Ảnh: Dee @ Copper and Wild
Ảnh: Dee @ Copper and Wild
Trước khi bàn sâu hơn về chuyện giao tiếp và các mối quan hệ, mình biết rằng, đối với nhiều người (bao gồm cả mình), thi thoảng “chửi yêu" một chút mới là tình cảm, bỗ bã một chút mới là tình thân, dỗi dằn một xíu mới là tình yêu. Việc câu nệ hình thức câu từ hay chú tâm quá mức tới cách diễn đạt thông tin có thể bị coi là khách sáo, cảnh vẻ, văn vở, lươn lẹo. 
“Chơi với nhau bao lâu rồi mà còn phải khách sáo?”
“Yêu anh thì em phải hiểu cho anh chứ, mắng yêu tí thôi mà?”
“Tự nhiên phải nói chuyện kiểu này, dở hơi lắm!”
Để tìm được cách nói chuyện “tử tế" hợp lý nhất mà không quá sến sẩm để phải thốt ra những câu nói như trên, trước tiên, hãy thử bàn luận với nhau,

PHẦN I. NHƯ THẾ NÀO LÀ NÓI CHUYỆN “CHƯA TỬ TẾ”?

Khi vui, một vài câu chửi có thể chẳng hại gì ai. Vấn đề là khi bất đồng quan điểm, do quá quen bỗ bã với nhau rồi, thay vì giải thích, bày tỏ quan điểm theo cách người kia có thể hiểu được, từ ngữ lại biến đi đâu mất, còn lại chỉ là “Đ** m*, sao tao nói thế mày vẫn không hiểu? N** v** l** thế??”. 
Ảnh: Megan Monismith
Ảnh: Megan Monismith
“Đ** m*, v** l**” lúc này hết vui… Càng nghe càng tức. Mà một khi đã tức, đã khó chịu, phần não tư duy suy yếu, phần não cảm xúc lên ngôi. Càng nói, càng khó hiểu. Càng nghe, càng bực mình. Nói đi nói lại, một vòng luẩn quẩn, một câu chuyện bế tắc. Trong các nghiên cứu khoa học xã hội, cách giao tiếp này gọi là “aggressive” hay “gây hấn” (1). 
Trên thực tế, việc không chửi bậy cũng không khiến một câu nói trở nên ít gây hấn hơn nếu mục đích của người nói vẫn là làm tổn thương người khác. Chắc chắn các bạn đã từng nghe những câu nói sắc như dao cau, không mắng, không chửi, nhưng lại đau hơn ngàn nhát cắt. 
Nếu như với bạn bè, khi không thể chịu được nhau nữa, mình còn có thể tách nhau ra một xíu. Một hai tuần, thậm chí là một hai tháng, khi nào hết bực khi nghĩ về nhau, chúng mình lại hẹn nhau ra cafe tâm sự. 
Với gia đình, đồng nghiệp, bạn thân, người yêu, mình khó làm như vậy hơn. Đương nhiên, khó không có nghĩa là không thể, cùng lắm là bỏ nhà ra đi, không có việc này thì có việc khác, không yêu người này thì yêu người kia, không chơi với đứa này thì chơi với đứa khác. 
Lúc sôi máu lên rồi, cũng dễ để nghĩ vậy, làm vậy lắm. Có những mối quan hệ bỏ đi thì nhẹ lòng, nhưng có những mối quan hệ khác, bỏ thì thương, mà vương thì tội…
Một giải pháp khác đó là “dĩ hòa vi quý", “bằng mặt mà không bằng lòng”. Ở thì vẫn ở, chơi thì vẫn chơi, yêu thì vẫn yêu nhưng trong lòng lại ấm ức khó chịu. Sự khó chịu được thể hiện một cách mơ hồ qua những câu nói bóng gió, những status thể hiện cảm xúc và quan điểm gián tiếp trên mạng.
Ngày này qua ngày khác, cứ nghĩ đến người này là ngán đến tận cổ, muốn tránh, muốn né cho thật xa, bởi thực tâm chẳng biết họ nghĩ gì và muốn gì. Trong các nghiên cứu khoa học về giao tiếp, cách giao tiếp này được gọi là PASSIVE AGRESSIVE hay gây hấn thụ động.
Một giải pháp thường gặp nữa đó là nói những điều đặt mình vào thế bị động, chuyển toàn bộ trách nhiệm, tội lỗi và vấn đề qua cho đối phương, chờ đối phương giải quyết, nếu vấn đề không được giải quyết, đối phương sẽ là người cảm thấy có lỗi chứ không phải mình. 
"Vì sao tôi khổ thế này, các người không thương tôi à?"
"Sao không ai thương tôi?"
"Sao tôi khổ thế này?"
Chuyện sẽ không có gì đáng bàn nếu như người rũ bỏ trách nhiệm không hề có trách nhiệm gì thật. Đáng tiếc, trong nhiều trường hợp diễn ra kiểu giao tiếp thụ động (passive) này, trách nhiệm đang bị phân chia một cách thiếu công bằng. Đặc biệt là trong các mối quan hệ tình cảm hoặc mối quan hệ gia đình, một bàn tay không thể làm nên tiếng vỗ tay. 
Tới đây, có lẽ chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng, thật khó để đưa ra một định nghĩa cố định hay một bảng đánh giá toàn diện cho thứ gọi là câu nói “tử tế". Nhiều lúc ý định của mình là tử tế nhưng cách nói lại không phù hợp, gây khó chịu, thậm chí còn phản tác dụng, thành ra không tử tế. Nhiều lúc, đến cách nói của mình cũng có vẻ tử tế, nhưng vì những trải nghiệm không tốt trước kia của người nghe mà họ lại hiểu nhầm mình thành không tử tế. Nhiều lúc khác, mình đã đến với cuộc trao đổi với cái tâm tử tế, muốn sử dụng những câu từ tử tế, nhưng do bản thân cũng bị cuốn theo dòng cảm xúc mà lại buông ra những lời chưa thực sự tử tế. 
Chính vì những biến số phức tạp như vậy, mình sử dụng từ “chưa tử tế" để chỉ những câu nói khi được đưa ra vừa không đáp ứng được mục tiêu của người nói và vừa làm tổn thương người nghe. Nếu bạn có suy nghĩ nào khác về định nghĩa của sự tử tế, hãy để lại ở phần comment nhé. Trong trường hợp bạn cho rằng, phải làm tổn thương nhau mới có thể đạt được mục đích cá nhân, phải “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", mời bạn theo dõi các bài viết của mình để tự đánh giá mức độ hiệu quả của cách làm này dưới góc nhìn của các nghiên cứu khoa học tâm lý.
Ngoài ra, mình sử dụng từ “chưa tử tế” thay vì “không tử tế" bởi mình tin rằng, và các nghiên cứu khoa học về sự phát triển không ngừng nghỉ của não bộ cũng đã xác nhận rằng nếu ta thực sự muốn thay đổi và bỏ công sức vào tiến trình này, bộ não cũng sẽ tạo ra thêm những kết nối thần kinh mới củng cố sự cố gắng của chúng ta.

