Không hổ danh là “bậc thầy” của nghệ thuật sử dụng tiếng cười, tiểu thuyết Mark Twain luôn là sự kết hợp của nhiều biện pháp hài hước để đưa tiếng cười lên đỉnh cao. 
Bài viết này sẽ giới thiệu một trong những cách tạo tiếng cười trong "Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer" - biện pháp "nhại".  
Ảnh: Google
"Nhại" là bắt chước tiếng nói, lối nói của một người với ý trêu chọc hay pha trò bằng những hành động, cử chỉ, điệu bộ,…để từ đó tạo nên tiếng cười. "Nhại" trong tác phẩm của Mark Twain thực chất không phải là bắt chước cái tốt (vì cái tốt chẳng bao giờ đáng cười) mà chính là bắt chước cái xấu xí, kệch cỡm, lố lăng. Do đó, tiếng cười đem đến một cách nhìn tích cực. Ngay cả khi nhà văn nhại cái xấu thì cũng hoàn toàn không phải mang ý nghĩa xúi người đọc làm theo, mà chỉ với mục đích dùng tiếng cười để tống tiễn cái xấu đi. Biện pháp nhại mang đến sự hài hước, châm biếm này được nhà văn Mark Twain sử dụng dưới nhiều biểu hiện khác nhau:

Nhại ngôn ngữ

Ông đã rất thành công về mặt ngôn ngữ trong tác phẩm “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer”. Ở đây ta thấy những lời độc thoại đều được sử dụng bằng ngôn ngữ từ sách vở hay là ngôn ngữ của người lớn được nhồi nhét cho trẻ như một cái khuôn mẫu.
Trong chương “Tài hùng biện và cái chỏm thếp vàng”, rất nhẹ nhàng mà không kém sâu sắc, Mark Twain đã nhại thứ văn chương công thức hoa mỹ, rỗng tuếch do nhà trường rèn đúc cho các nữ sinh lớn. Tác giả thuật lại – mà không giấu hoặc không giấu nổi sự khoái trá ngầm - cuộc trả thù “huy hoàng” của lũ học trò bé con đối với ông giáo Dobbin, người thích “lấy việc trừng phạt đến cả những khuyết điểm hết sức nhỏ nhặt làm một cái thú".
Đó là vào lúc cái hôm ở trường có tổ chức “thi” để biểu dương thành tích mọi người. Mở màn đầu tiên là một em trai nhỏ chỉ bằng cái kẹo đứng dậy rụt rè như đọc thuộc lòng, bằng một giọng điệu của người lớn: “Các vị chắc cũng không ngờ một đứa nhỏ tuổi như cháu lại dám đứng trên sân khấu nói trước công chúng…Vừa nói vừa giơ chân, động tác rất chính xác, chẳng khác nào như một cái máy”. Sự bắt chước đó không ăn nhịp với nhau, thành thử chú bé bị chính tác giả trêu chọc, “ấy là giả thử cái máy đó chạy có hơi trục trặc một chút”.
 Tiếp đến là một cô bé “trông mặt có vẻ thẹn thò lên đọc dấp da dấp dính bài “Mary có một con cừu non … nghiêng mình chào trông đến thương hại, cũng được vỗ tay tán thưởng rồi đỏ mặt sung sướng ngồi xuống”. Kể cả bài đọc của cô bé cũng không phải do bé suy nghĩ. Nó được người lớn soạn sẵn trước, buộc phải đọc đúng như vậy. Cách áp đặt cho trẻ, buộc chúng phải theo cái khuôn thức mà người lớn cho là đúng, là hay ấy đã vô tình làm cho những đứa trẻ vô tư, hồn nhiên trở thành một “ông cụ non, bà cụ non”, là cái máy chỉ chạy khi được người lớn dùng dầu cho hoạt động.
Đến cả cậu bé tinh nghịch, không chịu nghe lời như Tom mà cũng phải theo cái khuôn khổ ấy. Dường như chính Tom cũng cảm thấy mâu thuẫn với tính cách của mình “Tom Sawyer bước ra vênh vang tự đắc rồi lao ngay vào bài diễn văn bất diệt dài vô tận “Xin Thượng đế hãy ban cho ta tự do, hãy cho ta chết” với một vẻ hung hăng tuyệt mỹ, hoa chân múa tay như điên cuồng, rồi bỗng nhiên ngắt ngang giữa quãng. "Tom sợ quá, sợ cái kinh khủng của người diễn viên thường bị trên sân khấu, chân tay bủn rủn, cổ họng như muốn tắc thở”.

Nhại tình huống

Các tình huống trong tác phẩm được biến đổi liên tục nhằm tạo tiếng cười cho người đọc, ẩn sau những tình huống ấy là sự giễu nhại, châm biếm con người và xã hội Hoa Kì lúc bấy giờ (giáo dục, danh vọng, tiền bạc, nhà thờ, pháp luật …). Dĩ nhiên, các tình huống này xảy ra xung quanh bọn trẻ như: chuyện si tình của Tom, hứa hôn của Tom và Becky, Tom bị phạt quét vôi hàng rào, Tom trong cuộc thi hùng biện của trường… Tất cả đều do bọn trẻ thực hiện. Nó tạo nên sự hài hước từ chính nét ngây ngô của những đứa trẻ nhại theo cách mà người lớn đã "chứng kiến" và "trải nghiệm".
Tuy nhiên, như thế vẫn chưa hoàn chỉnh khi nói về chủ thể thực hiện phép nhại của Mark Twain. Trong tác phẩm, ông còn sử dụng phép nhại các tình huống đặc biệt khác: "nhại qua cái nhìn của bọn trẻ". Lúc này, chủ thể thực hiện "nhại" không còn là bọn trẻ mà là người lớn. 
Bản thân người lớn không ý thức được hành động nhại của mình. Chỉ qua cái nhìn của bọn trẻ thì hành động hệt như bắt chước một hành động nào đó trong thế giới tưởng tượng của chúng mới mang đặc điểm "nhại". Chẳng hạn như tình huống ma ở nghĩa địa. Nhờ ra nghĩa địa để trị mụn hột cơm mà Tom và Huck đã chứng kiến được vụ thảm sát diễn ra giữa những người đi cướp mộ vì mối thù cá nhân. Lẽ ra nghĩa địa là nơi đáng sợ nhất trên đời nhưng lại không đáng sợ bằng lòng dạ con người. Đầu óc Tom, Huck, cũng như các bạn cùng lứa tuổi, đầy dị đoan mê tín về phù thủy, u hồn, phép lạ,… Những u hồn xì xào trong đám lá cây, tiếng chó sủa xa xa, và tiếng rú từ đâu đáp lại từ dưới mộ đầy ghê rợn khiến chúng nổi da gà… Tuy nhiên, với chúng, nghĩa địa là xứ sở của ma, vậy mà xứ sở của ma lại xuất hiện con người. Tên Joe đâm chết Robinson mà lại đổ hết lên đầu của Muff. Rồi tên Joe ác độc trắng trợn làm chứng gian mà tiếng sấm sét vẫn không nổ ngay trên đầu hắn. Các bạn nhỏ lập tức nghĩ rằng Joe đã bán mình cho quỷ sa tăng và trí tò mò đã thúc đẩy chúng: "đợi có dịp sẽ quan sát Joe lúc ban đêm, mong được xem một tí con quỷ ghê gớm làm chủ tinh thần Joe như thế nào".
Tình huống ma làm bọn trẻ sợ hãi bao nhiêu thì tình huống giết người lại làm chúng kinh hoàng thêm bội phần. Thì ra người còn ác, còn đáng sợ hơn ma. Tiếng cười nhại ở đây vì thế càng bi đát, chua chát vì sự băng hoại đạo đức của con người.

Nhại nhân vật

Thế giới trẻ thơ của Tom, Huck luôn bất bình với kiểu giáo dục hà khắc, vô lối của nhà trường, vậy nên chúng tìm kiếm sự giải trí và niềm vui trong các trò chơi. Ta lại bắt gặp cách bắt chước sách vở và các câu chuyện hiệp sĩ, tướng cướp của trẻ thơ. Tom và các bạn khao khát được thực sự bỏ nhà đi làm cướp vì niềm mơ ước cháy bỏng trở thành Robin Hood-một tướng cướp hào hiệp, oai phong. Tom luôn miệng bắt đám bạn phải làm theo những gì sách nói: “…Chúng mình nhất định phải làm như thế. Tao đã bảo rằng trong sách nói như thế mà lại! Chúng mày định làm khác với những điều sách nói à?” 
Tom là một chú bé khăng khăng phủ nhận ước lệ của đời sống nhưng lại tuyệt đối phục tùng mọi ước lệ của riêng cậu. Đối với chú bé, cái gì viết trong sách cũng là bất di bất dịch. Cho nên, nếu đóng Robin Hood thì Tom không thể thua cậu bạn Joe Harper được. Muốn chiều lòng bạn thì phải chơi lại để bạn làm Robin Hood. Tom chỉ có một lí lẽ duy nhất là "tao cũng không biết nữa. Nhưng họ bắt buộc phải làm như vậy. Người tu khổ hạnh bao giờ cũng làm như vậy". 
Tuy hay bắt chước y nguyên sách vở, nhưng không phải lúc nào chúng cũng hiểu hết ngôn ngữ diễn đạt trong đó. Tiếng cười phát sinh khi một mặt chúng giải thích những từ khó hiểu theo quan điểm và kinh nghiệm riêng mình, mặt khác lại thấy nó hết sức vô lý với thực tế cuộc sống. Thế nhưng niềm tin tuyệt đối vào sách vở khiến chúng chấp nhận ngay cả những thứ chúng cho là vô lý nhất.
Những cái tên “Tom Sawyer- kẻ phục thù áo đen vùng Tây Ban Nha", "Huck Finn- Bàn tay đỏ", "Joe Harper- nỗi khủng khiếp của biển cả” đều được bắt chước và cắt ghép từ truyện hiệp sĩ. Tuy say mê với trò chơi phiêu lưu trên đảo, các gã “tướng cướp” này vẫn chỉ là những đứa trẻ mau “nhớ nhà”, ăn năn cầu kinh trước khi đi ngủ và “nước mắt lưng tròng” vì nhớ mẹ. Hàng loạt trò nhại hiệp sĩ của những đứa trẻ khiến người đọc không khỏi bật cười. 
Không đơn thuần chỉ để tạo nên tiếng cười, việc Mark Twain để cho các cậu bé của mình ôm những giấc mộng trông như kiểu người lớn còn phần nào phanh phui, vạch trần những mặt tiêu cực của một xã hội nước Mỹ tồn tại nhiều vấn đề. Qua những trò đùa nghịch bắt chước ranh ma của cậu bé Tom, việc nhại sách vở hay nhại trò chơi của lũ trẻ, ta thấy những trò kệch cỡm của thế giới người lớn hiện lên thật buồn cười thông qua lăng kính của trẻ nhỏ.  

Kết

Điều quan trọng góp phần không nhỏ tạo nên thành công cho tiểu thuyết “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” chính là tiếng cười châm biếm, đả kích, tấn công nhiều cái xấu còn tồn tại trong xã hội. Để xây dựng được tiếng cười đó, Mark Twain không chỉ am hiểu cuộc sống và tâm lí trẻ thơ mà còn phải sống cùng những mặt tệ nhất của xã hội. Bên cạnh những biện pháp tạo tiếng cười khác như: "ngẫu nhiên", "tương phản", "nghịch lí", "tăng cấp và kết thúc bất ngờ"; biện pháp "nhại" đã tạo nên sự đặc sắc và cuốn hút cho tác phẩm.
 Có ý kiến cho rằng Mark Twain là nhà văn "thông qua tiếng cười để đề xuất thành công lực đối kháng trong xã hội đầy rẫy giả dối, kệch cỡm”. Tác phẩm của Mark Twain thường được đông đảo độc giả hâm mộ nhờ tính châm biếm sâu sắc, khả năng miêu tả tâm lý xã hội cực kỳ khéo léo. Cái cười của ông có rất nhiều dạng, nhiều sắc thái: khi công khai bộc lộ, khi ngấm ngầm tinh vi, khi hiền hòa độ lượng, khi độc địa sâu cay. Mark Twain luôn luôn lôi cuốn chúng ta vì bản thân ông lúc nào cũng chân thành trong sự bông đùa hoặc niềm căm phẫn, đả kích, hay hài hước. Có lẽ vì thế mà, đọc tác phẩm của ông, không bao giờ ta thấy ông lãnh đạm, thờ ơ.