Sáng nó nghỉ học không lí do, chiều đi học mình gặp nó ở cầu thang với tâm trạng không thể tệ hơn:  “nhà tao hôm qua mới cãi nhau mày ơi! tao bị vạ lây còn ông ngoại tao, tối qua tới giờ nhà tao không biết ổng đi đâu, lát học về làm vài trận game nha!” mình gật gù đồng ý, lẽ ra là hôm nay mình sẽ về nhà sớm làm hết đống  bài tập của ngày mai nhưng nhìn cái mặt chán nản, bủm beo của nó mình không nỡ, mình biết mình cũng không đưa ra được bất cứ lời khuyên nào, mình cũng không làm nó vui hơn, thứ mình có thể là chơi cùng nó vài ván game để nó tạm quên đi cái chuyện đáng quên. Mình cũng không hỏi hang gì nó về cuộc cãi vã hôm qua nhưng mình dư sức hình dung ra được nhờ vào những lần nó nói về gia đình nó, gia đình nó ba thế hệ, khác nhau giữa hai hệ tư tưởng  nhưng không phải giữa cha mẹ với ông bà nó mà là giữa nó và những người họ, cha mẹ nó làm giáo viên lúc nào cũng đặt chữ “thành tích” lên trên đầu, làm tốt đến đâu không một lời khen đó giống như cái điều hiển nhiên mà nó cần phải làm, còn sơ hở, sai sót một tí là bị trách mắng cộng thêm cái sự nghiêm khắc rồi lại kì vọng của ông bà ngoại nó, với mong ước duy nhất là thằng cháu quý hóa của ông bà sẽ nên người, sẽ thành công rồi còn vang danh dòng họ, cũng chính nhờ vào cái chữ “vang danh dòng họ” mà lúc nào nó cũng bị đem ra so sánh với mấy người anh họ đi trước, mỗi lần tụ hợp mọi người sẽ không hỏi “cuộc sống dạo này ổn không con”, "lên 12 rồi học hành áp lực lắm không con?" mà thay vào đó là “con lương tháng bao nhiêu” hoặc “năm nay con học loại gì?”:)) quen mà đúng không? ai  cũng điều trả qua cái chuyện y chang vậy, chuyện này muôn thuở rồi  nhưng với thằng bạn mình có lẽ còn tệ hơn rất nhiều vì cái tư tưởng đó đã ăn sâu bám rễ vào tiềm thức của gia đình nó và tất nhiên cả ông bà rồi cha mẹ nó, họ không biết  họ đang giết nó, để nó chết, chết giống như cái chết của con người ta vào nạn đói năm 45 vậy “từ từ, hao mòn dần, quằn quại dần”.Hồi mình gặp nó, nó đã là một đứa ít nói, mặt lúc nào cũng lạnh tanh và ra vẻ bất cần nhưng tiếp xúc dần mình cảm thấy bản chất nó không hẳn vậy chỉ là nó sống quá lâu với cái vỏ bọc mà gia đình tạo ra, nó sống quá lâu với cái áp lực vô hình ấy nên lúc nào nó cũng phải tỏ ra thông thái, đỉnh đạt, giỏi giang và đôi phần hiếu thắng nhưng sâu bên trong nó, nó muốn làm những cái nó thích, nó cũng muốn hòa nhập, nó không muốn phải tỏ ra là “ổn” nữa, nó thèm yếu đuối, nó cần được yếu đuối và rồi nó tìm đến game như một lẽ tất yếu. Mình học chung với nó nhưng làm thân với nó không phải ở lớp học mà là ở Net, chỉ có ở Net một thằng học xã hội, một thằng học tự nhiên như mình và nó mới cùng chung tiếng nói, ở đó nó mới tạm quên đi trách nhiệm, quên đi cái áp lực “trở thành một con người ưu tú” mà nó đang mang, ở đó nó được sống với những cảm xúc thật, con người thật. Chỉ có điều game là ảo, chỉ có đời mới thực, dù có trốn chạy kiểu gì thì nó vẫn phải đối mặt với cái sự thật đắng nghét, cay xè :“dạo này học hành sao rồi con?”
Cũng không biết tại sao mình viết ra mất dòng này, mình tự hỏi: Có phải mình muốn đòi lại công bằng cho nó, đòi lại những bình yên trong tâm hồn mà đáng lẽ ra nó phải được nhận? Không, mình làm được gì chứ, ngay cả mình còn yếu đuối biết nhường nào và chính nó còn chẳng nói chuyện được với bố mẹ nó chứ ở đó mà thuyết phục, nêu lên quan điểm sống.
Hay là sự đồng cảm, đồng cảm vì mình đã từng trải qua? Có, mình đã từng trải qua nhưng nó không khổ sở, nó không cứa đi cứa lại như vậy, mẹ mình cũng chưa từng ép mình vào  khuôn khổ, vào những thứ mà mình không thích dù rằng bà rất muốn. Vậy nên mình chỉ có thể cùng nó làm vài ván game, mình chỉ có thể ngồi nghe nó than vãn, nghe nó trách cứ cái cuộc đời lộn xộn của nó. Nếu không phải mình thì là ai chứ? 
Mình chỉ hi vọng sau này nó sẽ khác, lên đại học và sống một cuộc sống như ý nó muốn, nó sẽ tha hồi bê tha mà không bị ai kiểm soát hoặc ít nhất, sau này lúc nó độc lập tài chính nó sẽ sống ổn, không còn bị ép buộc làm những điều mà nó đáng ra không thuộc về, nó sẽ tha hồ yếu đuối mà không cần phải gồng, phải gượng.
 Vì điều gì ư? Vì mình muốn thằng bạn mình sống tốt, vì mình ghét cái cảnh nó nhìn mình với cái mặt u ám, rầu rĩ như sắp chết đến nơi, mình ghét cái câu “làm vài ván game nha” với cái giọng điệu ủ rũ, buồn như thể nó vừa bị bồ đá. Và nếu có nó ở đây ngay lúc này, mình sẽ vỗ vai, an ủi nó: “không sao, mày không ổn nhưng không chết được, mày còn có tao”.