PHẦN II. MÌNH CÓ ĐANG CHÚ TÂM NÓI CHUYỆN “TỬ TẾ" KHÔNG?

Nhà phân tâm học Viktor Frankl có hai câu nói là kim chỉ nam của mình trong mọi tình huống. Thứ  nhất PHẦN I. NHƯ THẾ NÀO LÀ NÓI CHUYỆN “CHƯA TỬ TẾ”?
"Khi ta không thể thay đổi một tình huống, ta đang được thử thách để thay đổi chính bản thân mình”
thứ hai,
“Quyền tự do tối thượng nhất của con người là quyền được lựa chọn thái độ của bản thân trong bất kể tình huống nào.”
Mình nghĩ cũng không phải ngẫu nhiên mà việc nói lời chân thiện hay “chánh ngữ" lại là một trong tám thực hành quan trọng của Phật giáo trên con đường thoát khỏi vô minh, hạn chế “khẩu nghiệp". 
Cho dù có chọn “chửi thẳng cho nó hiểu ra”, “dĩ hoà vi quý" hay rời đi, có những câu hỏi chúng mình có thể tự đặt ra cho bản thân để xem cách làm của mình có “tử tế” không?

1. Giao tiếp “tử tế” trong mối quan hệ của bạn và người kia là gì?

Để trả lời câu hỏi này, bạn có thể trả lời một câu hỏi lớn hơn trước, đó là “Bạn mong muốn có một mối quan hệ như thế nào? 
- Một mối quan hệ thoải mái, dễ chịu, không câu nệ? Thoải mái đến mức độ nào thì sẽ là cợt nhả, vô duyên?
- Một mối quan hệ có sự tôn trọng? Nếu vậy, sự “tôn trọng” ở đây được thể hiện như thế nào? Sự tôn trọng có cần phải đến từ cả hai phía không?
- Mối quan hệ có sự an toàn? Điều gì khiến bạn cảm thấy an toàn? Điều gì khiến bạn cảm thấy lo âu, bứt rứt? 
… và những mong muốn khác của bạn cho một mối quan hệ.
Khi trả lời được những câu hỏi trên, định nghĩa của giao tiếp “tử tế" của riêng bạn sẽ hiện ra một cách rõ ràng hơn. Khái niệm “tử tế" của bạn bây giờ có thể khác với sự tử tế mã xã hội đặt ra hoặc sự tử tế chuẩn mực trong Phật giáo. Mình thấy điều đó cũng không sao cả, bởi bạn đang sống trong một xã hội thu nhỏ của riêng mình và xung quanh bạn cũng không phải các chân sư.
Ảnh: Akasha Foundation
Ảnh: Akasha Foundation
Điều thú vị là, mỗi người định nghĩa có thể sẽ có những định nghĩa riêng cho việc “giao tiếp tử tế” tùy vào tính cách, môi trường sống, nhu cầu của họ. Khái niệm “tử tế" của người này có thể là quá vô duyên với người kia. Một người cũng có thể có những định nghĩa hơi khác nhau cho những mối quan hệ khác nhau. Bản thân định nghĩa “giao tiếp tử tế" của chính bạn cho một mối quan hệ cũng sẽ thay đổi khi bạn có thêm nhiều trải nghiệm mới trong cuộc sống. 
Cũng vì sự dao động mạnh mẽ của định nghĩa này. Mình cho rằng nếu có cơ hội, việc trao đổi về cách giao tiếp trong các mối quan hệ là vô cùng quan trọng. Thay vì để khi xích mích khó chịu, sứt mẻ mối quan hệ mới lo làm lành, khi còn vui vẻ hồ hởi, chúng mình có thể để ý quan sát tìm hiểu hoặc tìm cơ hội cùng thảo luận về những kỳ vọng này ngay từ ban đầu.

2. Mục đích của bạn khi giao tiếp là gì? 

Cùng một vấn đề, nếu như mục tiêu giao tiếp của bạn là để giải thích cho người khác hiểu vấn đề thì cách tiếp cận cũng sẽ rất khác với mục tiêu là nạt nộ thị uy. Trước mỗi cuộc trao đổi khó, hãy hình dung rõ ràng mục tiêu nói chuyện của bạn, các luận điểm bạn định đưa ra và tông cảm xúc phù hợp cho mục tiêu đã đề ra. 
Để dễ hình dung hơn kế hoạch giao tiếp phù hợp với mục đích của mình, hãy thử đặt mình vào vị trí của người tiếp nhận thông tin. Khả năng đặt mình vào vị trí của người khác được nhà tâm lý học Hunter Gehlbach tại đại học Stanford định nghĩa là (2) 
“Năng lực hiểu cách người khác nhìn nhận một vấn đề và suy nghĩ, cảm xúc của họ trước vấn đề đó.”
Giả sự, nếu ai đó đang muốn thuyết phục bạn, liệu bạn sẽ tâm phục khẩu phục với một người bình tĩnh, tự tin hay một người nói liến thoắng với khuôn mặt tức giận? Cái khó ở đây chính là làm thế nào để hiểu được góc nhìn và cảm nhận của đối phương khi ở trong tình huống đó, chính là câu hỏi thứ 3 bạn cần trả lời.

3. Người tiếp thu thông tin sẽ nghĩ gì và cảm thấy gì?

Chắc chắn, bạn sẽ không bao giờ hiểu toàn bộ những gì đang diễn ra trong đầu người khác mà chỉ có thể đưa ra những giả thuyết dựa trên những gì bạn biết về họ. Hãy thử đặt mình vào vị trí người đối diện và tự hỏi “Giao tiếp “tử tế" với họ là gì? Họ đang tìm kiếm thứ gì trong cuộc nói chuyện này? Họ sẽ phản ứng như nào nếu mình hét lên? Họ sẽ nghĩ gì khi mình thoái mạ họ?”
Trong trường hợp bạn đưa ra những giả định sai lầm bởi bạn đang biết quá ít về họ và gây ra thêm hiểu nhầm, ít nhất, bạn đang hiểu thêm về họ qua những giả định sai lầm đó và gia tăng khả năng đưa ra các giả định chính xác hơn trong tương lai (3).
Một cách làm hiệu quả hơn đó là thử hỏi về cảm nhận và suy nghĩ của họ thay vì đưa ra những giả định thiếu căn cứ. Lúc nào chúng mình cũng có thể hiểu hơn về nhau mà phải không? 
Trong cuốn sách “Vì sao chúng ta hiểu nhầm những điều người khác nghĩ, tin, muốn, và cảm nhận?” sau khi tổng hợp rất nhiều nghiên cứu về năng lực thấu hiểu người khác, giáo sư John Keller, nhà tâm lý học hành vi kết luận (4):
“Chìa khoá của việc thấu hiểu người khác không nằm ở khả năng đọc vị ngôn ngữ hành vi hay năng lực tưởng tượng bản thân mình trong vị trí của họ mà phụ thuộc vào cách bạn tạo ra cơ hội để người kia có thể thoải mái chia sẻ những gì họ đang nghĩ một cách cởi mở và thành thật.”
Ở đây, mình muốn nhấn mạnh vào “cách bạn tạo ra cơ hội cho người kia" nhé. Chúng ta thường yêu cầu người khác lắng nghe nhưng lại chẳng mấy khi tạo cho người ta cảm giác muốn nói…

4. Lời bạn vừa nói ra, hành động bạn vừa làm có mục đích gì?

Chỉ có bạn là người hiểu rõ nhất mục tiêu lời nói và hành động của mình. Bạn mắng chửi vì thương hay vì giận, bạn rời đi vì muốn người kia ở lại trong ê chề, khó chịu hay rời đi vì sự cần không gian để bình tĩnh lại trước khi tiếp tục chia sẻ.  
Không ít lần dù mình muốn người ta lại gần an ủi nhưng lại nói họ hãy cút đi thật xa. Có thể bạn chỉ đang đơn giản muốn người kia cảm thấy có lỗi với sự tức giận của bạn mà phải an ủi bạn. Nhưng nếu họ không cảm thấy có lỗi vì chính bạn mới đang là người sai và vô lý thì sao? Nếu họ tôn trọng yêu cầu của bạn, tôn trọng cái tôi của họ và rời đi thật thì sao? Chính bạn sẽ phải chịu hậu quả của chính lời yêu cầu mình vừa đưa ra phải không? 
Ở phần I của bài viết, mình đã tạm đồng ý với nhau về biểu hiện của những lời nói “chưa tử tế" và định nghĩa của lời nói tử tế. Bản thân bạn cũng đã hình dung được một mối quan hệ “tử tế" và có được mục đích của riêng mình khi giao tiếp. Lần tới, với mỗi cái vùng vằng hay mỗi lời cay nghiệt, bạn hãy thử quay về với câu hỏi “mục đích của tôi đang là gì?”.
Vì sao thay đổi thói quen này lại khó, mình sẽ bàn luận ở bài viết tiếp theo. Dù khó nhưng khoảnh khắc bạn nhận diện được sự bất đồng giữa “mục đích tối thượng ban đầu của bản thân” và “đích đến thực sự của thứ bạn đang làm và lời bạn đang nói" đã là một bước đột phá cực kỳ lớn rồi!

KẾT 

Theo mình, lựa chọn học cách nói lời tử tế cũng là lựa chọn làm người tử tế. Sẽ có những lúc, dù đã cố gắng hết sức để giao tiếp “tử tế", bạn vẫn tức anh ách và người kia cũng chẳng thèm quan tâm tới những gì bạn nói. Mình cho rằng, chính những lúc đó là cơ hội để “tu", nói cách khác là ngưng lại, quan sát và đối thoại với bản thân, tự trả lời lại những câu hỏi sau:
1. Mình có đang nói chuyện tử tế với nhau?
2. Giao tiếp “tử tế” trong mối quan hệ của bạn và người kia là gì?
3. Mục đích của bạn khi giao tiếp là gì? 
4. Người tiếp thu thông tin sẽ nghĩ gì và cảm thấy gì?
5. Lời bạn vừa nói ra, hành động bạn vừa làm có mục đích gì?
Chúc các bạn vui với hành trình nói lời “tử tế" của riêng mình.
Hiểu và thương,
Keira Ngo - 16/5/2023
P/S: Kiến thức, góc nhìn và quan điểm sống của mình có thể thay đổi trong tương lai, bài viết này chỉ phản ánh một phần con người mình trong thời điểm hiện tại.
Nguồn tham khảo:
(1) The Trustees of Princeton University. (n.d.). Understanding your communication style | Umatter. Princeton University. https://umatter.princeton.edu/respect/tools/communication-styles 
(2) Gehlbach, H. (2004). “A new perspective on perspective taking: a multidimensional approach to conceptualizing an aptitude.” Educational Psychology Review, 16(3), 207-234.
(3) Tarrant, M., R. Calitri, and D. Weston (2012). Social identification structures the effects of perspective taking. Psychological Science 23: 973– 98
(4) Epley, N. (2022, March 9). Be mindwise: Perspective taking vs. perspective getting. Behavioral Scientist. https://behavioralscientist.org/be-mindwise-perspective-taking-vs-perspective-getting/ 
(5) How to love, thầy Thích Nhất Hạnh