Ngày 13.09.2019
"Quan niệm mới về lãnh đạo đòi hỏi các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp cần phải đặt sang một bên những mối quan tâm vị kỷ và trân trọng cách tiếp cận hợp tác, với việc ra quyết định dựa trên những giá trị cốt lõi và hỗ trợ cho sức khỏe hạnh phúc của tất cả các bên liên quan, bao gồm nhân loại và cây cỏ, không phải bởi vì đó là điều đúng mà chúng ta phải làm, mà bởi vì đó chính là chiến lược kinh doanh tốt nhất vì sự thành công và một tương lai bền vững cho tất cả." ~ Richard Barrett
Richard Barrett sáng lập Barrett Values Centre và là một tác giả, diễn giả, nhà tư tưởng tiên phong về lĩnh vực tiến hóa tâm thức, tinh thần lãnh đạo và văn hóa tổ chức dựa trên các giá trị cốt lõi.
Richard đã từng là một kỹ sư trong nhiều năm và tự tìm hiểu về Tâm Lý Học, Tâm Linh, Vật Lý và Chuyển Hóa Cá Nhân trong thời gian rảnh của mình. Mãi về sau ông mới trở thành một nhà tư vấn về các cấp độ tổ chức của tâm thức và được công nhận quốc tế với công trình này. Hiện giờ ông đang nghiên cứu nhiều về các cấp độ tâm thức của quốc gia và toàn cầu. Tầm nhìn trong câu trích dẫn trên của Barrett đòi hỏi tiếp cận tinh thần lãnh đạo từ quan điểm tiến hóa tâm thức của nhân loại.
CÁC CẤP ĐỘ TÂM THỨC CÁ NHÂN
Theo Barrett, mỗi con người trên hành tinh này tiến hóa và tăng trưởng tâm thức theo bảy giai đoạn. Mỗi giai đoạn tập trung vào một nhu cầu hiện hữu nhất định. Bảy nhu cầu này là những động lực chính trong tất cả mọi vấn đề của con người.
Mô hình cốt lõi trong cách tiếp cận của ông là bảy cấp độ động lực của con người:
7. Phụng sự - Service
6. Tạo nên sự khác biệt (điều có ý nghĩa) - Making a difference
5. Gắn kết nội bộ - Internal cohesion
4. Chuyển hóa - Transformation
3. Tự trọng - Self-esteem
2. Các mối quan hệ - Relationships
1. Sinh tồn - Survival
Ba cấp độ tâm thức đầu tiên tập trung vào mối quan tâm về bản thân của mỗi người - thỏa mãn nhu cầu sinh lý để thấy an toàn, nhu cầu tình cảm về yêu thương, và nhu cầu cảm thấy tốt đẹp về chính bản thân qua sự phát triển cảm giác tự hào trong việc chúng ta là ai, và một cảm giác tích cực về lòng tự trọng. Abraham Maslow gọi đây là những nhu cầu "thiếu hụt" (deficiency needs). Chúng ta không cảm thấy thỏa mãn dài lâu khi đáp ứng những nhu cầu này, nhưng nếu chúng không được đáp ứng chúng ta sẽ cảm thấy lo lắng. Khi chúng ta xem những nhu cầu này là tối quan trọng trong đời sống của mình, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi những kỳ vọng của những người xung quanh - môi trường xã hội (gia đình và nền văn hóa chúng ta đã lớn lên từ đó). Chúng ta hợp nhất và trung thành với những nhóm mà mình đồng hóa vào với họ. 
Cấp độ tâm thức thứ tư tập trung vào sự chuyển hóa - học cách quản lý, làm chủ và giải phóng tiềm thức, những niềm tin dựa trên nỗi sợ đã níu giữ chúng ta ở những tầng tâm thức dưới thấp. Trong giai đoạn phát triển này, chúng ta thiết lập một "tiếng nói" của riêng mình, thẩm quyền cá nhân của riêng mình. Chúng ta có thể buông bỏ nhu cầu đồng hóa với môi trường xã hội bởi vì chúng ta đã học được cách làm chủ những nhu cầu "thiếu hụt" (deficiency needs) của mình. Giờ đây chúng ta chọn sống với những giá trị và niềm tin cộng hưởng sâu sắc với chính con người mình. Chúng ta bắt đầu quá trình tự thể hiện bản thân bằng cách tập trung vào sự phát triển cá tính của mình. 
Ba cấp độ tâm thức cao hơn tập trung vào nhu cầu tinh thần, mong muốn tìm kiếm ý nghĩa và mục đích cao cả cho sự hiện hữu của mình; bằng cách tạo nên điều gì đó có ý nghĩa cho đời, và sống một cuộc đời phụng sự vô kỷ. Abraham Maslow gọi đây là những nhu cầu "tăng trưởng". Khi những nhu cầu này được thỏa mãn, chúng không mất đi. Chúng củng cố sâu sắc hơn các động lực và cam kết. Trong giai đoạn phát triển này, chúng ta ngày càng tăng trưởng khả năng đứng lui lại và phản tỉnh, chiêm nghiệm về những điểm mạnh và hạn chế trong tư tưởng của riêng mình. Chúng ta học cách trở nên là người quan sát của chính mình, và phát triển một chiếc la bàn nội tâm dẫn dắt theo trực giác để đưa ra những quyết định cho cuộc đời.


Mô hình các cấp độ tâm thức cá nhân [Barret Values Centre]
Những người chỉ tập trung vào việc thỏa mãn các nhu cầu dưới thấp có xu hướng sống vị kỷ và nông cạn. Họ chịu ảnh hưởng lớn bởi những nỗi lo lắng và nỗi sợ về việc thỏa mãn các nhu cầu "thiếu hụt" của mình. Những người chỉ tập trung vào việc thỏa mãn các nhu cầu cao hơn có khuynh hướng thiếu những kỹ năng cần thiết để duy trì sự "tiếp đất" (thực tế) và hoạt động một cách hiệu quả trong thế giới vật chất. Họ có thể thiếu hiệu quả và thiếu thực tế về các nhu cầu cơ bản của mình.
Tâm Thức Toàn Phổ (Full Spectrum Consciousness)
Những cá nhân thành công nhất là những người cân bằng cả hai, những nhu cầu "thiếu hụt" và những nhu cầu "tăng trưởng" của mình. Họ hoạt động từ Tâm Thức Toàn Phổ (Full Spectrum Consciousness). Họ tin tưởng vào những người khác, có khả năng quản lý phức hợp, và có thể hồi đáp hay thích ứng nhanh chóng với mọi hoàn cảnh. Những cá nhân hoạt động với Tâm Thức Toàn Phổ có tất cả các phẩm tính tích cực của Bảy Cấp Độ Tâm Thức:
• Họ làm chủ tâm thức sinh tồn qua việc phát triển các kỹ năng thực tế cần thiết để bảo đảm nhu cầu an toàn vật chất.
• Họ làm chủ tâm thức mối quan hệ qua việc phát triển các kỹ năng giao tiếp cần thiết dẫn đến một cảm giác thuộc về và được yêu thương.
• Họ làm chủ tâm thức tự trọng qua việc phát triển một cảm giác tích cực về giá trị bản thân và một cảm giác tự hào về con người mình và cách mình thể hiện bản thân.
• Họ làm chủ tâm thức chuyển hóa qua việc học cách quản lý, chế ngự hay giải phóng tiềm thức và ý thức, các niềm tin dựa trên nỗi sợ làm họ lo lắng về việc thỏa mãn các nhu cầu "thiếu hụt".
• Họ làm chủ tâm thức gắn kết nội tại khi họ thể hiện ý nghĩa mục đích cuộc sống hay ý nghĩa siêu việt của bản thân về hiện hữu.
• Họ làm chủ tâm thức tạo nên sự khác biệt qua việc hiện thực hóa ý nghĩa cuộc sống bằng sự hợp tác với những người khác để đóng góp vào thế giới.
• Họ làm chủ tâm thức phụng sự khi việc tạo nên sự khác biệt (tạo nên điều gì đó có ý nghĩa) trở thành lối sống và họ trân trọng khái niệm phụng sự vô kỷ.
Việc làm chủ thành công ở mỗi cấp độ tâm thức hay giai đoạn phát triển gồm hai bước: thứ nhất, trở nên ý thức về nhu cầu khởi sinh, và thứ hai, phát triển các kỹ năng cần thiết để thỏa mãn nhu cầu đó.
Việc học cách quản lý các nhu cầu của chúng ta là một quá trình suốt đời. Ngay cả khi chúng ta đã học cách trở thành tác giả của chính cuộc đời mình - trở thành một cá nhân tự hiện thực hóa bản thân - chúng ta sẽ thấy những tình huống phát sinh ở nơi chúng ta khám phá ra rằng chúng ta vẫn còn có những niềm tin giới hạn níu giữ mình ở những cấp độ tâm thức thấp hơn - những tình huống làm chúng ta mệt mỏi hay lo lắng và sợ hãi. Vì thế, điều quan trọng là phát triển một sự thấu hiểu sâu sắc về bản thân và học các kỹ năng cần thiết để quản lý sự chuyển hóa của chính mình nếu bạn muốn tìm thấy sự viên mãn trong cuộc đời.
CÁC CẤP ĐỘ TÂM THỨC LÃNH ĐẠO
Các lãnh đạo trưởng thành qua việc học cách làm chủ Bảy Cấp Độ Tâm Thức Cá Nhân và Bảy Cấp Độ Tâm Thức Tổ Chức. Một nhà lãnh đạo thực thụ, thể hiện Tâm Thức Toàn Phổ (Full Spectrum Consciousness), phải hiểu và nắm vững các động lực bản thân, cũng như các động lực của tổ chức hay đội nhóm mà họ dẫn dắt.
Ở ba cấp độ tâm thức lãnh đạo đầu tiên, chúng ta thấy có cả những hành vi lành mạnh và không lành mạnh. Những nhà lãnh đạo hoạt động chủ yếu từ ba cấp độ này thường 'quản lý - managing' những người khác hơn là thực sự 'dẫn dắt - leading'. Những hành xử không lành mình xuất phát từ những nỗi sợ hiện hữu của bản ngã của người lãnh đạo: không đủ tiền, nhu cầu bảo vệ hay nhu cầu an toàn của bản ngã; sợ không đủ yêu thương, chăm sóc hay chấp nhạn để thỏa mãn nhu cầu thuộc về của bản ngã; và sợ không đủ quyền lực, hay địa vị để thỏa mãn nhu cầu được công nhận và tôn trọng của bản ngã.
Những khía cạnh tiêu cực của ba cấp độ tâm thức đầu tiên bắt đầu tan biến ở cấp độ tâm thức thứ 4 khi nhà lãnh đạo học cách buông bỏ những nỗi sợ của mình. Điều này có thể đòi hỏi một sự rèn luyện tinh thần lãnh đạo bản thân đáng kể. Bản ngã phải đối mặt với những niềm tin dựa trên nỗi sợ trong tiềm thức từ thơ ấu về việc không cảm thấy an toàn, không cảm thấy được yêu thương, và không cảm thấy được tôn trọng, và phải hoặc là quản lý, làm chủ chúng hay giải phóng chúng. Đây là những nỗi sợ giữ chúng ta bị kẹt trong những động lực của ba cấp độ tâm thức dưới thấp đầu tiên, thể hiện cho những nhu cầu thiếu hụt của chúng ta.
Khi những nỗi sợ trong tiềm thức này tan biến, bản ngã của nhà lãnh đạo trở nên tự do để đón nhận những động lực cao cả hơn từ linh hồn. Linh hồn mong mỏi tìm ý nghĩa cuộc sống qua một lẽ sống hay mục đích gần với thôi thúc từ trái tim. Nó muốn tìm sự viên mãn qua việc trao đi món quà độc đáo của nó và khám phá sức sáng tạo của riêng mình. Ở cấp độ tâm thức thứ 4, bản ngã bắt đầu học cách hòa hợp các động lực của nó với những động lực của linh hồn.
Một cá nhân có khả năng tiếp cận cấp độ tâm thức thứ 5 khi bản ngã và linh hồn đạt đến sự gắn kết nội tại - khi nhà lãnh đạo học cách quản lý hay làm chủ những nỗi sợ trong tiềm thức của mình và tìm thấy ý nghĩa siêu việt của cuộc sống. Khi chúng ta khai mở mục đích linh hồn, chúng ta có thể thiết lập một sứ mệnh và tầm nhìn cho đời sống mình và chạm vào những cấp độ sâu sắc nhất của đam mê và sức sáng tạo. Khi chúng ta học cách hợp tác với những người khác để thực hiện tầm nhìn, lý tưởng của mình, chúng ta tiếp cận được tâm thức cấp độ 6 và chúng ta bắt đầu tạo nên một sự khác biệt trên thế giới. Khi việc tạo nên điều khác biệt (điều ý nghĩa) cho đời trở thành lối sống, chúng ta tiếp cận đến tâm thức cấp độ 7.

Mô hình các cấp độ tâm thức lãnh đạo [Barret Values Centre]
CẤP ĐỘ 1: NHÀ QUẢN LÝ KHỦNG HOẢNG
Tích cực: Những nhà lãnh đạo ở cấp độ 1 hiểu được tầm quan trọng của lợi nhuận, họ quản lý ngân sách kỹ lưỡng. Họ chăm lo cho sức khỏe và an toàn của nhân viên. Họ cẩn trọng đúng mực trong những tình huống phức tạp. Họ duy trì một góc nhìn dài hạn khi giải quyết những vấn đề và mục tiêu ngắn hạn. Họ thúc đẩy văn hóa tuân thủ, luật lệ. Một trong những đặc tính quan trọng nhất của những nhà lãnh đạo Cấp Độ 1 là khả năng giải quyết khủng hoảng. Khi vấn đề sinh tồn của tổ chức bị đe dọa, họ biết cách kiểm soát. Họ điềm tĩnh giữa sự hỗn loạn và quyết đoán giữa hiểm nguy. Trong những tình huống như vậy, nhà lãnh đạo có thể cần khoác lên lớp áo của sự độc tài.
Tiêu cực: Khi nhà lãnh đạo hoạt động thường xuyên như một nhà độc tài, họ sẽ nhanh chóng đánh mất lòng tin và sự tận tâm của những người theo họ. Lý do mà những nhà lãnh đạo dùng phong cách độc tài để có điều họ muốn thường là bởi vì họ thấy khó để làm sao vận động mọi người theo một cách cởi mở và hiệu quả. Họ sợ mất quyền lực bởi vì họ khó tin tưởng những người khác. Những nỗi sợ hiện hữu về sinh tồn và an toàn trong họ càng lớn thì họ càng trở nên ngại ngần mạo hiểm. Những nhà độc tài có thể dễ nổi nóng và không thể nói chuyện về những cảm xúc. Họ kiềm nén cảm xúc và giấu con người chân thật của mình đằng sau vị thế thẩm quyền của mình. Họ có thể là những người rất cô đơn. Nếu họ có những bất an về tiền bạc, họ có thể sẽ tham lam cho dù có rất nhiều và đối với họ không bao giờ là đủ. Họ chỉ tập trung vào những kết quả ngắn hạn. Những nhà độc tài thúc đẩy bởi nỗi sợ gây nên một bầu không khí làm việc không lành mạnh. Họ hiếm khi thư giãn nghỉ ngơi. Họ bị hao mòn bởi chính những nỗi sợ trong tiềm thức của mình.
CẤP ĐỘ 2: NHÀ QUẢN LÝ MỐI QUAN HỆ 
Tích cực: Những nhà lãnh đạo mối quan hệ giải quyết mâu thuẫn dễ dàng và dành nhiều thời gian xây dựng những mối quan hệ hài hòa. Họ không chạy trốn hay giấu đi những cảm xúc của mình. Họ sử dụng những kỹ năng mối quan hệ để giải quyết những vấn đề giao tiếp khó khăn và xây dựng lòng trung thành với nhân viên. Họ tin vào sự giao tiếp cởi mở. Họ ghi nhận và khen nhân viên khi hoàn thành tốt công việc. Nhân viên có thể dễ dàng tiếp cận họ. Tiêu cực: Khi những nhà lãnh đạo có những nỗi sợ của sự thuộc về (belonging) trong tiềm thức, họ sợ đối mặt với cảm xúc của chính mình hay của những người khác, họ né tránh mâu thuẫn và không còn thẳng thắn trong giao tiếp. Họ cố gắng khoác mặt nạ lên những cảm xúc thật của mình đằng sau sự hài hước hay bảo vệ bản thân bằng cách trách mắng những người khác khi có chuyện. Những nhà quản lý mối quan hệ thường bảo vệ người của họ, và ngược lại cũng đòi hỏi lòng trung thành, kỷ luật và sự phục tùng. Họ thường gia trưởng và truyền thống. Những người gia trưởng thường thấy khó để tin tưởng những ai không thuộc "gia đình" của họ.
CẤP ĐỘ 3: NHÀ QUẢN LÝ HIỆU SUẤT HOẠT ĐỘNG
Tích cực: Những nhà quản lý hiệu suất đưa logic và khoa học vào công việc của mình. Họ sử dụng những thước đo để quản lý hiệu suất. Họ xây dựng những hệ thống và quy trình tạo nên trật tự và hiệu quả và làm tăng năng suất. Họ có những kỹ năng phân tích mạnh mẽ. Họ tư duy một cách chiến lược và hành động nhanh chóng để nắm bắt các cơ hội. Họ lý trí khi đưa ra quyết định. Những nhà quản lý hiệu suất tập trung vào bên trong giỏi việc tổ chức thông tin và giám sát các kết quả. Những nhà quản lý hiệu suất tập trung hướng ra bên ngoài dự đoán những vấn đề và giải quyết cho công việc được chạy trôi chảy. Họ lên kế hoạch và sắp đặt ưu tiên cho công việc của mình, bảo đảm sự ổn định và liên tục. Họ tạo nên những chương trình và thích mọi thứ nằm trong sự kiểm soát. Họ tập trung vào sự nghiệp và sẵn sàng học những kỹ năng và những khả năng mới nếu chúng hữu ích cho sự phát triển chuyên môn của họ. Họ muốn học những kỹ thuật quản lý mới nhất để có thể hướng đến chất lượng và độ xuất sắc. Họ muốn thành công và muốn là người giỏi nhất. Họ có một niềm tự hào lành mạnh trong công việc của mình.
Tiêu cực: Khi những nhu cầu thuộc lòng tự trọng của một nhà quản lý hiệu suất bị thúc đẩy bởi những nỗi sợ trong tiềm thức, họ trở nên khao khát quyền lực và sự công nhận. Họ xây dựng những đế chế để phô diễn quyền lực của mình, hay họ xây dựng những bộ máy quan liêu và thứ bậc để thể hiện thẩm quyền của mình. Họ có thể là những người định hướng bởi thành tựu và cạnh tranh với những đồng nghiệp để có thể lên đỉnh và giành lấy những vị thế. Lòng tự trọng của họ bị phụ thuộc vào bên ngoài, từ sự công nhận của những người khác. Vì thế, hình ảnh trở nên rất quan trọng. Họ sẽ muốn mua một ngôi nhà to, lái chiếc xe xịn nhất... Và họ muốn thể hiện. Họ kỹ lưỡng với tủ quần áo của mình. Họ thường quan tâm về vẻ ngoài của mọi thứ trông thế nào hơn là bản chất thực sự bên trong của chúng. Lòng tự trọng của họ thường là dựa trên công việc của họ. Hệ quả là họ thường làm việc nhiều giờ và bỏ quên mất bản thân và gia đình của mình. Đôi khi họ sống không lành mạnh vì mất cân bằng. Họ bị hao mòn bởi công việc bởi vì đó là nơi họ đặt lòng tự trọng của mình vào.
CẤP ĐỘ 4: NGƯỜI HƯỚNG DẪN (FACILITATOR)/NGƯỜI TẠO ẢNH HƯỞNG
Đây là cấp độ mà nhà lãnh đạo tập trung vào phát triển những mặt tích cực của con người mình qua việc học cách quản lý, làm chủ hay giải phóng những nỗi sợ níu giữ họ kẹt trong những cấp độ tâm thức thấp hơn.
Người hướng dẫn sẵn sàng tham vấn, xây dựng sự đồng thuận và trao quyền cho nhân viên mình. Họ nhận ra rằng họ không cần phải có tất cả các câu trả lời. Họ trao cho nhân viên mình sự tự do với trách nhiệm; để nhân viên tự chịu trách nhiệm cho những đầu ra và kết quả. Họ nghiên cứu và phát triển những ý tưởng mới. Họ đánh giá rủi ro trước khi bước vào những phi vụ mới. Họ thúc đẩy sự tham gia, bình đẳng và đa dạng. Họ bỏ qua hay xóa bỏ hệ thống thứ bậc (hierarchy). Họ thích ứng và linh hoạt. Họ trân trọng việc liên tục học hỏi. Họ chủ động tham gia vào việc phát triển bản thân của riêng mình và khuyến khích nhân viên mình hoạt động trong những chương trình thúc đẩy sự phát triển cá nhân.
Họ tìm kiếm sự cân bằng trong đời sống qua việc hợp nhất bản thân. Cân bằng dẫn đến việc tách rời và độc lập và cho phép họ trở nên khách quan về những điểm mạnh và điểm yếu của mình. Họ học cách giải phóng những nỗi sợ để có thể chuyển từ việc định hướng bởi bên ngoài đến việc định hướng bởi từ bên trong. Họ trong quá trình tự thực chứng bản thân (self-actualization). Họ đang trên một hành trình phát triển cá nhân. Khi họ buông bỏ nhu cầu cần được công nhận bởi bên ngoài, họ bắt đầu khám phá về con người thực sự của chính mình. Họ trở nên là những người có thể truyền động lực cho những người khác, khuyến khích những người khác biểu lộ bản thân và chia sẻ những ý tưởng của họ. Họ khuyến khích đổi mới sáng tạo. Họ tập trung vào xây dựng đội ngũ. Họ tiếp cận cuộc sống với lòng dũng cảm, không sợ hãi, và thích những thách thức mới. Những người hướng dẫn (facilitator) là những người đang trong quá trình chuyển đổi từ trở thành một nhà quản lý đến trở thành một nhà lãnh đạo.
CẤP ĐỘ 5: NHÀ LÃNH ĐẠO TRUYỀN CẢM HỨNG 
Nhà lãnh đạo truyền cảm hứng là một cá nhân tự thực chứng, người xây dựng một tầm nhìn và sứ mệnh cho tổ chức mà điều đó truyền cảm hứng cho nhân viên, khách hàng và xã hội. Họ thúc đẩy một tập hợp các giá trị chung và hành xử phù hợp hướng dẫn cho quá trình ra quyết định trong toàn tổ chức. Họ thể hiện tính chính trực và là những tấm gương sống về tinh thần lãnh đạo dựa trên các giá trị nhân văn cốt lõi. Lời nói của họ đi đôi với việc làm. Họ xây dựng sự gắn kết và tập trung qua việc đưa sự hợp nhất các giá trị và sứ mệnh đến toàn thể công ty. Khi làm như vậy, họ nâng cao khả năng hành động tập thể của công ty. Họ tận dụng các cơ hội để hợp tác. Bằng cách tạo nên một môi trường cởi mở, công bằng và minh bạch, họ xây dựng lòng tin và cam kết giữa mọi người. Văn hóa mà họ tạo ra giải phóng lòng nhiệt tình, đam mê, và sức sáng tạo ở tất cả các cấp độ của tổ chức. Họ thường quan tâm đến việc có được kết quả tốt nhất cho mọi người hơn là cho bản thân mình. Họ tập trung vào đại nghĩa, điều tốt đẹp cao cả chung (the common good). Họ là những người giải quyết vấn đề sáng tạo.
Họ xem xét vấn đề từ một góc nhìn hệ thống, nhìn thấy vượt ra ngoài những biên giới nguyên nhân và hậu quả hạn hẹp. Họ trung thực và đáng tin và chính trực trong tất cả mọi việc họ làm. Họ tự tin giải quyết mọi tình huống. Sự tự tin và cởi mở này cho phép họ xem lại những vấn đề như những cơ hội. Họ làm rõ những ưu tiên bằng cách liên hệ đến tầm nhìn và sứ mệnh. Họ thể hiện trí thông minh cảm xúc, trí thông minh xã hội, trí thông minh tri thức. Người tích hợp/người truyền cảm hứng giỏi trong việc khơi dậy những điều tốt đẹp nhất trong mọi người.
CẤP ĐỘ 6: NHÀ CỐ VẤN/NHÀ LÃNH ĐẠO HỢP TÁC 
Người cố vấn/đối tác được thúc đẩy bởi nhu cầu tạo nên một sự khác biệt trên thế giới. Họ là những nhà lãnh đạo phụng sự thực thụ trong việc họ công nhận và tập trung vào xây dựng một môi trường làm việc nơi những cá nhân có thể tìm thấy đam mê và phát triển những tiềm năng của họ. Họ tạo ra những sự hợp tác mang lại lợi ích cho tất cả và những đồng minh chiến lược với những cá nhân hay nhóm khác cùng chia sẻ các giá trị, tầm nhìn và mục tiêu chung. Họ hợp tác với khách hàng và những nhà cung cấp để các bên cùng có lợi. Họ nhận ra tầm quan trọng của môi trường và hướng đến vận hành công ty thân thiện với môi trường. Họ thể hiện sự thấu cảm. Họ quan tâm đến nhân viên của mình, tìm cách để giúp đỡ nhân viên tìm thấy sự viên mãn cá nhân trong công việc. Họ tạo ra một môi trường nơi mọi người có thể vượt trội, xuất sắc. Họ tích cực trong việc xây dựng một nguồn lực các tài năng cho tổ chức qua việc cố vấn, hướng dẫn và huấn luyện nhân viên. Họ là những người ra quyết định theo trực giác. Họ không phân biệt mà mang tính bao gồm, tôn trọng sự đa dạng, khác biệt. Họ cũng có thể tích cực trong cộng đồng địa phương, xây dựng những mối quan hệ bên ngoài tạo nên thiện chí.
CẤP ĐỘ 7: NHÀ LÃNH ĐẠO VỚI TẦM NHÌN LỚN - NHÀ LÃNH ĐẠO MINH TRIẾT
Những nhà lãnh đạo minh triết được thúc đẩy bởi nhu cầu phụng sự thế giới. Tầm nhìn của họ là toàn cầu và họ có một quan điểm toàn thể về đời sống. Họ tập trung vào những câu hỏi, "Tôi có thể giúp như thế nào?" và "Tôi có thể làm gì? Họ quan tâm đến tình trạng của thế giới. Họ cũng quan tâm đến hậu quả mà chúng ta đang để lại cho những thế hệ tương lai. Họ không thỏa hiệp những hậu quả trong dài hạn với những lợi ích ngắn hạn. Họ sử dụng sức ảnh hưởng của mình để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn. Họ nhìn thấy sứ mệnh của chính mình và sứ mệnh của tổ chức mình từ một góc nhìn xã hội rộng lớn hơn. Họ cam kết với trách nhiệm xã hội. Đối với họ, thế giới là một mạng lưới phức tạp, kết nối lẫn nhau, và họ hiểu vai trò của mình. Họ hành động với sự khiêm tốn và lòng trắc ẩn từ bi. Họ rộng lượng, quảng đại và kiên nhẫn. Họ thoải mái với những điều không chắc chắn (uncertainty) và có thể chịu đựng sự mơ hồ (ambiguity). Họ tận hưởng sự cô đơn vắng vẻ tĩnh mịch, ẩn dật và chiêm nghiệm, suy tư. Những nhà lãnh đạo cấp độ 7 được mọi người quý trọng bởi minh triết và tầm nhìn của họ.
CÁC CẤP ĐỘ TÂM THỨC CỦA TỔ CHỨC 
Tất cả các cấu trúc nhóm con người trưởng thành và phát triển về tâm thức theo bảy giai đoạn xác định. Mỗi giai đoạn tập trung vào một nhu cầu hiện hữu đặc thù chung cho điều kiện con người khi đó. Bảy nhu cầu hiện hữu này là các động lực chính trong tất cả các vấn đề của nhân loại.
Trong khi mô hình như một toàn thể, tập trung vào các nhu cầu của tổ chức, các cấp độ tâm thức khác nhau tập trung vào các nhu cầu chuyên biệt của các bên liên quan. Cấp độ tâm thức đầu tiên tập trung chuyên biệt vào các nhu cầu của các nhà đầu tư và các nhân viên; cấp độ thứ hai tập trung vào nhu cầu của nhân viên và khách hàng; các cấp độ thứ tư và thứ năm tập trung vào nhu cầu của nhân viên; cấp độ thứ sáu vào các nhu cầu của nhân viên, đối tác và cộng đồng địa phương, và cấp độ thứ bảy tập trung vào nhân viên, đối tác và xã hội. Chính trải nghiệm nhân viên của tổ chức và khả năng truyền cảm hứng của lãnh đạo để khai mở năng lực của họ là yếu tố cơ bản trong việc quyết định mức độ thành công của tổ chức.
Các nhu cầu "thấp hơn", từ cấp độ 1 đến 3, tập trung vào các nhu cầu cơ bản của doanh nghiệp - theo đuổi lợi nhuận hay ổn định tài chính, xây dựng lòng trung thành của nhân viên và khách hàng, và các hệ thống hoạt động hiệu suất cao. Nhấn mạnh của các cấp độ thấp này là vào mối quan tâm của bản thân tổ chức và các bên liên quan của nó. Abraham Maslow gọi các nhu cầu này là những nhu cầu "thiếu hụt". Một tổ chức không có được sự thỏa mãn lâu dài khi có thể đáp ứng những nhu cầu cấp độ tâm thức thấp này, nhưng nhà lãnh đạo sẽ cảm thấy lo lắng nếu những nhu cầu này không được đáp ứng.Sự tập trung của cấp độ bốn là vào việc chuyển hóa - một sự dịch chuyển từ các cấp bậc dựa trên nỗi sợ, cứng nhắc, độc tài đến những hệ thống quản trị cởi mở, bao gồm và thích ứng hơn mà chúng trao quyền cho nhân viên để vận hành tự do và tự chịu trách nhiệm.
Các cấp độ tâm thức cao hơn, cấp độ 5 đến 7, tập trung vào kết nối văn hóa và hợp nhất, xây dựng những liên minh và hợp tác có lợi cho cả đôi bên, sự phát triển bền vững lâu dài, và trách nhiệm xã hội. Abraham Maslow gọi những nhu cầu này là những nhu cầu "phát triển". Khi những nhu cầu này được đáp ứng, chúng không mất đi. Chúng tăng cường sâu sắc hơn cam kết và động lực.Các tổ chức chỉ tập trung vào sự thỏa mãn những nhu cầu thấp hơn thường không phải là những nhà lãnh đạo thị trường. Họ có thể đạt được một số thành công về tài chính, nhưng về tổng quan, họ quá bị tập trung vào cục bộ và bản thân, hoặc quá cứng nhắc, quan liêu. Họ không thể thích ứng với các điều kiện thay đổi của thị trường: họ không thích ứng linh hoạt và không trao quyền cho nhân viên. Hệ quả là, nhân viên không có nhiều nhiệt tình, đổi mới sáng tạo trong công việc. Những tổ chức này thường bị cai quản bởi nỗi sợ và thường không phải là một môi trường làm việc lành mạnh. Nhân viên thường cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng.Các tổ chức chỉ tập trung vào việc thỏa mãn các nhu cầu cao hơn thường thiếu các kỹ năng kinh doanh cơ bản và các năng lực cần thiết để vận hành một cách hiệu quả. Họ thường không hiệu quả và không thực tế trong các vấn đề tài chính. Họ không định hướng theo khách hàng, và họ thiếu các hệ thống và các quá trình cần thiết để hoạt động hiệu suất cao. Đơn giản là họ thiếu thực tế về thực tại của thế giới kinh doanh. Những đặc điểm này thường được thấy trong các tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận.
Tâm Thức Toàn Phổ (Full Spectrum Consciousness)
Các tổ chức thành công nhất là những tổ chức làm chủ cả các nhu cầu "thiếu hụt" và nhu cầu "phát triển" của mình. Họ vận hành từ tâm thức toàn phổ. Họ tạo ra một môi trường tin tưởng, có khả năng quản lý phức hợp, và có thể hồi đáp hay nhanh chóng đáp ứng với tất cả mọi tình huống.
Các tổ chức toàn phổ thể hiện tất cả các đặc tính tích cực của Bảy Cấp Độ Tâm Thức Tổ Chức.
• Họ làm chủ tâm thức sinh tồn qua việc tập trung vào lợi nhuận, ổn định tài chính, sức khỏe và an toàn của nhân viên.
• Họ làm chủ tâm thức mối quan hệ qua việc tập trung vào giao tiếp cởi mở, công nhận năng lực và sự đóng góp của nhân viên, và sự thỏa mãn của khách hàng.
• Họ làm chủ tâm thức tự trong qua việc tập trung vào hiệu suất hoạt động, kết quả, chất lượng, độ vượt trội xuất sắc, và các thực hành tốt nhất.
• Họ làm chủ tâm thức chuyển hóa qua việc tập trung vào tính thích ứng, đổi mới, trao quyền cho nhân viên, vận động sự tham gia của nhân viên, và liên tục học hỏi.
• Họ làm chủ tâm thức gắn kết nội tại qua việc phát triển văn hóa dựa trên các giá trị chung, và một tầm nhìn chung tạo nên một môi trường tin tưởng trong toàn tổ chức.
• Họ làm chủ tâm thức làm nên sự khác biệt qua việc tạo nên những đồng minh và đối tác chiến lược với những tổ chức khác và cộng đồng địa phương, cũng như phát triển các chương trình cố vấn, hướng dẫn, huấn luyện và phát triển lãnh đạo cho nhân viên.
• Họ làm chủ tâm thức phụng sự qua việc tập trung vào trách nhiệm xã hội, đạo đức, và sự phát triển bền vững, và có một góc nhìn dài hạn về doanh nghiệp của mình và những tác động của nó lên các thế hệ tương lai, cũng như trân trọng các giá trị lòng trắc ẩn, khiêm nhường và rộng lượng tha thứ.Ở thời điểm hiện tại, chỉ có rất ít các tổ chức với tâm thức toàn phổ. Bất cứ khi nào chúng ta gặp họ, họ sẽ luôn có những đặc tính hình mẫu ví dụ cho sự vận hành.

Mô hình các cấp độ tâm thức của tổ chức [Barret Values Centre]
CẤP ĐỘ 1: TÂM THỨC SINH TỒN 
Nhu cầu đầu tiên của một tổ chức là tồn tại về mặt tài chính. Mọi tổ chức cần bảo đảm ổn định tài chính. Khi các công ty trở nên quá cố thủ ở tâm thức sinh tồn và có những bất an sâu sắc về tương lai, họ sẽ tập trung ngắn hạn không lành mạnh vào giá trị cổ phiếu. Điều này dẫn đến sự kiểm soát quá mức, quản lý chi ly, cẩn trọng, và khuynh hướng ngại mạo hiểm. Các doanh nghiệp hoạt động theo cách này không quan tâm đến các đồng minh chiến lược. Họ xem mọi người và Trái Đất như những nguồn tài nguyên để khai thác vì lợi nhuận. Các tổ chức này trải nghiệm những nỗi sợ sâu sắc nhất của họ ở cấp độ tâm thức này. 
CẤP ĐỘ 2: TÂM THỨC MỐI QUAN HỆ 
Nhu cầu thứ hai của một tổ chức là các mối quan hệ hòa hợp giữa nhân viên, với khách hàng, nhà cung cấp... và giao tiếp nội bộ tốt. Vấn đề quan trọng ở cấp độ tâm thức này là tạo ra một cảm giác trung thành và thuộc về giữa nhân viên, và một cảm giác chăm sóc, kết nối giữa tổ chức và những khách hàng của nó. Điều kiện tiên quyết để tạo nên cảm giác thuộc về là sự giao tiếp cởi mở, sự tôn trọng lẫn nhau và sự công nhân nhân viên. Điều kiện tiên quyết cho sự quan tâm chăm sóc là sự thân thiện, hồi đáp và lắng nghe. Khi có những điều này thì lòng trung thành và sự thỏa mãn giữa các nhân viên và khách hàng sẽ cao. Truyền thống và nghi thức là chất keo gắn chặt những kết nối này. Những nỗi sợ liên quan đến sự thuộc về (belonging) và thiếu sự tôn trọng dẫn đến chia rẽ, bất đồng và phản trắc. Khi các nhà lãnh đạo gặp nhau đằng sau những cánh cửa (một cách bí mật) và không truyền thông một cách cởi mở, các nhân viên sẽ nghi ngờ những điều tồi tệ, đồn thổi sẽ lan truyền. Khi những lãnh đạo tập trung vào sự thành công của riêng họ hơn là sự thành công của tổ chức, họ bắt đầu cạnh tranh với nhau. Các doanh nghiệp gia đình thường vận hành từ cấp độ tâm thức 2 bởi vì họ không thể tin tưởng người ngoài ở những vị trí quản lý. 
CẤP ĐỘ 3: TÂM THỨC TỰ TRỌNG 
Tập trung của cấp độ tâm thức tổ chức thứ ba là vào hiệu suất hoạt động và đo lường, giám sát tất cả các chỉ thị hoạt động chính. Ở cấp độ tâm thức này, tổ chức tập trung vào trở thành tốt nhất có thể thông qua những thực hành tốt nhất và tập trung vào chất lượng, năng suất và hiệu quả, nhấn mạnh vào các hệ thống và quá trình và chiến lược để có được những kết quả mong muốn. Vấn đề quan trọng ở cấp độ tâm thức này là phát triển một văn hóa liên tục cải tiến. Một điều kiện tiên quyết cho sự liên tục cải tiến là khuyến khích và khen thưởng cho những hoạt động vượt trội, xuất sắc. Các tổ chức cấp độ 3 có khuynh hướng cấu trúc thứ bậc để kiểm soát, ra quyết định tập trung, từ trên xuống. Cấu trúc thứ bậc cũng cung cấp những cơ hội khen thưởng cho những cá nhân tập trung vào sự thành công cá nhân của riêng mình. Cấu trúc thứ bậc thường càng làm tăng thêm hơn những nhu cầu về danh vọng, địa vị và tự trọng của nhà quản lý. Để duy trì sự kiểm soát tập trung, các tổ chức cấp độ 3 phát triển các luật để điều khiển và sắp xếp trật tự cho tất cả các mặt của doanh nghiệp. Các công ty tập trung chủ yếu ở cấp độ tâm thức này có thể dễ bị thoái hóa thành những tổ chức dựa trên quyền lực đơn lẻ, các cơ chế quan liêu độc tài và một nhóm những người quá thành công cạnh tranh nội bộ. Khi điều này xảy ra, sự thất bại hay sụp đổ sẽ xảy ra trừ phi tổ chức có thể chuyển từ tập trung vào bên trong đến tập trung vào bên ngoài, và trở nên thích ứng hơn. 
CẤP ĐỘ 4: TÂM THỨC CHUYỂN HÓA 
Tâm thức cấp độ 4 tập trung vào sự thích ứng, trao quyền cho nhân viên và liên tục học hỏi. Vấn đề quan trọng ở cấp độ tâm thức này là làm sao kích thích đổi mới để có thể phát triển những sản phẩm và dịch vụ mới đáp ứng các cơ hội của thị trường. Điều này đòi hỏi tổ chức phải nhanh nhẹn, linh hoạt và mạo hiểm. Để hồi đáp đầy đủ với những thách thức của cấp độ tâm thức này, tổ chức phải chủ động thu thập ý tưởng và ý kiến của nhân viên. Mọi người phải cảm thấy rằng tiếng nói của họ được lắng nghe. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý và lãnh đạo thừa nhận rằng họ không có tất cả các câu trả lời và mời gọi sự tham gia của các nhân viên. Đối với các nhà lãnh đạo và quản lý, đây là một vai trò mới đòi hỏi những kỹ năng và năng lực mới. Đấy chính là tại sao việc phát triển trí thông minh cảm xúc của các nhà quản lý là quan trọng. Họ phải có thể điều phối hoạt động hiệu suất cao ở các nhóm lớn, những người tìm kiếm bình đẳng và sự tự do, mong muốn được tự chịu trách nhiệm, chứ không phải bị quản lý và giám sát chi ly trong từng giây phút mỗi ngày. 
Một trong những mối nguy hiểm ở cấp độ tâm thức này là trở nên quá thiên lệch về sự đồng thuận. Mặc dù đồng thuận là quan trọng, ta vẫn cần phải ra quyết định cuối cùng. Một điều kiện tiên quyết cho thành công ở cấp độ tâm thức này là việc khuyến khích tất cả các nhân viên suy nghĩ và hành động như những doanh nhân (entrepreneurs). Trách nhiệm được trao cho mọi người và các cấu trúc trở nên bớt thứ bậc hơn. Cấp độ tâm thức này khuyến khích làm việc nhóm và chú trọng hơn vào phát triển bản thân và các kỹ năng cho mối quan hệ. Sự đa dạng được xem như một tài sản tích cực trong việc khám phá những tư tưởng mới. Sự dịch chuyển này, mang đến những tự do với trách nhiệm và bình đẳng cho nhân viên, không thể đạt được những kết quả trọn vẹn trừ phi tất cả các nhân viên và đội ngũ chia sẻ cùng một định hướng hay mục đích. Điều này đòi hỏi sự dịch chuyển đến cấp độ tâm thức thứ năm. 
