Chào anh em, vì đây là bài viết đầu tiên nên không thể tránh sai sót mong được nhận thêm sự góp ý từ mọi người.
Câu hỏi trên là một câu hỏi mình rất hay suy nghĩ trong những năm đón tết gần đây. Không phải tự nhiên mà lại có những đề xuất gộp tết tây với tết ta làm một vì dường như với đại đa số mọi người (đặc biệt là người ở thành phố lớn) cái gọi là không khí tết đã dần mất đi thay bằng những suy nghĩ về đồng tiền.
Mình còn nhớ cách đây vài năm khi mình còn là lứa học sinh thì không khí tết luôn hiện diện rõ. Qua những bộ đồ mới, những bao lì xì đỏ, những câu chúc từ người lớn, những buổi đi chơi với gia đình ở những nơi mà mọi người tụ họp lại rất đông,... Và thật sự mình thấy cùng với số tuổi đó nhưng ở thời điểm bây giờ thì hoàn toàn khác. Có thể kể đến như đa số học sinh từ cấp 3 đổ xuống tết đơn giản chỉ là được nghỉ học dài ngày và tiền từ lì xì hết. Vì thật sự khi đời sống ngày một phát triển thì những gì truyền thống cũng sẽ bị thay đổi theo.Ví dụ như vấn đề lì xì, từ 1 tập quán là đem lại may mắn với chỉ từ 5000 đến 10000 nay mỗi bao lì xì ít nhất cũng phải từ 20000 , 50000 hoặc cao hơn nữa là tiền đô, điều này vô thức khiến cho việc lì xì như là việc "kinh doanh" của các bạn học sinh vậy, mình đoán chắc nhiều bạn sẽ xị mặt ra và không vừa ý khi nhận những bao lì xì có giá trị thấp, thậm chí nhiều bạn còn ganh đua với nhau xem ai được nhiều tiền lì xì hơn. Đi chúc tết cùng bố mẹ ư ? Không đi cùng 1 nhóm bạn sẽ vui hơn. Đi du lịch cùng gia đình ư ? Không vì đa số từ lớp 8 9 trở lên các bạn ấy đã đi gần như nhiều nơi hơn cả những người trưởng thành rồi. Và với nhiều bạn việc tết ở nhà với gia đình là 1 điều gì đó cực kỳ nhàm chán. Khi ra ngoài kia có thể đi với người yêu, ngắm pháo hoa,... Và mình thấy khá ít bạn quan tâm đến cái gọi là không khí tết và cảm xúc của bố mẹ khi chỉ xòe tay xin tiền alo nhóm bạn và để bố mẹ ở nhà.
Đó là cái thứ 1 đối với lứa tuổi học sinh. Còn với cái thứ 2 lứa tuổi sinh viên trở lên. Cái này mình sẽ liên hệ với bản thân mình. Mình nhận ra một điều với sinh viên việc được về nhà ăn tết là rất vui, may mắn mình vẫn ý thức được và cảm nhận được không khí tết khi cùng nhà bán hàng, dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng mình nhận ra không khí không còn tất bận như xưa khi lớn ai cũng lo nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền. Mình thì luôn trăn trở khi việc part time của mình lương rất ít nên việc có 1 cái tết đúng nghĩa đầy đủ là 1 nỗi suy nghĩ khiến mình cảm thấy đau đầu. Mình biết rất nhiều bạn sinh viên còn tệ hơn nữa. Khi mà họ sẵn sàng không về quê đón tết mà còn tiếp nhận những công việc làm thêm trong những ngày tết vì lương lúc đó rất cao. Có nghĩa với sinh viên việc nghỉ tết không có gì là quá vui thú như thời đi học vì lịch học sinh viên có thể làm chủ. Và hơn nữa việc phải tự chủ tài chính là điều khiến nhiều sinh viên phải suy nghĩ, lo lắng. Và chính vì vật chất tăng khiến cho tinh thần ngày càng xuống và làm cho không khí tết trong mỗi người ngày càng phai nhạt đi.
Theo cá nhân mình, không khí tết thể hiện rõ nhất ở những vùng thôn quê. Mình chưa từng được đón tết ở quê bao giờ nhưng vừa rồi mình có về vào cuối năm và con người thôn quê sống rất đoàn kết và chân thật với nhau. Mình về chỉ 2 tuần nhưng cảm nhận rất rõ không chỉ từ anh em trong nhà cô dì chú bác mà còn từ những người hàng xóm sát vách, từ những quán chè quen thuộc hay những tiệm kem nhỏ. Dù là so với thành phố, vật chất nghèo hơn thật nhưng về tinh thần luôn đong đầy. Mình đã suýt khóc khi từ quê trở lại vào trong nam khi phải xa mọi người ở đó. Mình nhận ra rằng không khí tết sẽ tồn tại khi con người bỏ qua rào cản vật chất, bỏ qua sự dè chừng và phải luôn tin tưởng lẫn nhau thì mới đúng thật sự là không khí tết. Khi tất cả mọi người cùng tụ họp rôm rả, anh em trong nhà, hàng xóm quây quần bên nhau, cùng 1 mâm cỗ với những món ăn dân dã thì đó mới đúng là không khí tết truyền thống. Và như 1 định luận, có khó khăn về vật chất thì mới giàu về tình cảm.
Trên đây là suy nghĩ cá nhân của mình về không khí tết. Mong mọi người góp ý để mình hoàn thiện hơn.
#Ducky