Một bài luận trong quá trình học Thạc sĩ Tâm lí lâm sàng: Nối kết học thuyết mà bạn tâm đắc với hướng thực hành
(*) Bài viết vào năm 2020, khi tôi 24 tuổi ...
(*) Bài viết vào năm 2020, khi tôi 24 tuổi
TIẾP CẬN TRỊ LIỆU HIỆN SINH
Khi còn là sinh viên năm 3 theo học về tâm lý (cách đây 03 năm), tôi đã có cơ hội để được học và tìm hiểu về trị liệu hiện sinh – năm đó tôi 21 tuổi. Cũng khoảng thời gian đó, tôi yêu thích cả hai triết thuyết: (1) Thân chủ trọng tâm (Carl Rogers) và (2) Trị liệu hiện sinh (nói chung). Cũng chính vì sự yêu thích với đầy những đam mê cho cả hai làm tôi mất đến hơn ba năm để thật sự gọi là tách bạch và không nhầm lẫn hai triết thuyết này. Tôi từng tin rằng hai triết thuyết này sinh ra là dành cho nhau, và cũng là dành cho tôi. Nhưng đây có lẽ là câu chuyện của 03 năm về trước, còn bây giờ, khi tự chất vấn bản thân về câu hỏi học thuyết tâm đắc, tôi chỉ còn một sự lựa chọn duy nhất là “Trị liệu hiện sinh”.
SỰ THAY ĐỔI
Tôi yêu thích triết học của Friedrich Nietzsche qua hai tập sách “Lời của Nietzsche cho người trẻ” (Shiratori Haruhiko). Tôi tình cờ nhìn thấy tuyển tập này tại nhà sách vào khoảng giữa năm 2019. Thật khó để diễn tả được cảm xúc của bản thân khi đọc và cảm nhận từng lời của Nietzsche qua sự tuyển lựa chọn lọc của Shiratori Haruhiko. Sau đó, tôi dành thời gian để tìm hiểu nhiều hơn về Nietzsche, tôi thấy thật sự tuyệt vời khi biết rằng ông là một trong những học giả lập nên nền tảng triết học cho liệu pháp hiện sinh hiện đại, bên cạnh Søren Kierkegaard, Martin Heidegger, Jean-Paul Sartre, và Martin Buber. Nietzsche đặt giá trị nội tại của một cá nhân trong “sức mạnh ý chí” – đây cũng là điểm tương đồng mà tôi bắt gặp nó tồn tại trong bản thân mình, xuất phát từ việc từ khi còn nhỏ, tôi đã đặt niềm tin của bản thân vào sức mạnh ý chí – tôi luôn tin rằng bản thân có thể vượt qua mọi thứ khi ý chí của tôi còn tồn tại, mãnh liệt như nó vốn có.
Trở về trước mốc thời gian trên 01 năm (2018), tôi được một người chị đáng kính trong nghề giới thiệu quyển “Những tạo vật của một ngày” ( Irvin D. Yalom). Đây cũng là một trong những quyển sách làm tôi say mê cả năm 2018, tôi đọc từng mẩu chuyện của Yalom và tưởng tưởng ra cách thức ông làm việc với thân chủ. Nếu với ai đó là sự khó hiểu thì riêng tôi, từng mẩu chuyện này lại dễ hiểu và thân quen đến lạ. Ở mốc thời gian này, tôi không bất ngờ lắm về việc Yalom là một trong những đại diện tiêu biểu của trị liệu tâm lý hiện sinh đương đại (do rằng chị đồng nghiệp đã giới thiệu trước với tôi vì biết tôi yêu thích hiện sinh từ trước đó), điều mà tôi bất ngờ đó chính là cách làm việc “tự tại” của ông qua từng câu chuyện. Trong tôi hiện hiển rõ lên suy nghĩ rằng: “Tôi muốn làm việc giống như thế, và chắc chắn là như vậy”. Yalom nhấn mạnh đến bốn quan điểm hiện sinh mà tôi vẫn luôn lưu tâm và chiêm nghiệm: (1) Cái chết; (2) Tự do và trách nhiệm; (3) Nỗi cô đơn hiện sinh; (4) Sự vô nghĩa. Ở cái tuổi 24 của bản thân, tôi không biết rằng nó có là quá sớm để bản thân luôn suy tư về 04 quan điểm trên hay không, tuy nhiên, việc suy tư về những điều này mang đến sự thú vị và củng cố quá trình trưởng thành về tâm trí trong tôi lớn lên rất nhiều.
Tôi biết đến quan điểm thứ 2 “Tự do và trách nhiệm” từ những ngày còn học năm 3 đại học (tức là khoảng 2017). Quan điểm này giúp tôi hiểu rõ về quyền tự do lựa chọn và việc chịu trách nhiệm của chính mình. Khi tôi có sự tự do trong tay, tôi chịu trách nhiệm với mọi quyết định của chính mình. Điều này cho tôi thấy một cuộc sống công bằng diễn ra trong tâm tưởng của riêng tôi, sẽ không huyền hoặc bản thân, cũng không đòi hỏi quá đáng ở mình hay người khác, và càng không đổ trách nhiệm của bản thân cho bất kỳ ai – Đó chính là cách mà tôi vận hành bấy lâu nay, ấy thế, khi thật sự tìm thấy điều này qua “Triết thuyết hiện sinh” – tôi thật sự vỡ òa xúc động. Ở quan điểm thứ (1) “Cái chết” và quan điểm thứ (3) Nỗi cô đơn hiện sinh – đây là những điều tồn tại trong trải nghiệm của riêng tôi, thoát ra khỏi sách vở. Khi biết đến Victor Frankl cũng là khoảng thời gian tôi lui tới khá nhiều ở bệnh viện, để chăm sóc bà và cả mẹ tôi bị ốm, năm đó bà tôi bệnh nặng – tôi nhớ mãi cảm giác lo sợ khi hình dung ra một ngày bà tôi sẽ không còn ở đó, tôi nín lặng trong nỗi lo sợ đến nỗi nghĩ rằng mình đã dừng thở được một khoảng khá lâu. Tôi đã tránh đi việc vào viện vào những ngày đầu bà nằm viện vì tôi biết bà bệnh nặng, thật tệ - đó là điều tôi nghĩ về chính mình lúc này. Nhưng rồi vứt bỏ mọi suy nghĩ, tôi tình nguyện xung phong là người sẽ ở lại trực đêm chăm bà, khoảng thời gian đó tôi đọc “Khi lỗi thuộc về những vì sao” của John Green và có một khoảng thời gian đủ dài để chiêm nghiệm về “cái chết” – của nhân vật trong truyện, nghĩ về sự ra đi của người thân cũng như cái chết của chính bản thân tôi. Thật may khi sau đó bà tôi đã khỏe lại và về nhà sinh hoạt bình thường, nhưng những ngày tháng ấy với tôi thực sự có ý nghĩa. Còn về “Nỗi cô đơn hiện sinh” – trải nghiệm này quen thuộc đến thường trực với tôi, ngay cả lúc này, khi tôi đang “chìm đắm” trong bài viết này, tôi vẫn trải nghiệm sâu sắc cảm giác của “nỗi cô đơn hiện sinh” trong con người mình. Những ngày đầu nhận ra điều này, thật sự tôi đã rất lo sợ, đã rất bất an, dần dần, tôi tiến dần đến việc tiếp nhận nó là một phần trong cuộc sống của mình, cho đến hiện tại – bình an với “nỗi cô đơn hiện sinh” luôn hiện hữu này. Cuối cùng phải nhắc đến quan điểm thứ 4 của Yalom “Sự vô nghĩa”, có lẽ đây chính là điều mà cá nhân tôi khó chấp nhận nhất trong quá trình lĩnh hội về Triết thuyết hiện sinh. “Sự vô nghĩa” không hề tồn tại trong tôi từ trước đó, tôi thường làm hoặc nghĩ mọi thứ với một ý nghĩa của riêng tôi, và đây cũng là một trong những sự chuyển biến quan trọng khi tôi dừng theo đuổi “Thân chủ trọng tâm” của Carl Rogers (như sự lựa chọn của 03 năm trước). Tôi biết đến “sự vô nghĩa” lần đầu qua người yêu của tôi, người đã đồng hành cùng tôi một chặng đường dài tính đến nay gần 6 năm. Quan điểm của bạn tôi nói rằng “cuộc sống này vô nghĩa”, cậu ta tin vào điều đó, và “ý nghĩa do chính chúng ta tạo ra”. Tôi đã từng phản ứng rất dữ dội với suy nghĩ này, vì tôi nghĩ tôi không chấp nhận được, nhưng cũng không phản biện để bảo vệ lý lẽ của riêng mình được. Và việc không thể bảo vệ được lý lẽ làm tôi lưu tâm đến điều này nhiều hơn, tôi nghĩ về nó, về những góc nhìn của tôi và người yêu tôi… hình như chúng không loại trừ nhau, mà là bổ sung cho nhau. Tôi hiểu vốn dĩ “cuộc sống vô nghĩa”, những ý nghĩa mà tôi từng đeo đuổi trước đó chính là cách tôi tự tạo ra ý nghĩa cho chính mình, tự kiến tạo cuộc sống mà tôi mong muốn.
Hai nhân vật mà tôi yêu thích kế tiếp không thể không kể đến Victor Frankl với “Liệu pháp ý nghĩa” và Rollo May với quan điểm “cần lòng can đảm để tồn tại”. Tôi từng đọc “Đi tìm lẽ sống” của Victor Frankl vào những ngày đầu khi mới biết về Triết thuyết hiện sinh. Câu chuyện của Victor thật sự có giá trị với tôi trong khoảng thời gian đó, một trải nghiệm thật sự của “tự do ý chí” giữa sự khắc nghiệt của cuộc sống. Nietzche từng nói: “Cái gì không giết được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn” quả thực đúng với những gì tôi hiểu khi đọc “Đi tìm lẽ sống” của Victor Frankl.
HIỆN TẠI CỦA TÔI
Sự lựa chọn về học thuyết tâm đắc và thực hành đối với tôi là cả một quá trình trải nghiệm của việc học, đọc và trải nghiệm cuộc sống của chính tôi. Những điều thuộc về chính mình làm tôi thật sự trân trọng, hiểu rõ, và yêu thích thật sự. Tôi nghĩ đây chính là nguồn lực của tôi trong ngành, tôi muốn sử dụng những nguồn lực của mình để cống hiến cho cuộc sống.
Để kết lại bài viết này, tôi xin lựa chọn một hình ảnh cho chính tôi – một cục long não – can đảm bước vào những nơi ẩm thấp tăm tối, can đảm dùng những điều mình có để “tỏa hương” một góc trời nhất định. Một ngày, cục long não sẽ thăng hoa đến tận cùng và biến mất vào không khí, tuy nhiên, việc nó đã từng dùng bản thân mình để làm thơm mát một góc trời tối là một sự thật không thể phủ nhận.
NGUỒN THAM KHẢO
Irvin D. Yalom (2017). Những tạo vật của một ngày.
Geral Corey (2015).Theory and Practice of Counseling and Psychotherapy (9th ed).
Prochaska, J. O., & Norcross, J. C (2014). Systems of psychotherapy: A transtheoretical analysis (8th ed).
Shiratori Haruhiko (2018). Lời của Nietzche cho người trẻ (Tập 1 & Tập 2).
Victor Frankl (2016). Đi tìm lẽ sống.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất