sao lại dẫn em tới đây?
- Vì đã qua 4 ngày rồi mà em chưa rời khỏi homestay, như thế không giống như đi Đà Lạt lắm. 
- Thế người bản địa thì hay đi đâu?
- Cũng tới chỗ này, và tới cả… những chỗ khác nữa. Vì họ là người bản địa mà. 
- Họ á? Anh không nằm trong số họ ạ?
- Ừ, anh chuyển từ Sài Gòn về Đà Lạt năm 10 tuổi. Rồi đại học lại lên Sài Gòn, giờ thì trở về đây.
An không quá bất ngờ, giới nghệ sĩ vẫn thường tìm về Đà Lạt sau khi trải qua đủ thứ rắc rối ngoài kia. Nhưng Huy còn trẻ, người ta chẳng phải vẫn thích thú với điều mới mẻ khi còn trẻ đó sao:
- Vì sao anh trở về?
Huy nhấp một ngụm cà phê, đậm đà và ngấm vào khoang miệng, khác hẳn với kiểu cà phê ngọt sắc nhưng vị lại mỏng tang ở Sài Gòn:
 - Vì ngoại cần một người rửa bát. Với cả, mùa đông ở đây có rất nhiều hồng. 
- Anh thích ăn hồng đến vậy á?
- Ừ, rất thích. Thích đến nỗi mỗi lúc không biết làm gì, nghĩ gì, ăn gì, anh sẽ đều sẽ tìm đến hồng.
***
Sau buổi sáng hôm đó, hai ngày một lần, An sẽ bước ra khỏi homestay để tới bất kỳ đâu tại Đà Lạt. Có khi đi dạo quanh Hồ Xuân Hương, có khi tới quán cà phê bản địa mà Huy mách, có khi chỉ bước thật chậm tại con hẻm 15B Hùng Vương. Thấm thoát hai tuần trôi qua, cô không còn cứng nhắc chỉ thực hiện “những mũi khâu” trong lúc một mình tại sân nhà Ánh Sáng nữa. Nhiều hôm, An rủ Huy cùng đi dạo dưới nắng sớm. Anh cũng dần chấp nhận cô như một cơn gió lạ ghé qua, nghĩa là cô dễ chịu, mát rượi và hiền hòa hơn những vị khách thông thường. Lâu rồi, anh không rung động với điều gì theo cách đó. 
Chủ nhật cuối cùng An ở lại Đà Lạt, trời đổ mưa tầm tã, hội chứng trở nên dữ dội hơn. Huy nghe thấy tiếng cô nấc cụt vì khóc liên tục. Anh để ý vào những ngày nắng đẹp, An rất dễ cười và sẽ nói nhiều hơn chút. Vào hôm trời âm u, cô có xu hướng im lặng, chán ăn hay thậm chí khóc một mình như bây giờ. Trong cuộc đời Huy, đây chẳng phải lần đầu tiên anh âm thầm nhìn ai đó khóc. 
Một sáng năm 10 tuổi, má gọi anh dậy sớm, đem theo 2 vali về Đà Lạt ở cùng ngoại. Ba anh sau đó ghé qua đúng một lần để làm thủ tục rồi đi mãi mãi. Anh không biết người lớn có chuyện gì, anh chỉ thấy má lén khóc rất nhiều ngày sau đó. Một lần, má đứng dưới cây hồng, đôi vai run bần bật, đầu cúi thấp đến tội nghiệp. Anh chẳng nhịn được chạy lại hỏi vì sao, má vỗ về anh bảo:
- Má muốn ăn hồng nên mới ra đây thôi, mà gió lạnh quá.
Chắc phải khó xử lắm má mới nghĩ ra một lý do tuyệt vọng đến vậy. Sau lần đó, anh đã rút ra hai điều. Thứ nhất, má muốn được khóc một mình. Thứ hai, anh có thể vờ như má khóc vì muốn ăn hồng. Vậy nên bất cứ khi nào thấy mắt má đỏ quạnh, anh đều cố gắng mang tới một trái hồng. Liên tục như vậy trong tám năm, tới khi anh vào Đại học, căn bệnh độc ác cũng cướp má đi. 
Đợi tới khi tiếng sụt sịt trong phòng An hết hẳn, anh mới gõ cửa và mang theo một đĩa hồng. Càng sắp tới ngày bay về, số lần An khóc càng nhiều, cây hồng cũng trở nên thưa thớt. Có hôm, cô chẳng giấu nước mắt nữa, nhìn thẳng vào mắt anh mà kể:
- Mùa đông chết tiệt, bệnh trầm cảm chết tiệt, em cũng chết tiệt.
Huy vẫn bóc vỏ một quả hồng cho cô:
- Ừ, thế giới này thật nhiều chuyện chết tiệt. Cứ khóc cho hết chuyện chết tiệt đi. 
***
An đã rời Đà Lạt được hai ngày, bữa nay ngoại vẫn không bỏ hành vào thức ăn. Huy thấy kỳ lạ:
- Khách đã về rồi, ngoại vẫn quen không bỏ hành vào thức ăn sao? 
Ngoại cười đáp:
- Khách đã về rồi, sao con không mua hành khi đi chợ thế?
Huy mỉm cười, im lặng ăn tiếp:
- Sao con không nói với cô bé rằng con không muốn cô bé đi? Ngoại thấy cô bé đợi con rất lâu, suýt trễ cả giờ ra sân bay đó.
Huy vẫn im lặng, gắp thêm thức ăn bỏ vào bát ngoại:
- Không phải con nói ra thì người ta sẽ vì con mà không đi nữa. Quan trọng hơn, việc nói ra sẽ khiến cô bé biết mình có ý nghĩa trong mắt con thế nào. Đôi khi, điều đó khiến chúng ta tự tin mà sống tiếp. 
Huy ngẩng mặt lên nhìn ngoại hồi lâu, anh hỏi:
- Nếu có lần sau, con sẽ nói nhé ngoại. À, con không tìm thấy một bức tranh, ngoại có biết nó ở đâu không?
Lần này đến lượt ngoại im lặng ăn cơm.
***
Đêm trước ngày rời Đà Lạt, An vẫn khóc rất lớn trong phòng dù trời chẳng âm u. Anh cũng mang lên một đĩa hồng, đợi tới lúc cô lau khô nước mắt và ăn xong: 
- Anh chưa từng hỏi vì sao em hay khóc.
Huy cười trừ, đôi mắt nheo lại chẳng biết nói gì tiếp. An ngoảnh mặt nhìn ra phía cửa sổ, chậm chạp kể:
- Rất lâu rồi, em không nhớ vì sao mình khóc. Chỉ biết trái tim em rất bí bách, nó thắt lại, thế rồi nước mắt trào ra. Cuộc sống của em, nếu đứng từ ngoài nhìn vào ai cũng thấy thật may mắn. Em chẳng hiểu sao bản thân lại may mắn tới vậy, em sống nhợt nhạt như một ngọn cỏ. Nghĩa là chỉ lớn lên và cao hơn. Chẳng trổ bông, chẳng đơm hoa, chẳng ra quả. Đất đã cho em tất cả. Trong khi xung quanh, cây cối phải cạnh tranh chất dinh dưỡng, rụng lá vào mùa đông rồi rực rỡ vào mùa xuân. Sao em cứ quanh quẩn như thế nhỉ, chỉ nhìn quanh ngưỡng mộ nhưng lại chẳng làm gì khác cả?
Lần đầu tiên An nói nhiều về mình cho một người lạ tới vậy:
- Điều kỳ lạ là những cái cây trong vườn vẫn che chở em, như thể không hề nhận ra em là ngọn cỏ. Nếu một ngày nhận ra, chúng sẽ thất vọng lắm, vì cỏ chỉ âm thầm tước đi dinh dưỡng vốn dành cho chúng.
An đan hai bàn tay vào nhau, ánh mắt cúi xuống, cô đã dám nói ra điều mà mình giấu kín suốt bao nhiêu năm. Huy nhìn cô dịu dàng:
- Sao em biết những cái cây chưa nhận ra? Nhỡ mà họ yêu em, vì em là ngọn cỏ. Nhỡ mà họ chưa từng nghĩ em cướp đi điều gì của khu vườn. Họ chỉ biết khu vườn vì có em nên mới trọn vẹn. Nếu vậy thì sao? 
An thoáng giật mình. Cô nhìn anh thật lâu, rồi hỏi sau ngày mai anh có nhớ cô không. Huy ấp úng:
- Hãy để lại vài dòng trên giấy note nhé. Những vị khách vẫn làm vậy.
Sáng hôm sau, anh ra khỏi nhà từ sớm. An đợi anh về để chào tạm biệt tới suýt lỡ giờ bay. Ngoại rất hiểu đứa cháu tội nghiệp của mình, anh thường chẳng muốn trở thành sự vấn vương của ai cả. Ngoại đem theo bức tranh anh vẽ An dưới sân nhà đưa cho cô:
- Những sáng con phơi nắng ngoài sân, đứa bé này đã đứng sau con rất lâu. 
An nhìn mình trong bức tranh, vừa được nâng đỡ bởi ánh sáng, vừa được bao bọc dưới bóng mát của cây hồng. Cô thoải mái như một ngọn cỏ đầy sức sống.
- Con biết không, người ta nói trẻ con khi rời xa bố mẹ sẽ giống như có một lỗ hổng trong người. Đứa bé này của ngoại đã lớn lên với một lỗ hổng như vậy.
Ngoại cầm tay An:
- Mỗi ngày, ngoại đều nhìn thấy nó tự vá khoảng trống của mình. Từ khi có con, chuyện ấy dễ dàng hơn đôi chút. Nếu nó làm con buồn, thì chỉ vì nó cũng đang loay hoay thôi, cho nó thêm chút thời gian nghe con.
Huy vẫn không về nhà trước giờ An ra sân bay, cô bé để lại một tờ note như lời anh dặn. Trên đó viết: 
“Em đã nghĩ về câu hỏi của anh. Nhỡ cả khu vườn đều yêu em vì em là ngọn cỏ? Nếu em may mắn, em nên đối xử với nó như một món quà thay vì một gánh nặng. Cảm ơn đã giúp em nhận ra có những niềm thương không đòi hỏi phải cố gắng để trở nên xứng đáng, mà chỉ cần cảm nhận và để yên cho đối phương thương mình theo cách họ muốn. 
Còn nữa, sau này khi nhìn thấy những trái hồng, em sẽ nghĩ về anh".