CẤP ĐỘ 5: TÂM THỨC GẮN KẾT NỘI TẠI 
Sự tập trung của tâm thức tổ chức cấp độ năm là vào việc xây dựng sự gắn kết văn hóa và phát triển năng lực hành động tập thể. Để điều này diễn ra, các lãnh đạo và quản lý phải đặt lý tưởng và lợi ích chung lên trên những lợi ích cá nhân của riêng mình. Vấn đề quan trọng của cấp độ tâm thức này là phát triển một tầm nhìn chung về tương lai và một tập hợp các giá trị chung. Một tầm nhìn chung làm rõ những ý định của tổ chức và trao cho nhân viên một mục đích thống nhất và định hướng. Các giá trị chung định hướng cho việc ra quyết định. Khi các giá trị này được chuyển thành hành xử, chúng cung cấp một tập hợp các tham chiếu xác định các giới hạn cho quyền tự do với trách nhiệm. Các giá trị và hành xử phải được phản ánh trong tất cả các quá trình và các hệ thống của tổ chức. 
Một điều kiện tiên quyết cho thành công ở cấp độ này là việc xây dựng một môi trường tin tưởng. Hợp nhất sứ mệnh cá nhân của nhân viên với tầm nhìn của tổ chức sẽ tạo ra một môi trường cam kết và nhiệt tình ở tất cả các cấp độ của tổ chức. Năng suất và sức sáng tạo cá nhân sẽ tăng lên khi mọi người hợp nhất với đam mê của mình. Ở cấp độ tổ chức thứ 5, những thất bại trở thành những bài học, và công việc trở nên vui vẻ. Chìa khóa thành công ở cấp độ tâm thức này là việc thiết lập một bản sắc văn hóa mạnh mẽ, tích cực, độc đáo, khác biệt. Văn hóa tổ chức trở nên một phần của thương hiệu. Điều này đặc biệt quan trọng trong những tổ chức dịch vụ nơi các nhân viên tiếp xúc gần gũi với khách hàng và quần chúng. Ở cấp độ tâm thức này trở lên, các tổ chức bảo tồn văn hóa độc đáo của họ bằng thúc đẩy từ bên trong. 
CẤP ĐỘ 6: TÂM THỨC TẠO NÊN SỰ KHÁC BIỆT (ĐIỀU Ý NGHĨA) 
Cấp độ 6 tâm thức tổ chức tập trung vào việc làm sâu sắc thêm sự kết nối nội bộ trong tổ chức và mở rộng cảm giác kết nối bên ngoài. Bên trong, tập trung vào việc giúp đỡ nhân viên tìm thấy sự viên mãn qua công việc. Bên ngoài, tập trung vào việc xây dựng những hợp tác đôi bên cùng có lợi và những đồng minh với các đối tác kinh doanh, cộng đồng địa phương, và trong những tình huống nhất định, với những tổ chức phi chính phủ, với tất cả các bên liên quan. 
Vấn đề cốt lõi ở cấp độ tâm thức này đó là các nhân viên và khách hàng thấy rằng tổ chức đang làm một điều có ý nghĩa, tạo nên một sự thay đổi trong thế giới, thông qua những sản phẩm và dịch vụ của nó, sự tham gia của nó vào trong cộng đồng địa phương hay việc nó sẵn sàng đấu tranh nhằm cải thiện sức khỏe hạnh phúc của nhân loại. Nhân viên và các khách hàng phải cảm thấy rằng công ty quan tâm đến họ và tương lai của họ. Công ty hỗ trợ và khuyến khích nhân viên hoạt động trong cộng đồng địa phương ví dụ như cho phép nhân viên nghỉ để tham gia các hoạt động phụng sự tình nguyện, hay đóng góp tài chính đến các quỹ từ thiện do nhân viên giúp. 
Ở cấp độ tâm thức này, các tổ chức tạo ra một môi trường nơi nhân viên có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình, trở nên phiên bản tốt nhất của mình cả về chuyên môn và phát triển bản thân. Mỗi người đều hỗ trợ tất cả mọi người khác. Một điều kiện tiên quyết để thành công ở cấp độ này là việc phát triển các nhà lãnh đạo có sự thấu cảm mạnh mẽ. Nhà lãnh đạo phải nhận ra rằng họ không chỉ định hướng, dẫn dắt tổ chức, mà họ cũng phải trở nên là những người phục vụ cho những người làm việc cho họ. Họ phải tạo ra một môi trường nơi mỗi thành viên hợp nhất sứ mệnh cá nhân với tầm nhìn và sứ mệnh của công ty. Ở cấp độ tâm thức này, các nhà lãnh đạo phải trở thành những người cố vấn, hướng dẫn, từ đó tạo nên một tập hợp nguồn lực các tài năng trong quy hoạch nhân sự tiếp nối. Việc phát triển tinh thần lãnh đạo là nhấn mạnh trọng tâm ở cấp độ tâm thức này. 
CẤP ĐỘ 7: TÂM THỨC PHỤNG SỰ 
Cấp độ 7 của tâm thức tổ chức tập trung vào sự tiếp nối của cấp độ trước - tiến sâu hơn về kết nối nội bộ, và mở rộng hơn kết nối với bên ngoài. Bên trong, tổ chức tập trung vào việc xây dựng môi trường đạo đức, khiêm nhường, và lòng trắc ẩn, từ bi. Bên ngoài, tập trung vào hoạt động địa phương, quốc gia, hay toàn cầu để xây dựng một tương lai bền vững cho nhân loại và hành tinh. Vấn đề cốt lõi ở cấp độ tâm thức này là phát triển cảm giác sâu sắc về trách nhiệm xã hội trong toàn tổ chức. Ở cấp độ tâm thức này, các tổ chức quan tâm đến công bằng xã hội và nhân quyền. Họ quan tâm đến sinh thái và môi trường toàn cầu. Điều kiện tiên quyết cho thành công ở cấp độ này là tinh thần phụng sự vô kỷ, được thể hiện qua một cam kết sâu sắc với lý tưởng tốt đẹp vì lợi ích chung và với sức khỏe hạnh phúc của các thế hệ tương lai. Để thành công ở cấp độ 7, các tổ chức phải thực hành các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất trong mọi tương tác với nhân viên, nhà cung ứng, khách hàng, cổ động và cộng đồng địa phương. Họ phải luôn cân nhắc đến những tác động dài hạn của những quyết định và hành động của họ.
Tài liệu tham khảo: