Bài viết gốc được đăng tải trên Slow.vn.
Nếu bạn thấy có hình bóng của mình trong những dòng mô tả tới đây, có lẽ đã đến lúc nhấn nút Pause.
<i>Ảnh: <a href="https://slow.vn/">Slow.vn</a></i>
Ảnh: Slow.vn
Bạn có thường thấy bản thân lặn ngụp trong một mớ hỗn độn checklist những công việc phải làm. Câu cửa miệng của bạn là “Trời ơi mình không có đủ thời gian để làm xong những thứ này!”, và lặp lại nhiều tới mức bạn không còn ý thức được nó nữa. Bạn bị cuốn vào một vòng xoáy làm nhiều hơn, nhưng rồi lại nhiều hơn việc để làm, trong khi rất khó để nhận ra hay thậm chí có xu hướng phủ nhận rằng đây là dấu hiệu khởi đầu của giai đoạn làm việc dẫn đến kiệt sức.
Cuộc sống không nhất thiết phải là một cuộc chạy việt dã. Bạn luôn có lựa chọn nhấn nút “Tạm ngưng” - cho bản thân một khoảng nghỉ mà không nhất thiết phải tốn thời gian - một thứ vốn đã rất nhạy cảm ở thời điểm nước rút, hay tiền bạc.
Thử tưởng tượng nếu bạn phát biểu một bài diễn văn dài thật dài mà không có dấu ngắt. Có lẽ với nhiều người trong chúng ta, cuộc sống đang giống như vậy: lên xe-tới sở-tan làm-ăn-ngủ, lặp lại không bỏ một nhịp. Sự căng thẳng và bận rộn thường thực mỗi ngày đang rút dần nội lực và niềm vui thích cuộc sống. Sự mất cân bằng dần dần dẫn đến kiệt sức - và những kì nghỉ trở thành những khoảnh khắc xa xỉ bạn có cảm giác được sống, được thở, được làm một con người đúng nghĩa. Nếu bạn luôn thấy mình trong trạng thái dễ dàng cáu bẳn, mất kiên nhẫn, bức bối vì những điều không thực sự quan trọng, hoặc bạn luôn bất an, bồn chồn, thấy nặng nề triền miên, bạn cảm thấy bế tắc, luẩn quẩn không lối thoát thì, cái bạn thực sự cần là một khoảng lặng. Hãy hít một hơi thật sâu, và nhấn “Pause”...

Micro Pause - Những Khoảng Lặng Ngắn

Cho phép bản thân nhấn nút “Tạm ngưng” là một cách đơn giản để tìm lại cân bằng mỗi khi bạn cảm thấy cần. Dần dần, bạn sẽ hiểu hơn cách bản thân vận hành, và chủ động thiết kế, đặt để những khoảng lặng này vào trong đời sống thường nhật. Thay vì chỉ đóng vai trò “cứu hộ”, dần dà đây sẽ là kĩ năng đi theo và phát triển cùng bạn qua thời gian. Và để bản thân quen dần với cách sử dụng kĩ năng này, hãy để ý xem điều gì xảy ra với cơ thể, tâm trí mỗi lần bạn cảm thấy cần một khoảng lặng, đồng thời ý thức lực cản - nếu có - khiến bạn khó có thể chủ động ngưng lại được (cảm giác tội lỗi, lo lắng không hoàn thành công việc,…). Mục tiêu của việc luyện tập nhấn nút “Tạm ngưng” này là ý thức và quan sát cách bản thân bạn vận hành. Và dưới đây là 09 gợi ý những hoạt động nhỏ giúp bạn tạm tách ra khỏi vòng xoay hối hả, với thời lượng đa dạng, đủ để bạn lựa chọn, giúp tìm lại cân bằng trong cuộc sống.

Dưới 2 Phút

Micro Pause 1
Khi cần một góc nhìn khác, hãy nhìn về phía đường chân trời.
Khi đang trong giai đoạn bận rộn và stress liên tục, chúng ta có xu hướng bó hẹp sự chú ý và tạm ngắt khả năng sáng tạo. Mỗi khi ý thức được bản thân đang ở trong vòng luẩn quẩn đó, dù biết rằng khó tách ra, bạn hãy đến đứng cạnh cửa sổ và hướng tầm nhìn xa nhất có thể, tới đường chân trời. Hít thở sâu và thả lỏng, để cho góc nhìn mới tự đến với bạn. Thư giãn đôi mắt đang căng thẳng và để tầm nhìn dàn trải một cách tự nhiên. Hãy cứ tĩnh lặng như vậy trong một vài phút (nếu ngại người khác để ý, bạn có thể làm bộ đang trầm ngâm suy tư, chìm đắm trong suy nghĩ với ti tỉ ý tưởng mới chuẩn bị nảy ra).

Micro Pause 2
Khi stress, hãy nhớ tới nước.
Cảm giác căng tức quanh trán mỗi lúc bận rộn chưa chắc đã là stress. Đó có thể là một dấu hiệu mất nước khi các tế bào trong não bị co lại do thiếu nước.
Cố gắng giữ thói quen có chai nước hay cốc nước ở tầm với của bạn và uống nhiều nước hơn bạn nghĩ bạn cần. Nếu bạn thấy phải ghé vô nhà vệ sinh nhiều hơn, đừng lo lắng, bởi về lâu dài cơ thể bạn sẽ thầm cảm ơn điều đó.
Micro Pause 3
Khi muốn bình tâm lại, ngửi tinh dầu oải hương.
Oải hương là một trong những mùi tinh dầu đa dụng nhất bạn nên có trong bộ dụng-cụ-xả-stress của riêng mình. Cho một vài giọt tinh dầu oải hương vào lòng bàn tay, xoa 2 bàn tay vào nhau một chút và hít một hơi thật sâu, bạn sẽ thấy tâm hồn bình yên lại ngay trong chốc lát. Nhỏ một ít vào nước tắm hay lên gối cũng sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn, đỡ stress hơn.
Micro Pause 4
Khi cần tìm sự cân bằng, hít thở thật sâu 3 nhịp.
Khi bất an, bạn thường cảm thấy lồng ngực căng tức và hơi thở nặng nề. Khi đó, cơ thể được tiếp nhận ít oxy hơn, càng dễ làm tăng cảm giác bất an.
Những lúc như vậy, hãy tập trung vào hơi thở. Thở thật sâu và chậm. Tập trung vào nhịp thở giúp bạn từ từ kết nối trở lại với cơ thể, giảm bất an và quay lại thế giới hiện tại. Nhắm mắt lại hoặc tập trung vào một điểm nhìn, từ từ hít một hơi thật sau, qua mũi, xuống bụng và từ từ thở ra qua miệng. Lặp lại như vậy ba lần hoặc cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Micro Pause 5
Chuẩn bị một chiếc hộp hoặc lọ, có thể trơn màu hoặc phủ họa tiết trang trí, có thể to hoặc nhỏ. Miễn là bạn cảm thấy thoải mái.
Mỗi khi có điều gì diễn ra khiến bạn cảm thấy hạnh phúc và biết hơn, dù là rất nhỏ, hãy viết vào một mẩu giấy và bỏ vào trong lọ, bất cứ điều gì làm bạn nhoẻn miệng cười, khiến trái tim bạn tan chảy và cảm thấy ấm áp. Cứ như vậy trong 1 năm, bạn sẽ có một chiếc lọ chứa kho báu - là những khoảnh khắc tuyệt vời đã đến với bạn, và bạn sẽ cảm thấy đặc biệt khi xem lại những mảnh giấy ấy.

Dưới 10 Phút

Micro Pause 6
Nếu bạn muốn cải thiện tâm trạng, hãy giữ một cuốn sổ ghi chép những điều khiến bạn cảm thấy biết ơn.
Giống như thiền định, lòng biết ơn cũng là một phương pháp tập luyện. Có những hôm bạn đưa mắt tới đâu cũng thấy những điều đẹp đẽ đến nao lòng, nhưng cũng có những ngày thế giới xung quanh lại cằn cỗi tựa sa mạc - và không có vấn đề gì với việc đó cả. Nhưng nếu bạn nhìn thật kĩ, đằng sau sự khô cằn đó luôn có điều gì đó khiến bạn cảm thấy trân trọng - cảm giác biết ơn luôn thường trực ở đó, đôi khi chỉ ẩn khuẩn đằng sau những điều tưởng chừng rất nhỏ như nhịp thở này chẳng hạn. 
Hãy giữ thói quen có một cuốn sổ ghi chép lại ít nhất ba điều bạn cảm thấy biết ơn mỗi ngày - có thể là về một hay một vài người nào đó, một sự kiện hoặc trải nghiệm của bạn trong ngày.
Micro Pause 7
Nếu bạn muốn bắt đầu một ngày mới với những nốt bổng, hãy chuẩn bị từ tối hôm trước.
Khi chuẩn bị sẵn sàng những thứ bạn cần cho buổi sáng từ buổi tối trước đó, bạn sẽ có một buổi sáng thư thái không vướng bận.
Chuẩn bị trước yến mạch, để sẵn dụng cụ pha cà phê, xếp sẵn các loại thuốc hay vitamin bạn cần, chuẩn bị hộp ăn trưa, chọn sẵn quần áo, để chìa khóa ở chỗ dễ thấy,... Khi đặt bản thân ở thế chủ động, bạn sẽ dễ có cảm hứng và cảm thấy tích cực.

Micro Pause 8
Để rèn luyện khả năng tập trung, hãy thử thiền đứng vài phút mỗi ngày.
Tìm một nơi nào đó mà bạn có thể đứng một mình, tĩnh lặng, không bị quấy rầy trong khoảng 5 phút. Đứng với hai chân giang rộng bằng hông.
Hãy để chân nâng đỡ cơ thể bạn, dồn trọng lực lên ⅔ phía trước bàn chân. Đứng thẳng lưng, hai tay để thả lỏng hai bên hông. Hít thở thật sâu xuống bụng và để cơ thể thả lỏng hết cỡ. Bạn sẽ cảm nhận mình thực sự thả lỏng khi không thấy căng tức ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Hãy đứng thiền như vậy trong khoảng năm phút. Khi cơ thể bạn đã quen hơn và tâm trí tĩnh lặng hơn, bạn sẽ có thể dễ dàng đứng lâu hơn. Nhưng năm phút là khoảng thời gian phù hợp để bắt đàu.

Micro Pause 9
Nếu bạn muốn có nhiều thời gian rảnh hơn, hãy chủ động đặt lịch trống.
Chủ động thiết kế những khoảng lặng - khoảng thời gian bạn không có bất cứ kế hoạch nào hết, và đánh dấu trong lịch. Đó có thể là một khoảng thời gian cuối tuần khi bạn không vướng bận nghĩa vụ với bất cứ hội nhóm nào, hay thậm chí là ở nơi làm việc, trước khi bắt đầu giờ làm, khoảng nghỉ giữa những buổi họp triền miên, một buổi trưa yên tĩnh hay chiều thứ sáu.
Khoảng trống giữa những giờ họp có vai trò đặc biệt quan trọng để “xả van” cho bộ não và cơ thể bạn - con người không được thiết kế để lưu trữ thông tin liên tục như một cái máy. Khi bạn chủ động đặt ra những khoảng trống mà bạn có thể tự do sử dụng - bạn có thể tùy nghi sử dụng nó một cách đúng nghĩa: ngồi ngẫm nghĩ những ý tưởng sáng tạo nào đó, lên lịch cho tuần kế tiếp hay chuẩn bị cho một buổi họp quan trọng. Điểm mấu chốt ở đây là bạn chủ động với khoảng thời gian này - nó là của bạn.
Nội dung được chuyển ngữ từ “How to press Pause” - Breathe Magazine, Issue 11.