3814df22a8a379f26a0c2523806a81f2

Như trong phần 1 đã giới thiệu, Minh giáo mà Kim Dung nói đến trong bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký là một tôn giáo Ba Tư có thật còn được gọi là Mani giáo hay Manichaeism. Tuy nhiên, Minh giáo của Kim Dung lại không chỉ đơn thuần là Minh giáo lịch sử, mà đó là sự kết hợp với Bái Hỏa giáo, Bạch Liên giáo và Di Lặc giáo, dựa theo sự kết hợp về chính trị-quân sự và sự ảnh hưởng lẫn nhau về giáo lý giữa các tôn giáo này trong lịch sử Trung Hoa, đặc biệt trong thời kỳ cuối của nhà Nguyên.
Nếu như nhận định chữ Minh trong Minh Triều truy nguyên từ Minh giáo không thể được xác minh, thì vai trò nòng cốt của Bạch Liên giáo đối với toàn bộ nghĩa quân chống Nguyên là không thể phủ nhận. Điều này được thể hiện rõ nét trong vai trò lãnh đạo tinh thần của giáo chủ một nhánh Bạch Liên giáo ở Vĩnh Niên khi đó là Hàn Sơn Đồng trong nghĩa quân. Sau khi Hàn Sơn Đồng chết, con trai y là Hàn Lâm Nhi được suy tôn lên làm Tiểu Minh Vương – Tống Vương. Tất cả tướng lĩnh của các nghĩa quân chống Nguyên khi đó từ Chu Nguyên Chương, Trần Hữu Lượng, Mao Quý, Triệu Quân Dụng, Mao Cư Kính… đều thừa nhận tính chính thống của Hàn Lâm Nhi. Tuy nhiên, Hàn Lâm Nhi chỉ là vua “Ngụy Tống” trên danh nghĩa, là con rối được chuyển qua chuyển lại. Cho đến ngày Chu Nguyên Chương diệt được quân Mông Cổ, thống nhất thiên hạ, xưng làm Ngô Vương năm 1364, vai trò của Hàn Lâm Nhi đã hết, thậm chí còn là nguy cơ đối với đại cục. Hai năm sau đó, Chu Nguyên Chương cử tướng quân thân tín của mình là Liêu Vĩnh Trung đi đón Hàn Lâm Nhi, đi nửa đường thì thuyền lật mà chết. Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Hàn Lâm Nhi xuất hiện trong đoạn Trần Hữu Lượng thao túng Cái Bang bắt được Hàn Lâm Nhi cùng với Chu Chỉ Nhược (Tạ Tốn bị nhốt tại Thiếu Lâm Tự). Hàn Lâm Nhi và Hàn Sơn Đồng được Kim Dung miêu tả là những tín đồ Minh giáo, một mực trung thành với Trương Vô Kỵ và hết lòng với sự nghiệp đánh đuổi quân triều đình. Có vai trò rất lớn dẫn đến sự sụp đổ của Nguyên Triều, Bạch Liên giáo thật sự là gì?
Để có thể hiểu được Bạch Liên giáo, trước hết phải có kiến thức sơ bộ Phật giáo Tịnh Độ Tông cũng như nhân vật trung tâm của trường phái này là Đức Phật A Di Đà.
  1. Phật A Di Đà (阿彌陀佛)
Phật A Di Đà là vị Phật được tôn thờ phổ biến nhất trong Phật giáo Đại Thừa. A Di Đà là phiên âm từ tên của Ngài trong tiếng Phạn là Amitābha, dịch nghĩa là Vô Lượng Thọ (thọ mệnh vô lượng) và Vô Lượng Quang (ánh sáng vô lượng) và Vô Lượng Đức. Đức A Di Đà hiện tại là giáo chủ của tịnh độ Tây Phương Cực Lạc (Sukhāvatī). Nói thêm về Tịnh Độ, trong các trường phái Phật giáo Bắc Tông, mỗi vị Phật là giáo chủ của một thế giới, giáo hóa chúng sinh tại thế giới của mình gọi là tịnh độ. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Sakya Mauni – Siddhartha Gotama) là giáo chủ của cõi Ta Bà (Samsāra), còn vị Phật tương lai Di Lặc (matreya) là chủ cõi Đâu Suất (Tusita). Vì có vô số Phật nên cũng sẽ có vô số tịnh độ.
hqdefault

Hình ảnh của Phật A Di Đà không hề được nhắc tới trong những văn kiện của Phật giáo Nguyên thủy mà chủ yếu được truyền bá phổ rộng trong thời kỳ đầu của Phật giáo Đại Thừa (Mahāyāna) và vô cùng được tôn kính tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Niềm tin và sự cứu thế của Phật A Di Đà và năng lực siêu việt của Bồ Tát Quán Thế Âm chính là chủ đề phổ biến xuyên suốt Phật giáo châu Á. Có thể nhắc tới vị Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Lama) của Mật Tông Kim Cương Thừa Tây Tạng được xem là tái sinh của Đức A Di Đà, còn Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama) được xem là tái sinh của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Thông thường, tôn tượng Phật A Di Đà sẽ thể hiện Ngài đang đứng trên tòa sen, mắt nhìn xuống, tay trái bắt ấn cam lồ và đưa lên ngang vai, tay còn lại duỗi xuống sẵn sàng chờ đợi cứu vớt chúng sinh hoặc ngồi thiền tay bắt ấn để ngang bụng, lưng bàn tay phải đặt chồng lên lòng bàn tay trái và hai ngón cái chạm nhau. Phật A Di Đà cũng thường được thờ cúng cùng hai vì Bồ Tát là Quán Thế Âm (Bodhisattva Avalokitesvara 觀世音菩薩) và Đại Thế Chí (Mahasthamaprapta – 大勢至菩薩).
  1. Phật giáo Tịnh Độ Tông (淨土宗 )
Tịnh Độ tông là một trong những pháp môn Phật giáo được phần lớn Phật tử các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam tu tập. Tịnh Độ tông là một hệ tư tưởng Phật giáo Đại Thừa chú trọng vào tha lực hay nói cách khác là Phật lực để thoát ly khổ đau, không giống với Phật giáo Nguyên thủy chú trọng vào tự lực.
Lý thuyết về Tịnh độ được phát triển tại Ấn Độ như là một đường lối tu tập Phật giáo nhưng không phát triển thành một tông phái. Chỉ đến khi truyền tới Trung Quốc thì Tịnh độ mới trở thành một tông phái chính thức.
Tịnh Độ Tông ở Trung Quốc do thần tăng Huệ Viễn 慧遠 (334-416) sáng lập có tên là Bạch Liên xã tại Đông Lâm Tự trên đỉnh Lư Sơn (nay thuộc Giang Tây). Tổ chức Bạch Liên xã không phân biệt xuất gia hay tại gia, cách tu đơn giản là thành kính lễ bái và niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà. Pháp tu của thầy Huệ VIễn chính là đường lối cơ bản của Tịnh Độ tông.
Tịnh Độ tông có 3 bộ kinh nền tảng là:
– Vô Lượng Thọ Kinh nói về tiền thân của Đức Phật A Di Đà đã phát nguyện 48 lời nguyện cứu độ chúng sinh;
– A Di Đà Kinh miêu tả thế giới Tây Phương Cực Lạc đẹp đẽ trang nghiêm đang có Đức A Di Đà thuyết pháp;
– Quán Vô Lượng Thọ Kinh nói rõ phép quán tưởng niệm Phật.
Mục đích của Tịnh Độ tông là tu học nhằm được tái sinh tại Tây Phương Cực Lạc của Đức A Di Đà. Để làm được điều này, Phật tử phải có được niềm tin cá nhân vào sự cứu độ của Đức A Di Đà thông qua việc niệm danh hiệu Phật A Di Đà và quán tưởng Cực Lạc.
Cần phải phân biệt rõ giữa Tây Phương Cực Lạc và Niết Bàn (Nirvana) để tránh nhầm lẫn. Niết bàn có nghĩa là trống rỗng, dập tắt mọi phiền não khổ đau. Còn Cực Lạc là một thế giới không ô uế, không phiền não, chúng sinh có thể sống lâu, ăn uống thoải mái, rất sung sướng và lý tưởng. Tuy nhiên, được tái sinh tại Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà chưa phải là mục tiêu của pháp tu Phật giáo, đó mới chỉ là một bước tiến gần hơn đến với cái đích Niết bàn.
  1. Bạch Liên giáo
Bạch Liên giáo chính là một nhánh bắt nguồn từ trường phái Tịnh Độ tông.
Sau khi Huệ Viễn sáng lập nên Bạch Liên xã và gây được tiếng vang tại khắp niềm Nam Trung Quốc, đến giữa thế kỉ 12, một tăng sư có tên Từ Chiếu 慈照 (1096-1166 có tên khác là Mao Tử Nguyên 茅子元) sáng lập ra một trường phái Phật giáo mới lấy tên là Bạch Liên tông. Những tín đồ trường phái mới này thờ kính Phật A Di Đà và tuân theo ngũ giới của Phật giáo (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu). Mao Tử Nguyên cũng áp dụng phương pháp của Thiên Thai Tông (天台宗), minh họa những lời dạy của Đức Phật bằng bùa chú nên rất dễ lấy được niềm tin từ phía tín đồ.
Bạch Liên tông từ khi mới thành lập đã bị triều đình cấm đoán. Tuy nhiên, với giáo lý đơn giản và dễ hiểu, dễ thực hiện, Bạch Liên tông vẫn tiếp tục thu hút được rất nhiều tín đồ cho đến khi quân Mông Cổ thành lập nhà Nguyên và chính thức thừa nhận Bạch Liên tông là một giáo phái hợp pháp của Phật giáo, cũng như cung cấp tiền của để xây dựng chùa chiền.
Được thờ cúng nhiều nhất trong Bạch Liên tông là Phật A Di Đà và Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Ba vị này hợp lại được gọi là A Di Đà Tam Thánh, Tây Phương Tam Thánh hay A Di Đà Tam Tuệ. Phân biệt với ở phương Đông có Phật Dược Sư (Bhaisajyaguru – 藥師佛), Nhật Quang Bồ Tát (Sūryaprabha Bodhisattva- 日光菩薩) và Nguyệt Quang Bồ Tát (Candraprabha Bodhisattva 月光菩薩).
Theo thời gian, giáo lý của Mao Tử Nguyên đã thay đổi dần và hình thành nên một tôn giáo mới có tên là Bạch Liên giáo. Tín đồ Bạch Liên giáo tin rằng Phật A Di Đà sẽ tái sinh xuống trần thế cứu rỗi chúng sinh. Các tín đồ thường tụ tập lại về đêm, hình thành các tổ chức có vũ trang để chống lại triều đình, chuẩn bị cho sự xuất thế của Đức Phật Di Lặc và Đức Phật – Bồ Tát Di Lặc trong tương lai.
Chính vì vậy, năm 1308, nhà Nguyên ban hành lệnh cấm giáo đối với Bạch Liên giáo và coi đây là tà giáo. Lãnh tụ của Bạch Liên giáo khi đó gồm có Hàn Sơn Đồng (-1351 韓山童 ), Lưu Phúc Thông (1321-1363 劉福通), Từ Thọ Huy (1310-1360 徐壽輝) và Trâu Phổ Thắng (鄒普勝). Tín đồ Bạch Liên giáo tìm cách lật đổ triều Nguyên để vinh danh Minh Vương là Bồ Tát Di Lặc tái thế. Cuộc nổi dậy của các Bạch Liên xã thực sự là một trong những nguyên nhân chính nhà Nguyên sụp đổ.
Tuy nhiên, cho đến khi nhà Minh được thành lập, Bạch Liên giáo vẫn tiếp tục bị cấm đoán. Trong thời gian đầu nhà Minh, các Bạch Liên xã nổi loạn đã hoàn toàn bị dập tắt. Để tránh khỏi sự truy quét gắt gao của triều đình, các nhánh Bạch Liên xã đã phải đổi tên. Họ đổi tên thành Kim Thiền giáo (金禪教), Vô Vi giáo (無爲教), Long Hoa  giáo (龍華教), Ngộ Không giáo (悟空教), Hoằng Dương giáo (弘陽教), Hoài Nguyên giáo (還源教), Viên Đốn giáo (圓頓教), Đại Thành giáo ( 大成教), Di Lặc giáo (彌勒教 – Maitreya) Tam Dương giáo (三陽教), Hỗn Nguyên giáo (混源教), Văn Hương giáo (聞香教), La Đạo giáo (羅道教).
Vì những nhánh phái tách ra không có thể thể chế trung tâm như xưa nên giáo lý, giáo điều của họ ngày một khác nhau, các vị Thánh, Phật trung tâm cũng ngày một khác, duy chỉ có Phật Di Lặc vẫn giữ được vai trò rất lớn trong các nhánh Bạch Liên giáo sau này.
Đến đầu thế kỉ 16, một vị thánh mới được tôn thờ là Vô Sinh Lão Mẫu (無生老母). Đây được xem là một vị Phật chưa bao giờ trải qua luân hồi nhưng đã từng tồn tại trên thế giới. Vô Sinh Lão Mẫu sẽ xuống trần thế nhưng không cần phải trải qua luân hồi, được sinh ra từ một đứa trẻ bình thường. Bà sẽ bảo vệ tín đồ Bạch Liên giáo khỏi những điều xấu xa và đưa về vùng đất của bà là Chân Không Gia Hương. Những nhánh Bạch Liên giáo khác nhau có những lý giải khác nhau về Vô Sinh Lão Mẫu.
Từ đây, thái độ của các nhánh Bạch Liên đối với triều đình cũng không còn hung hăng như trước nữa. Tuy vậy, vẫn có những cuộc nổi dậy chống triều đình nhà Minh diễn ra sau đó. Bạch Liên xã có vai trò quan trọng nhất trong thời kỳ cuối nhà Minh đó là Đại Thừa giáo (Mahayana 大乘教) do Vương Sâm (王森), Vương Hảo Hiền (王好賢) lập ra ở Loan Châu.
Vào thời Thanh, tình hình còn trầm trọng hơn. Năm 1774, Vương Luân (王倫) lãnh đạo Thanh Thủy Giáo (清水教) đã nổi dậy ở Sơn Đông. Từ năm 1796-1804, các Bạch Liên xã “tà đạo” đã nổi dậy ở vùng biên  tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Cam Túc chống lại triều đình. Đây là cuộc nổi dậy quy mô lớn đầu tiên chống lại nhà Thanh mở đầu cho hàng loạt các cuộc nổi dậy sau này dù cho trong nhiều trường hợp không phải là vấn đề tôn giáo. Năm 1813 Thiên Lý giáo (天理教) dưới sự lãnh đạo của Lý Văn Thành (李文成) chiếm được một số vùng ở Bắc Trung Quốc.
Nguồn tham khảo: