Minimalism: Lối sống tối giản cho người mới bắt đầu
Tôi thực tập lối sống tối giản đã được một thời gian, và trong quá trình thực tập lối sống này, tôi đã học được rất nhiều điều. Tôi...
Tôi thực tập lối sống tối giản đã được một thời gian, và trong quá trình thực tập lối sống này, tôi đã học được rất nhiều điều. Tôi nhận thấy những thay đổi tích cực ở bản thân mình – tôi thôi không còn bị cuốn vào dòng xoáy của cám dỗ, của những mong muốn nhất thời. Bài viết đầu tiên về lối sống tối giản mà tôi có chia sẻ trên trang blog này là “Tôi đã bắt đầu lối sống tối giản như thế nào?“, được viết vào tháng Chín năm ngoái (2018), khi tôi nghĩ mình nên viết gì đó về hành trình đến với lối sống giản đơn của mình, để những ngày sau còn đọc lại và hi vọng những chia sẻ của bản thân có thể truyền thêm chút cảm hứng cho ai đó ngoài kia.
Tôi biết việc thực tập một lối sống mới luôn là một thử thách ở những ngày đầu tiên. Vậy nên, tôi quyết định chia sẻ ở bài viết này những trải nghiệm của tôi khi mới bắt đầu sống tối giản cũng như một số điều mà tôi nghĩ sẽ hữu ích cho những ai đang loay hoay chưa biết nên bắt đầu cuộc sống tối giản của mình như thế nào.
Hiểu rõ lối sống tối giản mà bạn muốn hướng đến
Nếu xét về mặt câu chữ, lối sống tối giản sẽ được định nghĩa khác nhau tuỳ cách nghĩ và cách nhìn nhận của mỗi người. Bạn không nhất thiết phải tuân theo một quy tắc hay tiêu chuẩn nào để có thể tự gọi mình là “người đi theo chủ nghĩa tối giản”. Thay vào đó, hãy tự mình lựa chọn và quyết định lối sống tối giản mà bạn muốn hướng đến. Bạn muốn cuộc sống hằng ngày của mình sẽ ra sao? Muốn bản thân và mọi điều quanh mình như thế nào?
Nếu như bạn vẫn chưa thể hình dung rõ ràng lối sống tối giản mình muốn hướng đến thì việc tham khảo suy nghĩ từ những người đang thực tập lối sống này là một điều cần thiết. Trong bài viết “Một vài suy nghĩ về lối sống tối giản” tôi có chia sẻ cách nhìn nhận của tôi và một số người khác nhau về lối sống này. Bạn có thể đọc qua nếu thấy cần thiết. Ngoài ra, việc đọc thêm sách, tài liệu về lối sống này cũng là một cách hữu ích để bạn có một cái nhìn rõ hơn về định nghĩa “sống tối giản” của mọi người xung quanh trước khi tự bạn đưa ra “lối sống của riêng mình”.
Với tôi, sống tối giản không chỉ dừng lại ở việc “buông bỏ” những thứ không cần thiết mà còn là việc “đón chào” thêm những điều có giá trị đến với cuộc sống của mình. Tôi không sống trong một ngôi nhà thật nhỏ với thật ít đồ đạc, vật chất, được sơn mỗi hai màu đen trắng, không chỉ mặc những bộ đồ một màu và tôi cũng không từ chối tất cả mọi thứ đến với mình. Tôi sống giản đơn theo cách của riêng tôi. Và bạn cũng sẽ có cách của riêng bạn.
Madeleine Olivia
“Minimalism isn’t about owning the least amount of stuff, but about simplifying your life and enriching it with what makes you happy.”
(Tạm dịch: Sống tối giản không phải là việc sở hữu thật ít đồ đạc, mà là việc đơn giản hóa cuộc sống và làm cuộc sống trở nên phong phú hơn với những điều khiến bạn hạnh phúc.)“Với tôi, sống tối giản không chỉ đơn thuần là việc loại bỏ những thứ không cần thiết, hạn chế mua sắm mới và sống với những vật dụng thiết yếu nhất, mà còn là việc tránh xa những suy nghĩ tiêu cực, buông bỏ những mối quan hệ không tốt hay bất cứ điều gì ngăn tôi sống ý nghĩa.
Sống ý nghĩa, theo cách tôi hướng đến là cuộc sống trọn vẹn, an yên và có mục đích. Việc sống một cuộc đời giản đơn giúp tôi có nhiều thời gian và không gian cho những điều quan trọng, như lên kế hoạch cho tương lai, theo đuổi đam mê, ước mơ của mình. Nhưng trên tất cả, chính thực tập lối sống tối giản mà tôi học được cách cho đi, cách yêu thương người khác và yêu thương bản thân mình…” - Đọc thêm ở đây
Xác định rõ lý do bạn muốn thực hành lối sống tối giản
Sau khi tự mình đưa ra định nghĩa về lối sống tối giản mà bản thân muốn theo đuổi rồi thì bây giờ là lúc để bạn xác định rõ lý do tại sao bạn lại chọn lối sống này.
- Bạn muốn tiết kiệm thêm tiền?
- Bạn muốn có thêm không gian trống cho căn nhà nhỏ của mình?
- Bạn muốn dành thời gian cho bản thân, gia đình?
- Bạn muốn sống giản đơn, nhẹ nhàng và thư thái khi vật chất không còn là điều để lo nghĩ, suy tư?
- Hay đơn giản là bạn muốn tự do, không bị ràng buộc?
- …
Có rất nhiều lý do tại sao người ta lại theo đuổi một cuộc sống giản đơn, và không phải lý do của ai cũng như ai. Tôi chọn sống tối giản vì tôi muốn được tự do, muốn tập trung vào việc nuôi dưỡng tâm hồn, sức khoẻ, và sống tối giản giúp tôi cắt giảm một lượng lớn rác thải ra môi trường. Có thể với bạn, lý do bạn bắt đầu với lối sống này không giống như tôi. Nhưng dù có là lý do gì thì chúng cũng đều cực kỳ quan trọng.
Vậy nên, ngay bây giờ, bạn hãy dành chút thời gian viết ra những lý do chính cho việc lựa chọn sống tối giản của mình. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói nhiều về tầm quan trọng của việc viết ra suy nghĩ, mục tiêu hay lý do thay vì chỉ giữ chúng ở trong đầu. Khi đã viết ra những lý do mình theo đuổi lối sống tối giản, bạn sẽ thấy rõ hơn những việc mình cần làm và biết mình nên làm thế nào để sống giản đơn theo cách bạn muốn.
Nuôi dưỡng cảm hứng mỗi ngày
Đôi lúc, việc duy trì một lối sống mới hoàn toàn khác với lối sống quen thuộc trước đây khiến chúng ta thấy không thoải mái và nhen nhóm ý định từ bỏ, đặc biệt là khi một số thói quen nhất định cần thay đổi (chẳng hạn như, thói quen tìm kiếm niềm vui trong việc mua sắm lúc tâm trạng không tốt, thói quen trữ đồ đạc, hay thói quen ôm lấy quá khứ buồn vui mà quên đi hiện tại). Vậy nên, ngay từ những ngày đầu tiên đến với cuộc sống tối giản, tôi luôn tìm cho mình những nguồn cảm hứng khác nhau để bản thân có thêm động lực theo đuổi lối sống mình đã lựa chọn. Bên cạnh viết ra những lý do chính tôi chọn thực tập lối sống này (tôi gọi nó là nguồn động lực nội tại – hay động lực bắt nguồn từ bên trong), việc tự tìm cho mình những nguồn cảm hứng bên ngoài cũng là điều cần thiết. Những chia sẻ chân thành, những câu chuyện thú vị, những bộ phim, những cuốn sách, và cả những tấm hình nhỏ đều là những nguồn cảm hứng tuyệt vời giúp tôi có thêm niềm tin để tiếp tục sống cuộc sống mình đã chọn. Và đặc biệt hơn khi tôi học hỏi được không ít điều hay ho, hữu ích từ những nguồn cảm hứng đó.
Dưới đây là một vài cách tôi dùng để nuôi dưỡng cảm hứng sống cuộc sống giản đơn của mình.
1. Tạo bảng Pinterest về Sống tối giản.
Với tôi, Pinterest không đơn thuần là một mạng xã hội nơi lưu lại những hình ảnh thú vị mà là một kho tàng những ý tưởng hay ho, là một nguồn cảm hứng bất tận nơi tôi tìm đến mỗi khi bản thân đang bí bách, không nghĩ được gì nhiều. Trên trang Pinterest của tôi, bạn sẽ thấy những bảng khác nhau như bảng về sống tối giản (Simple Living – Nơi tôi lưu lại những ý tưởng hay ho về cách sắp xếp, tổ chức không gian sống giản đơn), công thức món ăn chay (Vegetarian Recipes – Nơi tôi lưu những công thức nấu các món ăn chay mà mình muốn tự thực hành ở nhà), sống xanh (Green Living – nơi lưu giữ những ý tưởng về sống xanh, sống bền vững), du lịch (Wanderlust – Nơi lưu lại những tấm hình đẹp về nơi tôi muốn đến),…
2. Đọc và theo dõi các bài viết trên những blog yêu thích về sống tối giản.
Tôi luôn bị thu hút bởi những câu chuyện, những sẻ chia chân thành, giàu cảm xúc từ những người đang theo đuổi lối sống giản đơn. Thế nên, việc đọc các bài blog chia sẻ trải nghiệm từ những blogger có cùng chung giá trị sống với mình là một điều không thể bỏ qua khi nói về những nguồn cảm hứng. Một số trang blog tôi luôn theo dõi từ những ngày đầu là trang Reading My Tea Leaves, Rowdykittens, No Sidebar,... Tôi có viết rõ hơn về những blog Sống tối giản yêu thích của mình ở bài viết Những blog về sống tối giản, bạn có thể tham khảo thêm.
3. Theo dõi những kênh YouTube và Podcast về sống tối giản.
Bên cạnh đọc blog, tôi còn thường xuyên dõi theo một số kênh YouTube về sống tối giản như một cách để nuôi dưỡng cảm hứng cho bản thân. Ngoài ra, là một kẻ thích nghe Podcast (đặc biệt là lúc bận rộn), tôi cũng chọn cho mình một số kênh Podcast về sống tối giản để nghe khi chạy bộ, đạp xe, nấu ăn hay khi đang lau dọn nhà cửa. Đây là một số kênh YouTube và Podcast về sống tối giản tôi thường nghe để vừa nuôi dưỡng cảm hứng vừa học thêm những điều mới mẻ.
4. Đọc sách và xem phim tài liệu về sống tối giản.
Tôi học được vô số điều thú vị và bổ ích từ sách và phim tài liệu, không chỉ trong quá trình thực tập lối sống giản đơn mà còn trong việc phát triển bản thân mình. Dưới đây là một vài cuốn sách và bộ phim tài liệu về sống tối giản mà tôi nghĩ sẽ rất hữu ích cho những ai đang bắt đầu đến với lối sống này:
Sách về sống tối giản
- Lối Sống Tối Giản Của Người Nhật (Sasaki Fumio)
- Một Cuốn Sách Về Chủ Nghĩa Tối Giản (Chi Nguyễn)
- Digital Minimalism: Choosing a Focused Life in a Noisy World (Carl Newport)
- The More of Less: Finding the Life You Want Under Everything You Own (Joshure Berker)
- The Life-Changing Magic of Tidying Up: The Japanese Art of Decluttering and Organizing (Marie Kondō)
- The Story of Stuff: How Our Obsession with Stuff is Trashing the Planet, Our Communities, and our Health—and a Vision for Change (Annie Leonard)
Phim tài liệu về sống tối giản, sống có ý thức
Bắt đầu từ chính bạn
Nhiều người nghĩ rằng việc thực tập lối sống tối giản khi ở cùng người khác (người không theo lối sống này) là điều gần như không thể. Thành thực thì khi mới đầu thực tập sống tối giản, tôi cũng đã từng thấy rất khó khăn và lắm lúc chỉ muốn dọn ra ngoài ở một mình để khỏi bị choáng ngợp bởi đồ đạc trong nhà. Tôi sống cùng gia đình trong một căn nhà khá nhỏ và những người trong gia đình tôi đều chẳng ai theo đuổi lối sống này. Mẹ tôi không phải là mẫu người thích trữ đồ đạc nhưng lại thích may vá. Thế nên những lúc rảnh rỗi, mẹ lại ngồi cắt may, nào là váy áo, vỏ gối, rồi cả ga trải giường dù trong nhà không hề thiếu những thứ đó. Vậy là cứ thế, đồ đạc ngày càng nhiều hơn lên, không gian nhà thì chật lại.
Nhưng sau khi thực tập lối sống này một thời gian, tôi nhận ra việc sống cùng những người không theo lối sống tối giản hoàn toàn là điều có thể. Hay nói rõ hơn, tôi không cần sống một mình để thực hành lối sống tối giản. Thay vì việc chán nản, căng thẳng vì việc những người xung quanh sống với quá nhiều đồ đạc, tôi tập trung thời gian, năng lượng, và suy nghĩ vào quá trình thực tập của bản thân. Tôi hạn chế mua những vật dụng không cần thiết, cho đi những thứ mình không còn dùng đến và buông bỏ những gì không có ý nghĩa đối với mình. Tôi để mọi người trong gia đình sống theo cách họ chọn thay vì đánh giá, đặt áp lực hay cố gắng thuyết phục họ sống theo cách của tôi. Có thể, theo thời gian, mọi người sẽ thấy lối sống tối giản là một lối sống đáng để thực tập hoặc có thể không, nhưng tôi thì luôn chắc chắn rằng những người thân yêu bên cạnh mình rồi sẽ thấy những thay đổi tích cực của bản thân tôi sau khi lựa chọn sống giản đơn như vầy.
Nếu bạn cũng như tôi, sống cùng những người không theo chủ nghĩa tối giản, thì hãy đừng chán nản và lo lắng khi trong nhà luôn có nhiều đồ đạc. Thay vào đó, bạn hãy tập trung vào chính mình và những khía cạnh mình có thể kiểm soát – chẳng hạn như phòng ngủ, quần áo, giày dép, những vật dụng cá nhân và quan trọng nhất vẫn là những mối quan hệ, những suy nghĩ, những ký ức đeo bám và khiến bạn mệt mỏi. Việc cố gắng ép người khác sống theo cách của mình khi họ chưa sẵn sàng chỉ khiến mối quan hệ của cả hai thêm căng thẳng, và căng thẳng, áp lực là thứ mà những ai đang thực tập lối sống này luôn muốn buông bỏ. Đúng không?
Nhìn lại xem khía cạnh nào trong cuộc sống đang khiến bạn căng thẳng
Nếu có vô tình quên mất mình phải làm gì để có thể sống giản đơn thì bạn hãy nhớ quay lại với định nghĩa lối sống tối giản và cả những lý do mà bạn đã viết ra trước đó.
Sống tối giản không đồng nghĩa với việc loại bỏ hết mọi thứ và sống trong một căn nhà trống trơn, rỗng tuếch. Những người chọn lối sống tối giản đều mong muốn một cuộc sống nhẹ nhàng, bình yên và không bị phụ thuộc quá nhiều vào vật chất. Họ bỏ đi những thứ không cần thiết để nhường chỗ cho những điều quan trọng hơn. Khi bắt đầu thực tập lối sống này, bạn hãy tự hỏi và trả lời hai câu hỏi :
Câu hỏi 1: “Hai điều mang đến cho tôi nhiều niềm vui nhất là gì?”
Bạn đã có câu trả lời? Hãy đừng đụng đến hai điều ấy mà thay vào đó, hãy bắt đầu với những khía cạnh khác. Bản thân tôi là một người thích viết, nhất là viết trên giấy thay vì gõ trên máy tính. Thế nên tôi có kha khá những cuốn sổ khác nhau – như sổ Travel Journal (dành cho những chuyến đi), Bullet Journal (dành cho những công việc, kế hoạch hằng ngày), Scrap Book (dành để lưu giữ kỷ niệm cùng những người thân yêu), Leaf Collection Book (dành để lưu giữ những chiếc lá khô tôi thu lượm lúc ở nơi xa), Sketch Note (sổ vẽ ký hoạ)… Với tôi, tất cả những cuốn sổ này đều rất quan trọng, chúng giúp tôi nuôi dưỡng cảm xúc và lưu giữ những ký ức đẹp mà tôi đã trải qua. Tôi giữ lại chúng trong hộc tủ của mình đã lâu và dù sẽ hạn chế mua thêm những cuốn sổ mới nhưng tôi không hề có ý định sẽ vứt bỏ những cuốn cũ kia đi. Ngoài ra, tôi cũng là một kẻ sưu tầm postcard. Tôi sưu tầm postcard đã được đã được 5 năm có lẽ và rất mực trân trọng chúng. Thường thì khi đến một mảnh đất mới, thay vì mua những món quà lưu niệm đắt tiền, tôi chọn cho mình một tấm postcard nhỏ để bổ sung vào bộ sưu tập của mình. Một vài người bạn thân thiết biết sở thích này của tôi nên đi đâu xa về, họ cũng thường tặng tôi tấm postcard. Chính vì thế mà bộ sưu tập ngày càng nhiều thêm. Nhưng dĩ nhiên, với tôi, postcard cũng là một phần quan trọng trong cuộc sống, tôi thấy vui khi nhận được những tấm postcard mới, và vui khi ngắm nhìn những bộ sưu tập của mình thế nên tôi biết mình cũng sẽ không bỏ chúng đi.
Câu hỏi 2: “Điều gì mang đến cho tôi nhiều căng thẳng và phiền não nhất?”
Bạn đã biết rõ hai điều mang đến cho bản thân niềm vui rồi thì giờ là lúc tìm câu trả lời cho câu hỏi thứ hai – “Điều gì mang đến cho tôi nhiều căng thẳng và phiền não nhất?”. Bạn có một tủ chất đầy quần áo và luôn thấy mất thời gian khi tìm món đồ mình muốn mặc? Bạn là tín đồ mua sắm online và thấy thật khổ sở khi không thể cưỡng lại được ham muốn mua sắm của mình? Bạn thấy mệt mỏi với quá nhiều mối quan hệ xã hội không thực sự ý nghĩa? Hay bạn là người nghiện mạng xã hội và luôn cảm thấy khó chịu khi không vào đọc hay tương tác?
Sau khi có câu trả lời, bạn hãy viết ra những việc mình có thể làm để cải thiện vấn đề trên. Nếu bạn cũng như tôi, thích sách, rồi mua thêm sách mới dù đang có nhiều cuốn trên kệ vẫn chưa hề ngó ngàng đến thì hãy bắt đầu bằng việc lôi tất cả chúng ra, phân loại và tiến hành bỏ bớt những cuốn không cần thiết (tôi sẽ nói rõ hơn về việc cắt giảm sách trong một bài viết sau).
Bắt đầu với những bước nhỏ, đơn giản
Thay vì việc cố gắng theo đuổi sự hoàn hảo rồi thấy chán nản khi bản thân không đạt được điều mình muốn, bạn hãy bắt đầu với những bước đơn giản, dễ thực hiện trước tiên. Vì việc hoàn thành từng bước nhỏ thôi sẽ chính là nền tảng để giúp bạn đến gần hơn với lối sống mà mình hướng đến. Dưới đây là những bước nhỏ mà tôi thực hiện từ những ngày đầu chập chững đến với lối sống này:
- Viết ra giấy những lý do chính khiến tôi muốn sống giản đơn
- Tạo bảng cảm hứng trên Pinterest (tôi đã nói ở trên)
- Lên danh sách những nguồn cảm hứng về tối giản (sách, phim, kênh youtube, trang blog…)
- Liệt kê ra giấy những thứ bạn không sử dụng trong một năm nay và sau đấy buông bỏ dần dần từng thứ một
- Loại bỏ những thứ giống nhau (hai chiếc quần jeans cùng loại, hai cuốn sách giống y hệt nhau, hai thỏi son có cùng màu,…)
- Bật chế độ Screen Time trên điện thoại (bạn có thể tải ứng dụng này về máy nếu trong máy chưa có sẵn)
- Dành thêm thời gian cho chính mình và thực hành biết ơn (rèn luyện sức khoẻ, nấu những món ăn ngon, học thêm điều mới, viết/ nói ra những điều bạn biết ơn mỗi ngày)...
Đừng quên mất lý do bạn chọn sống tối giản
Suy cho cùng, cả bạn và tôi, chúng ta chọn thực tập lối sống tối giản là bởi chúng ta muốn sống một cuộc sống an yên, nhẹ nhàng, là để giảm bớt những lo lắng, căng thẳng khiến bản thân mệt mỏi, hoang mang. Thế nên, đừng bao giờ thất vọng, khó chịu hay cảm thấy tội lỗi khi bạn chưa thể buông bỏ hết những gánh nặng đeo bám mình hay bản thân chưa quen được với sống ít đồ đạc mà mình luôn hướng đến. Hãy đừng quên mất lý do bạn chọn lối sống này.
Nếu có lúc nào đấy, bạn cảm thấy hoang mang, không biết làm gì tiếp theo và muốn từ bỏ, thì hãy nhớ quay lại những lý do bạn đã viết ra giấy từ ngày đầu tiên. Những nguồn cảm hứng tôi có chia sẻ ở trên cũng có thể sẽ giúp bạn được phần nào.
Kết nối với mọi người trong cộng đồng
Việc kết nối với những người có cùng lối sống mà mình đang theo đuổi thực sự rất quan trọng, nhất là ở giai đoạn mới bắt đầu. Những lời khuyên, những chia sẻ từ mọi người trong cộng đồng sẽ là một nguồn động viên rất lớn để bạn tiếp tục kiên trì thực tập. Hiện nay, ở Việt Nam, lối sống tối giản không còn là một lối sống quá lạ lẫm với mọi người. Có rất nhiều nhóm cộng đồng về sống tối giản được thành lập, nhiều bài báo kêu gọi mọi người sống giản đơn, sống bền vững, nhiều câu chuyện về những người từ bỏ cuộc sống đủ đầy, tiện nghi ở thành phố để về với núi rừng, với ruộng nương, với những điều đơn sơ, bé nhỏ. Dù chỉ là một kẻ theo dõi âm thầm nhưng tôi không thể phủ nhận những điều cực kỳ hữu ích mà những cá nhân, những nhóm trong cộng đồng sống tối giản mang lại. Dưới đây là một số cộng đồng sống tối giản bạn có thể tham gia nếu quan tâm (trong nước lẫn quốc tế) và một số nhóm trao đổi đồ cũ trên Facebook:
- LỐI SỐNG TỐI GIẢN – MINIMALISM LIFESTYLE
- Lối Sống Tối Giản – Vietminimalists Group
- Hội trao đổi đồ cũ Hà Nội – Minimalism lifestyle
- Practical Minimalism
- Nourishing Minimalism Yearly Decluttering Challenge
- A Minimalist Life
- Frugal Minimalists
- Our Minimalist Lifestyle
- Simple Living and Minimalism
Luôn lắng nghe bản thân
Như tôi đã nói ở trên, bạn không cần tuân theo một quy chuẩn hay nguyên tắc nào để có thể gọi bản thân là người sống tối giản. Thay vào đó, hãy tự mình lựa chọn và quyết định lối sống tối giản mà bạn muốn hướng đến. Hãy lắng nghe bản thân và tự mình đề ra những điều, những quy tắc hay phương châm sống cho riêng bạn rồi thực hiện chúng. Đừng nghe theo lời bất kỳ ai, kể cả tôi vì trải nghiệm mỗi người một khác, và những chia sẻ của tôi ở đây cũng chỉ đơn thuần là những trải nghiệm mang tính cá nhân mà thôi. Chúng không hề là những điều bạn buộc phải làm để có thể sống nhẹ nhàng, giản đơn. Hãy chỉ thực hiện chúng nếu bạn cảm thấy chúng thực sự phù hợp với mình. Hành trình hướng đến lối sống tối giản là hành trình của riêng mình bạn, vậy nên hãy sống theo cách bạn muốn, miễn là bạn luôn thấy an yên, hạnh phúc.
Trên đây là một số điều mà tôi đã thực tập trong những ngày đầu đến với lối sống tối giản. Sẽ mất một chút thời gian (hoặc có khi nhiều hơn một chút) để bản thân quen dần với một cuộc sống giản đơn, ít đồ đạc, một chút thời gian hoặc hơn để có thể buông bỏ những điều, những mối quan hệ không tốt, một chút thời gian để từ bỏ những thói quen không lành mạnh. Đừng lo lắng khi bạn vẫn chưa thể buông bỏ một cách thoải mái, nhẹ nhàng. Chỉ cần bạn có niềm tin vào chính mình, vào con đường mà mình chọn bước đi, là được.
Trong quá trình thực tập lối sống tối giản, bạn có gặp bất kỳ khó khăn nào không? Bạn bắt đầu cuộc sống giản đơn của mình như thế nào? Hãy chia sẻ cùng tôi nhé!
Cảm ơn bạn.
Just be,
Tee wanders
Đây là bài viết tôi có chia sẻ trên blog cá nhân của mình cách đây không lâu.
Nguồn: http://teewanders.com/vi/song-toi-gian-cho-nguoi-moi-bat-dau/
Nguồn: http://teewanders.com/vi/song-toi-gian-cho-nguoi-moi-bat-dau/
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất