Đầu tiên và trên nhất, từ những tìm hiểu và góc nhìn của mình, mối quan hệ độc hại được định nghĩa theo một vài hướng như sau:
Mối quan hệ độc hại ngược lại hoàn toàn với một mối quan hệ lành mạnh. Tính độc hại bắt đầu xuất hiện trong các mối quan hệ của bạn với người khác là khi người khác “lợi dụng, tận dụng” bạn. - Theo Oopsy.vn (1)
Tính độc hại xuất hiện trong các mối quan hệ của bạn với người khác là khi người khác “lợi dụng, tận dụng” bạn. Người ta nói rằng mối quan hệ được hình thành từ một chiều. - Theo Tamlyhoc.com (2)
Đa số các bài viết tiếng Việt đều định nghĩa mối quan hệ độc hại là mối quan hệ mà một trong hai (hoặc nhiều người) bị "lợi dụng, tận dụng". Tuy nhiên, định nghĩa mình thấy tâm đắc nhất đến từ một bài nghiên cứu gần đây:
By toxic relationship we mean a relationship disorder which can have many forms but all are characterized by a disparity, a non-egalitarian situation in which one of the two subjects depends on the other, triggering a mechanism of dominance and subjection. One puts in the relationship much more affect than the other, whose contribution can even be zero. Theo Human Networks And Toxic Relationships (3)
Tạm dịch: Theo nhóm tác giả, mối quan hệ độc hại (toxic relationship) là một loại rối loạn mối quan hệ có thể có nhiều hình thức. Tuy nhiên tất cả đều có điểm chung là sự chênh lệch trong mối quan hệ. Có thể giải thích đây là một tình huống phi bình đẳng trong đó một trong hai đối tượng phụ thuộc vào nhau, gây ra một cơ chế thống trị và khuất phục. Trong mối quan hệ đó, người không có đóng góp gì lại là người có ảnh hưởng nhiều hơn.
Mình thì có cách hiểu đơn giản hơn cho bản thân. Đối với mình, một mối quan hệ độc hại là mối quan hệ làm mình cảm thấy tự ti, không thoải mái, bị tụt cảm xúc/mất năng lượng hoặc không thấy/không dám/không thể trở thành chính mình ở đó.
Vậy nên, bất cứ khi nào mình cảm nhận vô dụng, không được tin tưởng, tự ti, bị xúc phạm hoặc phải giả tạo quá mức trong một mối quan hệ để níu lấy nó, mình sẽ cho nó là mối quan hệ độc hại, và tìm cách sửa chữa nó, hoặc rời đi*.
Bài học đầu tiên - Tiếp tục ở lại trong mối quan hệ đó, hay rời đi?
Nguồn ảnh: Fanpage IER Career Builder Mình tiếp nhận "mối quan hệ độc hại" đầu tiên là khi gặp một người hướng tiêu cực. Năm đó mình chưa vào đại học, mindset cũng chưa vững vàng như hiện tại, và mình rất dễ bị ảnh hưởng từ suy nghĩ của người lớn. Người đó là một trong những người mình thực sự yêu quý. Tuy nhiên sau khi chia tay người yêu, người ấy bỗng khác rất nhiều. Hầu hết những lần nói chuyện với mình, người ta đều tâm sự về cuộc đời, mất niềm tin vào cuộc sống, coi mình là chỗ bám víu duy nhất còn sót lại. Tuy nhiên, điều người ấy thực sự làm, theo mình biết là những hứa hẹn, thay đổi và bỏ dở tương lai.
Mình thấy đồng cảm có, nhưng hơn cả sự đồng cảm, mình thực sự mệt mỏi và cảm thấy gánh nặng mỗi khi nghe những câu chuyện tiêu cực như thế.
Nhưng bản chất "anh hùng" trong máu mình nổi dậy, mình mong truyền được năng lượng tích cực cho con người này (Vì với mình chia tay bồ không phải là kiểu gì to tát có thể đánh mất thế giới hết cả). Tuy nhiên, thực sự sau 2 hay 3 tháng gì đấy miệt mài tâm sự, thay vì biến người ta tích cực hơn, mình thấy mình tiêu cực, khó chịu với bản thân mình hơn, và loay hoay tìm ra những khía cạnh đen tối của đời mình để cùng tỏ ra đáng thương với người đó để thể hiện sự đồng cảm.