Một góc nhìn khác về hạnh phúc
Tôi không thích cách đa số mọi người định nghĩa hay nói về “hạnh phúc”, bởi nó thường sặc mùi chân lý sáo rỗng, hoặc dựa trên những thước đo chủ quan, chứ không thực sự mang tính phổ quát.
Tôi không thích cách đa số mọi người định nghĩa hay nói về “hạnh phúc”, bởi nó thường sặc mùi chân lý sáo rỗng, hoặc dựa trên những thước đo chủ quan, chứ không thực sự mang tính phổ quát. Những diễn ngôn "hạnh phúc là/ khi/ như..." thường mang theo định kiến cá nhân hoặc là những nhận định mang tính tương đối về mặt khái niệm.
Thế nên, trong bài viết này, tôi sẽ mang đến một góc nhìn khác về “hạnh phúc”.
Hạnh phúc là gì?
Tuỳ vào cách định nghĩa mà hạnh phúc của mỗi người sẽ khác nhau, thế nên trong bài này mình sử dụng từ "hạnh phúc" (có ngoặc kép) để nói về trạng thái mà tất cả chúng ta đều hiểu theo cách thông thường. Còn về định nghĩa, hạnh phúc có thể định nghĩa là:
Bản năng con người mưu cầu hạnh phúc, nói một cách đơn giản là một cuộc sống trọn vẹn, đủ đầy (cả vật chất lẫn tinh thần) và không có sự phiền não. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, hội tụ đủ các cảm xúc tích cực riêng lẻ như : vui vẻ, hài lòng, mãn nguyện,.... Một cách hàm ẩn, hạnh phúc là trạng thái tất cả những mong muốn được đáp ứng (một cách đầy đủ).
Tất nhiên, cách cắt nghĩa này không thể bao hàm toàn bộ khái niệm, song để tránh trạng thái mông lung và quá chi tiết, ta sẽ giản lược khái niệm hạnh phúc thành những điều kiện cụ thể có thể đáp ứng được. Suy cho cùng, hạnh phúc chỉ đơn giản là khi chúng ta đạt tới được cái hiện thực mà chúng ta mong đợi.
Theo định nghĩa trên, chúng ta có những kỳ vọng về thực tế, dù ta nhận ra hay không. Điều này dẫn đến kết luận "Hạnh phúc là thứ bị điều kiện hoá", nghĩa là nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố để có thể tồn tại và nó sẽ biến mất khi không còn hội tụ đủ những điều kiện đó.
Vì sao chúng ta bất hạnh?
Đáng buồn, con người là một sinh vật bị điều kiện hoá, cũng giống như khái niệm hạnh phúc vậy. Mọi thứ tồn tại ắt sẽ đến lúc suy vong, nhưng ta lại có nhu cầu sở hữu mọi thứ và mưu cầu hạnh phúc sự đủ đầy. Từ nhận định trên, dễ thấy có hai trường hợp khiến ta không hạnh phúc - hay sự bất hạnh:
1. Thực tế không diễn ra như chúng ta mong đợi (kỳ vọng không được đáp ứng). 2. Hối tiếc về những gì đã mất (mất đi những gì khiến chúng ta hạnh phúc).
Ta thường không thực sự chú ý tới trường hợp đầu tiên, bởi cảm giác nó mang đến đơn thuần là sự không thoải mái và tuỳ vào mức độ kỳ vọng mà những cung bậc cảm xúc có thể khác nhau. Trừ khi ta để tâm, hoặc sự thất vọng lớn hơn ngưỡng nhận thức, ta sẽ thấy sự bất toại nguyện này xảy ra liên tục. Song, có lẽ tần suất trường hợp này xảy ra là quá thường xuyên, hoặc nó tất yếu đến nỗi ta vô thức xem nó là một điều bình thường trong đời sống thường nhật. Nếu dừng lại quán xét, bạn sẽ thấy có rất nhiều thứ không hoàn toàn trọn vẹn theo một cách rất chung (công việc, tài chính, gia đình, quan hệ,...).
Cái thứ hai thì dễ nhận thấy hơn, vì chúng ta ý thức về những gì mình mất hơn những gì mình đang có. Về cơ bản, sự mất mát liên quan mật thiết đến cơ chế sinh tồn, đặc biệt là trong ngữ cảnh ta đang có mọi thứ chúng ta muốn. Tuy nhiên, dù không thích nhưng chúng ta phải thừa nhận một chân lý, là không có gì tồn tại mãi mãi.
Nếu sự hạnh phúc đồng phụ thuộc vào một điều gì đó, thì khi yếu tố đó mất đi, bạn sẽ không còn hạnh phúc và có xu hướng tiếc nuối nó, đồng nghĩa với sự bất hạnh. Điều này dẫn đến một kết luận khác:
"Tồn tại hạnh phúc, tức tồn tại sự bất hạnh".
Vậy, chúng ta có thể sống "hạnh phúc"?
Nếu hạnh phúc là thứ bị điều kiện hoá, thì ta có thể sống một cách hạnh phúc được không? Câu trả lời là "CÓ". Mặc dù nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng mấu chốt của vấn đề không phải là tìm và duy trì hạnh phúc, nó nằm ở cách ta xử lý với sự bất hạnh. Thay vì "đi tìm hạnh phúc", hãy làm việc với đối nghịch của nó.
Như đã phân tích bên trên, hạnh phúc đồng nghĩa với việc đạt được những điều kiện lý tưởng theo kỳ vọng của chúng ta. Thế nên, trạng thái hạnh phúc sẽ xuất hiện và được duy trì khi hội đủ những yếu tố đó, cho tới khi nó kết thúc, nhường chỗ cho sự tiếc nuối. Để giảm thiểu sự hụt hẫng này - nhấn mạnh là giảm thiểu, không phải né tránh, muốn tránh cũng không được - ta cần nhìn lại 2 lý do khiến chúng ta bất hạnh và có những giải pháp thực tế.
1. Thực tế không diễn ra như chúng ta mong đợi:
Hãy tưởng tượng, bạn có một con lắc treo bằng một sợi dây, bên phải là hạnh phúc và bên trái là bất hạnh (như hình):
Như bạn thấy, biên độ càng lớn (càng hạnh phúc) thì lực trả về càng lớn (càng đau đớn, khổ sở). Tuy mang tính biểu tượng nhưng nguyên lý này phản ánh đúng với thực tế, rằng bạn không thể giữ con lắc nghiêng mãi về một bên (mãi hạnh phúc) và miễn là nó là nó còn giao động thì bạn còn lòng vòng trong sự sướng - khổ liên hồi. Thế nhưng, bản năng lại chính là thứ che mắt chúng ta khỏi sự thật: càng dính mắc với sự sung sướng thì cái gọi là hạnh phúc càng chỉ là phù du.
Bi hài là rất nhiều người có khả năng tự lừa dối bản thân bằng rất nhiều hình thức, kiểu mẫu như "chiếc ly đầy một nửa", "khổ trước, sướng sau",... Một cách vô thức, chúng ta luôn tìm cách tránh né khổ đau và vờ như nó không tồn tại, cho đến khi phải đối mặt với chúng. Và rồi khi đang trải nghiệm sự khổ sở, bản năng lại thôi thúc ta tìm cách thoát ra sớm nhất có thể để tìm kiếm sự sung sướng, thoả mãn. Việc này không sai, nhưng nó khiến ta vô tình bỏ qua cơ hội suy ngẫm về lý do tồn tại của cái motif lặp đi lặp lại này.
2. Hối tiếc về những gì đã mất.
Như đã nói ở trên, tâm trí nhạy cảm với sự mất mát hơn là sự sở hữu, nên ta thường không chú ý đến những gì mình đang có. Mất đi những điều khiến ta hạnh phúc thậm chí còn đau đớn hơn những gì ta cho là không quan trọng hay thậm chí là chưa từng có. Tâm trí luôn tìm cách đạt được càng nhiều càng tốt như một cơ chế sinh tồn, đồng thời cũng xem những gì đã có là một điều hiển nhiên, nên ta thường có xu hướng không quý trọng những gì ta đang có ở hiện tại.
Có lẽ vì thế mà cụm từ "chánh niệm" (mindfulness) đang phổ biến hơn bao giờ hết và được rao giảng khắp mọi nơi, mặc dù nó là một khái niệm không hề mới. Trớ trêu là ngày nay, chúng ta có quá nhiều sự phân tâm, nên tâm trí ta (mind) hiếm khi cảm thấy đủ đầy (full). Khi đạt được một thành tựu gì đó, ta sẽ có xu hướng cho rằng sự tồn tại của nó là hiển nhiên - không thể sống thiếu nó - và tìm kiếm những thành tựu mới. Tương tự như việc con lắc ngày càng được kéo lên cao dần vậy.
Bạn đã bao giờ tự hỏi sẽ ra sao nếu cuộc sống của bạn không có điện và internet trong vòng 1 tháng sẽ như thế nào chưa? Có lẽ là chưa, nhưng khá chắc là nó sẽ cực kỳ khốn khổ và bất toại. Bạn hạnh phúc vì có những người bạn tuyệt vời? Sẽ ra sao nếu một mai họ không còn ở cạnh hay coi bạn là một phần cuộc sống của họ? Có lẽ bạn có câu trả lời rồi, và khả năng cao là chúng ta đều không muốn nghĩ về viễn cảnh đó. Ta khó chịu khi nói về những viễn cảnh tồi tệ, nhưng ta không thể tránh khỏi nó. Nếu bạn tìm hạnh phúc, trước tiên, hãy nghĩ về sự bất hạnh và cái giá phải trả, tuỳ vào "vị trí con lắc" ở đâu thì sự khổ sở của ta sẽ tương ứng mức đó.
"Hạnh phúc" cần luyện tập
Vậy nên, càng sở hữu nhiều thì chúng ta càng khó dứt bỏ khoái cảm mà nó mang lại. Nhưng, sự thật là bạn không thực sự sở hữu bất cứ thứ gì cả: từ không khí bạn thở, thân thể của bạn, gia đình của bạn, hay di sản của bạn,... mọi thứ đều chuyển biến không ngừng và đến một lúc ta sẽ phải từ giã chúng. Việc nhận ra chân lý này thường sẽ mất khá nhiều thời gian để có thể hiểu và chuyển hoá nó vào đời sống của bạn. Tất nhiên, bạn không cần buông bỏ hết để sống như một thầy tu, tất cả những gì bạn cần làm chỉ đơn giản là làm việc với tâm trí mình. Hãy học cách nhận biết những gì bạn đang có, từ những thứ gần gũi nhất như hơi thở, cảm giác, suy nghĩ,... và tập cách nắm bắt, kiểm soát tâm trí bạn mọi khi có thể - là bạn đang thực hành "chánh niệm" rồi.
Khi đó, bạn sẽ dần nhận ra tất cả mọi thứ chỉ là cách chúng ta phản ánh với thực tại, rằng mọi kỳ vọng, ảo tưởng về sự sở hữu,... đều là sản phẩm của tâm trí, của bản năng. Trớ trêu là, ta càng cố gắng tìm hạnh phúc, ta sẽ chỉ càng thấy bất hạnh. Nhưng nếu có thể chấp nhận sự thật rằng thực tại không phục vụ ý chí hay mong muốn của chúng ta, bạn sẽ có thể duy trì "con lắc" của chính bạn ở vị trí ít bị lay động nhất.
Nói cách khác, hãy chấp nhận sự thật rằng thực tại không hoàn hảo, để tâm trí ở trạng thái "bình yên" - không buồn không vui và không lạc trong tâm trí của chính mình - đó mới là "hạnh phúc" trường tồn thật sự.
Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất