Các ông cứ quay đầu nếu muốn, còn quý bà đây sẽ không đâu
Cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher (1925-2013). 
Ảnh: Terry O'Neill / Hulton Archive-Getty Images.
Cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher (1925-2013). Ảnh: Terry O'Neill / Hulton Archive-Getty Images.
Hơn hai tháng trước, tôi tình cờ xem bộ phim đã cũ kỹ từ năm 2011 với tựa đề "The Iron Lady" (tạm dịch: Bà Đầm Thép). Bộ phim kể về cuộc đời của nữ thủ tướng đầu tiên ở xứ sương mù - Margaret Thatcher, do nữ minh tinh nổi tiếng Meryl Streep thủ vai. Bộ phim cũng mang cho bà giải Oscar ở hạng mục nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Thời điểm vừa qua là giai đoạn tôi chìm sâu trong khủng hoảng. The Iron Lady cho tôi rất nhiều cảm xúc, và sau cùng là cảm hứng để tôi viết về nữ chính trị gia này. Tôi dành chút thời gian để tìm - đọc - suy ngẫm và viết nốt bài viết này trong cơn khủng hoảng đó. Bởi tôi luôn tin rằng viết cũng là một cách để chữa lành.

CON GÁI CHỦ TIỆM TẠP HÓA

Margaret Hilda Thatcher, tên khai sinh là Margaret Hilda Roberts. Là con gái út của nhà Roberts, chào đời ngày 13/10/1925 tại thị trấn Grantham thuộc hạt Lincolnshire, Anh. Nhà Roberts có hai cửa tiệm tạp hóa nhỏ, bằng tất cả vốn liếng mà vợ chồng ông Roberts đã tích góp.
Cửa tiệm tạp hóa đầu tiên của nhà Roberts tại North Parade, Grantham. Phía trên cửa tiệm là nhà ở, nơi bà Thatcher cất tiếng khóc chào đời. Cửa tiệm thứ hai nằm ở Đường Huntingtower, khai trương năm 1923.  Ảnh: The Mirror.
Cửa tiệm tạp hóa đầu tiên của nhà Roberts tại North Parade, Grantham. Phía trên cửa tiệm là nhà ở, nơi bà Thatcher cất tiếng khóc chào đời. Cửa tiệm thứ hai nằm ở Đường Huntingtower, khai trương năm 1923.  Ảnh: The Mirror.
Tuổi thơ bà Thatcher gắn liền với những biến động không ngừng của thế giới lúc bấy giờ, khi những họng súng tại châu Âu đỏ rực ngày đêm trước bóng ma Đức Quốc Xã. Những năm Thế chiến II, thị trấn nơi gia đình bà Thatcher sinh sống là một trong những mục tiêu đánh bom hàng đầu của không quân Đức Quốc Xã. 
Tháng 1/1940, chính phủ Anh đưa ra chính sách phân chia khẩu phần. Bơ, đường, thịt và phô mai trở nên quý giá và khan hiếm. Người dân Anh còn tự trồng trọt rau củ, miễn là có vườn, với chiến dịch tên “Dig For Victory”. Sau khi chiến tranh kết thúc, một số mặt hàng vẫn được tiếp tục phân chia khẩu phần cho đến năm 1954. 
Khẩu phần định kỳ hàng tuần của một người dân Anh. Ảnh: Imperial War Museums.
Khẩu phần định kỳ hàng tuần của một người dân Anh. Ảnh: Imperial War Museums.
Một chi tiết rất thú vị, Ở đầu bộ phim The Iron Lady, khi cả gia đình Roberts đang dùng bữa tối, đột ngột tiếng bom vang lên dữ dội, cả nhà chui xuống gầm bàn. Cô con gái út nhà Roberts (Margaret Thatcher) liều mình chạy ra, vội đậy kín chiếc đĩa đang đựng thỏi bơ mà cả nhà đang dùng dở. 
Thatcher giành tuổi thiếu niên của mình phụ giúp hoạt động kinh doanh của cha mẹ tại hai cửa tiệm. Bà đóng gói hàng hóa hay cùng mẹ và chị gái đi khắp thị trấn để gom đủ hàng hóa thiết yếu, đảm bảo đủ đơn đặt hàng trong thị trấn.
Trong nhiều câu chuyện kể về tuổi thơ, bà Thatcher luôn nhắc đến người cha, cho rằng ông là người có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời mình. 
Ông Robert và cô con gái út. Ảnh: NBC News.
Ông Robert và cô con gái út. Ảnh: NBC News.
Ngoài làm kinh doanh, ông Roberts còn là một nhà truyền giáo thuộc Hội Giám lý (Methodism). Ông gặp bà Beatrice - một thợ may, tại nhà thờ của Hội Giám Lý và hai người sau này kết hôn. Ông Roberts có am hiểu sâu sắc về chính trị và theo trường phái tự do, từng giữ chức ủy viên hội đồng hạt và sau này ủy viên cấp cao của hội đồng.
Ông Afred Roberts (1892-1970). Ảnh: Wikipedia.
Ông Afred Roberts (1892-1970). Ảnh: Wikipedia.
Ông dạy các con đề cao tầm quan trọng của kiến thức, bổn phận, sự chăm chỉ và giá trị cao cả của việc phụng sự xã hội mà không chút phân biệt về giới, dù đã từng sống qua thời đại Victoria - thời đại của chế độ phụ quyền (parchiarchy). Thatcher kể, cha bà là một người rất nguyên tắc, ngay thẳng và quyết tâm giữ vững lập trường dù có bị bác bỏ.
Tôi nợ cha tất cả mọi thứ ... những thứ này đã cùng tôi lớn lên tại nơi thị trấn ấy, nơi có ngôi nhà nhỏ và đó là tất cả đã giúp tôi đắc cử
Như một người được chọn, những phẩm chất và đức tính của người cha đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cô con gái út và như bà nói: "những phẩm chất ngay thẳng này, cùng với quyết tâm giữ vững niềm tin dù người khác không đồng ý hoặc không yêu quý bạn, đã thấm vào tôi từ những ngày niên thiếu."
Margaret (trái) và chị gái Muriel. Ảnh: The Mirror.
Margaret (trái) và chị gái Muriel. Ảnh: The Mirror.
Thatcher thường giúp cha tổ chức các cuộc họp chính trị tại thị trấn. Bà cùng ông tranh luận về các vấn đề chính trị trong nước và các sự kiện quốc tế, rôm rả hơn khi nước Anh bước vào Thế chiến II.
Quan điểm về kinh tế của bà Thatcher cũng đến từ người cha: một thị trường tự do và thương mại quốc tế. Bà kể trong cuốn hồi ký:“Trước khi tìm đến những nhà kinh tế học lỗi lạc, tôi có nghe cha nói về một thị trường tự do. Ông ví nó như một hệ thần kinh rộng lớn và nhạy cảm. Nó phản ứng trước những sự kiện và tín hiệu trên khắp thế giới, để thích ứng và thay đổi …”
Gia đình nhà Roberts. Ảnh: Daily Mail.
Gia đình nhà Roberts. Ảnh: Daily Mail.
Dẫu vậy, bà Beatrice lại không ủng hộ con gái mình tham gia vào chính trị. Rất ít tư liệu kể chi tiết về bà Beatrice, ta chỉ biết được bà là một nội trợ, cùng chồng làm kinh doanh và nuôi dưỡng các con.
Trong cuộc phỏng vấn năm 1961 với Daily Express, bà Thatcher nói: "tôi rất yêu mến bà ... nhưng sau cái tuổi 15 đó, tôi và bà đã không có nhiều điều để tâm sự". Có thể hai mẹ con đã bất hòa.
Khi còn là sinh viên, Thatcher hoạt động năng nổ trong các hoạt động chính trị. Bà gia nhập Hiệp hội Bảo thủ tại trường Đại học Oxford và trở thành chủ tịch của hiệp hội vào năm 1946. Năm 1947, Margaret tốt nghiệp trường Đại học Oxford với bằng cử nhân chuyên ngành hóa học và ba năm sau nhận học vị thạc sĩ.
Bà Thatcher theo học ngành hóa học tại Đại học Oxford. Ảnh: The Mirror.
Bà Thatcher theo học ngành hóa học tại Đại học Oxford. Ảnh: The Mirror.
Những tính cách đặc biệt của bà Thatcher ăn sâu vào trong quan điểm và chính sách suốt khoảng thời gian làm chính trị. Định hình nên một người đàn bà bảo thủ của nước Anh: người đàn bà của yêu và ghét!

LÃNH ĐẠO ĐẢNG BẢO THỦ

Năm 1950, Thatcher ứng cử vào Quốc hội nhưng không thành, khi ấy bà chỉ mới 25 tuổi. Một năm sau đó, bà kết hôn với Denis Thatcher - một doanh nhân giàu có. Hai năm sau, họ có với nhau cặp song sinh, Mark và Carol. Cuộc hôn nhân cũng chẳng được báo chí mặn mà gì mấy, họ gắn mác hôn nhân chính trị, căng buồm cho Thatcher tiến sâu hơn vào chính trường. 
Ngày 13/12/1951, bà Margaret và ông Denis chính thức kết hôn.
 Ảnh: Daily Mail.
Ngày 13/12/1951, bà Margaret và ông Denis chính thức kết hôn. Ảnh: Daily Mail.
Năm 1959, Thatcher đắc cử một ghế tại Viện Thứ dân (House of Commons) với tư cách ứng viên của Đảng Bảo thủ. Tiếp đó năm 1961, Thatcher trở thành cấp dưới của Bộ Hưu trí và Bảo hiểm Quốc gia. Tổng tuyển cử năm 1970, Ông Edward Heath dẫn dắt Đảng Bảo thủ giành thắng lợi vang dội, Thatcher được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học.
Sở hữu một tông giọng cao, tính tình thẳng thắn, đôi lúc lại hiếu chiến và dễ dàng "bịt miệng" bất kỳ quý ông nào, bà Thatcher hiếm khi đạt được lòng công chúng. Họ dè bỉu bà là một người đàn bà khó chịu, nóng nảy và chẳng có chút nữ tính nào!
Margaret Thatcher (váy/mũ xanh trắng) tại Viện Thứ dân nhân ngày khai mạc Quốc hội 2/7/1970. Ảnh: Fox Photos/Getty Images.
Margaret Thatcher (váy/mũ xanh trắng) tại Viện Thứ dân nhân ngày khai mạc Quốc hội 2/7/1970. Ảnh: Fox Photos/Getty Images.
Chính phủ Heath với lời hứa sẽ không đi theo vết xe đổ của chính phủ tiền nhiệm bằng các cam kết chắc nịch, điển hình là cắt giảm chi tiêu công và không ủng hộ các công ty "vịt què" (lame duck) đang nằm thoi thóp trên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, ông Heath vẫn trở thành một phần của lịch sử "quay đầu" (U-turn) của nền chính trị Anh.
Cụm từ "U-turn" xuất hiện từ những năm 1820. Thường được công chúng và truyền thông báo chí dùng để ám chỉ những lãnh đạo đổi ý 180 độ so với lời hứa trước đó hoặc dùng nó để tạo áp lực cho chính phủ nhanh chóng thay đổi chính sách.
Cuối năm 1972, ông Heath quốc hữu hóa một công ty xe ô tô đang thoi thóp. Ông rót tiền vào chi tiêu công như y tế, giáo dục và phúc lợi, kéo theo hơn 1 triệu người lao động bị mất việc làm. Những năm 1970 tại Anh cũng chứng kiến hàng loạt các cuộc biểu tình và đình công từ các nghiệp đoàn (trade unions), xoay quanh câu chuyện giá cả và tiền lương.
Các nghiệp đoàn (trade unions) tại Anh nổi lên như một phong trào có sức hút mạnh mẽ từ đầu thế kỷ 19. Bởi các nghiệp đoàn sẽ đảm bảo mức lương và điều kiện việc làm tốt hơn cho người lao động. Sự xuất hiện của Đảng Lao động (Labour Party) tại Anh cuối thế kỷ 19 và thắng lợi của đảng này trong cuộc tổng tuyển cử năm 1945 sớm hình thành mối quan hệ cộng sinh cho các nghiệp đoàn: tương hỗ chính trị và nhận lại sự bảo hộ và các đãi ngộ cho người lao động. Các nghiệp đoàn từ đó được trao quyền lực mạnh mẽ, ảnh hưởng đến nước Anh qua nhiều khía cạnh.
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 lại càng làm rối ren thêm tình hình, đẩy các quốc gia phương Tây rơi vào suy thoái và lạm phát kéo dài. Tín nhiệm ông Heath cứ thế theo đà tụt dốc và đảng của ông nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 1974.
Sau cú trượt dài của Đảng Bảo thủ, quý bà Thatcher nắm bắt cơ hội và nhanh chóng thay đổi thế trận, bà đánh bại và thay ông Heath lãnh đạo Đảng Bảo thủ vào năm 1975. Một năm sau, tờ báo Red Star của Liên Xô gọi Thatcher với cái tên mỹ miều “Bà đầm thép” (The Iron Lady).
Bà Thatcher trong cuộc gặp gỡ báo chí sau khi thay ông Heath (tay phải) lãnh đạo Đảng Bảo thủ năm 1975. Ảnh: Aljazeera.
Bà Thatcher trong cuộc gặp gỡ báo chí sau khi thay ông Heath (tay phải) lãnh đạo Đảng Bảo thủ năm 1975. Ảnh: Aljazeera.
Đảng Lao động lên nắm quyền và họ cũng chẳng trụ được bao lâu sau cái mùa đông định mệnh năm 1979.
Mùa đông kéo dài từ tháng 11/1978 - 2/1979, hàng loạt các cuộc biểu tình và đình công nổi lên. Họ bất mãn với chính sách kinh tế yếu kém của Đảng Lao động. Báo chí gọi sự kiện này là mùa đông bất mãn (winter of discontent).
Rác ngập tràn tại Quảng trường Leicester London do hàng loạt nhân viên dọn rác đình công trong sự kiện Mùa đông bất mãn. Ảnh: PA.
Rác ngập tràn tại Quảng trường Leicester London do hàng loạt nhân viên dọn rác đình công trong sự kiện Mùa đông bất mãn. Ảnh: PA.
Tôi có năng lực của phụ nữ: gắn bó với công việc mà người khác rời đi và bỏ lại nó
Chỗ trống quyền lực xuất hiện, Thatcher dẫn dắt Đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử năm 1979 và giành thắng lợi vang dội. Thatcher chính thức trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước Anh, tuyên thệ nhậm chức vào 4/5/1979.
Nội các của chính phủ Thatcher sau chiến thắng cuộc tổng tuyển cử năm 1979. 
Ảnh: Daily Mail.
Nội các của chính phủ Thatcher sau chiến thắng cuộc tổng tuyển cử năm 1979. Ảnh: Daily Mail.
Thatcher từng bước tiến đến số 10 Phố Downing tại Westminster, cùng với một học thuyết kinh tế - chính trị mang tên mình.
Bà Thatcher và phu quân Denis chuyển đến tư dinh thủ tướng số 10 Phố Downing sau khi nhậm chức thủ tướng năm 1979. Ảnh: Hulton Archive.
Bà Thatcher và phu quân Denis chuyển đến tư dinh thủ tướng số 10 Phố Downing sau khi nhậm chức thủ tướng năm 1979. Ảnh: Hulton Archive.

CHỦ NGHĨA THATCHER (THATCHERISM): LIỀU THUỐC ĐẮNG

Bà Thatcher tin vào nội lực, khát khao vươn tới tự do của mỗi cá nhân, sự siêng năng và ý chí không khuất phục, đồng thời phải tham vọng và hướng đến cạnh tranh để tìm ra cái tốt nhất. Ngoài ra, Thatcher có niềm tin mãnh liệt vào chủ nghĩa dân tộc (nationalism). Một con dao hai lưỡi.
Kinh tế là một phương pháp; mục tiêu nhằm thay đổi trái tim và tâm hồn
Tương tự, học thuyết này mang đậm tính cách và tư tưởng của bà Thatcher, đến từ những trải nghiệm của năm tháng tuổi thơ và hành trình khắc tên mình vào nền chính trị nước nhà. Theo đó, chủ nghĩa Thatcher (Thatcherism) là sự kết hợp giữa chủ nghĩa tự do kinh tế và niềm tin về một nước Anh mạnh mẽ. 
Học thuyết này như một liều thuốc đắng, được kỳ vọng sẽ giải độc cho căn bệnh của chính phủ Heath để lại, đồng thời của Đảng Lao động trước đó. Và hơn hết, để thay đổi trái tim và khối óc của người Anh sau nhiều thập kỷ ủ rũ và một tâm lý phụ thuộc khi đất nước vừa bước ra khỏi một cuộc chiến tranh tàn khốc. 
Chẳng có một cái xã hội nào cả. Chỉ có những người đàn ông, phụ nữ và những gia đình
Bà Thatcher thay đổi gần như toàn bộ các chính sách kinh tế - chính trị đã thống trị nước Anh kể từ khi Thế chiến II kết thúc. 
Bà chủ trương giảm can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế quốc gia bằng cách bãi bỏ bớt các quy định trong thị trường, cho tư hữu hóa (privatisation) hàng loạt các ngành lớn của nhà nước như hàng không, thép, viễn thông, khí đốt, điện và nước bằng cách bán cổ phần. Bà Thatcher thi hành chính sách bán nhà ở công, cắt giảm chi tiêu trong các dịch vụ công như y tế, giáo dục và nhà ở. Ngoài ra, chính phủ bà đưa ra chính sách nhằm khuyến khích những người có chí hướng đứng lên khởi nghiệp.
Phản ứng trước các cuộc đình công và biểu tình từ ôn hòa sang bạo lực của các nghiệp đoàn, chính quyền Thatcher phê chuẩn các đạo luật liên tiếp vào năm 80 và 82 nhằm làm giảm quyền lực của các nghiệp đoàn, bà gọi họ là "thù trong" (the enemy within). Cho rằng nó xuất phát từ việc các nghiệp đoàn này được trao quyền lực quá mạnh mẽ trong quá khứ, xem đó là trở ngại cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Tóm lại, chủ nghĩa Thatcher nhấn mạnh vai trò của nhà nước là không ngáng đường các doanh nghiệp trong chuyện làm ăn. Họ có thể tự điều tiết và sinh tồn trong một môi trường cạnh tranh và tự do. Chính phủ chỉ nên can dự đến các vấn đề về phòng thủ quốc gia và tiền tệ. 
Tuy vậy, chính sách cải cách nền kinh tế của bà Thatcher vẫn dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Đối mặt với nhiều chỉ trích, bà Thatcher từng được dự đoán cũng sẽ trở thành một phần của "U-turn", tuy vậy, sự kiên quyết của bà thủ tướng khó có thể bị lung lay.
Nếu người dân Anh cảm thấy rằng họ là một phần của quốc gia vĩ đại này và sẵn lòng để duy trì nó, thì chúng ta sẽ là một quốc gia vĩ đại và sẽ tiếp tục tồn tại. Vậy thì điều gì ngăn chúng ta đạt được điều này? viễn cảnh của một mùa đông bất mãn ư? Có thể nó sẽ như vậy. Nhưng tôi tin rằng chúng ta đã rút ra những bài học quan trọng từ những chuyện đã kinh qua và dần tiến đến một mùa thu thấu hiểu (autumn of understanding). Và tôi hy vọng rằng theo sau nó sẽ là một mùa đông lẽ thường (winter of common sense). Nếu không, chúng ta cũng sẽ không bị chệch hướng khỏi lộ trình của mình. Dành cho những ai đang nóng lòng chờ đợi câu khẩu hiệu được truyền thông nhắc đến: quay đầu đi (U-turn). Tôi chỉ muốn nói với mọi người một điều rằng: các ông cứ quay đầu nếu muốn. Còn quý bà đây sẽ không đâu! Tôi nói điều này không chỉ với người dân Anh mà còn đối với những bạn bè quốc tế và cả những ai không phải là bạn.” [Margaret Thatcher phát biểu trong cuộc họp của Đảng Bảo thủ vào 10/10/1980].
Liều thuốc đắng mà bà Thatcher đã kê đơn cho nền kinh tế Anh định hình nên một nền kinh tế quốc gia có tính năng động và cạnh tranh cao đồng thời tác động đến môi trường làm việc, thúc đẩy hiệu suất làm việc của người lao động.
Tuy vậy, Thatcher đã chia đôi nước Anh, một nửa yêu mến, nửa còn lại thì ghét cay ghét đắng. Cho đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh học thuyết này, họ cho rằng chỉ đơn giản là bà Thatcher thêm đuôi “ism” vào tên mình và một lời nói dối. 

"KẺ CẮP SỮA" TRỞ THÀNH "NGƯỜI HÙNG"

Dưới thời ông Heath, Đảng Bảo thủ đẩy mạnh chính sách cắt giảm các nguồn chi tiêu công. Thatcher với tư cách là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học, cắt bỏ chương trình cấp sữa miễn phí cho trẻ em từ 7-11 tuổi. Cho đến nay, nhiều người vẫn còn nhớ về vị bộ trưởng năm ấy: "Thatcher, kẻ cắp sữa" (Thatcher, milk snatcher).
Ảnh: Daily Mail.
Ảnh: Daily Mail.
Chính sách đối nội của chính quyền bà vẫn còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế. Các cam kết về chính sách xã hội vẫn gây nhiều phản đối và thiếu lòng tin từ công chúng. Tình thế thay đổi, từ "kẻ cắp sữa" trong quá khứ, Thatcher trở thành người hùng nước Anh sau một cuộc chiến.
Khi hạm đội Argentina tiến vào đánh chiếm quần đảo Falkland ngày 2/4/1982, Anh đã phản ứng gay gắt. Không một chút do dự, kể cả sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ngỏ ý về một kế hoạch hòa bình. Quý bà Thatcher bật đèn xanh cho quân Anh phản công, chiếm lại quần đảo Falkland mà Argentina sớm đã tuyên bố là của họ.
Quân Anh đánh chìm chiến hạm Belgrano của Argentina ngoài khơi quần đảo Falkland. Ảnh: AP.
Quân Anh đánh chìm chiến hạm Belgrano của Argentina ngoài khơi quần đảo Falkland. Ảnh: AP.
Hạm đội Anh gồm 38 tàu chiến, 77 tàu phụ trợ và 11.000 binh lính, hải quân và lính thủy đánh bộ được điều động đến Falkland. Ngày 14/6/1982, quân Argentina chính thức đầu hàng sau 74 ngày chiến đấu. Quần đảo Falkland quay trở về quyền kiểm soát của quân Anh.
Chiến hạm HMS Invincible trở về sau khi Anh tuyên bố chiến thắng trong chiến tranh Falkland. Ảnh: Royal Navy.
Chiến hạm HMS Invincible trở về sau khi Anh tuyên bố chiến thắng trong chiến tranh Falkland. Ảnh: Royal Navy.
Năm 2013, một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, định đoạt số phận của Falkland hay người Argentina gọi là Malvinas. Không lạ gì khi có tới 99,8 % số phiếu quyết định giữ nguyên cái tên Falkland và thuộc về nước Anh, bởi hơn 90% dân số tại đây là người Anh, đã di cư đến đây sinh sống từ nhiều đời. Ngày nay, cư dân đảo Falkland cứ mỗi ngày 10/1 hàng năm đều tổ chức Ngày Margaret Thatcher để tri ân đến cố thủ tướng Thatcher trong cuộc chiến tranh năm đó.
Sau chiến thắng Falkland, người dân Anh hướng đến một cuộc tổng tuyển cử mà dường như họ đều biết bà Thatcher và Đảng Bảo thủ sẽ nắm chắc phần thắng.
Trước thềm bầu cử năm 1983, viện nghiên cứu Harris Research Centre tiến hành các khảo sát. Trong đó, khi được hỏi lý do tại sao các cử tri bầu cử cho Đảng Bảo thủ, yếu tố "Quý bà Thatcher" chiếm đến 46%. Lợi thế cuộc tổng tuyển cử 1983 hoàn toàn nghiêng về phía Thatcher, bà thủ tướng sau đó tiếp tục nhiệm kỳ hai với cương vị này.
Margaret Thatcher trong chuyến thăm đến Falkland năm 1983. Ảnh: Rare historical photos.
Margaret Thatcher trong chuyến thăm đến Falkland năm 1983. Ảnh: Rare historical photos.

NỘI BỘ ĐẢNG BẢO THỦ: MỘT NỬA NƯỚC ANH CỦA THATCHER

Sau Chiến tranh Falkland, tín nhiệm người dân Anh dành cho Thatcher ngày càng cao, tuy vậy, một nửa lòng tin còn lại nằm ở chính nội bộ của Đảng Bảo Thủ.
Mối quan hệ giữa bà thủ tướng và các thành viên nội các ngày càng chia rẽ sâu sắc do bất đồng quan điểm, nổi bật là câu hỏi đặt ra cho tương lai của nước Anh đối với nội khối châu Âu. Sớm trở thành một đòn đau đối với Thatcher.
Ngược dòng lịch sử, Ngày 25/3/1957, đại diện sáu quốc gia châu Âu ký kết hai hiệp ước tại Rome: một cho thành lập Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử châu Âu (Euratom); hai cho thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC). Năm 1967, Euratom và EEC, kể cả Cộng đồng Than Thép châu Âu (ECSC ) thành lập năm 1951 trước đó, sáp nhập và trở thành Cộng đồng châu Âu (EC). Năm 1992, Hiệp ước Maastricht được phê chuẩn, đổi tên thành Liên minh châu Âu (EU) cho đến ngày nay.
Trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 1975, 65% là tỷ lệ mà người dân Anh đồng ý nước Anh ở lại EEC. Bà Thatcher cũng từng đã bỏ phiếu "có" trong cuộc trưng cầu năm ấy.
Bà Thatcher - lãnh đạo Đảng Bảo thủ rời một điểm bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý quyết định Anh nên rời đi hay ở lại EEC vào ngày 5/6/1975. 
Ảnh: Bettman/CORBIS.
Bà Thatcher - lãnh đạo Đảng Bảo thủ rời một điểm bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý quyết định Anh nên rời đi hay ở lại EEC vào ngày 5/6/1975. Ảnh: Bettman/CORBIS.
Tuy vậy, hơn 11 năm tại Phố Downing, Thatcher đã khiến các nhà lập pháp châu Âu rất mệt mỏi vì dường như quý bà làm chệch hướng con đường thống nhất nội khối châu Âu. Họ đã nghĩ nhầm về bà Thatcher.
Ngày 30/11/1979, một người "mới", lần đầu tiên tham gia hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia thành viên EEC. Tại đó, bà thủ tướng không ngần ngại chia sẻ quan điểm của mình về chuyện đóng góp của nước Anh và cái họ nhận lại.
Chúng tôi không yêu cầu một xu một cắc nào từ Cộng đồng (EC). Thứ chúng tôi yêu cầu là hoàn trả lại khoản tiền rất lớn mà nước Anh đã đóng góp
Margaret Thatcher phát biểu trong hội nghị tại Dublin (29/11/1979)
Thực tế, nước Anh đã đứng ngoài cuộc chơi ngay từ buổi đầu thành lập EEC, năm 1957. Bởi họ đã không tìm thấy bất kỳ lợi ích nào trên bàn đàm phán.
Sau này, "Năm châu Phi" đã làm lung lay vị thế của nước Anh, và kể cả trước đó, cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956 khiến nước Anh rơi vào tâm lý bị bỏ rơi bởi một đồng minh mạnh mẽ - Hoa Kỳ, khi nước này từ chối đề nghị của Anh - Pháp trong nỗ lực tái quản trị kênh đào Suez khi chính phủ Ai Cập tiến hành quốc hữu hóa nó.
Những năm 60 cũng cho thấy dấu hiệu tăng trưởng kinh tế đáng kể của EEC. Nước Anh ngoảnh lại và cố tìm lại thứ họ đã bỏ lỡ trên chiếc bàn đàm phán năm ấy, thúc đẩy Thủ tướng Harold Macmillan đệ đơn để Anh chính thức gia nhập EEC năm 1973. Việc tham gia khối là cơ hội để thị trường Anh đứng dậy và vượt qua eo biển Manche, tiếp cận thị trường rộng mở và nhộn nhịp hơn.
Đóng góp nhiều là vậy nhưng nước Anh chưa thể nhận lại cái họ cần, bởi việc đứng ngoài cuộc chơi từ ban đầu khiến Anh không thể tạo ra luật chơi riêng. Các luật chơi của EEC chỉ làm lợi cho các quốc gia với các ngành nông nghiệp trọng yếu, điển hình là Pháp. Trong khi cái mà người Anh cần là công nghiệp thép và sản xuất ô tô.
Nhiều người cũng cho rằng bà Thatcher đã đẩy chủ nghĩa hoài nghi châu Âu (Euroscepticism) lên cao trào. Họ không thể ngờ rằng, người đàn bà từng ủng hộ sự hình thành của một thị trường chung châu Âu, nơi mà các rào cản về thương mại bị xóa nhòa, một người từng nói "có" trong cuộc trưng cầu dân ý năm 75 lại có thể đổi ý nhanh đến vậy.
Tại hội nghị các nhà lãnh đạo châu Âu tại Fontainebleau, Pháp năm 1984. Thatcher không hề nao núng, đàm phán để "hạ giá" khoản tiền mà nước Anh sẽ phải đóng góp, bởi cứ tiếp tục thế này, nông dân Anh sẽ chịu thiệt. 
Ngày 25/6/1984, bà Thatcher tham dự hội nghị tại Fontainebleau, Pháp. Ảnh: AP
Ngày 25/6/1984, bà Thatcher tham dự hội nghị tại Fontainebleau, Pháp. Ảnh: AP
Tiếp tục cương vị thủ tướng ở nhiệm kỳ thứ ba sau chiến thắng ở cuộc bầu cử năm 1987, Thatcher càng thể hiện rõ quan điểm cứng rắn của mình đối với EEC. 
Bà Thatcher đối đầu trực tiếp với ông Jacques Delors - người Pháp, được bầu làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu năm 1985. Bà Thatcher không mặn mà gì với kế hoạch một đồng tiền chung, một ngân hàng trung ương, một ngân sách chung và một châu Âu kiểu liên bang của ông Delors. Cái mà bà Thatcher e ngại rằng nó sẽ làm loãng đi chủ quyền của các quốc gia và làm khó dễ các quốc gia thành viên trong việc thiết lập các chính sách kinh tế.
EEC trong quan điểm Thatcher, từ một mô hình kinh tế dần chạm đến các khía cạnh chính trị, thậm chí thách thức cả tương lai của nước Anh.
Bà Thatcher phát biểu tại College of Europe, Bruges, Bỉ ngày 20/9/1988. Bà Thatcher không ngần ngại phản đối  kế hoạch về một châu Âu kiểu liên bang. Ảnh: AP.
Bà Thatcher phát biểu tại College of Europe, Bruges, Bỉ ngày 20/9/1988. Bà Thatcher không ngần ngại phản đối kế hoạch về một châu Âu kiểu liên bang. Ảnh: AP.
Ông ấy (Delors) muốn Nghị viện châu Âu trở thành một cơ quan dân chủ của EC, Ủy ban sẽ trở thành cơ quan Hành pháp và Hội đồng Bộ trưởng là Thượng viện. Không! Không! Không!
Margaret Thatcher phát biểu tại Viện Thứ dân vào ngày 30/10/1990.
Tuy nhiên, quan điểm của Thatcher làm phật ý Ngoại trưởng Geoffrey Howe, một cánh tay đắc lực của bà thủ tướng. Ông Howe cùng nhiều thành viên đảng đều có quan điểm ủng hộ chính sách của Delors. Howe sau này quyết định từ chức vì không thể tiếp tục hợp tác với bà Thatcher.
Trước quan điểm của Thatcher, nước Anh như bị xẻ làm đôi và nội bộ Đảng Bảo thủ cũng vậy. Lần này, Thatcher tiếp tục bày tỏ ý chí tiếp tục tái tranh cử, bà giành được phiếu đa số của cử tri nhưng không thể giành được lòng tin của nội bộ đảng. Thatcher, người đàn bà không bao giờ quay đầu, lần này đã phải ngoảnh lại và chấp nhận sự thật.
Ngày 22/11/1990, quý bà Thatcher xuất hiện tại căn nhà số 10 Phố Downing. Đứng trước giới báo chí, Thatcher tuyên bố từ chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ lẫn chức Thủ tướng Anh sau hơn 11 năm cầm quyền. Bà xúc động nói: "chúng tôi rất hạnh phúc khi để lại một nước Anh tốt đẹp hơn rất nhiều, so với 11 năm rưỡi trước kia, thời điểm chúng tôi đến đây."
Tại tư dinh thủ tướng số 10 Phố Downing, bà Thatcher đã phát biểu bài diễn văn tuyên bố từ chức cương vị Thủ tướng Anh đồng thời lãnh đạo Đảng Bảo thủ sau hơn 11 năm cầm quyền. Ảnh: SEAN DEMPSEY/GETTY.
Tại tư dinh thủ tướng số 10 Phố Downing, bà Thatcher đã phát biểu bài diễn văn tuyên bố từ chức cương vị Thủ tướng Anh đồng thời lãnh đạo Đảng Bảo thủ sau hơn 11 năm cầm quyền. Ảnh: SEAN DEMPSEY/GETTY.

CÔ ĐỘC VÀ DI SẢN ĐỂ LẠI

Rời số 10 Phố Downing, quý bà Thatcher vẫn tiếp tục tham gia hoạt động chính trị nhưng chỉ lặng lẽ đứng từ xa. Những năm tháng này cũng là phút nghỉ ngơi để Thatcher quay về cuộc sống gia đình sau hơn 11 năm chạy theo quả bóng chính trị.
Nhà là nơi ta tìm về khi chẳng còn chút việc gì làm ta thú vị
Bà Thatcher có mặt từ rất sớm, tham dự lễ khai mạc quốc hội Anh vào ngày 20/6/2001. 
Ảnh: Bridgeman Images.
Bà Thatcher có mặt từ rất sớm, tham dự lễ khai mạc quốc hội Anh vào ngày 20/6/2001. Ảnh: Bridgeman Images.
Năm 2002, bà cho xuất bản cuốn sách cuối cùng của đời mình, đây là một món quà dành tặng cho người bạn - Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, mang tên Statecraft: Strategies for a Changing World (tạm dịch: Nghệ thuật Chính trị: Chiến lược cho một thế giới đang thay đổi). Trong cuốn sách, bà đưa ra các phân tích chính sách ngoại giao thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.
Bà Thatcher bên cạnh linh cửu của cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan năm 2004. Khi còn tại nhiệm, bà Thatcher và ông Reagan có cùng chung quan điểm bảo thủ cứng rắn, mối quan hệ giữa Anh - Mỹ  theo đó trở nên gắn kết hơn.
 Ảnh: Stephen Jaffe/AFP
Bà Thatcher bên cạnh linh cửu của cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan năm 2004. Khi còn tại nhiệm, bà Thatcher và ông Reagan có cùng chung quan điểm bảo thủ cứng rắn, mối quan hệ giữa Anh - Mỹ theo đó trở nên gắn kết hơn. Ảnh: Stephen Jaffe/AFP
Tồi tệ hơn khi vào năm 2003, ông Denis qua đời sau cơn bạo bệnh. Con gái bà - Carol kể rằng mẹ đã rất đau khổ, nhưng chứng mất trí của bà vẫn chối bỏ cái chết của ông. Thời gian sau, Thatcher liên tục trải qua các cơn đột quỵ nhẹ và không còn xuất hiện để phát biểu trước công chúng.
Bà Thatcher xúc động trong buổi lễ tưởng niệm người chồng quá cố Denis Thatcher, ảnh chụp ngày 30/10/2003. Ảnh: Toby Melville, Reuters.
Bà Thatcher xúc động trong buổi lễ tưởng niệm người chồng quá cố Denis Thatcher, ảnh chụp ngày 30/10/2003. Ảnh: Toby Melville, Reuters.
Đó cũng là mạch phim của The Iron Lady, xoay quay một Thatcher tuổi già với chứng mất trí, hồi ức về người chồng quá cố và những năm tháng làm chính trị khốc liệt.
Bà Thatcher xuất hiện tại một công viên năm 2012, nhìn những đứa trẻ đang đá bóng. Ảnh: Antony Jones.
Bà Thatcher xuất hiện tại một công viên năm 2012, nhìn những đứa trẻ đang đá bóng. Ảnh: Antony Jones.
Ngày 8/4/2013, Margaret Thatcher an nghỉ ở tuổi 87 sau cơn đột quỵ. Một nửa nước Anh yêu mến đã khóc thương cho sự ra đi của nữ thủ tướng vĩ đại, người mà họ tin rằng chỉ đứng thứ hai, sau cố Thủ tướng Winston Churchill.
Nhiều người đã đặt hoa tưởng niệm tại căn nhà riêng của Thủ tướng Thatcher.
Ảnh: Evening Standard
Nhiều người đã đặt hoa tưởng niệm tại căn nhà riêng của Thủ tướng Thatcher. Ảnh: Evening Standard
Trớ trêu thay, nửa còn lại ăn mừng nhảy múa khắp các tuyến đường phố, có người còn đặt lọ sữa tại nhà riêng của bà. Tương tự, các tờ báo tại Anh cũng chia ra hai kiểu tít trái ngược nhau, một bên là "người đàn bà đã cứu nước Anh", bên còn lại thì "người đàn bà đã xẻ làm đôi nước Anh."
Dòng người biểu tình ăn mừng trên Quảng trường Glasgow's George sau khi hay tin bà Thatcher từ trần. Ảnh: Getty Images.
Dòng người biểu tình ăn mừng trên Quảng trường Glasgow's George sau khi hay tin bà Thatcher từ trần. Ảnh: Getty Images.
Đứng một mình giữa đường rất nguy hiểm, giao thông từ hai phía sẽ làm bạn ngã xuống
Suốt hơn 11 năm rưỡi cầm quyền và tính cả những năm tháng trước đó, bà Thatcher đã chọn làm một chính trị gia của niềm tin, chẳng phải một chính trị gia của sự đồng thuận như bà đề cập "sự đồng thuận chỉ là quá trình rũ bỏ đi tất cả niềm tin, nguyên tắc, giá trị và chính sách. Nó là thứ mà không một ai tin và cũng chẳng ai phản đối". Điều đó là một sự đánh đổi, nhận lại chỉ một nửa nước Anh, lòng tin và ái mộ.
Bà Thatcher trong hội nghị của Đảng Bảo thủ tại Blackpool, ngày 13/10/1989. 
Ảnh: Johnny Eggitt, AF/Getty Images.
Bà Thatcher trong hội nghị của Đảng Bảo thủ tại Blackpool, ngày 13/10/1989. Ảnh: Johnny Eggitt, AF/Getty Images.
Người đời chỉ trích Thatcher vì sự hời hợt của chính phủ bà trong các vấn đề xã hội cũng như cái lắc đầu của bà về chủ đề đồng tính luyến ái. Hơn nữa, Thatcher dường như hành động rất ít để mở đường cho những phụ nữ khác tham gia vào chính trị và không đề cao quyền phụ nữ trong các chính sách của mình. 
Dẫu vậy, di sản của quý bà Thatcher cho đến nay vẫn tạo nhiều dấu ấn khó phai cho nền chính trị nước nhà. Hình ảnh của người phụ nữ quyền lực truyền cảm hứng cho các nữ lãnh đạo sau này như Theresa May, Liz Truss - dù ngắn ngủi. Bà Thatcher thậm chí trở thành hình mẫu cho các nữ chính trị gia trên toàn cầu, có thể kể đến cố Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto. Người đàn bà ấy và một học thuyết đã khởi động một hành trình mới cho nước Anh.
Bà Benazir Bhutto trong chuyến thăm đến Anh vào ngày 8/7/1989, Benazir đã gặp gỡ bà Thatcher tại vườn hoa hồng tại Chequers. Ảnh: PA Images.
Bà Benazir Bhutto trong chuyến thăm đến Anh vào ngày 8/7/1989, Benazir đã gặp gỡ bà Thatcher tại vườn hoa hồng tại Chequers. Ảnh: PA Images.
Chủ nghĩa Thatcher đã chèo lái nước Anh vượt qua những năm tháng khó khăn, "gây dựng một nước Anh đứng dậy và tiến lên, thay vì một nước Anh chỉ biết ngồi đó và chờ đợi". Hàng triệu người đã đứng lên và khởi nghiệp, theo sau là lời cảm ơn. Nếu không có lời cảm ơn đó, "thì chủ nghĩa Thatcher chỉ là một thứ lý thuyết", như bà từng nói. Vì vậy, dù nó đã chia cắt nước Anh nhưng ngày nay vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến hệ tư tưởng chính trị và mô hình kinh tế trên toàn cầu.
Trong quan hệ quốc tế, Thatcher tiên phong trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Liên Xô với phương Tây và Mỹ nhằm chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Bà Thatcher là lãnh đạo phương Tây đầu tiên bắt tay với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Bà Thatcher gặp gỡ ông Mikhail Gorbachev năm 1984, ba tháng sau ông trở thành lãnh đạo của Liên Xô.Ảnh: Sipa Press/Rex Features.
Bà Thatcher gặp gỡ ông Mikhail Gorbachev năm 1984, ba tháng sau ông trở thành lãnh đạo của Liên Xô.Ảnh: Sipa Press/Rex Features.
Bà Thatcher đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Anh - Trung, đặt bút ký Tuyên bố chung Anh - Trung năm 1984 để mở đường trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc đại lục vào năm 1997.
Năm 1997, bà Thatcher tham dự buổi lễ trao trả Hồng Kông. Nửa đêm, lá cờ Anh được hạ xuống lần cuối và dần kéo lên lá cờ của Trung Quốc, chấm dứt hơn 150 năm cai trị của người Anh tại Hồng Kông. Ảnh: AFP
Năm 1997, bà Thatcher tham dự buổi lễ trao trả Hồng Kông. Nửa đêm, lá cờ Anh được hạ xuống lần cuối và dần kéo lên lá cờ của Trung Quốc, chấm dứt hơn 150 năm cai trị của người Anh tại Hồng Kông. Ảnh: AFP
Thatcher chưa từng ngoảnh đầu nhìn lại phía sau và có lẽ đã sợ hãi khi phút chót chẳng còn ai. Chỉ còn lại nỗi cô độc ở cái tuổi già, đó là cái kết sau cùng cho cuộc đời của một nữ thủ tướng - người đàn bà của yêu và ghét.
Thủ tướng Anh David Cameron và bà Thatcher gặp gỡ báo chí trước bậc thềm tại tư dinh thủ tướng số 10 Phố Downing vào ngày 8/7/2010. Ông David (Đảng Bảo thủ), từng phát biểu: “Bà ấy đã cứu đất nước này”. Ảnh: Oli Scarff / Getty Images Europe
Thủ tướng Anh David Cameron và bà Thatcher gặp gỡ báo chí trước bậc thềm tại tư dinh thủ tướng số 10 Phố Downing vào ngày 8/7/2010. Ông David (Đảng Bảo thủ), từng phát biểu: “Bà ấy đã cứu đất nước này”. Ảnh: Oli Scarff / Getty Images Europe
Di sản của Thatcher là một sự phức tạp và mâu thuẫn, thứ di sản ấy giúp chúng ta chiêm nghiệm sự cân bằng mong manh giữa tham vọng và lòng trắc ẩn, giữa yêu và ghét, giữa đồng thuận và niềm tin sắt đá.
Nếu những người chỉ trích thấy tôi đi bộ trên sông Thames, họ sẽ nói rằng đó là vì tôi không biết bơi
Ảnh: Peter Jordan.
Ảnh: Peter Jordan.
Tài liệu tham khảo:
Ngoài những nguồn thông tin chính về tiểu sử kể trên, tác giả còn khai thác nhiều thông tin từ các bài báo chính thống Anh - Việt; những video bài phát biểu & phỏng vấn của bà Margaret Thatcher trong giai đoạn (1979-1990), đồng thời đến từ bộ phim The Iron Lady (2011).