Làm sao để theo đuổi viết lách kiếm tiền thật sự? Câu trả lời là bạn phải hành động! HÀNH ĐỘNG THẬT NHIỀU!
Mình đã xắn tay Viết ngay khi nhận ra mình muốn viết. Bất chấp những nỗi sợ vô hình. Làm thế nào để một người không biết gì, xuất phát điểm bằng 0 như mình theo đuổi content tới bây giờ? Bài viết này sẽ trả lời cho bạn. 
(dưới đây là chia sẻ cá nhân, mỗi người sẽ có một con đường đi riêng phù hợp) 

Học

Mình chưa từng đi học lớp viết content nào hoàn chỉnh. Mình hầu hết học lỏm trên mạng, học bằng cách làm việc thực tế và học trên những sai lầm. Mình không thông minh lắm nhưng giỏi nhất là việc nhìn – bắt chước người khác và tiếp thu những thứ mới.
Nếu bạn nghĩ phải viết hay mới có thể làm content thì không hẳn? Lúc đầu mình cũng nghĩ như thế, nhưng thực ra nó cần nhiều hơn là Viết hay.
Viết đúng và tư duy phù hợp sẽ giúp bạn dễ thành công và theo đuổi ngành này hơn. Ví dụ, mỗi công chúng mục tiêu (Target Audience – TA) đọc bài viết phải có một giọng văn riêng biệt để thu hút họ. Bản thân người làm Content phải thay đổi văn phong để thích ứng. Riêng mình luôn nhận thấy điều này nằm về hướng tư duy và kinh nghiệm tích luỹ theo thời gian cộng với sự nhanh nhạy của bạn chứ không phải là năng khiếu. Đây là một trong những lý do ngành marketing hiện nay có rất nhiều bạn trẻ thử sức, nguồn gốc từ bất kỳ ngành nghề nào. Chỉ cần bạn đủ kiên nhẫn để đi theo nó, dù bất kỳ khó khăn nào, nghỉ 1 chút nhưng không từ bỏ.
Làm thế nào để viết đúng: Là tư duy.  Làm sao để có tư duy: Đọc nhiều tư liệu, thông tin, trending…
Với những bạn vừa mới tiếp xúc với ngành content, nên tham khảo các nguồn tài liệu và những người đi trước như các link dưới đây:
Đầu tiên, bạn cần hiểu về ngành marketing nói chung và content nói riêng. Hãy theo dõi các trang cộng đồng agency và quảng cáo nhé!
Bài này list ra cho bạn những loại hình content như đi theo hướng social hay PR. Bạn có thể phù hợp với loại này hoặc loại kia. Tuỳ vào năng lực và thiên hướng. Riêng mình, mình phù hợp với dạng blog, các bài viết dài, có tính chuyên sâu.
Tuy nhiên, đối với những người còn mới mẻ với công việc và bắt đầu làm content, mình khuyên bạn nên thử tất cả mọi loại hình trước, xem bản thân phù hợp với điều gì. Sau đó mới chọn một hướng phát triển sâu, điều này tốt hơn tự mặc định mình nên đi đâu một cách quyết liệt bằng cảm nhận. Bạn biết đó, đôi khi điều bạn cho rằng về bản thân không hề chính xác chút nào, phải thử trước đã.
Đối với kiến thức chuyên môn qua sách vở, những đầu sách sau bạn có thể tham khảo:
Tác giả là Joseph Sugarman – ông hoàng quảng cáo một thời, một copywriter cực kỳ có tiếng. Đây là cuốn sách gối đầu giường của hầu hết những người theo nghề content.
Cuốn sách đề cập đến hầu hết những kỹ thuật kinh điển với những người “chơi chữ” như nguyên lý cầu trượt (câu tiêu đề hấp dẫn để độc giả đọc câu thứ 2, câu hai phải hấp dẫn để đọc câu 3, cứ thế….)
Tuy nhiên đây là một cuốn sách được viết bởi người nước ngoài, và bối cảnh viết từ thời trước. Có những điều khồng quá phù hợp với hiện nay và ngành quảng cáo Việt Nam, bạn đọc và ghi chú các kỹ thuật viết sẽ phù hợp hơn là dùng nó làm thước đo cho mình.
Dave Trott chính là người thầy lớn của nền quảng cáo Anh Quốc. Một khi bước vào ngành này, bạn sẽ nghe đến tên Ogivil, và Trott được mệnh danh là Ogivil của Anh.
Văn phong của Trott là kiểu mà tất cả mọi người làm sáng tạo đều thích: hài hước, ý nghĩa và gần gũi. Đúng chuẩn và vừa chất một copywriter đầy lão luyện.
Hầu hết những cuốn sách của ông đều xoay quanh việc sáng tạo là chủ yếu, những mẫu chuyện nhỏ dẫn đến những bài học nhưng lại cực kỳ nhẹ nhàng sâu sắc. Nên sẽ cực thích hợp cho những bạn thích sáng tạo, thích đổi mới.
Bộ sách này bạn mua lẻ phù hợp, không cần sở hữu hết. Vì không liên quan gì đến nhau cả.
Với sách nước ngoài, bạn đọc hết những cuốn trên mình nghĩ đã vừa cho nên tảng, đọc nhiều thực ra cũng chưa quá hỗ trợ được nhiều cho giai đoạn đầu.
Với sách tiếng Việt, mình đã tham khảo và ghi chú với đầu sách sau:
VỀ IDEA: Ý tưởng này là của chúng mình – Huỳnh Vĩnh Sơn
Ý tưởng bao giờ cũng là của chúng mình, chứ chẳng của riêng ai. Có dở có hay, cũng là của chung. Cùng nhau chấp nhận, cùng nhau tìm tòi và phát triển.
Sách này siêu hợp với những bạn mới vào ngành. Đặc biệt các bạn đi hướng agency-side. vì nó nói lên được môi trường agency ở nước ta.
Anh Sơn cũng có vài khóa học hay ho trên Brand Camp. bạn nào hứng thì vào học thử. Hoặc mua luôn cuốn 90-20-30 của ảnh. cũng ok với cách thức thể hiện bằng tranh. Rất dễ ngấm.
Bút Chì (anh Tài Phan) và anh Đốc Tờ Ti mình đều gặp rồi. Đọc trên sách đã thú dị, người ngoài đời còn thú dị hơn.
Anh Tài Phan là người có ảnh hưởng khá nhiều với con đường làm nghề của mình. Anh Tài hiện đang làm Creative Director và Founder của Content500K. Content bên này xịn với ý tưởng hay ho, ngôn từ chau chuốt cùng với hình ảnh luôn mới lạ. Lâu lâu, ảnh sẽ tuyển copy hoặc intern, nếu bạn muốn tham gia vào một Content Agency thì đây là một lựa chọn không tồi.
Còn anh Đốc tờ Ti có fanpage riêng, nổi tiếng với slogan “Ngu Có Gu”. Ảnh cũng là Creative Director.Hồi trước là bên Dinosaur, giờ thì mình quên mất tiêu bên nào. Nhưng tóm lại ảnh cũng kiểu cái cây đầu ngành. hihi. Hiện tại thì ảnh có dạy bên Aim Academy.
Đây là cuốn sách về marketing siêu đáng đọc cho những bạn vừa bước vào ngành, và mông lung như một trò đùa. nó sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tính chất cũng như cách thứ hoạt động trong ngành. Những điều siêu cơ bản, và cần thiết.
Sau khi đọc xong hết những cuốn này, bạn làm việc và có thể muốn tìm hiểu thêm nhiều kiến thức thì mới nên tìm đọc tiếp. Đọc nhiều mà không có định hướng sẽ loạn. Mình hay sắp xếp lịch trình đọc sách chuyên môn cho phù hợp với trình độ của bản thân, chứ ít khi nào ham mê mấy thứ phức tạp.

Làm

Mình thực tế tiếp xúc với Content Writer bằng cách nào. Đi Làm Nha!
Công việc đầu tiên là Content writer ở một công ty mỹ phẩm nhỏ. Đầu việc mỗi ngày là chăm sóc fanpage, plan + viết + làm hình ảnh + lên lịch cho những bài viết trên trang của nhãn hàng.
Lúc đó mình gần như không có kinh nghiệm gì, bất chấp để apply. Bạn hỏi mình có sợ điều mới mẻ và khó khăn hông? Mình sợ chứ! Nhưng điều mình sợ hơn nữa, là bản thân muốn mà không dám làm. Để rồi nhìn lại chuỗi ngày đã qua, mình lại tự nhủ “Ước gì lúc đó…”. Mình không thích viễn cảnh đó, nên mình là con người của hành động và làm việc.
Với mình, làm việc giúp mau chóng học hỏi được nhiều thứ hơn với những trải nghiệm thực tế và không kém phần khắc nghiệt tại văn phòng, sếp hay khách hàng. Một khi bạn chấp nhận làm thực tế công việc bạn chưa từng thử, bạn sẽ dùng trái tim của một kẻ không biết tí gì để học hỏi, giống như một miếng bọt biển hút hết tất cả có thể để biến mình trở nên tốt hơn.
Nhưng tất nhiên, khi bạn chẳng biết gì, bạn đang mò mẫm đi, bạn sẽ chẳng thiếu những lúc cực kỳ mơ hồ, nản chí, không biết mình có đang chọn đúng đường không, giống như mình.
Mình rất thích nhất là câu nói này: “Buông bỏ bao giờ cũng dễ dàng hơn chiến đấu”. Một khi đã chọn, ít nhất hãy chiến đấu hết sức mình đã. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra mình chẳng có gì phải hối tiếc.
Hãy nên làm, làm thật nhiều thứ trong tầm tay. Bản thân có chút ngốc nghếch, thì dùng chăm chỉ bù lại. Bản thân có chút tự cao, thì tập tành lòng khiêm tốn. Bản thân có chút ngại ngùng, thì thay đổi trở nên hoà đồng hơn. Bản thân có chút cố chấp, thì tự nhủ mỗi người có cái lý riêng và tập đứng trên lập trường của người khác. Mình đã từng bước thay đổi, tích cực hơn nhờ mỗi ngày đều tự nhủ như vậy đấy.
Không ai mới “hành nghề” mà trông hào nhoáng rực rỡ như bạn nghĩ. Ai cũng bắt đầu từ ngây ngô, khờ dại và bị nghề hành sấp mặt. Chẳng qua, họ hơn bạn số tuổi nghề, và những lần đứng dậy từ vấp ngã. Đó là cả một sự kiên trì bạn cần ghi tâm, nếu muốn theo nghiệp này.
Công việc này không màu hồng. Chẳng công việc nào màu hồng. Mình từng ảo tưởng content chỉ có viết lách, điều mình thích nhất. Nhưng mình đã lầm. Nó còn hàng chục khía cạnh khác như làm việc với thiết kế (nếu bạn làm trong agency, bạn sẽ hiểu tổ hợp này chẳng phải mỗi lúc đều hiểu ý nhau), làm việc với account (người hối bài bạn hằng ngày hằng đêm và là người có quyền bảo idea của bạn chẳng phù hợp với brand), sáng tạo trong tình trạng tả bí lù (viết sao cho sáng tạo nhưng vẫn kịp deadline, đố anh bắt được em “ai – đia” ha), vâng vâng và mây mây các thể loại khác.
Về vấn đề nhãn hàng cần sự đa nhiệm, hay ở agency làm việc bất kể ngày đêm. Đó là tính chất ngành và yêu cầu công việc. Bạn hãy xác định trước điều này, để tránh sự bỡ ngỡ. Đa nhiệm không xấu, miễn bạn xác định được con đường mình cần đi.
Yêu thích nhất thời là một chuyện, có thể đi được với nó lâu dài hay không lại là một chuyện khác. Mình làm ngành cũng không dài, kiến thức của mình còn hẹp, điều mình thấy chính là những gì mình trải qua. Chắc chắn, một thời gian nữa, góc nhìn của mình sẽ khác đi. Mình tin là như vậy.
Nếu bạn chưa có tí kiến thức và kinh nghiệm nào về Content, bạn có thể đi theo con đường như mình: học việc – thực tập – làm chính thức (mảng social) – làm agency… Nhiều người mình quen cũng đi thế đấy.
Hoặc nếu bạn thấy mình cần vốn kiến thức trước đã thì đi học. Hiện nay có rất nhiều khóa học từ các anh chị lớn trong ngành, như mình có kể một số ở trên: anh Huỳnh Vĩnh Sơn, anh Đốc Tờ Ti, anh Thái Học (Quán Trà Đá) , chị Tâm (Ngáo Content)… Nhiều lắm đa, tìm phát là ra…

Chủ động là chìa khóa

Nếu bạn là một con người bị động, nhưng lỡ say đắm ngành này, thì phải gắng lên. Như bài trước mình đã viết về Hướng Nội. Con người chủ động bao giờ cũng hợp hơn với môi trường quảng cáo.
Bởi vì ngành này chính là thế. Ngành không thay đổi vì bạn. Mà chỉ có bạn phải thay đổi để thích nghi, nếu không muốn bị đào thải.
Mình nhận thấy, nhiều bạn trẻ hiện này rất chủ động, nhưng không hiểu sao một số bạn lại không. Thật ra, thay đổi theo yêu cầu công việc cũng là biểu hiện của sự chuyên nghiệp. Đó là quan điểm của mình, vì thế mình chấp nhận đổi thay.
Nếu không biết gì hãy chủ động hỏi. Nhưng đừng hỏi những điều giản đơn dễ tìm. Trước khi đặt vấn đề hỏi người khác, hãy xác định trước mình tìm mọi cách không ra hướng đi. Không ai sinh ra biết tất cả mọi thứ. Ngay cả mình cũng mất vài năm đi làm và trầy trật để có được hôm nay. Vì thế, mình sẽ đánh giá cao những câu hỏi nhìn phát biết ngay đã nghiên cứu và tìm tòi. Mình cũng cực kỳ khó chịu và sẽ không trả lời những câu trông có vẻ như là bộc phát lên trong đầu và hỏi luôn.
Mình bảo bạn này, tất cả những người nhiều kinh nghiệm hơn bạn, họ biết hết. Vì họ kinh nghiệm đầy mình và từng đi như bạn. Đó là lý do mình cũng luôn dặn lòng: muốn hỏi gì, thì nghiên cứu và tìm câu trả lời đã, xác định không tìm ra mới hỏi, để tôn trọng quỹ thời gian của các tiền bối và cả bạn bè đồng nghiệp.

Tu luyện cho lòng dạ rắn chắc

Để Mị nói cho mà nghe: Làm nghề sáng tạo trong ngành quảng cáo mà không có một trái tim kiên cường (hoặc giả vờ kiên cường) thì đau đớn lắm.
Bé Ai – đia – chan con cưng của bạn ý mà. Có thể với bạn nó là tốt nhất, nhưng với đồng nghiệp, với sếp, với client, nó chỉ là một sự lựa chọn trong nhiều sự lựa chọn phải cân nhắc. Họ sẽ có rất nhiều điều phải suy nghĩ:  sự phù hợp – ngân sách – ấn tượng … vâng vâng. Và chỉ cần 1 trong số những điều vừa kể trên, idea của bạn không đáp ứng được kỳ vọng, thì tự động nó sẽ OUT.
Những bài viết của bạn cũng vậy. Viết ra tự nhủ hay thế nhưng không chắc chắn là sẽ OK với người duyệt bài. Một khi chọn nghề này, hãy sẵn sàng tâm thế Sửa – Duyệt- Sửa – Duyệt…. Nan giải nhất là sau những lần như thế, bạn vẫn phải có lòng tin vào chính mình, vào khả năng của bản thân. Ví dụ như mình, cũng có những lúc mình rất hoài nghi, không biết mình có đủ năng lực theo ngành này tiếp hay không?
Lớp áo trông kiên cường và rắn chắc hôm nay mình khoác và cả sự thấu hiểu lắng nghe bạn được nhìn thấy, là đánh đổi của những lần khách brief, nhận feedback thứ 800 hay “được” làm OT tối chủ nhật hay sáng đêm. Hồi trước mình cũng bảo vệ bài viết của mình dữ lắm, đó là điều mình được dạy khi học Thiết kế và lối tư duy này đã ăn sâu bám rễ trong đầu mình. Tuy nhiên, khi làm quảng cáo, điều bạn làm là cho khách hàng (client) và TA (đối tượng mục tiêu), cái bạn thích không hẳn người mua sản phẩm/ý tưởng của bạn sẽ thích.
Làm dịch vụ này, quan trọng nhất là bạn biết rằng: thước đo marketing luân phiên thay đổi tùy người, tôn trọng điều mình làm ra, nếu không hợp với người này thì sau này mình chắt lọc bán cho người khác. Đừng xem một lời nhận xét nặng tựa Thái Sơn nhưng cũng đừng xem nó nhẹ tựa lông hồng. Chừng nào cân bằng được, là đã giỏi lắm rồi á. ahihi.
Hãy cố gắng trở nên kiên cường từng ngày nhé! Chỉ cần kiên nhẫn với sự ngu ngơ khờ dại mà bản thân đang có 1 chút, có thể bạn sẽ hoá kén thành bươm bướm đó. Mình đang xây dựng niềm tin như vậy đấy! ^^ Cố lên nào.
Jeen,