Thời kỳ Xuân Thu, Trung Quốc loạn bởi tự xâu xé, tranh bá quyền với nhau, tới mức Khổng Tử phải than rằng “quân bất quân, thần bất thần, phụ bất phụ, tử bất tử” - Vua không ra vua, bề tôi không ra bề tôi, cha chẳng ra cha, con chẳng ra con. 
Xuân thu ngũ bá
Xuân thu ngũ bá
Câu hỏi lớn nhất của xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ là làm thế nào để ổn định lại trật tự xã hội. Để trả lời cho câu hỏi thời đại, Khổng Tử đã chế ra học thuyết Chính danh. 
Thuyết chính danh bắt nguồn từ câu nói của Khổng Tử: Danh có chính thì ngôn mới thuận. Ngôn có thuận thì sự mới thành. Trong “Luận ngữ – Tử Lộ”, học trò của Khổng Tử là Tử Lộ có hỏi thầy mình rằng: “Nếu vua Vệ mà giữ thầy lại, nhờ thầy coi chính sự thì thầy làm việc gì trước?”. Khổng Tử đáp: “Ắt phải chính danh”
Tử Lộ không biết chính danh là gì, Khổng Tử mới nói: “Anh thật là người không có giáo dục. Người quân tử không biết thì không nên nói bậy. Danh bất chính thì ngôn bất thuận. Ngôn bất thuận thì sự bất thành. Sự bất thành thì lễ nhạc không hưng khởi. Lễ nhạc không hưng khởi thì hình phạt không thích đáng. Hình phạt không thích đáng thì bách tính không biết làm gì mới đúng”. 
Tại đây Khổng Tử chỉ ra rằng mỗi người phải có danh chính đáng. Danh ở đây là chức vụ hoặc vị trí trong xã hội và con người có trách nhiệm thực thi, hoạt động làm sao cho phù hợp với danh đã có. Làm được những điều ấy thì trật tự xã hội tự khắc ổn định, mỗi cá nhân tập thể sẽ làm đúng với bổn phận và quyền hạn của mình. 
Nếu hành động không phù hợp với danh thì hành động đó đều trở thành vô nghĩa. Trọng dụng hiền tài là việc mà mỗi ông vua đều phải làm để có thể trị vì tốt một quốc gia. Nhưng tại sao Khổng Tử vẫn bắt ông ấy chính danh? Hãy nhìn vào tình cảnh của nước Vệ lúc bấy giờ. Thời đó, vua nước Vệ là Xuất Công Triếp chống cự lại với cha là Khoái Quý. Mà Khoái Quý chống lại mẹ của ông vì bà dâm loạn. Triếp lại được mẹ của Khoái Quý (bà nội) dựng lên để chống lại con của mình. Một đất nước cha không ra cha, con không ra con, vua không ra vua, tôi không ra tôi. Hơn nữa chức vị của mỗi người lại không tuân theo ước thúc đạo đức, danh vua có được không theo con đường chính đáng, do đó: vua nói thì thần bên dưới không nghe. Vậy nên muốn chiêu mộ được người hiền tài nói cách khác muốn giữ chân được những người như Khổng Tử ở lại thì việc đầu tiên vua nước Vệ cần phải làm đó chính là chính danh. 
Nếu danh đã được lập (một cách chính đáng) nhưng hành động bên ngoài không hợp với danh thì sao? Sách Mạnh Tử có đoạn chép rằng: Năm đó Tề Tuyên Vương có hỏi Mạnh Tử về câu chuyện Thành Thăng phạt Kiệt, Vũ Vương phạt trụ nhưng cả Thành Thang và Vũ Vương đều là thần còn Kiệt và Trụ là vua. Như vậy liệu có phải là không phù hợp với đạo quân thần?. 
Mạnh Tử đã trả lời như sau: “Cái nhân của nghịch tặc gọi là ‘tặc’. Cái nghĩa của nghịch tặc gọi là ‘tàn’ (trong tàn bạo). ‘Tặc’ và ‘tàn’ gọi là ‘nhất phu’ (độc tài hại dân). Xưa nay chỉ nghe giết kẻ ‘nhất phu’ là Trụ chứ chưa từng nghe giết vua”. 
Như vậy có nghĩa là nếu bậc quân vương không làm những việc xứng đáng với cái danh mà mình đang có thì khi ấy không còn là là bậc quân vương nữa, lúc này chỉ còn là một kẻ tàn bạo hại nước hại dân mà thôi. Cái danh mà người người hằng ao ước bị xóa bỏ thay bằng cái danh đời đời bị phỉ nhổ. 
Đó là câu chuyện chính danh của xã hội phong kiến xưa cũ còn đối với xã hội hiện đại thì sao? 
Chính (正) với ý nghĩa khởi thủy từ Giáp cốt văn biểu thị hình ảnh bước chân tiến về thành, ấp để “chinh” phạt những thành phố bất chính. Chính vì vậy mà chính 正 có nghĩa là thích đáng, hợp với quy chuẩn. 
Danh (名) gồm chữ tịch夕nghĩa là tối, khẩu口là miệng để gọi. Danh bản nghĩa chính là cái tên. Cái tên thì rất đỗi bình thường và dễ hiểu. Ở đời mọi sự vật, sự việc, con người,..tất thảy đều cần một cái tên nào đó để gọi. Thường sẽ đúng với bản chất. Ví dụ ta gọi “cái cày”, ai cũng sẽ hiểu rằng đó là một dụng cụ để cày ruộng. Ta nói “trời mưa”, mọi người sẽ đều tượng tượng ra được cảnh nước đang rơi xuống từ những đám mây trên trời,...
Thế nhưng với con người việc này lại khó khăn hơn rất nhiều. Người xưa đã dạy “Sinh con ra thì phải đặt tên”. Đó là danh - tên do cha mẹ đặt cho dùng để phân biệt người nọ với người kia trong xã hội, tựa như một dãn nhãn mặc định. Tuy nhiên con người lại là thực thể sống, một bản thể xã hội đa dạng muôn màu tồn tại trong xã hội phát triển. Chính vì vậy mà có nhiều cái danh khác nhau được sinh ra và mâu thuẫn cũng nảy sinh từ đây
Danh với bản chất là “mờ tối” đi cùng “chiếc mồm”, một thứ mờ mờ ảo ảo như người đi đêm, bởi vậy mà nói nhăng nói quậy như thế nào mà chẳng được, có ai nhìn thấy đâu. Vì vậy mà xuất hiện những vị “chủ tịch” trên mạng xã hội lúc nào cũng xuất hiện với “phông bạt” lung linh: cọc tiền xếp chồng, xế hộp, nhà sang. Danh thì hào nhoáng nhưng cái thực lại là trên răng dưới ca tút. Không một ai gọi kẻ này là “ngài chủ tịch”, mà chỉ gọi là tên hề rẻ tiền. 
danh ắt có vị, có vị ắt có lợi. Bởi thế mà cái tệ hám danh ra đời: tốt danh hơn lành áo. Ai ai cũng muốn mình có một cái danh đẹp, đua chen vì một chữ danh. Cha mẹ ép con học ngày học đêm, học bỏ quên bản thân mình để thành “học sinh giỏi”. Nhưng lại chẳng hề đoái hoài xem việc này có phù hợp với khả năng của con, thứ mình bắt nó học có đúng với tiềm lực cũng như nguyện vọng trong con hay không? Hay cái mình đang theo đuổi sẽ đem đến cho mình một cái danh sinh ra và nuôi dạy được những người con học giỏi. 
Muốn có được cái danh mà mình hằng mong muốn, được người khác công nhận thì chỉ có một con đường duy nhất chính là nỗ lực chính danh - hợp thức hóa danh và thực. Muốn được gọi là “ông giám đốc/ bà giám đốc” thì phải cần một lộ trình thăng tiến cụ thể cùng kế hoạch phát triển bản thân sao cho thực lực đủ để nhận được cái danh đó. Còn nếu thực không tương xứng, danh sẽ vẫn có nhưng nó sẽ không còn mỹ miều như trên mà sẽ là “thằng giám đốc”.
Danhthực hay chính danh bản chất không có gì khác ngoài sự phù hợp. Con người chúng ta là một xã hội thu nhỏ, một tiểu hành tinh trong vũ trụ. Cho nên sự phù hợp cũng là khác nhau. Bạn cho rằng bản thân mình có những yếu tố phù hợp để trở thành người bạn tốt nhưng lại chẳng thể hiểu nổi vẫn xuất hiện cơ số người chẳng muốn làm bạn với bạn. Đừng buồn, vì quan điểm sự phù hợp về bạn bè của bạn không khớp với quan điểm của người ta mà thôi. Cũng như vậy, trong mối quan hệ nam nữ, bạn nhìn thấy đối phương phù hợp với những yêu cầu và đặc điểm để trở thành một nửa của đời mình. Bạn nỗ lực để biến người ấy trở thành vợ/ chồng của mình. Nhưng đáp trả lại những cố gắng của bạn chỉ là bóng lưng đầy lạnh nhạt. Đừng ủ rũ, chỉ là những lần bạn nghĩ mình ghi điểm thành công trong lòng họ thực ra chẳng trùng vào bất cứ mục nào trong bảng phù hợp của họ cả. 
Người điều hành cũng có danh mục phù hợp đối với mỗi vị trí trong công ty của mình. Chính vì vậy, cùng một lĩnh vực cùng một vị trí,  mỗi công ty sẽ yêu cầu khác nhau. Bạn mang trong mình dù ít hơn hay nhiều hơn những giá trị mà công ty yêu cầu cũng chẳng được tuyển dụng. Điều này không phản ánh bạn có năng lực hay không có năng lực mà chỉ phản ánh bạn không phù hợp với yêu cầu đối với vị trí tuyển dụng của công ty đó mà thôi. 
Bạn yêu thích cây hoa hồng bởi vẻ đẹp kiêu sa, hương thơm tươi mát mà nó mang lại. Để thể hiện tình yêu của mình, bạn trồng nó trong phòng kín bảo vệ nó trước những tên tội phạm “ngắt hoa bẻ cành”. Bạn “nhân đạo” cho chúng mỗi ngày được tắm nắng 1 giờ đồng hồ. Dù được bao bọc cẩn thận như vậy nhưng cái chết vẫn tìm đến nó. Tình cảm trao đi không đúng cách, bạn sẽ là người tổn thương. Tình cảm trao đi không đúng cách, bạn sẽ gây phiền cho người khác. Và có thể ngoài bạn ra cũng đang có rất nhiều người tổn thương vì hành động của bạn. 
Học thuyết Chính danh là như thế, nó chẳng mất đi, nó vẫn là câu trả lời xác đáng cho những hiện tượng ngoài kia, những hiện tượng làm chúng ta khó có thể ngay lập tức tìm kiếm được đáp án.