Mình - một đứa con gái học trường kỹ thuật, cái mác này chắc là oai lắm vì ai nghe thấy cũng trầm trồ "Con gái mà học Xây Dựng à giỏi thế?", ai cũng nói vậy, cho đến khi mình trả lời "Vâng, nhưng cháu ra trường không theo nghề ạ." Và thế là gương mặt ai cũng tắt rạng khi nghe câu "Cháu đang làm Marketing", chắc có lẽ, họ thấy mình không còn "giỏi" như cách họ đã nghĩ, thậm chí là còn có một chút gì đấy viển vông và ngông cuồng.
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và ngoài trời
Ảnh kỷ yếu của một bạn nữ trường Xây dựng (nguồn: NUCE news)
Mình - một đứa con gái dành 5 năm tuổi trẻ để vật lộn với cơ học kết cấu, cơ đất, hình họa, thậm chí tên của các môn học nghe có vẻ kinh tế nhất như marketing, kinh tế học cũng được lồng thêm cụm "trong xây dựng", đủ để hiểu khối kiến thức mình học về ngành này chuyên sâu đến thế nào. Vậy mà, sau ngần ấy năm, mình ra trường, dứt áo ra đi theo ngành Marketing. Chắc ai đó sẽ nói sao mà phí thế. Nhưng mình không nghĩ vậy, đối với mình, trường đại học có thể không cho mình những kiến thức áp dụng hàng ngày để kiếm ra tiền trong ngành mà mình đang chọn, nhưng như cách mà Steve Jobs đã nói:
Connecting the dots.
Mình tin rằng mọi việc xảy ra trong đời đều có lý do, mà sau này khi nhìn lại, bạn sẽ thấy có một mối liên kết diệu kỳ giữa những thứ tưởng chừng như không liên quan ấy. Với việc học đại học cũng vậy, đây là những gì mình học được sau 5 năm ngồi trên giảng đường của trường Đại học Xây dựng:
1. Thái độ khi làm việc dưới áp lực
Có thể bạn đang nghĩ, học ở đâu mà chẳng áp lực. Chắc có lẽ vì mình lười, nên luôn thấy mỗi đợt thi là đống sách vở và kiến thức cứ chất chồng chất chồng, lượng kiến thức phải tiêu hóa trong một thời gian ngắn ngủi là cực kỳ quá tải với một người bình thường. Nhất là khi kết quả của nguyên 1 block, 1 kỳ học sẽ phụ thuộc vào cách bạn thể hiện trong 1 đến 2 tuần thi duy nhất. Tần suất thi thì cực kỳ dày đặc, gần như cách 1 đến 2 hôm là thi một môn, hôm nào thảnh thơi thì được 3 ngày, chưa kể đến đồ án vẫn phải đảm bảo hoàn thiện.
Khổ như sinh viên kỹ thuật làm đồ án: Vạ vật ăn ngủ đêm ngày với bản vẽ trong nhà trọ oi bức - Ảnh 4.
Sinh viên trường mình mùa đồ án, ôn thi (nguồn: Kenh14)
Những lúc như vậy, cảm giác cả thế giới đang chống lại mình vậy, đọc cái gì cũng mới, công thức thì cái nọ xọ cái kia, tuyệt vọng quá bỏ ra học sổi làm đề thì đọc còn không hiểu luôn đề đang nói về cái gì, kiến thức này ở chương mấy trong mười mấy chương sách.
Cũng muốn bỏ cuộc lắm chứ, nhưng cứ nghĩ nếu không học thì cầm chắc suất trượt, kỳ sau học lại môn này lại thế này, coi như nhân đôi ác mộng. Những lúc như vậy, từ bao giờ trong mình đã tự tôi luyện ý chí không cho phép mình bỏ cuộc. Còn nhiều kiến thức chưa hiểu ư, không sao, vẫn phải học thôi, bài tập nhiều dạng quá ư, không sao, học được đến đâu hay đến đấy vậy. Phải cố hết sức, thậm chí nhiều hôm phải thức nguyên đêm để hôm sau đi thi, vì đã lỡ quen với việc "không bỏ cuộc", cứ tiếp tục đi dù còn nhiều lắm, cứ học được bao nhiêu tốt bấy nhiêu rồi vào phòng thi đợi chờ một phép màu.
2. Chẳng có gì gọi là "không thể làm được"
Nếu bạn đã một lần nhìn qua chồng giáo trình chứa những kiến thức mang nặng tính hàn lâm và tính toán mà một sinh viên kỹ thuật phải học qua, bạn sẽ hiểu vì sao sinh viên kỹ thuật luôn có vẻ gì đấy "ngông" hơn rất nhiều so với các bạn khác.
Trong hình ảnh có thể có: 2 người, văn bản
Gọi tên trường mình sao cho đúng (Nguồn: Bách Kinh Xây Confessions)
Đầu kỳ mua giáo trình rõ ràng là viết tiếng Việt, mà cuối kỳ mở ra cảm giác mông lung như mua nhầm sách ngoại văn, hay có những môn mở sách ra toàn là hình, còn phần chữ thì đọc cũng không hiểu nốt. Những ải như vậy mà mình còn qua được, thì còn kiến thức gì, thế lực gì có thể khiến mình sợ hãi nữa.
Đến tận khi đã ra trường đi làm, đối mặt với một lượng lớn thông tin mới mẻ hàng ngày (công ty mình chuyên về marketing trong lĩnh vực blockchain và tiền mã hóa), một lĩnh vực chẳng liên quan đến những gì mình đã học, và chẳng có một tý kiến thức gì mình được trang bị trước cả, nhưng mình vẫn bình thản đối mặt.
"Không thể khó hơn Nền móng, Tổ chức được đâu, mấy môn đấy còn qua được, dăm ba cái chuỗi khối và tiền điện tử nhằm nhò gì"
Với tâm niệm như vậy, khi gặp một vấn đề khó, mình luôn đối mặt với nó một cách rất trực diện, không hề né tránh, khó thì tìm cách, vì chẳng có gì là không thể làm được.
3. "Hoa của đá"
Hình tượng một bông hoa đá xuất hiện trong một môi trường đầy khắc nghiệt và khô cằn chắc cũng là lý do nó được gán cho con gái Xây dựng tụi mình. Kiến thức thì khô khan, môi trường thì toàn đàn ông (dạo này nhiều gái hơn một chút rồi nhé), vậy mà le lói vẫn có những cô gái dám dấn thân, chọn học ở ngôi trường này.
Sinh vien ky thuat an va, ngu vat ngay dem cung do an cuoi ki
"Hoa của đá" đi thông qua đồ án (Nguồn: vietbao.vn)
Nếu đấy đúng là ý nghĩa của cụm từ này, thì mình nghĩ nó không chỉ dành riêng cho con gái đâu, mà có lẽ là toàn thể sinh viên trường mình. Lúc nào cũng sấp mặt với ôn thi, đồ án và vòng xoáy thi trượt - học lại, tưởng chừng như chỉ biết đêm ngày ôm lấy sách vở, nhưng mình lại thấy ngôi trường này lại là nơi ươm mầm những tài năng nở rộ một cách rực rỡ, đẹp đẽ nhất.
Ai cũng nói sinh viên Xây Dựng tài năng lắm
Đúng thế thật, tham gia vào các ngày hội của trường, mình chẳng bao giờ thấy thất vọng vì những ca sĩ nghiệp dư dù chẳng qua một trường lớp thanh nhạc gì cả mà cũng hát hay như nuốt đĩa, hay những tiết mục của đội sinh viên tình nguyện, dù không phải hoàn hảo nhưng cũng có những nét gì đấy rất riêng, rất chất. Miss trường mình cũng đỉnh hơn hẳn miss trường khác, vì có tiết mục vừa múa vừa vẽ tranh, có tiết mục vừa đàn vừa hát ca khúc "Cây đàn ghitar" mang đậm chất biểu tượng của sinh viên Xây dựng.
Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng
Phần thi của một thí sinh trong cuộc thi "Duyên dáng Xây dựng" (Nguồn: Đoàn thanh niên trường Đại học Xây dựng)
Và từ đấy mình tập được thói quen luôn nhìn nhận những điểm tốt đẹp trong mỗi người, trân trọng sự khác biệt và điểm mạnh của họ, dù bản thân họ đôi khi còn nhiều thiếu sót. Vì chắc chắn ai cũng có, chỉ là bông hoa ấy trốn kỹ đến đâu thôi. Cũng như trong mọi nghịch cảnh, ta luôn có thể tìm thấy đâu đó những điều tích cực giữa đầy rẫy những nỗi cô đơn và tuyệt vọng.

Bài viết cũng đã dài rồi, nên mình xin phép cắt lại vào phần 2. Mình xin gửi tặng các bạn bài hát của một nhóm sinh viên trường mình thể hiện, cũng khá liên quan đến quan điểm mà mình đang trình bày, mang tên "Cô gái trường Xây".

Chúc mọi người ngủ ngon và hẹn gặp lại ở phần 2.
Ngày 18 tháng 4 năm 2019,
Trần Minh Anh